Giáo dục mầm non
   Chuyện kể của một cô giáo: Bỏ nghề sau đúng một năm đi dạy mầm non
 

Sau khi xem video về vụ bạo hành trẻ em ở Đồng Nai, H. đã bật khóc rồi chua chát kể cho tôi nghe chuyện về nghề giáo viên mầm non, cái nghề mà cô đã được đào tạo bài bản, để rồi phải quyết định bỏ nghề sau đúng 1 năm đi dạy.

Nghề dạy trẻ ở mầm non cũng lắm công phu và kiên nhẫn. Hình ảnh chụp các bé trong một giờ học lớp nhà trẻ của một trường mầm non ở Hà Nội. Ảnh minh họa: H.T


Vì rất yêu trẻ nên H đã nỗ lực thi đậu bằng được vào khoa Mầm non của trường ĐHSP Hà Nội 1. Sau khi ra trường, H muốn về phục vụ quê hương nhưng ở quê không có chỗ cho cô vì hệ thống giáo dục mầm non ở nông thôn chưa được chuyên nghiệp hoá. H đành phải trở lại Thủ đô để xin đi dạy tại những trường mầm non tư thục.

Chỉ sau hơn 1 năm đi dạy, H đã phải chuyển qua đến 4 trường bởi không thể chịu nỗi áp lực công việc, mức lương rẻ mạt và những hành vi phản giáo dục của một số đồng nghiệp cùng với lòng tham của những người chủ đầu tư. Người bảo cô kén cá chọn canh, người bảo cô khó tính, nhưng H không thể giải thích cho tất cả.

H muốn những tâm sự của cô đến được với nhiều người và để được hiểu, rằng: nghề giáo viên mầm non không nhàn hạ và “thơ” như người ta vẫn nhìn thấy hàng ngày.

Có thể có ai đó nói rằng, nghề nào mà chả vất vả, nhưng quả thực mầm non là một nghề vô cùng cực nhọc và đầy áp lực. Chỉ cần theo chân cô đến trường một buổi, theo dõi lịch làm việc của cô thì mới có thể hiểu được điều đó.

1. Những công việc trong một ngày:

Buổi sáng: 6h30 đã phải có mặt tại trường. Buổi chiều: Phải chờ phụ huynh đón hết con mới được về. Nhiều hôm phụ huynh về muộn thì phải đến 20h30 phút mới được rời trường. Đó là quỹ thời gian trong một ngày của một cô giáo mầm non.

Còn công việc sau khi nhận các cháu từ các bậc phụ huynh thì như sau: Cho ăn sáng nốt những cháu nào chưa ăn ở nhà; mặc quần áo, đội mũ, đi tất, bày đồ… để chuẩn bị cho các cháu chơi và tập múa hát (Đây là hình ảnh đẹp duy nhất mà mọi người thường nhớ tới);

Thu dọn và xếp ngăn nắp các loại đồ chơi; kê bàn ghế, xếp đặt chén bát, muôi, thìa; bón cho các cháu ăn bữa chính, bữa phụ, ăn quà chiều, uống thuốc, uống sữa, thay bỉm, giặt quần áo do các cháu ị hoặc tè ra, dọn dẹp chỗ các cháu nôn, trớ, trả các cháu cho phụ huynh...

Liệt kê “sơ sơ” thì như vậy, nhưng nếu trực tiếp làm hoặc chứng kiến thì mới rằng thấy mọi chuyện không hề đơn giản.

Trước hết là chuyện ăn uống. Đây là công việc căng thẳng và vất vả nhất, bởi cho một đứa trẻ ăn không hề đơn giản, huống hồ mỗi cô phải phụ trách khoảng chục cháu như vậy. Nếu như là lớp mẫu giáo lớn, nhiều cháu biết tự ăn thì các cô còn đỡ vất vả.

Còn đối với những cháu dưới 3 tuổi thì phần lớn các cô phải bón từng thìa. Tuy nhiên, không phải cho cháu nào ăn cũng dễ vì nhiều cháu ăn kém, lười ăn, ăn chậm hoặc nhõng nhẽo không chịu ăn nên phải ép.

Không những thế, các cháu còn nôn trớ toé loe ra quần áo, ra sàn nhà. Đặc biệt, có lúc xảy ra tình trạng “nôn dây chuyền”, tức là một cháu nôn thì một vài cháu khác cũng nôn theo.

Chưa hết, đang ăn thì có cháu lại tè, lại ị ra quần, các cô lại phải thay, phải lau rửa, dọn dẹp và đem đi giặt. Cháu ăn xong, các cô phải thu dọn bàn ghế, cốc chén, sàn nhà rồi cho các cháu đi ngủ.

Nhưng chuyện ngủ của các cháu cũng không hề đơn giản. Ở tuổi này các cháu chưa thể vào khuôn phép nên không có chuyện “ra lệnh” là tất cả đều ngủ. Có cháu, đang ngủ lại tiếp tục tè, ị hoặc nôn trớ hết ra chăn chiếu, ra các bạn… và các cô lại tiếp tục đưa các cháu đi lau rửa và đem chăn chiếu đi giặt.

