Giáo dục mầm non
   Áp dụng mức thu học phí mới Phụ huynh nửa mừng, nửa lo
 

HÐND thành phố Hà Nội vừa thông qua đề án về mức thu học phí mới tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn, áp dụng mức thu tối thiểu theo khung học phí được quy định. Mức thu học phí thấp nhưng các vị phụ huynh vẫn lo ngại trước tình trạng phát sinh các khoản thu "tự nguyện" trong dịp đầu năm học mới.


Giờ học kể chuyện tại Trường Mầm non 20-10. Ảnh: ÐĂNG ANH


Ngày 11-7, HÐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của thành phố. Theo nghị quyết, từ năm học 2012-2013, mức học phí các bậc học mầm non, THCS, THPT, bổ túc, học nghề trong hệ thống giáo dục quốc dân của thành phố là 40 nghìn đồng/tháng đối với học sinh ở khu vực thành thị và 20 nghìn đồng/tháng đối với học sinh ở khu vực nông thôn. Ðây là mức thu tối thiểu theo khung học phí được quy định tại Nghị định số 49/2010/NÐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ.


Nhiều vị phụ huynh đón nhận thông tin này với tâm trạng nửa mừng, nửa lo. Chị Nguyễn Thị Thanh (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì) cho rằng, sự thống nhất mức thu học phí giữa các vùng của thành phố là cần thiết, với khu vực ngoại thành, mức thu học phí có tăng từ 18 nghìn đồng/tháng lên 20 nghìn đồng/tháng cũng không đáng là bao, vấn đề là liệu mức học phí mới có góp phần nâng cao được chất lượng đào tạo, cũng như hạn chế được những tiêu cực trong giáo dục hiện nay hay không. Một số người khác thì thẳng thắn cho rằng, thành phố cần xây dựng chính sách học phí để bảo đảm nâng cao đời sống giáo viên, để họ yên tâm giảng dạy, tránh tình trạng phụ huynh phải liên tục bị "huy động" nộp hàng chục khoản tiền khác nhau mỗi dịp đầu năm học.


Từ thực tế việc thu các khoản tiền đầu năm học trong thời gian gần đây, không ít phụ huynh lo ngại rằng, ngoài các khoản thu cố định, các khoản thu "tự nguyện" chắc chắn không giảm, dù lãnh đạo thành phố đã khẳng định, sẽ hỗ trợ ngân sách cho những trường bị ảnh hưởng tới nguồn kinh phí do điều chỉnh mức học phí, để bảo đảm kinh phí tổ chức các hoạt động dạy, học của đơn vị. Chị Nguyễn Ngọc Anh, có con học lớp 4 Trường tiểu học Kim Liên (Ðống Ða, Hà Nội) băn khoăn: Tôi rất vui khi thành phố quan tâm công tác giáo dục, nhưng chưa giảm học phí phụ huynh đã phải đóng rất nhiều khoản rồi, nay học phí giảm, không biết các khoản thu sẽ ra sao? Một phụ huynh có con học Trường mầm non Thành Công A cũng chia sẻ: "Chẳng biết học phí mới tăng giảm ra sao, nhưng tháng này, nhà trường vẫn thông báo tiền học, tiền ăn của các cháu lớp nhà trẻ là 1.350.000 đồng/tháng, trong đó tiền học 700 nghìn đồng/tháng, tiền bán trú 250 nghìn đồng/tháng, tiền ăn 400 nghìn đồng/tháng".


Không ít người lo ngại, khi mức thu học phí thấp, các trường sẽ "vẽ" ra nhiều khoản thu. Về vấn đề này, lãnh đạo một trường tiểu học trên địa bàn quận Ðống Ða cho rằng, khi đã làm quyết liệt, các trường sẽ không dám lạm thu. Tuy nhiên, có thể có trường do quá khó khăn vẫn tìm cách "lách luật" để thu thêm. Thí dụ như mỗi lớp chỉ được lắp số lượng bóng đèn, quạt trần nhất định, nhưng thực tế nhu cầu sử dụng cần đến nhiều hơn như vậy, trong khi kinh phí rót về cho trường chỉ có hạn. Do vậy, vẫn có những khoản đóng góp "tự nguyện" của phụ huynh để trang trải chi phí học tập cho các con.


