Tâm lý
   Cách khơi niềm đam mê học tập ở trẻ
 

Các nghiên cứu cho thấy, một trong những cách khơi niềm đam mê học tập ở trẻ đơn giản nhất là chọn các chủ đề chúng quan tâm.

 

Các hoạt động có thể khiến trẻ hào hứng hơn với việc học.

Trẻ em có trí tò mò bẩm sinh. Trẻ háo hức khám phá thế giới xung quanh, tiếp thu thông tin và kỹ năng mới. Tuy nhiên, ở đâu đó, niềm yêu thích học hỏi tự nhiên này thường bị mất đi.

Nhiều em lớn lên có xu hướng không thích và thậm chí là sợ đến trường cũng như tiếp thu những điều mới.

Song, người lớn có thể khơi niềm đam mê học tập ở trẻ bằng một vài chiến lược đơn giản. Với những bí quyết này, phụ huynh sẽ biết cách nói chuyện với trẻ để giúp con mình phát triển sự tự tin, động lực và thái độ đối với việc học.

Giúp trẻ khám phá sở thích và đam mê

Một cách để khơi dậy niềm yêu thích học tập là giúp trẻ khám phá và tìm hiểu các chủ đề mà chúng quan tâm. Các nghiên cứu cho thấy, trẻ thường hứng thú với việc học hơn khi được chọn các chủ đề chúng quan tâm. Sally Reis - Phó Giáo sư Tâm lý Giáo dục tại Trường Đại học Connecticut (Mỹ) - giải thích, chìa khóa để mở ra tiềm năng của một đứa trẻ là tìm và phát triển sở thích của trẻ.

Cha mẹ hãy nói chuyện với trẻ về những gì con đang làm, đọc, xem và học. Cho trẻ tiếp xúc với những trải nghiệm khác nhau như tới bảo tàng, sân khấu biểu diễn, sở thú... Phụ huynh cũng có thể giúp trẻ xem sách với nhiều chủ đề khác nhau từ thư viện. Tất cả những hoạt động này có thể giúp cha mẹ tìm kiếm và khơi dậy sở thích của con mình. Khi đã xác định được con mình thích gì, hãy cung cấp tài nguyên để giúp trẻ khám phá thêm về những sở thích đó.

Cung cấp kinh nghiệm thực hành

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, học thực hành là hiệu quả nhất đối với trẻ em. Khi di chuyển, chạm và trải nghiệm, trẻ sẽ học tốt hơn. Hầu hết trẻ em chỉ đơn giản là không thích đọc sách giáo khoa, sao chép ghi chú hoặc học thuộc lòng. Tuy nhiên, trải nghiệm và các hoạt động thực hành sẽ khơi dậy sự quan tâm và trí tưởng tượng của trẻ.

Cha mẹ có thể cung cấp thêm cho trẻ cách học phong phú tại nhà. Nếu trẻ đang học về các loài động vật sống dưới nước, phụ huynh hãy đưa con đi thăm một bể cá. Nếu trẻ đang tìm hiểu một nghệ sĩ nào đó, hãy đưa con đến bảo tàng để xem tác phẩm của người đó. Những trải nghiệm này sẽ giúp trẻ học tập một cách hiệu quả. Đồng thời, mang lại cho trẻ những trải nghiệm tích cực và thú vị khi học tập.

 

Cha mẹ nên chia sẻ với trẻ về niềm đam mê của mình.

Khiến việc học trở nên thú vị

Ngay cả những môn học tưởng chừng khô khan cũng có thể trở nên thú vị hơn thông qua các bài hát, trò chơi hoặc một số hoạt động sáng tạo. Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể kết hợp các dự án nghệ thuật, âm nhạc hoặc hoạt động sáng tạo vào bất kỳ chủ đề học thuật nào. Tạo một bài hát về vòng tuần hoàn của nước hoặc viết một câu chuyện dưới góc nhìn của một con nòng nọc khi nó biến thành một con ếch. Đôi khi, chỉ cần sử dụng sự hài hước hoặc kể một câu chuyện thú vị liên quan đến chủ đề học cũng có thể khiến cho trải nghiệm thú vị hơn với trẻ.

Một cách khác để làm cho việc học trở nên thú vị hơn là sử dụng “giải lao não”. Thời gian nghỉ ngơi của não thường là những hoạt động ngắn. Những hoạt động đó phá vỡ sự đơn điệu hoặc khó khăn của một bài học, hay nhiệm vụ. Nhờ đó, giúp trẻ trở lại công việc với cảm giác tràn đầy năng lượng và dễ dàng tập trung. Khi bắt đầu thấy việc học vui hơn và bớt căng thẳng hơn, tình yêu học tập của trẻ sẽ lớn dần.