Có cháu tuy nằm nhưng lại không ngủ mà đùa nghịch, nói chuyện hoặc lôi đồ chơi ra khắp nhà làm mất giấc ngủ của bạn. Thậm chí có cháu rất bướng, cô nhắc nhẹ không nghe nên phải mắng, thậm chí phạt. Vì nếu không phạt, không mắng thì không thể điều khiển được lớp. (Cho nên nếu nói rằng ra quy định cấm không được quát mắng trẻ thực tế rất khó áp dụng).

Ngoài các công việc dạy múa hát, cho các cháu ăn bữa chính, bữa phụ, ăn quà vặt theo quy định của trường, các cô còn phải gánh thêm phần việc do phụ huynh nhờ vì họ thường đem các loại đồ ăn, sữa, hoa quả, thuốc men đến nhờ cô cho ăn, cho uống hộ.

Ngoài những công việc này, các cô còn phải luôn để mắt đến cháu, không để chúng chơi đùa với nhau nhiều hay cào cấu, vì nếu chẳng may xảy ra chuyện gì, các cô sẽ là những người chịu trách nhiệm đầu tiên.

Chăm sóc các cháu đã vất vả, các cô còn phải chịu nhiều áp lực từ phía nhà trường, nhất là về mặt thời gian. Với một lớp vài chục cháu như vậy, không thể bón nhẩn nha từng thìa cho từng cháu, cho nên vẫn phải giục cho các cháu ăn hết suất và ăn xong đúng giờ.

Nếu không ăn hết suất, các cháu không tăng cân sẽ bị phụ huynh phàn nàn. Còn nếu không ăn kịp thì sẽ choán mất sang thời gian chơi, ngủ của các cháu thì cũng sẽ bị hiệu trưởng nhắc nhở, bị trừ lương.

Nhiều người nghĩ rằng dạy các cháu mẫu giáo không cần phải dùng giáo án nhưng thực tế giáo án của bậc học này được soạn rất công phu không kém gì giáo án của các học sinh lớn.

Trước mỗi buổi dạy, các cô phải xây dựng kế hoạch hôm nay sẽ dạy chủ đề gì về môi trường xung quanh. Các nội dung như: Việc ăn uống của cháu ra sao, hôm nay cháu nào còn nói ngọng, cháu nào không ăn hết suất không… đều được ghi chép tỉ mỉ và cẩn thận. Giáo án và sổ theo dõi luôn được kiểm tra liên tục.

Chưa hết, cô giáo còn phải chịu nhiều áp lực từ phía phụ huynh của các cháu. Phụ huynh nào dễ tính còn đỡ, phải người khó tính, thậm chí lỗ mãng, thiếu tôn trọng cô thì rất khó chịu.

Một số người coi con cái mình như cục vàng. Mỗi chiều đón con về, họ kiểm tra khắp mình mẩy chân tay con, nếu có xây xát tí gì là phản ánh luôn với giám đốc.

Cá biệt, có gia đình do nuông chiều con cái nên khiến cháu bé sinh hư, và dù nhỏ cũng đã biết nói dối.

H kể, có lần thấy phụ huynh của một cháu hùng hổ đến trường mắng xối xả vào mặt một cô vì cái “tội” đánh con chị ta. Giám đốc mời chị phụ huynh này vào để hỏi rõ đầu đuôi thì mới té ngửa: Cháu bé đã bịa ra chuyện bị cô đánh phạt để trốn đến lớp.

Với những phụ huynh “củ chuối” như vậy các cô có muốn phản ứng lại cũng khó vì nhiều giám đốc trường tư thục coi “khách hàng là thượng đế” nên thường yêu cầu cô giáo phải “nhịn nhục”.

Ngày nào cũng như ngày nào, tất cả những công việc: Ăn uống, nôn trớ, ỉa đái, múa hát, bày-kê bàn ghế, thu dọn cốc chén, lau nhà, dỗ bé… cứ lặp đi lặp lại.

Cho nên lúc nào cô cũng thấy tối tăm mặt mũi, đầu óc căng thẳng mệt phờ. H. thú nhận có hôm đi làm suốt cả ngày không ngẩng đầu lên nhìn kĩ được khuôn mặt đồng nghiệp, mệt còn hơn đi cày ruộng.

2. Càng tiết kiệm chi phí càng tốt

Ở nhiều trường tư thục có tình trạng tiết kiệm nhân công theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”. Họ “tận dụng” tối đa sức lao động của các cô, bắt phụ trách những lớp học khá đông mật độ các cháu so với quy định (trung bình 2 cô/lớp 15-20 cháu), thậm chí có trường còn nhiều hơn nên công việc thường xuyên bị quá tải.

Không những thế, họ còn giao cho cô những công việc mà lẽ ra là của lao công, tạp vụ như: Giặt giũ, quét dọn...

Ở một trường tư thục mà H. đã dạy, họ còn không cung cấp quần áo, găng tay bảo hộ cho cô. Một lần H. hỏi xin vì trời lạnh mà lại phải tiếp xúc với toàn phân và nước tiểu thì bà Giám đốc hỏi lại với thái độ khó chịu: “Em ghê à?”.

Thế là mấy chị em vừa làm vừa nôn oẹ và rồi cũng phải quen dần. Đồ dùng học tập hay đồ chơi của cháu lẽ ra phải mua thì họ yêu cầu cô phải tự làm lấy, phải tự cắt dán để “tiết kiệm”. Chính vì thế, các cô luôn phải đi làm về muộn.

