Giáo dục mầm non
   “Loạn” trường mầm non không phép
 

Không đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, vệ sinh ăn uống, an toàn cho con trẻ nhưng nhiều trường mầm non không phép vẫn cứ vô tư hoạt động trên địa bàn TP.HCM.


Do các trường mầm non công lập không đáp ứng nhu cầu đi học của các bé nên trường mầm non không phép mọc lên như nấm. Ảnh TN


Vô tư mở lớp
Cho con đi học đầy đủ, chuyên cần tại một trường mầm non trên địa bàn P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân nhưng khi hoàn thành chương trình lớp lá thì gia đình anh T không nhận được giấy chứng nhận tốt nghiệp mầm non của trường. Đến lúc này gia đình anh T mới biết trường mầm non này không được phép cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp mầm non vì hoạt động chui.


Trong khi đó, tại khu vực gia đình anh ở lại rộ lên tin đồn, chỉ có cháu nào có giấy chứng nhận tốt nghiệp mầm non mới được đi học tiểu học khiến gia đình anh T rất lo lắng. "Lúc này gia đình nháo nhào đi hỏi thực hư sự việc mới biết Sở GD&ĐT TP.HCM chưa có quy định trẻ không có giấy chứng nhận mầm non thì không được đi học tiểu học nên cháu nhà mình mới "bình an" đến tận bây giờ", anh T bức xúc.


May mắn hơn là trường hợp của nhiều phụ huynh tại trường mầm non ABC (Q.12) phát hiện kịp thời trường không phép sau khi cho con học được nửa năm. Một phụ huynh có con gửi tại trường này cho biết, trường có biển hiệu ghi rõ ràng là trường mầm non nên rất tin tưởng. Sự việc chỉ bị vỡ lở khi những bảo mẫu của trường đòi nghỉ việc vì trường sử dụng thức ăn bị ôi thiu cho trẻ. Lúc này, Phòng Giáo dục Q.12 vào cuộc và qua kiểm tra mới biết, trường này chưa có giấy phép hoạt động, không có giáo viên và chỉ có chủ trường cùng 5 bảo mẫu. Sau đó, trường đã bị đình chỉ đóng cửa.


Có thể nói, các cơ sở tư nhân giữ trẻ không đủ điều kiện về cơ sở vật chất hiện "mọc như nấm sau mưa". Vừa bước chân vào một nhà trẻ tư trên đường Lê Thị Hồng (P.17, Q.Gò Vấp), một chị đã đon đả mời: "Gửi con hả em? Đến đúng chỗ rồi đó, ở đây chị giữ hơn 20 cháu từ 1 - 5 tuổi, giá cả cũng thấp, chị trông từ 7h sáng đến 7h tối, tha hồ mà đi làm...". Thấy tôi còn phân vân, chị nói thêm: "Ở đây cũng dạy cả trẻ học chữ nữa đấy, có con bé lớn nhà chị đang học đại học mà, em yên tâm". Quan sát bên trong thấy, phòng rộng chừng khoảng 20m2, thiếu sáng, nóng bức, bếp ăn cao chừng 1m và ngay cạnh là nhà vệ sinh, ở ngoài cửa được chặn bằng những song gỗ để trẻ khỏi bò ra ngoài đường. Khi chúng tôi lắc đầu ra về, chị tỏ vẻ tiếc nuối.


Cách đó khoảng 200m cũng là một cơ sở tư nhân. Ngôi nhà này rộng hơn, khoảng chừng 30m2, làm phòng sinh hoạt cho khoảng 5 - 6 trẻ từ 1 - 3 tuổi. Cùng 1 nồi bột, bà N khoảng 50 tuổi ngồi bón cho tất cả lũ trẻ. Chỉ vào một em bé đang mếu máo, không chịu ăn, bà N nói: "Lính mới đấy cô ạ, rồi 2 - 3 bữa lại quen ngay thôi".


"Chủ yếu là con em của những gia đình đi làm phụ hồ, công nhân không có điều kiện giữ con nên tôi mới mở lớp này. Ông nhà tôi mang tiếng là tổ trưởng tổ dân phố nhưng lương cũng ba cọc ba đồng, thời gian thừa cũng nhiều nên phụ tôi chăm mấy đứa nhỏ", bà N cho biết thêm.


Khó dẹp
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, đi thực tế mới thấy những cơ sở hoạt động không phép điều kiện nuôi dạy rất tệ. Diện tích chật chội, không có đồ chơi và các phương tiện vệ sinh, phương tiện bảo toàn tính mạng cho học sinh nên rất dễ xảy ra tai nạn. Đáng lo ngại là chế độ ăn uống của học sinh không đạt yêu cầu, chỉ có một người vừa nấu ăn, vừa trông coi. Do đó, trẻ mới nghịch ngợm, lê la, tự ăn, tự đi vệ sinh... Điều đáng nói là, sổ sách họ không làm đầy đủ, sổ thanh toán thực đơn không có hoặc nếu có thì lại để trên máy tính chứ nhất định không chịu in ra.


Song, hầu hết các cháu được gửi tại những trường mầm non không phép đều có cha mẹ là những lao động nghèo, công việc không ổn định nên gửi tại những trường này có thể gửi sớm, đón trễ, thích nghỉ ngày nào thì nghỉ. Bởi vậy, rất khó để dẹp được những cơ sở này. Vì sau khi gỡ biển xuống, phụ huynh học sinh lại đến nài nỉ cho con được tiếp tục đi học. Do đó, không cần trưng biển, cơ sở vẫn hoạt động, còn phía UBND phường thì nghĩ rằng, đã đóng cửa được một trường mầm non không phép.


Trong khi đó, các trường mầm non công lập còn rất hạn chế để có thể đáp ứng được tất cả nhu cầu đi học của các cháu trên địa bàn TP. Hiện TP mới chỉ có 780 trường mầm non được cấp phép, 1.900 nhóm lớp với hơn 300.000 trẻ em. Bên cạnh đó, còn khoảng 12 phường và các khu công nghiệp chưa có trường mầm non công lập. Do đó, Sở cũng khuyến khích các cá nhân mở trường tư thục nhưng phải đảm bảo các điều kiện như giáo viên phải có bằng cấp, chấp hành quy chế chuyên môn. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý, nhẹ là phạt hành chính, nặng nhất là đóng cửa.


Theo Infonet

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 ĐBSCL:Thiếu trường chuẩn quốc gia (5/11)
 Tiếp tục tìm giải pháp hiệu quả trong phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi (1/11)
 Giáo dục mầm non 5 tuổi –từng bước phổ cập và phổ cập một cách vững chắc (31/10)
 Cần Thơ: nhiều xã, phường chưa có trường mầm non (30/10)
 Xây trường chuẩn quốc gia: Có tiền - không đất, có đất - không tiền (29/10)
 Dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ mầm non (26/10)
 5 tiêu chuẩn của trường chất lượng cao (25/10)
 Chế độ phụ cấp nhà giáo - Nhiều bất cập, thiếu công bằng (24/10)
 Trường chất lượng cao có thực sự chất lượng? (23/10)
 Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi vào năm 2015 (22/10)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i