Giáo dục mầm non
   Phổ cập mầm non 5 tuổi ở Quảng Ngãi: Nhiều vướng mắc chưa thể tháo gỡ
 

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã tận dụng các nguồn lực hỗ trợ để tập trung đầu tư phát triển giáo dục. Hệ thống cơ sở vật chất bậc học mầm non và phổ thông không ngừng được đầu tư khang trang, quy mô trường lớp ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu đến năm 2015 hoàn thành và đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, thì Quảng Ngãi cần kịp thời giải quyết các vướng mắc và đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp cho bậc học MN, đặc biệt là tại các địa phương vùng bãi ngang ven biển, miền núi.


Những giải pháp từ chính quyền?
Theo phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT Quảng Ngãi) thì hiện nay bậc học MN của tỉnh Quảng Ngãi gặp phải 3 vướng mắc lớn chưa được giải quyết. Đó là, có đến 337 điểm trường trong tổng số 132 trường chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nên gây khó khăn trong đầu tư xây dựng. Số phòng học dành cho lớp mẫu giáo 5 tuổi theo đề án phổ cập GDMN còn thiếu hơn 520 phòng học. Hiện toàn tỉnh còn có hơn 103 phòng học MN 5 tuổi gắn với trường tiểu học và 2 đơn vị trường MN đang nhập cùng với trường tiểu học. Trong khi đó, nguồn vốn kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất còn rất ít, phòng học đã thiếu nay phải đối mặt với tình trạng xuống cấp đồng loạt.


Do thiếu phòng, lớp học nên nhiều địa phương chỉ huy động được số lượng trẻ vào trường mẫu giáo


Ông Nguyễn Minh Sơn -Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Sơn trăn trở: Việc đầu tư xây dựng trường mầm non gặp khó khăn do trường chưa được cấp đất. Có những trường điều kiện giảng dạy không đảm bảo nhưng không thể đầu tư xây mới vì chưa có GCNQSDĐ. Nguồn kinh phí buộc phải chuyển sang đầu tư ở trường khác.


Theo số liệu thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Bình Sơn, toàn huyện hiện có 36/117 điểm trường mầm non chưa được cấp GCNQSDĐ. Không chỉ ở Bình Sơn mà nhiều trường mầm non ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ. Ông Bùi Trưng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tịnh cho hay, nếu có GCNQSDĐ thì nhiều trường mầm non đã được đầu tư xây mới từ năm 2008 chứ không phải kéo dài tình trạng trường lớp ộp ẹp cho đến hôm nay. Toàn huyện Sơn Tịnh hiện có 15 trường chưa có GCNQSDĐ với tổng số 26 điểm trường. Bậc học mầm non trên địa bàn huyện hiện có đến 39 phòng học tạm, 36 phòng học nhờ.


Không chỉ gặp vướng mắc trong việc cấp giấy CNQSDĐ gây cản trở kế hoạch đầu tư xây dựng trường học, mà hiện nay tỉnh Quảng Ngãi còn gặp khó khăn khi thiếu kinh phí đầu tư cho giáo dục. Theo ông Đỗ Văn Phu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi thì hiện nay tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa có kế hoạch kinh phí đầu tư xây dựng phòng học năm 2013 cho lớp 5 tuổi, việc thực hiện xây dựng dựa vào các nguồn vốn khác thì rất ít, vì vậy không giải quyết được tình hình thiếu phòng học. Bởi vậy, tình trạng các cháu phải học nhờ, học ở phòng tạm sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ.


Những nỗ lực từ cơ sở

Là một trong 62 huyện nghèo của cả nước được triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, huyện miền núi Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi) đến nay đã xây dựng được một mạng lưới trường lớp mẫu giáo, mầm non được phân bố đều khắp các xã, thị trấn trong huyện. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi phục vụ các hoạt động học tập, vui chơi của trẻ trong vài năm gần đây ngày càng được tăng cường và cơ bản đáp ứng được các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ; tỷ lệ phòng học kiên cố dần được nâng cao đã tạo điều kiện rất lớn cho công tác chăm sóc, giáo dục đối với bậc học này.


Chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ sẽ được nâng cao khi hệ thống cơ sở vật chất đáp ứng và đảm bảo hoạt động


Đến Trường MG Sơn Thượng, Trường MN 17/3 và MN Họa My (thị trấn Di Lăng) của huyện, chúng tôi thấy hệ thống cơ sở vật chất trường lớp ở đây đã được tăng cường đầu tư xây dựng. Cô giáo Nguyễn Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường MG Sơn Thượng chia sẻ, cách đây 5 năm, xã có 6 lớp mẫu giáo nhưng chỉ có 3 phòng học, các em phải học ghép, cơ sở vật chất thiếu thốn nhiều. Đến nay các em được học ngày hai buổi, phòng học đầy đủ tiện nghi, các cháu có điều kiện vui chơi, học tập tốt hơn. Trường được đầu tư xây dựng từ năm 2010, với tổng kinh phí 2 tỷ đồng, trên diện tích 2.000 m2, có 3 phòng học, 2 phòng công vụ và 1 khu hiệu bộ.


Ông Đặng Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết: Hiện nay, 100% các xã của huyện có trường mẫu giáo. Toàn huyện có 145 phòng học mầm non thì có gần 130 phòng kiên cố, đạt chuẩn theo quy định. Đó là nhờ sự đầu tư của Nhà nước, sự ưu tiên ngân sách chi cho giáo dục và tập trung, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia như chương trình đầu tư cho các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, chương trình kiên cố hóa trường - lớp học của Chính phủ.


Ông Nguyễn Hữu Liệu, Phó trưởng Phòng giáo dục Sơn Hà cho rằng: Trong thời qua, để giáo dục mầm non phát triển địa phương đã tập trung ưu tiên đầu tư kinh phí theo đúng tiến độ trong đề án để xây dựng các cơ sở GDMN tại các xã. Tiếp tục tăng cường đầu tư trang thiết bị dạy học, từng bước xóa phòng học tạm bợ. Tăng cường công tác đào tạo giáo viên người dân tộc thiểu số. Đến nay, tỉ lệ trẻ 5 tuổi được huy động ra lớp đạt 90,3%, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đạt 74%.


So với các địa phương miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, huyện Sơn Tịnh có điều kiện thuận lợi hơn. Tuy nhiên, trong tổng số 21 xã, thị trấn thì Sơn Tịnh có đến 3 xã thuộc miền núi và 3 xã bãi ngang, ven biển có điều kiện hết sức khó khăn. Nhiều xã địa bàn rộng, hệ thống cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học còn thiếu trầm trọng. Công tác vận động, điều tra trẻ 5 tuổi vào lớp còn nhiều hạn chế.


Theo ông Bùi Trưng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tịnh thì nguồn lực để thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi đều "trông cậy" vào chương trình mục tiêu quốc gia, phối hợp lòng ghép với các nguồn vốn địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Ông Bùi Trưng cho biết, từ năm 2010 đến 2012, huyện đã triển khai xây dựng được 14 phòng học từ nguồn kiên cố hóa trường lớp học và 14 phòng học từ nguồn ngân sách địa phương và sự hỗ trợ từ các dự án. Hiện địa phương đã lập kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tại 17 điểm trường với tổng số 27 phòng học MN dành cho lớp 5 tuổi. Vì vậy, mong rằng tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng phòng học năm 2013 cho MN 5 tuổi đúng như kế hoạch.

 

Theo GD&TĐ

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Ba nhà giáo phố núi cùng chung một tấm lòng (23/11)
 Sơn La gặp nhiều khó khăn trong thực hiện Đề án PCGDMN 5 tuổi (22/11)
 Năm áp lực trên vai nhà giáo (21/11)
 Tạo động lực để nhà giáo gắn bó với nghề (20/11)
 Nghề giáo thật đặc biệt! (19/11)
 Quận Gò Vấp đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi (16/11)
 Góp phần phát triển GD mầm non thủ đô và cả nước (15/11)
 Ba giải pháp giúp trẻ hình thành kỹ năng sống (14/11)
 Sơn La: Phấn đấu hoàn thành Phổ cập GDMN 5 tuổi vào năm 2015 (13/11)
 Trường mầm non thiếu lớp học (12/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i