Mấy đồng nghiệp của H vì nhà trọ xa, lại chưa có gia đình đề nghị ở lại trường cho tiện. Thế là được giao ngay cho làm đồ dùng học tập và trông trường với lý do “Bọn em không phải trả tiền thuê nhà còn gì”.

Với lịch làm việc như vậy, những ai đã có gia đình sẽ không còn thời gian để dành cho chồng, cho con. Lớp học thì chật chội. Ở một trường H. dạy, phòng rộng chừng 20 m2 mà có đến mấy chục cháu.

Tất cả các hoạt động ăn, ngủ, vệ sinh đều diễn ra trong căn phòng nhỏ bé ấy. Thậm chí góc đằng này các cháu ăn thì góc đằng kia các cháu ị, tè, nôn trớ. Xong, lại lau dọn, lại ăn, rồi trải chăn ra ngủ.

Chưa hết, lẽ ra khẩu phần ăn mỗi bữa của các cháu phải đầy đủ hết mọi thứ như: Rau, củ, quả, thịt, cá theo cam kết khi đóng tiền học phí… thì một số trường luôn tìm cách bớt xén, giảm dần các loại thực phẩm, hoặc mua những đồ rẻ tiền về cho các cháu ăn.

H. kể: Có bà giám đốc một trường cô dạy khi về quê thấy bí và cà chua rẻ quá nên khuân lên cả đống. Thế là cả tuần các cháu toàn ăn bí và cà chua.

Những cách đầu tư và quản lý sặc mùi “nông dân” âý đơn giản là vì những người chủ đầu tư coi mầm non là một nghề kinh doanh béo bở và họ chỉ biết đến lợi nhuận.

Với cách quản lý như vậy, thử hỏi ai có thể bình tĩnh và tâm huyết với trẻ được, dù có lòng yêu trẻ rất nhiều.

3. Lương và áp lực công việc

Cường độ làm việc căng thẳng, vất vả cộng với trách nhiệm cao đối với các cháu bé, nhưng lương cô giáo mầm non lại thuộc loại thấp nhất. Nếu đọc những thông tin tuyển dụng giáo viên mầm non trên báo, bạn sẽ rất dễ tìm được những địa chỉ mà người ta chỉ trả cho cô giáo mức lương khởi điểm 800-900 ngàn/tháng.

Trong khi đó, ở những vị trí như bán hàng, tạp vụ, thậm chí là giúp việc gia đình,… người lao động hoàn toàn có thể có mức lương trên 1 triệu/tháng. Năm ngoái khi bắt đầu đi dạy, H. được trả 600 nghìn/tháng cho mức lương khởi điểm.

Sau 3 tháng, “nếu làm tốt” thì mới được tăng lương nhưng việc tăng cũng chỉ nhỏ giọt như “cà phê phin” với mức 50-100 nghìn. Năm nay, một cô bạn cùng khoá với H. dù đã đi làm được gần 2 năm rồi nhưng người ta vẫn chỉ trả có 900 nghìn/tháng.

Đó là chưa kể những khi bị phạt, bị trừ tiền hay ghìm lương các cô vì những lí do rất… đương nhiên như: Đi muộn, cha mẹ các cháu phàn nàn, để các cháu bẩn thỉu… Mỗi lần phạt trừ 5-10 nghìn tuỳ từng trường.

Một đồng nghiệp của H. có lần bị trừ đầu trừ đuôi bao nhiêu khoản, đến cuối tháng chỉ còn được lĩnh về 400 nghìn. Cho nên cô ấy tức quá mắng luôn vào mặt Giám đốc và bỏ việc.

Trong cơn “bão” giá tiêu dùng, giá nhà đang tăng chóng mặt như hiện nay, mức thu nhập như vậy không thể tái tạo nổi sức lao động của con người chứ chưa nói gì các khoản khác như xăng xe, khi đau ốm và trách nhiệm với gia đình.

Vì thế, H. không ngạc nhiên khi thấy một cô giáo tại một trường mầm non công lập ở quận Cầu Giấy đã tặc lưỡi quyết định giã từ nghiệp “trồng người” sau khi phải mất đến 25 triệu để “chạy” vào trường này vì mức lương sau mấy năm vẫn chỉ có trên 1 triệu/tháng.

Riêng bản thân H. cũng bỏ nghề để đi… chạy bàn và cô cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều do không bị áp lực công việc và mức lương cũng cao hơn gần gấp đôi so với lương của trường mẫu giáo mà cô vừa bỏ.

Nhiều người bạn cùng khoá với H dù rất yêu trẻ và tâm huyết với nghề cũng bỏ dạy chỉ sau một thời gian đi làm vì không thể chịu được áp lực cùng mức lương quá thấp.

Một số khác vẫn gan góc “bám trụ” với hi vọng một ngày nào đó sẽ được tăng lương và nhà nước có chính sách ưu đãi hơn với ngành mầm non. Hơn nữa, nếu bỏ thì họ cũng không biết làm nghề gì để sống.

Nhưng cũng chính vì ức chế và chán nản như vậy nên nhiều cô bảo mẫu đã không làm chủ được bản thân và có những hành động phản giáo dục như: Dọa dẫm, quát nạt hoặc đánh trẻ.