Thể hiện niềm đam mê

Phụ huynh hãy là một tấm gương tuyệt vời cho trẻ, bằng cách nhiệt tình khám phá những sở thích và đam mê của chính mình. Hãy chứng tỏ rằng, cha mẹ đam mê học hỏi. Nếu có thời gian và nguồn lực, phụ huynh thậm chí có thể tham gia một khóa học về những thứ bản thân quan tâm như: Nấu ăn, nhiếp ảnh, văn học…

Cha mẹ nên nói chuyện với con về những gì mình đang học. Trong đó, gồm các khía cạnh như những thách thức, sự hào hứng, cách áp dụng điều đã học vào cuộc sống… Ngay cả khi không thể tham gia lớp học, các phụ huynh cũng có thể đọc sách hoặc xem video để tìm hiểu thêm về chủ đề mà mình quan tâm. Việc thể hiện sự nhiệt tình học tập của cha mẹ sẽ giúp khơi dậy niềm đam mê này trong trẻ.

Thảo luận, không phải bài giảng

Hãy biến việc học trở thành một cuộc trò chuyện mà trẻ có thể tham gia một cách tích cực, chứ không chỉ là một bài giảng mà con phải tiếp nhận một cách thụ động. Khi trẻ thể hiện sự tò mò bằng cách đặt câu hỏi, cha mẹ hãy cố gắng hết sức để trả lời. Ngay cả khi câu hỏi có lạc đề, điều đó cũng thể hiện sự quan tâm của trẻ.

Nếu không biết câu trả lời, việc cha mẹ và trẻ khám phá cùng nhau có thể là một trải nghiệm thú vị và đáng nhớ. Phụ huynh cũng có thể mở rộng cuộc trò chuyện bằng cách tự đặt câu hỏi mở. Bắt đầu câu hỏi bằng những cụm từ: “Tại sao”, “Làm thế nào” hoặc “Điều gì sẽ xảy ra nếu…?”. Những câu hỏi này có thể đưa trẻ lên cấp độ cao hơn về tư duy phản biện và giải quyết vấn đề.

Hỗ trợ và khuyến khích

Một lý do khiến nhiều trẻ em đánh mất niềm yêu thích học tập là chúng bắt đầu gắn việc học với sự lo lắng và áp lực. Trẻ lo lắng về việc bị điểm kém, trả lời sai câu hỏi hoặc trượt bài kiểm tra.

Khi việc học chỉ là vì kết quả, điều đó không còn thú vị nữa. Cha mẹ hãy tìm hiểu thêm về quá trình và nỗ lực mà trẻ đã bỏ ra cho việc học. Điều quan trọng là phải dạy trẻ rằng, thành công không phải là kết quả của những khả năng bẩm sinh như “trí thông minh”. Thay vào đó, thành công đến từ sự bền bỉ, luyện tập, chăm chỉ và vượt qua không ít lần thất bại.

Nhà nghiên cứu Carol Dweck của Trường Đại học Stanford (Mỹ) phát hiện, khi được khen ngợi vì nỗ lực thay vì khả năng, học sinh thực sự đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra trí thông minh.

Kim Dung

(Theo Big Life Journal)

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/cach-khoi-niem-dam-me-hoc-tap-o-tre-post606816.html

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Lời khuyên bất ngờ của chuyên gia giúp cha mẹ nuôi dạy con hạnh phúc (10/9)
 Cha mẹ làm gì khi con nổi nóng? (9/9)
 Làm gì để giúp trẻ biến việc học thành niềm vui? (9/9)
 Tại sao càng quát mắng, con cái càng muốn ôm cha mẹ? (8/9)
 Dạy trẻ kỹ năng kiểm soát bản thân (6/9)
 Cơ chế điều tiết cảm xúc của trẻ (6/9)
 Không phải nhờ đọc sách, biết tác động đúng lúc vào “bộ não thứ 2”, IQ của trẻ tăng rất nhanh (5/9)
 Điềm nhiên giải tỏa cơn giận: Uốn nắn bằng sự kiên trì (31/8)
 Nhận biết và xử trí khi trẻ tăng động giảm chú ý (30/8)
 Muốn con thành công về sự nghiệp, đường đời suôn sẻ thì nhất định cha mẹ phải có những phẩm chất này (27/8)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i