Giáo dục mầm non
   Trường mầm non tại các khu công nghiệp Thiếu và quá tải
 

Rất nhiều trường mầm non ở các huyện ngoại thành của Hà Nội hiện rơi vào tình trạng quá tải. Đặc biệt, tình hình càng trở nên gay gắt tại các khu công nghiệp (KCN), nơi có hàng nghìn công nhân ở khắp các địa phương về sinh sống, làm việc.


Do phòng học chật chội cho nên học sinh Trường mầm non Quang Minh B (huyện Mê Linh) phải kê bàn ghế ăn trưa tại hành lang. 

 

Đến cuối năm học 2015 - 2016, thành phố còn bốn xã trong tổng số 584 xã chưa đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, nguyên nhân chính là do chưa có đủ phòng học, dẫn đến xảy ra tình trạng quá tải trong các trường tiểu học, mầm non. Tại huyện Sóc Sơn, các trường mầm non Kim Lũ, Xuân Thu, sĩ số các lớp học thường lên đến 60 trẻ/lớp, thậm chí 70 trẻ/lớp. Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Hải, Hiệu trưởng Trường Mầm non Kim Lũ (xã Kim Lũ) cho biết, số lượng trẻ ở địa phương có nhu cầu đi học rất lớn, có khoảng hơn 1.400 trẻ, nhưng cơ sở vật chất của trường mới chỉ đáp ứng được 50% số trẻ có nhu cầu. Bên cạnh sự quá tải, thì học sinh cũng phải đối diện với môi trường học tập chưa bảo đảm, phòng học ở một số điểm lẻ bị ẩm thấp... Trong khi đó, định biên giáo viên được giao không đủ nhu cầu 2,2 giáo viên/lớp, lớp có 75 cháu chỉ có ba cô giáo chăm sóc. Lớp có từ 50 đến 55 cháu thì có hai cô. Tình trạng quá tải của trường chỉ có thể khắc phục bằng việc xây thêm một trường nữa, mới đủ đáp ứng nhu cầu gửi trẻ ở địa phương, nhưng cũng không đủ để đạt tiêu chuẩn theo quy định của trường mầm non là 35 trẻ/lớp.


Dù được đầu tư nhiều hơn Trường mầm non Kim Lũ, nhưng Trường mầm non Xuân Thu, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn cũng không tránh khỏi tình trạng quá tải so với nhu cầu thực tế. Cô giáo Trần Thị Vui, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, số trẻ hiện nay là 615 cháu nhưng chỉ có mười phòng học. "Thực tế nhu cầu của người dân còn cao hơn nhiều. Điều tra cho thấy, trẻ trong độ tuổi mầm non ở xã là 1.363 trẻ. Hiện nhà trường đang phải đáp ứng trung bình 60 trẻ/lớp".


Đối với một số địa bàn có KCN hoặc giáp ranh KCN, tình hình còn khó khăn hơn. Xã Quang Minh B (huyện Mê Linh) là một trong những xã có tỷ lệ tăng dân số cơ học rất nhanh, do gần kề KCN có quy mô lớn ngang với KCN Bắc Thăng Long. Ngoài nhu cầu gửi trẻ của người dân trong xã, thì số con em của công nhân muốn xin học trường mầm non công lập tại địa phương cũng tăng hằng năm. Cô giáo Lê Thị Bách, Hiệu trưởng Trường mầm non Quang Minh B, cho biết, trường có hơn 28 lớp thì bảy lớp phải học tạm phòng học của trường tiểu học Quang Minh B, chín lớp học tại điểm lẻ. Cô Bách chia sẻ, có những cặp vợ chồng trẻ đến trường xin gặp hiệu trưởng và khẩn khoản nhờ nhà trường nhận trông con, nếu không thì không biết gửi con ở đâu để đi làm. Vì chỗ ở tạm bợ, công việc ca kíp không ổn định thời gian, đồng lương chỉ có hạn, gửi con ở trường tư thục không đủ điều kiện... Nhiều năm làm hiệu trưởng, cô Bách hiểu và rất thương hoàn cảnh của họ, nhưng khó có thể nhận thêm học sinh, khi trường đang phải mượn tạm phòng học của trường tiểu học và chia nhỏ thành ba điểm.


KCN Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh) - KCN lớn nhất Hà Nội, bậc mầm non cũng chịu áp lực rất lớn trước nhu cầu gửi trẻ của cán bộ, công nhân đang làm việc tại KCN này. Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Anh Đinh Thị Hương cho biết, năm học 2014 - 2015 huyện đã đầu tư xây dựng một trường mầm non công lập của xã Kim Chung, một trường mầm non tư thục 12 nhóm lớp thuộc KCN Bắc Thăng Long, nhưng cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh. Huyện dự kiến sẽ xây dựng thêm Trường mầm non Kim Chung 2 để khắc phục tình trạng thiếu trường, lớp tại KCN này.


Chung quanh vấn đề này, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu cho biết, KCN Quang Minh hiện chưa có trường học cho con em công nhân làm việc tại đây. Huyện Mê Linh thấy rõ việc xây dựng trường học là hết sức cần thiết và đang đề xuất UBND thành phố đầu tư với quỹ đất đã được quy hoạch sẵn, vấn đề là thiếu vốn xây dựng. Rất mong thành phố quan tâm, hỗ trợ kinh phí để huyện xây dựng trường đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân trên địa bàn cũng như con em của nữ công nhân lao động, làm việc tại KCN.


Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội) Hoàng Thanh Hương cho biết, trong năm học 2016 - 2017, thành phố sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng trường mầm non tại các KCN, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, nhằm đáp ứng nhu cầu gửi con của gia đình công nhân.


Theo ND

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Hàng trăm giáo viên TP.HCM dạy không lương hơn một năm (3/11)
 Khoảng trống chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non (2/11)
 Khi công nhân chê trường mầm non công lập (1/11)
 Hà Nội: Thiếu trầm trọng trường học ở các khu đô thị (31/10)
 Giữ trẻ ngoài giờ: Giáo viên được hưởng tối đa 44 ngàn đồng/giờ (28/10)
 TP.HCM: Giáo viên mầm non giữ trẻ ngoài giờ chưa hề có khoản trợ cấp nào (27/10)
 Linh hoạt “giảm tải” bậc mầm non (26/10)
 Cơ sở giáo dục tăng cường biện pháp hạ thấp tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì (25/10)
 Dạy không lương hơn 500 giờ mỗi năm (24/10)
 Thí điểm giữ trẻ ngoài giờ: Phụ huynh "dài cổ" đợi (21/10)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i