Việc đánh các cháu thì trường tư có và trường công cũng có và nó là chuyện “bình thường”. H đã thấy một vài đồng nghiệp phạt học sinh bằng những cách như: Cho ra khỏi lớp và đóng cửa lại, lấy thước đánh vào lòng bàn tay, gan bàn chân, quát hay đập đầu vào bàn…

Thậm chí, có cô còn đánh một cháu bé 9 tháng tuổi để ép cháu phải ăn (tất nhiên là đánh nhẹ), nhưng cháu bé sợ nên cứ nhìn thấy cô giáo này là cháu bò để “chạy trốn”. Cháu phải bò vì cháu vẫn chưa biết đi.

H. cho biết, thực tế có nhiều cháu hư sẵn từ nhà nên đôi khi phải phạt chứ không thể dùng lời nói nhẹ nhàng được. Tuy nhiên các cô cũng chỉ đánh theo kiểu phát nhẹ vào mông để doạ thôi, còn kiểu đánh “nặng tay” như đã nói ở trên chỉ là hãn hữu và chủ yếu rơi vào những cô không được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm.

Một số trường thường “quảng cáo” rằng họ có camera để giám sát hoạt động của cô giáo và các cháu bé, nhưng các bậc phụ huynh cũng không nên quá tin tưởng bởi các cô bảo mẫu chẳng dại gì mà đánh các cháu ở trước máy quay cả.

Theo H., nếu cơ quan chức năng kiểm tra một cách sâu sát về bằng cấp, nghiệp vụ của các cô bảo mẫu, sẽ thấy rất nhiều, rất nhiều người không được đào tạo qua bất kì một trường lớp nào.

Người làm trái nghề, người thì được chuyển từ lao công, tạp vụ lên làm bảo mẫu, thậm chí có những người chưa tốt nghiệp cấp 3 nhưng cũng đứng lớp. Việc những giám đốc, chủ đầu tư đưa con em, người thân quen của mình vào dạy là việc rất phổ biến.

4. Có những “điểm sáng”

Một loạt những vụ bạo hành trẻ em gần đây khiến nhiều người có ác cảm đối với cô giáo mầm non. Nhưng theo H., không phải ai cũng ác và đáng sợ như vậy. Những người được đào tạo bài bản rất ít khi có hành động như vậy vì họ có phương pháp dạy cũng như biết cách đưa những đứa trẻ hư vào khuôn phép.

Họ cũng được trang bị những kiến thức về sơ cứu nếu có sự cố xảy ra cho cháu bé. Các cô biết xử lý các sự cố đơn thuần đó thì nhiều tai nạn, tử vong chắc sẽ không xảy ra đối với trẻ mầm non.

Trong thời gian đi dạy, H. chứng kiến nhiều đồng nghiệp của mình rất yêu trẻ và thực sự tâm huyết với nghề, chẳng hạn như Quyên và Mai. Phải nói rằng hai cô giáo này có sự nhẫn nại, hi sinh rất lớn đối với trẻ.

Chẳng hạn như Quyên, có những hôm cô không được ăn cơm trưa vì phải trông chừng các cháu. Có một cháu rất khó ngủ và khó ăn. Buổi trưa Quyên một tay ăn cơm, một tay bế bé. Bất ngờ, cháu bé quấy khóc, đạp tung bát cơm của Quyên xuống đất.

Bữa đó Quyên nhịn đói trong sự mệt mỏi, nhưng cô vẫn nhẫn nại bế bé mà không phàn nàn.

Còn Mai thì nhẫn nại bón cho cháu từng thìa cháo và bị cháu nôn đầy người, đến mức bà của cháu bé cũng còn cảm thấy ghê còn người chủ trường thì nhìn cô với ánh mắt ghê tởm, nhưng Quyên vẫn bón cho bé bằng hết bát cháo.

Nhưng đáng tiếc rằng những con người như vậy lại không được trọng dụng và nhìn nhận đúng với khả năng và tấm lòng của họ, trả cho họ mức lương hết sức rẻ mạt cộng với những quy định ngặt nghèo.

Lương không đủ sống nên Quyên đành nghỉ việc và tìm cách mở trường, vì cô muốn mình được làm chủ, được quyết định những việc tốt hơn cho các cháu. Quyên và Mai là những đồng nghiệp mà H thực sự nể phục.

5. Kết

Ở bài viết này chỉ nói lên những ví dụ điển hình ở một số trường kể cả công lập cũng như tư thục, những trường mà H. đã đi dạy qua và đã chứng kiến. Do vậy, khó tránh khỏi cái nhìn khiên cưỡng về hệ thống các trường mầm non.

Tuy nhiên, theo H., cũng không nên vì thế mà chúng ta quá bi quan, lo sợ hoặc có cái nhìn “vơ đũa cả nắm” đối với những người thực sự có tâm huyết.

Nhà nước cần khẩn trương có những chính sách hợp lý và ưu đãi cho những người đang công tác tại cấp học này bởi giáo viên mầm non đã phải chịu quá nhiều áp lực và quá nhiều thiệt thòi.

Nếu không, nó sẽ là cái nghề “hái ra tiền” đối với những người chủ đầu tư chỉ biết đến hai chữ “lợi nhuận”.