Chính thức có hiệu lực sau khi thông qua, Nghị quyết của HÐND thành phố đã góp phần khắc phục sự chênh lệch trong mức thu học phí giữa các khu vực của thành phố bấy lâu nay. Ðây là chủ trương đúng, tuy nhiên, vẫn còn không ít băn khoăn. Hiệu trưởng Trường THPT Ðinh Tiên Hoàng Nguyễn Tùng Lâm nhận xét, việc đưa ra khung học phí thấp là chủ trương đúng, nhưng cũng cần quy định khung các khoản thu khác như tiền ăn trưa, tiền bán trú...


Còn PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh cho rằng, ngoài tiền học phí vài chục nghìn đồng/tháng, các trường thường thu thêm rất nhiều khoản tiền gọi một cách "lịch sự" là các khoản do nhà trường và cha mẹ học sinh "tự thỏa thuận". Trong khi điều mà các vị phụ huynh mong muốn, là ngành giáo dục cần xây dựng mức thu học phí theo hướng ngoài khoản đó ra, người học không phải đóng thêm một khoản nào khác.


Thực tế này đòi hỏi thành phố cần có những văn bản hướng dẫn và quản lý việc thu chi, nhất là các khoản đóng góp "tự nguyện" hoặc theo "thỏa thuận" giữa nhà trường và các vị phụ huynh một cách rành mạch, cụ thể, có sự kiểm soát chặt chẽ của các ngành chức năng trong công tác quản lý chi, thu, tránh để xảy ra tình trạng lạm thu tràn lan như những năm học trước, gây bức xúc trong dư luận.


Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội Nguyễn Thị Hồng Nga cho biết, với quyết định giảm mức thu học phí, thành phố cũng đề xuất xem xét, hỗ trợ ngân sách cho những trường bị ảnh hưởng tới nguồn kinh phí do điều chỉnh mức học phí, để bảo đảm kinh phí tổ chức các hoạt động dạy - học và sinh hoạt của đơn vị. Sở phối hợp Sở Tài chính tổ chức kiểm tra tại tất cả các nhà trường để xem xét, đề xuất mức bù chi từ ngân sách cho các trường một cách cụ thể, phù hợp.


Theo Nhân Dân

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Hợp lý chưa
Ngày gửi: 8/15/2012 10:15:15 AM

Mức thu học phí theo qui định này, nhà trường tính toán trả tiền công phục vụ bán trú từ 6h15 đến 17h cho các cô sẽ khoảng 350 đến 400 ngàn một tháng, chia ra các cô được trả một cháu/1 tháng là 7000 đồng, ( chăm sóc 60 bé một lớp mới được 7000 ngàn đấy, một lớp chỉ có 2 cô, làm tất tần tật các việc)lấy sức đâu mà phục vụ các cháu nhỉ?mức thu lỗi thời thế mà vẫn áp dụng, không hiểu nổi.Đề nghị các vị cán bộ lãnh đạo giáo dục dạy thử một tuần, 1 ngày các cháu mầm non xem sao.


guest
" Thỏa thuận" chiêu hay trốn luật
Ngày gửi: 7/1/2014 1:39:41 PM


Các khoản thu "thỏa thuận"giữa nhà trường và phụ huynh thực chất vẫn là khoản thu bắ buộc.Trường vẽ ra bao nhiêu thì phải đóng bấy nhiêu,phụ huynh ít ai có ý kiến mà có cũng chẳng thay đổi gì do quan ngại ảnh hưởng đến con em mình.Không còn tiền xây dựng thì lại có tiền tivi,điều hòa,học phẩm rồi lại có cả văn phòng phẩm.chẳng hiểu khác nhau chỗ nào.năm nào cũng thu đều 500 nghìn đồng.Nhà nước cần có quy định rõ hơn các khoản đóng.Thà quy định đóng rõ theo luật còn hơn đóng theo thỏa thuận.


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Giáo dục mầm non: Một năm khởi sắc (2/8)
 TP Hồ Chí Minh: Khó tuyển giáo viên tiểu học và mầm non (1/8)
 Giải quyết tình trạng thiếu trường mầm non công lập: Thực hiện phân tuyến tuyển sinh (31/7)
 Lớp học “oằn mình” vì quá tải (30/7)
 "Chăm lo giáo dục mầm non là sự ưu việt của chế độ" (27/7)
 Hải Dương hoàn thành phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi (26/7)
 Trường mầm non công lập Hà Nội Khắc phục tình cảnh “manh chiếu hẹp”! (25/7)
 PCGDMN trẻ 5 tuổi: Xóa điểm yếu vốn có của giáo dục mầm non (24/7)
 Hà Nội cải tạo, xây mới 724 trường mầm non (19/7)
 Nghịch lý thiếu, thừa (18/7)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i