Giáo dục mầm non
   Những vị khách đặc biệt của Trường Mẫu giáo Bình Minh
 
Trong dịp năm mới vừa qua, Trường Mẫu giáo bán công Bình Minh (phường 1, thị xã Tân An, tỉnh Long An) lại đón hai vị khách đặc biệt. Đó là, một đàn ông đã 71 tuổi và một phụ nữ 50 tuổi. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp đầu năm mới là hai vị khách đặc biệt này đáp máy bay từ Nhật Bản xa xôi đến tỉnh Long An để thăm các cháu đang học ở Trường Bình Minh trong vài tiếng đồng hồ, xong rồi lại bay về Nhật.

    * Duyên kỳ ngộ

Cách đây 4 năm, trên đất nước hoa anh đào, có một vị giáo sư về hưu lâm trọng bệnh. Tên ông là Miyake Takao. Sau khi qua khỏi bạo bệnh, ông càng thấy cuộc sống đáng quý hơn. Và để cho cuộc đời còn lại  có thêm ý nghĩa, ông quyết định làm từ thiện trong lĩnh vực mà ông gắn bó cả đời – đó là giáo dục.

Từ Nhật Bản, một mình ông đến TPHCM. Ông nhờ những doanh nhân người Nhật đang làm ăn ở Việt Nam giúp ông tìm một trường mẫu giáo nào đó ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi ông được biết, điều kiện học tập còn nhiều khó khăn, để ông làm từ thiện. Ngẫu nhiên mà Trường Mẫu giáo Bình Minh đã được giới thiệu với ông.

Vậy là đã 4 năm qua, năm nào ông cũng giữ đúng lời hứa – đến với Trường Bình Minh nhân dịp năm mới. 2 năm đầu ông đi một mình; 2 năm sau này, cùng đi với ông có một người phụ nữ – bà Terami Yoko, giáo sư một trường đại học sư phạm ở Tokyo. Bà giáo sư đến Trường Mẫu giáo Bình Minh, ngoài mục đích từ thiện, còn để tìm hiểu nội dung và điều kiện giáo dục cấp mẫu giáo ở Việt Nam để bổ sung kiến thức nghề nghiệp của bà.

    * Hai giờ ở Trường Mẫu giáo Bình Minh

Năm nay đến Long An, bà giáo sư Terami Yoko mặc chiếc áo dài Việt Nam mà Trường Mẫu giáo Bình Minh đã tặng bà năm trước. Còn ông giáo sư về hưu Miyake Takao thì ăn mặc đơn giản, khoác chiếc áo đã cũ sờn. Sau một năm gặp lại, ông khách Nhật nói ngay với các cô giáo Trường Mẫu giáo Bình Minh: “Chỉ khi vì lý do nào đó mà Trường Bình Minh không còn tồn tại, hoặc khi tôi đã chết, thì mới không còn cuộc viếng thăm này”.

Hai người khách Nhật đi thăm tất cả các lớp học trong trường. Đến đâu các vị cũng tặng bánh kẹo cho các cháu. Xong, họ trao đổi với Ban Giám hiệu nhà trường về tình hình dạy học trong năm qua, về các vấn đề có liên quan đến giáo dục cấp mẫu giáo. Sau cùng, các vị khách trao tặng nhà trường số tiền 16 triệu đồng (tương đương 1.000 USD) và quà tết cho các học sinh. Hai vị khách dùng bữa cơm trưa thân mật với nhà trường trước khi ra sân bay về Nhật.

    * Những điều khách quan tâm

“Các cháu có thường vẽ hình ông bà, cha mẹ, anh em không? Nếu có thì tranh vẽ có để ở trường không?”. Đó là câu hỏi đầu tiên các vị khách đặt ra trong cuộc viếng thăm năm nay. Họ tỏ ra thích thú khi cô Trần Minh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Bình Minh, đưa ra một số bức tranh của các cháu trong trường vẽ ông bà, cha mẹ. Sau đó, nhiều câu hỏi được các vị khách đặt ra như: “Ở Nhật gọi người nuôi dạy các cháu là “Bảo dục sĩ”, còn ở Việt Nam gọi là gì?”. “Chúng tôi gọi các cô là giáo viên mầm non”.