( Theo Tiền Phong )

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

NGHỀ BẠC BẺO
Ngày gửi: 3/30/2008 8:39:13 PM

Tôi vừa đọc bài viết của bạn tôi thật sự cảm thông và cảm ơn bạn đã nói lên tất cả nỗi lòng của tôi. Tôi cũng là cô giáo mầm non, tra trường và đi làm đã được 10 năm qua.Trong 10 năm qua có biết bao nhiêu nỗi bức xúc mà giáo viên như tôi phải gánh chịu. Nào là áp lực công việc, công việc quá tải so với quỹ thời gian của một người giáo viên giống như tôi và các bạn đồng nghiệp khác. Không những áp lực công việc mà còn áp lực từ phụ huynh, có những phụ huynh thật sự là dể mến, nhưng cũng có những phụ huynh sổ sàng giống như bạn nói.Đâu phải chỉ có như thế mà còn sự tranh đua của đồng nghiệp với nhau. tôi đã từng bị một người đồng nghiệp của mình nói x61u với hiệu trưởng trường mình.Thế là hiệu trưởng rầy minh một tăng luôn, làm hôm đó mình bỏ ăn sáng luôn.Đó chưa kể là tôi đi làm nhưng trường không mua bảo hiểm gi cho tôi kể cả những nhân viên trong trường. Đó các bạn hãy đọc bài viết của bạn H và bài viết này của tôi thì các bạn sẽ hiểu được nỗi vất vả của các cô giá là giáo viên như chúng tôi.Hãy thông cảm và chia sẽ cùng chúng tôi là những giáo viên mầm non nếu như chúng tôi có chút gì đó sơ sót


guest
Giáo viên MN
Ngày gửi: 4/6/2008 2:27:11 PM


Tôi rất cảm thông cùng với H vì chính tôi cũng là 1 GVMN. Tôi rất khâm phục H bạn đã nói lên hết những gì GVMN đã và đang chịu áp lực từng ngày từng giờ của mọi phía dư luận xã hội. Tôi bước chân vào nghề đã được 2 năm và giờ đây tôi vẫn chưa chắc chắn mình sẽ đi tiếp con đường trồng người cao cả như thế. Bởi: Những GVMN luôn bị xem là người giữ trẻ không được công nhận là GV đúng bản chất như là GV Tiểu Học hay Trung Học , là người có mức lương thấp nhất trong nền giáo dục,là người chịu nhiều áp lực rất nhiều từ phụ huynh,....Xin hãy cùng chia sẽ và nói lên nổi lòng của mình "những GVMN"



guest

Nỗi niềm Giáo viên mầm non
Ngày gửi: 4/8/2008 2:44:06 PM

Còn em là một sv spmn sắp ra trường. Bao nhiêu là hy vọng về tương lai một cô giáo mầm non khi quyết đinh chọn nghề này đã sụp đổ hoàn toàn sau 2 đợi đi thực tập về. Đúng như những gì các cô đã kể ở trên. Bây giờ em cảm thấy mình thật chênh vênh, tiếc cho 3 năm học hành. Nếu mà đợi được sự đổi mới trong ngành mầm non này chắc cô cháu mình cũng kiệt sức wá!


guest
Ước mơ làm cô giáo Mầm Non
Ngày gửi: 4/16/2008 5:23:03 PM


Sau khi đọc mhững thông tin về ngành mầm non, em thực sự chới với. Sau hai năm học trung cấp của một trường dạy nghề, em đã quyết định làm lại từ đầu bằng việc quyết tâm thi vào Khoa Giáo dục mầm non, Trường ĐHSPTPHCM. Không biết sau này sẽ như thế nào khi ước mơ làm cô giáo sẽ biến thành Ôsin có bằng cấp? Em đã được kiến tập ở trường MN khi đang học ky III, và đã chứng kiến công việc của một giáo viên MN, một Ôsin không hơn không kém, thật không hề như tưởng tượng của chúng em cách đây 2 năm. Em hy vọng một ngày gần đây GVMN sẽ được làm đúng vai trò của mình như những GV các cấp học khác. Nếu tình trạng như hiện nay cứ tiếp diễn, thì những thông tin rằng thiếu GVMN đã có câu trả lời, không cần sự thắc mắc gì thêm.



guest

Không yêu nghề mến trẻ liệu có được làm Giáo viên mầm non ?
Ngày gửi: 4/30/2008 12:00:54 PM

Hiện em đang theo học ngành mầm non tại truờng Cao đẳng sư phạm chỉ là Trung cấp chuyên nghiệp(TCCN)thôi nhưng em vào học ngành này chỉ vì gia đình em bắt buộc. Thực sự là em rất buồn và cảm thấy tuyệt vong bế tắc. Khi bước vào trường học 1 nghề theo em suốt đời mà khi thấy thực trạng của ngành như vậy đối với em thật khủng khiếp. Mặc dù em học khá và được học bổng, nhưng em luôn nghĩ, học xong sẽ không đi làm. Không chỉ riêng em mà nhiều bạn hoc chung với em cũng lâm vào tình trạng giống như em. Không biết các bạn nghĩ sao nữa? Phải chăng chỉ là học cho có. Em đã xin mẹ cho em được thôi học nhưng không được. Em cảm thấy mình đã chết khi học nghành này.


