Sức khoẻ
   Dấu hiệu khác lạ ở móng tay cảnh báo vấn đề sức khỏe
 

Móng tay bầm, có đường rãnh, vệt đỏ hoặc giòn có thể cảnh báo sớm tình trạng sức khỏe như viêm khớp, bệnh tim hoặc ung thư.

Tiến sĩ Shari Lipner, Đại học Cornell ở New York, Mỹ, cho biết sự bất thường ở móng tay có thể cảnh báo sớm một vấn đề nghiêm trọng trong cơ thể. "Điều cần thiết là mọi người nên tự kiểm tra móng tay khoảng một tháng một lần, ngoài việc đi khám ở bác sĩ da liễu", bà Shari nói.

Móng tay bầm

Móng tay có vết bầm thường do chấn thương chẳng hạn bị kẹt vào mép cửa. Nhưng trong một số trường hợp rất hiếm, vết bầm không biến mất theo thời gian, có thể là dấu hiệu ung thư.

Khi ung thư da xảy ra dưới móng tay, hay còn gọi khối u ác tính (hắc tố), nó sẽ tạo ra một đốm đen hoặc sẫm màu không biến mất.

Tiến sĩ Christine Ko, bác sĩ da liễu tại Trường Y, Đại học Yale, nói: "Thông thường mọi người sẽ nhớ nguyên nhân gây ra vết bầm dưới móng tay. Nếu bạn không làm gì bất cẩn để bị thương ở móng tay nhưng vết bầm vẫn loang ra dưới móng, thì đó thường là dấu hiệu xấu".

Nếu vết bầm trên móng tay do chấn thương thì khi móng mọc dài, vết bầm cũng bị đẩy, vì vậy bạn sẽ thấy màu sắc ở gần lớp biểu bì của móng trở lại bình thường theo thời gian. Nhưng nếu vết bầm đó là biểu hiện của một khối u ác tính, ngay cả khi thời gian trôi qua, móng tay cũng không trở lại màu sắc bình thường.

 

Vết bầm ở móng tay. Ảnh: Healthline

Ung thư da dưới móng tay cũng có thể biểu hiệu dưới dạng một vệt sẫm màu, giống một đường sọc, không biến mất. Bệnh nhân đôi khi nhầm tưởng vệt sẫm này với một vết sơn hoặc vết mực.

Ung thư da dưới móng tay tương đối hiếm gặp và chỉ chiếm 3% tổng số ca ung thư da được ghi nhận hàng năm ở Mỹ. Nếu được phát hiện sớm, bệnh có khả năng điều trị khỏi cao.

Vệt đỏ ở móng tay

Một số người có vệt đỏ dưới móng tay, trông giống những đường màu đỏ nhạt hoặc hơi nâu, thường do móng tay bị chấn thương. Nhưng các bác sĩ cảnh báo các vệt này cũng có thể cảnh báo sớm bệnh tim, gọi là viêm nội tâm mạc do vi khuẩn.

Tình trạng nhiễm trùng xảy ra khi vi khuẩn hoặc các vi trùng khác xâm nhập vào máu và di chuyển đến tim. Sau đó, chúng có thể tấn công các van tim và gây viêm nhiễm, khiến tim bơm máu đi khắp cơ thể với tốc độ yếu hơn.

Móng tay bị rỗ

Tình trạng rỗ, gồ lên hoặc nứt gãy ở móng tay thường là do nhiễm vi khuẩn hoặc nấm. Nhưng các bác sĩ da liễu cho biết trong một số trường hợp, các dấu hiệu này có thể cảnh báo sớm bệnh viêm khớp.

Da có thể bị bệnh vẩy nến, được cho là do hệ thống miễn dịch kích hoạt tình trạng viêm, dẫn đến da khô và bong vảy. Khoảng 40% người bệnh vẩy nến cũng bị viêm khớp, tỷ lệ này tăng lên 80% khi bệnh vẩy nến lan đến các móng tay.

Đường rãnh trên móng tay

Các đường rãnh nằm dọc trên móng tay, có thể báo hiệu bệnh nấm móng ở người lớn tuổi do tác động của tiến trình lão hóa. Tuy nhiên, chúng cũng cho thấy bạn rửa tay quá nhiều, khiến da khô, loại bỏ các loại dầu và vi khuẩn lành mạnh bảo vệ chống nhiễm trùng. Hóa chất từ xà phòng sẽ gây kích ứng bề mặt móng tay, làm xuất hiện các đường rãnh.

Móng tay giòn

"Một chế độ ăn uống quá nghèo nàn, chẳng hạn ăn ít hoặc không ăn bất cứ thứ gì, sẽ khiến móng tay giòn và không khỏe mạnh", tiến sĩ Christine Ko cho biết.

Theo Đại học Da liễu Mỹ (AOCD), móng tay giòn cũng có thể là dấu hiệu tuyến giáp có vấn đề. Khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone cho cơ thể, điều này gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, nhạy cảm với cảm lạnh, tăng cân, táo bón và trầm cảm. Nhưng sự sụt giảm hormone cũng có thể khiến móng tay mọc chậm và dễ gãy hơn.

Móng tay hình dùi trống

Các bác sĩ cho biết móng tay hình dùi trống có thể cảnh báo phổi hoặc tim của bạn hoạt động không bình thường. Việc thiếu oxy hoặc các vấn đề về tuần hoàn có thể khiến máu tích tụ nhiều hơn ở các chi của cơ thể, chẳng hạn các đầu ngón tay. Điều này khiến chúng to ra, dẫn đến móng tay uốn cong trên mặt ngang, tạo ra móng tay hình dùi trống.

 

Tình trạng điển hình của người có ngón tay dùi trống. Ảnh: Journal of the American Academy of Dermatology.

Bệnh viện Mount Sinai ở New York cho biết ung thư phổi là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến các ngón tay hình dùi trống. Nhưng hình dạng dùi trống của móng tay cũng có thể được kích hoạt bởi các dị tật tim, nhiễm trùng phổi như viêm phế quản hoặc áp xe phổi.

Theo một nghiên cứu của Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, móng tay dùi trống chỉ xảy ra ở khoảng 5-15% bệnh nhân ung thư phổi.

Hồng Vân

(Theo Daily Mail)

Nguồn: https://vnexpress.net/dau-hieu-khac-la-o-mong-tay-canh-bao-van-de-suc-khoe-4560127.html

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 5 thói quen vệ sinh cá nhân trẻ cần học để khỏe mạnh (14/1)
 Bộ Y tế khuyến cáo 5 cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm dịp Tết (13/1)
 Mới: Phát hiện trẻ bị tự kỷ chỉ qua một sợi tóc (10/1)
 Trẻ em Việt Nam thiếu 50% nhu cầu vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn mỗi ngày (9/1)
 'Xua tan' nỗi lo dị ứng thực phẩm ngày lễ Tết (28/12)
 Tưa miệng ở trẻ em, chăm sóc và điều trị thế nào? (26/12)
 Có nên đóng cửa, 'nhốt' trẻ trong nhà để tránh rét? (22/12)
 Những sai lầm trong nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ (19/12)
 Cách phòng tránh viêm đường hô hấp, cảm lạnh ở trẻ vào mùa đông (14/12)
 TP HCM triển khai chiến dịch cho trẻ uống vitamin A (10/12)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i