Có lẽ cách gọi “Bảo dục sĩ” là đầy đủ và chính xác, bởi chức năng của trường mẫu giáo không chỉ “dạy” mà còn “nuôi”. “Các cô nuôi dạy các cháu cần phải có bằng cấp của nhà nước không?”, “Các cháu đến nhà trẻ được khoảng bao nhiêu phần trăm?”, “Chi phí gửi nhà trẻ khoảng bao nhiêu?”, “Nhà nước có hỗ trợ phần nào không?”, “Nhà trẻ làm thế nào để liên lạc với phụ huynh các cháu?”, “Trong gia đình, ai là người đưa cháu đến trường?”, “Họ đưa cháu đến trường bằng phương tiện gì?”, “Khoảng cách từ nhà đến trường khoảng bao xa?”...

Các vị khách Nhật quan tâm tìm hiểu từng chi tiết nhỏ trong việc dạy dỗ các cháu nhỏ. Có một câu hỏi các giáo sư Nhật đặt ra không dễ trả lời, đó là: “Trong những năm gần đây nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh, các cháu có bị ảnh hưởng gì trong sự phát triển ấy hay không?”. Chắc chắn là có, nhưng có lẽ ngành giáo dục của chúng ta chưa quan tâm đến những điều sâu sắc ấy...

    * Ở Nhật cũng có dạy thêm, học thêm

Theo hai vị khách, ở Nhật cũng có 12 năm giáo dục phổ thông, nhưng kết cấu 6-3-3 (6 năm tiểu học, 3 năm cấp hai và 3 năm cấp ba) chứ không phải 5-4-3 như ta. “Sinh ngữ” trong trường phổ thông của họ cũng là tiếng Anh. Nhưng học sinh Nhật học tiếng Anh thuộc loại “dở nhất thế giới”, có lẽ một phần do tính bảo thủ của người Nhật xưa và một phần do sự khác biệt giữa tiếng Nhật và tiếng Anh quá lớn. Người Nhật rất giỏi, điều đó ai cũng thừa nhận. Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng, chắc là học sinh Nhật phải học “ghê” lắm! Hoàn toàn ngược lại!

Các bậc phụ huynh nước ta nôn nóng cho con em mình biết đọc biết viết trước khi vào lớp một. Còn ở Nhật, các vị khách cho biết, trong trường mẫu giáo chỉ có chơi, các cháu không cần phải biết bất kỳ mặt chữ cái hoặc chữ số nào cho đến khi bước vào lớp một. “Học sinh ở Nhật có học thêm không?” - chúng tôi thử đặt câu hỏi ấy cho các nhà giáo Nhật Bản. Họ trả lời rất rõ ràng: Đối với những học sinh yếu, gia đình có thể cho học thêm, nhưng tỷ lệ rất thấp. Đặc biệt là họ cấm các giáo viên đang đứng lớp ở trường phổ thông mở lớp dạy thêm. Họ tổ chức riêng ở trường để dạy thêm cho những học sinh yếu có nhu cầu học thêm ngoài giờ học chính khóa…

Tiễn các vị khách trở về đất nước “mặt trời mọc”, những người chủ ở lại không khỏi vấn vương bao điều. Những người khách Nhật đã làm những việc bình thường và nhỏ nhặt ấy: lặn lội hàng chục ngàn cây số để đi làm từ thiện và để biết ở một góc đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam “PHHS đưa các cháu đến trường bằng xe gì?”. Họ đang làm được nhiều điều tưởng là nhỏ trong cuộc sống nhưng cho chúng ta nhiều bài học lớn.

SGGP
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 'Níu' lại ánh sáng cho những trẻ nhìn kém (19/3)
 TPHCM: Lớp bồi dưỡng giáo dục can thiệp sớm trẻ tự kỷ học hòa nhập tại trường MN. (15/3)
 Hà Nội: Tiếp tục đổi mới phương thức thi giáo viên dạy giỏi (15/3)
 Xã hội hóa giáo dục mầm non - Nan giải vùng ven (14/3)
 TP.HCM: Đổi mới phương pháp thực hiện chuyên đề (13/3)
 Mầm non TPHCM giao lưu trực tuyến với Giám Đốc Sở GD&ĐT TP (9/3)
 Trường mẫu giáo Hữu nghị Việt - Triều đón Huân chương Lao động hạng Nhất (9/3)
 TPHCM - Chào mừng Quốc Tế Phụ Nữ 8-3: Lời cảm ơn mẹ và cô … (8/3)
 Niu-Dilân giúp giáo dục mầm non tại Bình Định (8/3)
 Cần Thơ tập trung xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (6/3)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i