guest
Buồn thật cho nghề Mầm non
Ngày gửi: 5/1/2008 9:21:23 PM


Tôi thực sự thấy các bạn đã dũng cảm khi nói lên các sự thật trong nghề. Mặc dù đã 10 năm trong nghề và dồn biết bao tâm huyết vì lòng yêu nghề, mến trẻ nhưng giờ đây tôi thấy vô cùng mệt mỏi khi bước chân vào cổng trường.



guest

Có những điều đôi khi cần suy nghĩ...
Ngày gửi: 5/4/2008 4:19:14 PM

Tôi cũng là một cô giáo mầm non! Và thật sự tôi rất tự hào về nghề nghiệp của mình. Tôi đọc và thật sự thấy thông cảm với những chia sẻ của các bạn. Nhưng:Có bao giờ bạn thử suy nghĩ rằng: chính chúng ta cũng sẽ phải gánh vác phần trách nhiệm để thay đổi thực trạng giáo dục mầm non hiện tại?
Tôi đã trải qua hơn 3 năm với nghề_ một khoảng thời gian chưa nhiều nhưng cũng không còn quá ít để nhận thấy những điều không như mình nghĩ! Thế nhưng:Bạn đừng bao giờ đánh mất cái quyền được nói và được hành động của chính mình. Bởi lẽ: Các bạn nghĩ ngành mầm non bê bối và bạn cần phải trốn chạy khỏi nó để không ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của bạn và người thân? Nhưng đã bao giờ ban nghĩ mình là một phần tử quan trọng để có thể làm thay đổi những điều không hay hiện nay trong chính cái nghề mà mình đã tốn công sức và có thể cả tâm huyết nữa! Tại sao thay vì chỉ biết nhìn và nói về nhừng điều tiêu cực trong nghề bạn không nghĩ rằng mình sẽ góp phần làm thay đổi được nó đưa nó trở về đúng với ý nghĩa cao cả là: Nghề trồng người! Bạn hãy thử suy nghĩ xem nếu một đứa trẻ được một cô giáo mầm non tâm huyết và yêu nghề nuôi dạy sẽ khác gì với những đứa trẻ không nhận được điều tương tự? Phải chăng bạn muốn vứt bỏ cái nghề mà ít ra mình được đào tạo bài bản cho những kẻ trục lợi, vô lương tâm và không hiểu biết? Bạn có biết rằng cô giáo của tôi, người mà tôi vô cùng kính trọng trong cuộc đời này vẫn ngày ngày tập tễnh lên lớp với đôi chân tật nguyền để truyền cho học trò mình lòng yêu nghề và sự tự hào của một cô nuôi dạy trẻ? Phải chăng cô không thấy được những điều tiêu cực của nghề?
Có phải chúng ta đã tật nguyền về tâm hồn?



guest
Gian nan nghề nuôi dạy trẻ.
Ngày gửi: 5/30/2008 2:55:22 PM


Đọc bài viết của H, tôi thấy bạn ấy thật dũng cảm khi dám nói ra sự thật.Một cái nghề mà bấy lâu nay chúng ta vẫn thường bị xem nhẹ trong xã hội, một cái nghề vinh quang thì ít mà cay đắng thì nhiều.Tôi cũng là một phụ huynh ở một trường Mầm Non miền núi, tôi thật sự thông cảm với các bạn trong nghề Mầm Non, đầu tắt mặt tối suốt ngày con hơn cả đi cày ruộng, không những thế các bạn còn phải chịu bao nhiêu áp lực: Phụ huynh, nhà trường, xã hội...Hơn thế nữa là chương trình của ngành học này liên tục thay đổi trong vài năm gần đây, nếu không được tìm hiểu tự học thì không tiếp cận được với cái mới...Mặt khác nhiều giáo viên đi làm chỉ biết từ nhà ra đến trường, rồi từ trường trở về nhà ,cả ngày tiếp xúc với các cháu mà quên đi chuyện riêng tư của bản thân, thậm chí có bạn còn tâm sự với tôi: "Nhiều khi đi chơi cùng chồng nhưng không dám giới thiệu mình là cô giáo Mầm Non". Liệu có còn nghành nào buồn hơn ngành Mầm Non nữa hay không?



guest

Ôi mầm non.......
Ngày gửi: 12/18/2008 8:10:07 PM

Tôi là một sinh viên đại học mầm non, tôi thật sự chán nghề mặc dù tôi chưa ra trường nhưng qua kiến tập tôi đã thấy chán nghề, mới bước chân vào học bao mơ ước, rồi hi vọng cuối cùng sụp đổ. Năm nay tôi ra trường, tôi cũng có ý định xin về tư thục dạy nhưng khi đọc bài của bạn tôi càng hoang mang hơn thật sự tôi không biết phải đi về đâu có lẽ phải bỏ nghề vậy. Bao giờ cho ngành của chúng ta được nhìn nhận đúng và có cơ hội thật tốt để chúng tôi được phát huy đươc hết năng lực đây.


