Xã hội
   Cô giáo vượt khó, hết lòng với trẻ dân tộc thiểu số vùng biên
 

Chồng mắc căn bệnh quái ác, cô Oanh vừa lo cho gia đình vừa giảng dạy. Thế nhưng cô luôn hỗ trợ trò nghèo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

Cô Nguyễn Thị Oanh với những đứa trẻ huyện vùng biên

Học tiếng bản địa để dạy chữ cho trò

Hai vợ chồng đều là giáo viên giảng dạy ở huyện biên giới Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) cô Nguyễn Thị Oanh – giáo viên Trường Mầm non Sơn Ca (xã Hơ Moong) thấu hiểu được sự khó khăn, vất vả trên hành trình đến trường của học trò.

Cô Oanh kể, nhiều năm về trước lối dẫn đến trường chỉ là con đường đất, ngày nắng thì bụi mù mịt, mưa xuống trơn trượt, sình lầy. Đường xa, khó đi lại nên có khi cả tuần hoặc một tháng cô Oanh mới về thăm gia đình. Không những vậy, học sinh nơi đây chủ yếu là người dân tộc thiểu số Rơ Ngao nên tiếng phổ thông hạn chế. Những ngày đầu, khi cô Oanh mới nhận lớp học sinh chẳng hiểu tiếng Việt nên khó khăn trong giao tiếp. Thương trò, mong các em biết chữ nên ngoài giờ dạy trên lớp cô Oanh học thêm tiếng bản địa để thuận tiện khi trò chuyện với học sinh và phụ huynh.

“Học sinh nơi đây khá nhút nhát và ngại giao tiếp. Do đó, ngoài việc dạy học sinh biết tiếng Việt mình còn hướng dẫn các em kỹ năng tự phục vụ bản thân”, cô Oanh nói.

 

Dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng cô Oanh luôn nỗ lực và hết lòng vì học sinh

Theo cô Oanh, mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng nhiều gia đình vẫn sinh từ 7-12 người con. Cuộc sống túng thiếu, con nhiều lại càng vất vả hơn. Một số gia đình không thể gồng gánh đành phải gửi con cho các Sơ chăm sóc. Thương trò chẳng có quần áo ấm mặc vào mùa đông, cô Oanh lại kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ để các em bớt lạnh. Bên cạnh đó, nhu yếu phẩm, sách vở cũng thường xuyên được cô Oanh vận động trao cho học sinh nghèo vượt khó.

“Mình luôn xem học trò như con để yêu thương, dạy dỗ mỗi ngày. Gia đình mình cũng không khá giả gì nên bản thân cố gắng vận động nhà hảo tâm hỗ trợ cho các con. Mình chỉ mong học sinh cố gắng vượt khó, học tập để sau này bớt vất vả”, cô Oanh bộc bạch.

Gồng gánh lo cho gia đình

 

Một góc lớp học mà cô Oanh sáng tạo trang trí để thu hút học sinh

Những tưởng cuộc sống cứ thế êm đềm trôi qua, thế nhưng vào năm 2015 chồng cô Oanh là Trịnh Văn Cường – giáo viên Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (xã Mô Rai) liên tiếp bị những cơn đau hành hạ. Không những vậy, một nửa người bên trái của thầy Cường gặp khó khi vận động.

Thế rồi, hai vợ chồng dắt díu nhau xuống Bệnh viện Hoàng Anh Gia Lai (tỉnh Gia Lai) thăm khám. Nhận thấy có dấu hiệu bất thường các bác sĩ đã hướng dẫn gia đình cô Oanh xuống Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) kiểm tra tổng quát. Qua thăm khám, cô Oanh tá hoả khi nhận được “hung tin” chồng bị U thân não. 1 tháng sau đó, cô Oanh ở viện chăm sóc và cùng chồng chống chọi căn bệnh ung thư quái ác.

“Khi đó, nhà chẳng có sẵn tiền nên gia đình phải nhờ người thân rồi vay lương để trang trải. May mắn cả hai vợ chồng đều được lãnh đạo Phòng GD&ĐT và nhà trường tạo điều kiện và tận tình giúp đỡ mới vượt qua giai đoạn khó khăn ấy”, cô Oanh nói.

Căn bệnh của chồng cô Oanh chẳng thể chữa hết, nhưng để kéo dài sự sống các bác sĩ phải lắp van dẫn ở trên não kéo xuống vùng bụng. Mỗi khi trái gió trở trời, chồng cô Oanh lại lên cơn sốt. Có hôm trên đường đi làm về, căn bệnh tái phát khiến thầy Cường ngất xỉu ngoài đường. May mắn người dân kịp thời phát hiện và đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Chồng thường xuyên đau ốm, sức khoẻ yếu nên kinh tế gia đình cô Oanh ngày càng cạn kiệt. Giờ đây 2 vợ chồng cô Oanh đang vay mượn hơn 200 triệu đồng. Tuy vất vả, nhưng cô Oanh luôn lạc quan và tin rằng hai vợ chồng đồng lòng, cùng nhau cố gắng thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua.

Học sinh lớp cô Oanh học thông qua chơi bằng những vật dụng gần gũi, thân thiện với môi trường

Giờ đây, cô Oanh lo lắng nhất là về tương lai của người con đang học lớp 12 vì kinh tế gia đình đang gặp khó. Thấu hiểu sự vất vả của cha mẹ nên con cô dự định thi vào trường quân đội. Một phần đây là niềm đam mê, yêu thích của con cũng như bớt đi gánh nặng về chi phí ăn học cho cha mẹ.

Mặc dù chật vật lo toan cho chồng con, nhưng cô Oanh luôn cố gắng, tranh thủ thời gian để dạy chữ, hỗ trợ học trò. Từ công việc giảng dạy đến những hoạt động tập thể, nhân ái của trường cô Oanh đều nhiệt tình tham gia. Không những thế, cô Oanh luôn sáng tạo trong dạy học, trang trí lớp bằng những vật dụng gần gũi, an toàn để giữ chân các em ở lớp.

 

“Tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng bản thân tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt quan tâm, hỗ trợ học sinh để các em biết đọc, viết… Bởi học trò nơi đây vẫn còn nhiều thiếu thốn”, cô Oanh nói.

 

Nguồn https://giaoducthoidai.vn

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Tăng cường tính hiệu quả chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp Một (14/12)
 Vì sao nhiều giáo viên ngao ngán các phong trào thi đua? (9/12)
 Đề xuất phụ cấp ưu đãi tiếp thêm động lực cho nhà giáo (9/12)
 Giúp trẻ ghi nhớ kỹ năng thoát hiểm khi có đám cháy (8/12)
 Hải Phòng: Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm (7/12)
 Tiêu chuẩn thư viện trường mầm non, phổ thông kể từ tháng 1/2023 (7/12)
 Nỗ lực 'giữ chân' giáo viên mầm non (2/12)
 An toàn thực phẩm trong trường học: Những ưu tiên hàng đầu (30/11)
 Bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non; đẩy mạnh hợp tác quốc tế (28/11)
 Áp lực khi là 'bà giáo' mầm non (25/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i