Thay vì "diễn thuyết" về việc tại sao con phải rửa tay, phải che miệng khi ho, phải đội mũ bảo hiểm với những lời giải thích khó hiểu... bố mẹ hãy biến chúng thành những trò chơi để thu hút con.
Chúng ta luôn cố gắng dạy cho con những kiến thức về việc bảo vệ sức khoẻ và an toàn cá nhân, tuy nhiên không phải lúc nào bọn trẻ cũng chịu lắng nghe và ghi nhớ.
Thay vì đưa ra những bài diễn thuyết dài dằng dặc về việc tại sao con phải rửa tay, tại sao phải che miệng khi ho, tại sao phải đội mũ bảo hiểm và vô vàn những lời giải thích khó hiểu khác... chúng ta hãy biến chúng thành những trò chơi.
Vừa chơi vừa học một cách sinh động chắc chắn sẽ khiến các bé thích thú và ghi nhớ nhanh hơn những điều cha mẹ muốn truyền tải.
1. Vì sao chúng ta phải rửa tay sạch?
Việc hò hét bọn trẻ đi rửa tay sau khi chơi hay trước khi ăn luôn là cơn ác mộng của cha mẹ và của cả bọn trẻ. Cha mẹ cảm thấy mệt mỏi và bất lực khi bọn trẻ dường như không hề có ý muốn rửa tay dù đã nghe hàng nghìn bài diễn thuyết và lời đe doạ về việc lũ vi khuẩn trên tay nguy hiểm như thế nào. Bọn trẻ con thì ngán ngẩm vì không hiểu tại sao chúng cứ phải đi rửa tay một ngày "hàng trăm lần" trong khi tay chúng "hoàn toàn sạch sẽ" và không thấy bóng dáng bọn vi khuẩn ở đâu.
Thay vì những bài thuyết giáo hay những cơn thịnh nộ và khóc lóc, hãy cùng con chơi một trò chơi nhỏ dưới đây và chắc chắn từ giờ bọn trẻ sẽ rửa tay xong sạch sẽ trước khi bạn kịp nhớ ra và giục chúng đi rửa tay.
Chơi thế nào?
Thoa kem dưỡng ẩm lên tay của trẻ rồi đổ một ít nhũ kim tuyến lên và yêu cầu trẻ xoa tay để kim tuyến dính đều trên khắp bàn tay. Sau đó hãy hướng dẫn trẻ đi bắt tay với mọi người, sờ vào nắm cửa, cầm các đồ vật, đồ chơi khác nhau. Lúc này bạn nhớ lưu ý trẻ về việc mọi người và các đồ vật đã bị dính kim tuyến từ tay trẻ như thế nào. Cuối cùng hãy đưa trẻ đi rửa tay, trẻ sẽ thấy rằng phải sử dụng rất nhiều nước ấm và xà phòng mới có thể làm sạch hết kim tuyến trên tay mình.
Khi chơi trò chơi, chúng ta hãy nói cho trẻ biết rằng vi khuẩn rất nhỏ và tuy chúng ta không thể nhìn thấy chúng nhưng chúng dính đầy trên tay và lan truyền ra khi chúng ta bắt tay hay sờ vào mọi vật giống hệt như kim tuyến vậy. Nhưng kim tuyến không làm chúng ta bị bệnh còn vi khuẩn sẽ khiến con bị ốm, cảm cúm, đau bụng, đau mắt và còn lan truyền bệnh cho mọi người nữa. Do đó chúng ta phải chăm chỉ rửa tay thật sạch và đúng cách để loại bỏ hết vi khuẩn trên tay.
2. Vì sao phải đeo dây đai an toàn khi đi xe?
Trẻ con thường hiếu động và cảm thấy rất gò bó khó chịu khi phải thắt dây an toàn trên xe ô tô hay đeo dây đai an toàn khi đi xe máy. Sử dụng các món đồ chơi sẵn có của trẻ để làm một thí nghiệm nho nhỏ xem tại sao chúng ta cần phải đeo dây an toàn khi đi xe.
Dùng chiếc ô tô đồ chơi của bé cùng một vài đồ chơi nhựa như hình người hay con vật. Đặt đồ chơi lên xe và hướng dẫn trẻ cho xe chạy nhanh, điều gì xảy ra khi chiếc xe đâm sầm vào tường hay vật chắn? Chắc chắn các món đồ chơi sẽ bị ngã khỏi xe.
Sau đó cha mẹ hãy giúp bé dùng dây thun buộc cố định đồ chơi vào chiếc xe và để bé thử lại thí nghiệm khi xe va chạm, lúc này người và vật không còn bị văng ra khỏi xe nữa.
Nói gì với trẻ?