guest
Nỗi khổ của nghề mầm non
Ngày gửi: 4/28/2009 7:43:30 PM


Tôi cũng là một gv mầm non. Dù đi dạy chưa được một năm nhưng hiện tại tôi đã có ý nghĩ mình sẽ bỏ nghề. Tôi dạy ở một trương công lập như mơ ước của bố mẹ nhưng đúng là môi trường nhiều phụ nữ thật phức tạp những khi cái đúng thì bị chà đạp nhưng người mới ra trường như tôi không có kinh nghiệm nịnh giám hiệu thì sẽ bị soi bị mắng nhiều còn chỉ cần nịnh bợ tốt thì sẽ không bị sao cả. Đến trường nhiều khi mắc một nỗi nhỏ tôi bị mắng như một ôsin mắc lỗi nói thật ở nhà bố mẹ tôi không bao giờ mắc tôi bằng những lời lẽ như vậy nghe xong mà chỉ ấm ức nước mắt cứ tràn ra. Trong khi đó có những chị mắc nỗi còn nhiều hơn nhưng lại biết nịnh thì không làm sao cả ...còn nhiều bất công lăm bạn ơi có biết. Về nhà ấm ức nhưng không dám nói với bố mẹ sợ bme buồn. Khi đã làm trong trường công bạn phải có phe cánh phải biết nịnh bợ, phải biết câm nín dù mình có đúng đi chăng nữa thì mình mới được yên nếu không bạn sẽ bị soi mói đủ thứ..Tôi viết ra những dòng tâm sự này mong những bạn mới ra trường đừng nghĩ vào trường công sẽ ổn định hơn hãy suy nghĩ kĩ đi có nhiều trương tư thục rất trọng người tài mà không bị ràng buộc nhiều như trường công.



guest

Dạy MN
Ngày gửi: 3/31/2014 4:18:25 PM

Chỉ có những người trong cuộc thì mới hiểu được sự vất vả,những áp lực mà co giáo mầm non phải chịu,tôi đi dạy 11 năm lương chưa đến 4 tr nhưng phải tự bỏ ra khoảng 400 nghìn làm đồ dùng dạy học,tất cả các loại hồ sơ sổ sách,giáo an làm cho thời gian không còn là của mình nữa,lại phải chịu sự chanh chua của lãnh đạo,của phụ huynh,có lúc tôi bị stress nặng,mọi người ơi hãy nói lên cảm xúc của mình,đã đến lúc các cấp lãnh đạo phải nhìn lại sự bất công mà chúng ta phải chịu


guest
GVMN
Ngày gửi: 8/27/2014 9:46:52 AM


Ở đâu cũng vậy các bạn GVMN ạ!!!!!!!co tiêu cực có tich cực...tuy nhien đó là chén cơm của ình mình k thể bỏ dc..hihih



Graphic

Hãy nhìn nghề của chúng ta bằng cặp mắt tích cực hơn
Ngày gửi: 8/30/2014 4:00:44 PM

Tôi có một số kinh nghiệm hi vọng có thẻ giúp đỡ các cô giáo đôi chút.
Các bạn có thể vào trang https://www.facebook.com/hoasi.mamnon để tham khảo. Tôi dự định sẽ viết bài về kĩ năng mềm dành cho giáo viên mầm non. Đây là một mảng đang bỏ trống không có tài liệu, sách, không hướng dẫn hay truyền đạt khiến nhiều giáo sinh khi ra trường không kịp hòa nhập và buộc phải bỏ việc. Rất mong các nhà quản lý lưu tâm đến mảng này của ngành mầm non.



guest
Nỗi khổ của cô giáo trung cấp mới ra trường
Ngày gửi: 11/4/2014 7:57:09 PM


Tôi là một giáo viên mới ra trường và được chuyển chính thức được 2thangs nay điều mà tôi rất khổ tâm đó là một đồng nghiệp luôn theo dõi vaf làm khổ tôi để báo các với hiệu trưởng về những điều tôi chưa biết theo các bạn tôi phải làm sao đây



guest

Muốn làm GVMN
Ngày gửi: 12/22/2014 11:49:08 AM

Tôi hiện giờ đang làm việc cho công ty nước ngoài, mức thu nhập khá, nhưg muốn nghỉ việc để mở trường mần non. Tôi yêu trẻ và tâm huyết muốn tạo dung một nơi trẻ em có thể phát triển được nhân cách, khả năng của các bé. Tôi có nên làm như vậy không?


guest
Chạm vào qúa khứ
Ngày gửi: 4/17/2015 1:50:22 PM


Mình đã từng đi làm mầm non tư thục nhưng cũng chưa đầy 1 năm đành phải bỏ việc và mang theo bao nỗi bức xúc giống bạn.va minh xin dau hang se khong bao gio quay tro lai mac du minh van con dang theo hoc het khoa tai chuc mầm non.doc tung dong tam su cua ban, minh cam thay nhu chinh minh dang duoc chia se vay.minh chi muon noi 1 cau duy nhat:"che do nguoi boc lot nguoi van dang tiep dien va khong bao gio cham dut duoc cac ban a,chang qua no chi thay doi hinh thuc thoi".co rat nhieu nguoi da tung lam mam non tu thuc noi voi minh rang:"cac chu truong mam non do khong nhung an tren mo hoi nuoc mat cua cac co ma con an tren mieng com manh ao cua cac chau".



