Trong giai đoạn ăn dặm, trẻ cần nhận biết mùi vị của các loại thức ăn thay vì chú trọng tới số lượng, bởi nếu cho trẻ ăn quá nhiều có thể gây chướng bụng, khó tiêu.
Việc bổ sung thức ăn dặm là một quá trình quan trọng và cũng đầy thách thức đối với các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, vì mới tập ăn nên trong quá trình này, có một số loại thực phẩm có thể khiến trẻ bị tích tụ thức ăn, gây khó tiêu, chướng bụng, tiêu chảy và các triệu chứng khác. Vậy những thực phẩm nào dễ khiến trẻ bị chướng bụng nhất?
Những loại thực phẩm cần chú ý khi trẻ ăn dặm
Trong giai đoạn ăn dặm, các loại thức ăn chỉ nên mang tính chất giới thiệu mùi vị mới cho trẻ nhận biết, không nên cho trẻ ăn quá nhiều, đặc biệt là các loại thực phẩm dưới đây:
- Thực phẩm giàu chất xơ
Thực phẩm giàu chất xơ như lúa mì nguyên hạt, ngô và cần tây có thể khiến dạ dày non nớt của trẻ khó tiêu hóa, dễ gây đầy hơi, khó chịu.
- Các sản phẩm từ sữa
Một số trẻ có thể bị dị ứng hoặc không dung nạp protein sữa, điều này có thể gây khó tiêu, tiêu chảy hoặc các phản ứng bất lợi khác sau khi ăn.
- Các loại thực phẩm họ đậu
Đậu xanh, đậu đỏ, đậu nành... chứa nhiều protein và chất xơ, có thể khiến trẻ khó tiêu hóa.
- Thịt
Các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu rất khó tiêu hóa. Khi mới cho con ăn bổ sung thịt thì nên ưu tiên chọn thịt gà hoặc cá, những loại thịt này mềm, dễ tiêu, dễ hấp thụ, thích hợp hơn cho trẻ.
- Thực phẩm chiên, rán
Chất béo trong những thực phẩm này gây gánh nặng cho dạ dày và ruột của trẻ, dễ dẫn đến chứng khó tiêu.
Cha mẹ nên làm gì khi cho trẻ ăn dặm?
- Lựa chọn thực phẩm phù hợp
Đối với trẻ mới tập ăn dặm, cha mẹ nên chọn những thực phẩm dễ tiêu hóa và có thành phần dinh dưỡng cân đối như gạo, ngũ cốc, rau củ xay nhuyễn...
- Chú ý đến cách chế biến thực phẩm
Cố gắng chọn các phương pháp nấu như luộc, hấp, hầm, tránh chiên, rán để đảm bảo thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa.
- Hãy thử dần dần các loại thực phẩm mới
Mỗi lần trẻ ăn một loại thực phẩm mới, cần xem phản ứng của chúng như thế nào. Hãy đợi cho đến khi trẻ hoàn toàn quen với loại thức ăn này thì mới chuyển sang món khác.
- Tránh cho ăn quá nhiều
Dù là món trẻ thích nhưng cha mẹ cũng nên chú ý kiểm soát số lượng, cho trẻ ăn quá nhiều có thể gây khó tiêu.
- Quan sát phân của trẻ thường xuyên
Bằng cách quan sát phân của trẻ, cha mẹ có thể hiểu được quá trình tiêu hóa của con mình, từ đó điều chỉnh loại, lượng thức ăn kịp thời.
- Cung cấp đủ nước uống
Cùng với việc tăng cường thức ăn bổ sung, trẻ cần nhiều nước hơn để hỗ trợ tiêu hóa. Đảm bảo trẻ uống đủ nước mỗi ngày có thể ngăn ngừa táo bón và khó tiêu.
- Giữ môi trường ăn uống yên tĩnh
Khi cho trẻ ăn, việc giữ môi trường yên tĩnh có thể giúp bé thư giãn, tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Tránh cho trẻ ăn trong môi trường ồn ào hoặc mất tập trung.
- Chú ý đến nhiệt độ của thức ăn
Nhiệt độ của thức ăn cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa của trẻ. Thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh có thể khiến trẻ khó chịu. Tốt nhất nên giữ ấm thức ăn để không làm trẻ bị bỏng hoặc khó tiêu hóa.
- Tìm hiểu về dị ứng thực phẩm
Một số trẻ có thể bị dị ứng với một số loại thực phẩm. Nếu sau khi cho trẻ ăn thức ăn mới mà có các triệu chứng như mẩn ngứa, nôn mửa, tiêu chảy... cha mẹ nên dừng ngay và đưa con tới bác sĩ khám.
- Giữ thực phẩm tươi ngon
Đảm bảo thực phẩm chuẩn bị cho trẻ luôn tươi ngon, tránh sử dụng nguyên liệu hết hạn hoặc hư hỏng để giảm nguy cơ mắc bệnh do thực phẩm.
Trong giai đoạn ăn dặm, việc lựa chọn và chuẩn bị thức ăn cho trẻ rất quan trọng. Những người mới làm cha mẹ lần đầu cần tìm hiểu kỹ về các loại thực phẩm nên và không nên cho trẻ ăn.
Theo Afamily.vn
Theo Phụ nữ Việt Nam