"Khi chúng ta đi xe, mặc dù ba mẹ luôn lái xe rất cẩn thận nhưng tai nạn nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào, do đó chúng ta phải luôn đeo dây đai an toàn để đảm bảo con không bị ngã văng ra khỏi xe và bị thương cũng giống như các bạn đồ chơi này vậy."
3. Vì sao khi ho hay hắt xì chúng ta phải che miệng?
Khi ho hoặc hắt xì hơi chúng ta tạo ra một luồng gió nhẹ và khi đó các loại vi khuẩn có trong mũi, miệng kèm theo cả nước bọt và nước mũi của chúng ta sẽ theo luồng gió này bay ra khắp nơi.
Để trẻ có thể thấy được "luồng gió" này, bạn hãy để trẻ đứng trước gương và cầm một tờ khăn giấy mỏng để ở ngay mũi phủ xuống miệng, sau đó nói trẻ thử ho thật mạnh và quan sát xem khăn giấy bị thổi bay ra như thế nào.
Sau khi đã nhìn thấy "luồng gió" mang theo vi khuẩn, bạn hãy nói với trẻ rằng để cho vi khuẩn không bay ra xung quanh và lây bệnh cho mọi người thì chúng ta phải "bắt" chúng lại bằng cách sử dụng khăn hoặc bàn tay che miệng mỗi khi chúng ta ho hay hắt xì. Và nhớ dặn bé nếu bé che miệng bằng tay thì phải rửa tay sạch sẽ ngay sau khi ho nhé. Sau này thay vì nhắc trẻ che miệng khi ho, chúng ta chỉ cần nói "con nhớ bắt vi khuẩn lại nhé" là bé sẽ nhớ bài ngay.
4. Vì sao chúng ta phải uống nhiều nước?
Bọn trẻ thường hoạt động luôn chân luôn tay và ra rất nhiều mồ hôi nhưng lại lười uống nước vô cùng và chắc chắn bạn cảm thấy không hài lòng về việc này. Với một thí nghiệm nhỏ vô cùng hấp dẫn dưới đây, trẻ sẽ hiểu được tại sao chúng cần phải uống thật nhiều nước.
Hãy lấy 1 nhánh thân cần tây và để ở bên ngoài một vài giờ. Sau đó cắm nhánh cần tây vào ly nước có bỏ vài giọt phẩm màu đỏ và để qua đêm. Ngày hôm sau, lấy nhánh cần tây ra khỏi ly nước rồi cùng bé lột bỏ lớp vỏ bên ngoài của cần tây và cùng quan sát những tia nước màu đỏ đã đi "du lịch" lên khắp nhánh cần tây như thế nào?
Tại sao chúng ta lại thấy nước màu đỏ đầy bên trong nhánh cần tây, "bởi vì bạn cần tây bị khô và quá khát nước nên cần tây đã uống đầy nước vào người mình, nó giống như khi con chạy nhảy, hoạt động và ra rất nhiều mồ hôi, lúc này cơ thể con cũng bị khô và cần phải uống rất nhiều nước. Nước sẽ đi từ miệng con, xuống tới các cánh tay, xuống tới tận các ngón chân để cung cấp đầy đủ nước cho cả cơ thể giống như là nhánh cây này vậy."
5. Vì sao phải đội mũ bảo hiểm?
Khi đi ra đường chúng ta đều phải sử dụng mũ bảo hiểm để đảm bảo an toàn và bảo vệ đầu, tuy nhiên mũ bảo hiểm thường nặng và khó chịu khiến bọn trẻ cảm thấy thật phiền phức. Sử dụng một cục đất nặn và một quả trứng nhựa làm ví dụ, bạn sẽ giúp trẻ hiểu rõ hơn lý do vì sao chúng ta phải luôn đội mũ bảo hiểm khi đi xe thông qua trò chơi thú vị này.
Tất cả chúng ta đều biết rằng đất sét rất dễ thay đổi hình dạng khi bị tác động vào (bóp, nhào nặn, cắt...). Hãy hướng dẫn trẻ cho một miếng đất nặn vào quả trứng nhựa và đậy lại sau đó để bé cầm quả trứng ném đi, đánh rơi xuống đất, lăn tròn hay thậm chí dùng một quyển sách đập lên trứng.
Cuối cùng bạn cùng bé mở trứng ra và quan sát hình dạng của miếng đất nặn, lúc này đất nặn vẫn còn giữ nguyên hình dạng như ban đầu do đã được quả trứng bảo vệ. Điều này cũng giống như khi chúng ta đội mũ bảo hiểm để bảo vệ đầu vậy, khi đó nếu chúng ta bị ngã hay bị vật gì rơi vào đầu thì sẽ không gặp nguy hiểm. Vì vậy chúng ta phải luôn ghi nhớ đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, xe đạp ở ngoài đường nhé.
Nguồn Afamily