guest

Chuyể ngành
Ngày gửi: 6/29/2015 10:01:11 PM

Cho em hỏi em đang học trung cấp mần non , nhưng em muốn học ngành khác có đươc không


guest
Có lên đi làm mầm non
Ngày gửi: 9/4/2018 6:38:53 PM


Giờ mình đang làm mầm non và mình quá chán rồi. Nhưng mẹ mình lại bắt đi làm nên mình nghe theo mẹ. Mỗi ngày đi làm như cực hình ý. Lúc nào cũng mong về, chả hết cháu là cuống lên đi về. Mình yêu trẻ con nhưng mình k làm nổi.



guest

Mầm non áp lực thực sự
Ngày gửi: 10/12/2018 8:08:04 PM

Tôi là gvmn được 2 năm đã vào biên chế, được dạy trẻ, trò chuyện với trẻ có những câu trả lời, hành động vô tư hồn nhiên thật dễ thương, nhưng áp lực công việc làm tôi rất nản,thời gian chăm sóc cháu cả ngày xoay như chong chóng tổ chức đúng thời gian diễn ra các hoạt động một ngày rất vất vả lắm rồi, mà không biết sao hồ sơ xổ sách ngành mn lại nhiều đến thế,hơn thế nữa áp lực đi dự giờ, đi dự giờ cháu phải có nề nếp, trả lời giỏi cô đi đúng phuong pháp dạy thì mới được xếp loại tốt, bởi thế cô phải rèn cháu, cháu thì tinh nghịch lúc thích học lúc không đâu phải dễ dàng gì cô dạy cháu ngồi nghe và trả lơi được,với lại phương pháp dạy của mầm non chưa có thống nhất , học ở trường một đằng ra trường về đi dạy ở trường lại phương pháp khác,mỗi trường mỗi huyện mỗi tỉnh mỗi cách khác nhau.Khi nào cũng nói lấy trẻ làm trung tâm dạy trẻ thu hút là được,nhưng khi nào cũng bắt bẻ.Tiền cô tự bỏ ra làm đồ dùng rất tốn kém, một tuần trẻ học là phải chuẩn bị đồ dùng rất nhiều, chưa kể thanh tra kiểm tra đồ dùng phải nhiều nữa, chăm sóc dạy dỗ cá cháu một ngày đã mệt rồi buổi trưa rồi tối về lo ngồi thức mà làm, trẻ mầm non mà chơi là phải khám phá, cô rèn cách chơi như chơi là nhẹ nhàng không bẻ không cắn, không ...... nhưng thật sự đồ chơi trẻ chơi trong một tuần là một vài đồ chơi hư hỏng hết, mỗi tuần một chủ đề nhánh mới, một tháng là qua chủ đề chính bao nhiêu là việc, hồ sơ sổ sách giáo án,đồ chơi, trang trí phù hợp với từng chủ đề.Bao nhiêu là việc thêm nếu có đồng nghiệp nói xấu hay.....là cũng khổ lắm, thêm về phía phụ huynh nữa, giống như các cô giáo mn bắt buộc kg được đau á.chưa chồng mà thời gian đi chơi với người yêu không rảnh để đi luôn, thời gian thỏa mái vui vẻ rất ít.tôi đã chọn sai nghề,đối Với tôi không phải chăm trẻ dạy trẻ là mệt, tôi lại thích nhưng áp lực về phụ huynh là nhỏ mà áp lực về phía nhà truòng,cấp trên, đồng nghiệp , phòng, sở làm tôi thật sự muốn bỏ nghề.Khi còn là sinh viên tôi cứ nghĩ mầm non thì học chi cho nhiều môn vậy chăm cháu dạy cháu đơn giản lắm ngày nào cũng vui vẻ chơi với các cháu.Ai ngờ là ngược lại.Tóm laih có rất nhiều điều để nói nhưng giờ hiện tại tôi chỉ chốt lại một điều: vào biên chế rồi nhưng áp lực quá cho con nghỉ làm đươc không bố mẹ, đi làm mà con cảm thấy nhanh già và sức khỏe không thể tiếp tục với ngành này được nữa.


guest
Nghành mầm non lương bèo bọt, công việc nhiều
Ngày gửi: 12/17/2018 1:08:57 PM


Tôi đã vào nghề được 4 năm và đa đi làm ở 6 trường. Đến trường nào tôi cũng nhận ra áp lực từ Bgh, đồng nghiệp, phụ huynh. Mặc dù rất yêu trẻ nhưng tôi đành bỏ cuộc vì sau áp lực và không có thời gian cho gia đình


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Cơ sở mầm non ngoài công lập: Còn lắm khó khăn (19/2)
 Hai “điểm nóng” của ngành giáo dục (18/2)
 Công lập "sợ" trẻ dưới 18 tháng tuổi? (13/2)
 Giải bài toán quá tải ở trường mầm non (11/2)
 Cải cách giáo dục nhìn từ một bài tập vẽ (11/2)
 Ban biên tập website Mầm Non chúc tết cán bộ, giáo viên, phụ huynh cùng toàn thể sinh viên và các em thiếu nhi trong cả nước (8/2)
 Mầm non rộn ràng vui đón xuân về (3/2)
 Quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non (29/1)
 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà: Phải có thêm trường mầm non công lập cho người nghèo (29/1)
 MN Măng Non 3: Lễ đón nhận huân chương lao động hạng III (29/1)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i