Giáo dục mầm non
   TP.HCM: Mỗi năm thiếu 3.000 - 4.000 giáo viên mầm non
 

Mỗi năm TP.HCM thiếu khoảng 3.000-4.000 giáo viên mầm non (GVMN). Nhiều nơi, 2/3 trẻ MN phải học ở các trường ngoài công lập. Đây có là nguyên nhân của tình trạng bạo hành ở các nhà trẻ? VietNamNet đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng Phòng giáo dục MN- Sở Giáo dục TP.HCM.

Thiếu trầm trọng GVMN

 
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh
- Thưa bà, hiện nay số trường mầm mon trên địa bàn Thành phố có đủ phục vụ cho trẻ em trong độ tuổi?

- Tại TP.HCM hiện nay có tổng cộng 612 trường mầm non. Trong đó, có 395 trường công lập, 217 trường dân lập tư thục và 765 nhóm lớp mầm non tư thục. Chỉ trong năm học 2007-2008, toàn thành phố đã tăng thêm 30 trường. Tuy nhiên, hiện vẫn có 14 phường còn "trắng" trường mầm non dân lập theo tiêu chuẩn mỗi phường có một trường dân lập của Bộ GD-ĐT.

Nguyên nhân là do quá trình tách quận, tách phường, có những phường mới chưa có trường mầm non. Tuy nhiên, các trường dân lập, tư thục và nhóm trẻ gia đình (NTGĐ) cũng giải quyết được phần lớn nhu cầu gửi trẻ ở những địa phương này. Đáng nói là hiện nay, số lượng GVMN còn thiếu quá nhiều so với nhu cầu.

- Hiện nay, số GVMN ra trường mỗi năm đáp ứng được bao nhiêu so với nhu cầu thực tế?

- Thành phố hiện có 3 cơ sở có đào tạo GVMN là Trường Cao đẳng Sư phạm TW3 (TP.HCM), Khoa Mầm non - Trường Đại học Sài Gòn và Khoa Mầm non - ĐH Sư phạm TP.HCM. Cả ba trường này đào tạo hết công suất thì mỗi năm cũng chỉ cung cấp được 1.000 GVMN. Con số này chỉ vừa đủ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng GVMN tại các trường mầm non công lập.

Chẳng hạn năm học 2007-2008, các trường công cũng đã tuyển khoảng 1.000 GV. Như vậy, số GV phục vụ tại các trường mầm non tư thục và NTGĐ với nhu cầu mỗi năm lên đến 3.000 - 4.000 cô là thiếu. Nguồn cung cho khoảng thiếu hụt này chủ yếu lấy từ các khoá đào tạo nghiệp vụ sư phạm mầm non cấp tốc, thời gian 3-6 tháng của các trường sư phạm nói trên. Thời gian qua, các trường đã đào tạo được 30 lớp với khoảng 3.000 giáo viên.

- Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu trầm trọng GVMN này, thưa bà?

- Có rất nhiều nguyên nhân. Song, theo tôi, tựu trung lại là do mức sống của người dân còn quá thấp. TP.HCM là địa phương có tỷ lê tăng dân cơ học cao nhất nước. Số trẻ em là con của các công nhân, người lao động nhập cư tăng lên quá nhanh trong những năm gần đây. Chỉ riêng năm học này, số trẻ đã tăng hơn 1.000 cháu so với năm học trước. Nhu cầu gửi trẻ rất cao vì phụ huynh phải đi làm. Trong khi đó, nhiều năm trước cho đến giờ, chúng ta vẫn chưa có một cơ quan nào dự báo về vấn đề này để có thể chủ động chuẩn bị về cơ sở vật chất, giáo viên...

Đây là một sức ép đối với ngành mầm non thành phố. Tôi e rằng vài năm tới, bậc tiểu học sẽ tiếp tục chịu sức ép này.

Một nguyên nhân khác là do đời sống của giáo viên còn thấp. Lương giáo viên ở các trường ngoài công lập chỉ phổ biến ở khoảng 800.000đ đến 1,5 triệu đồng/ tháng. Những trường hợp hộ khẩu ngoài thành phố có khi chỉ thử việc với mức lương 600.000đ. Vì mức sống quá thấp nên nhiều giáo viên MN bỏ nghề. Thiếu GVMN nên các cô giáo phải làm việc quá tải. Nghĩa là, lương thấp thì cô khổ, cháu cũng khổ!

Thu nhập thấp cũng là nguyên nhân khiến học sinh không mặn mà với ngành Sư phạm Mầm non khi đặt bút chọn ngành ở mỗi kỳ tuyển sinh CĐ, ĐH.

Từ thiếu GVMN đến... bạo hành với trẻ

- Theo bà, thiếu GVMN có là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành, ngược đãi trẻ em ở các trường MN tư thục, NTGĐ?

- Đó cũng là một nguyên nhân. Vì quá thiếu GV nên một số trường buộc lòng phải sử dụng những giáo viên chỉ qua các lớp đào tạo cấp tốc hoặc có nơi sử dụng người chưa qua đào tạo. Những người này do không có kinh nghiệm, nghiệp vụ và phương pháp sư phạm nên đã có những hành động như đánh đập hay trường hợp dán băng keo cho trẻ thôi khóc mà vừa qua báo chí và dư luận rất bất bình.

Tình trạng quá tải, mỗi GVMN phải làm việc 10-12 giờ/ngày cũng khiến các GV quá sức, dễ bạo hành với trẻ.

- Trước tình trạng thiếu cả GV và trường lớp, nhiều phụ huynh có mức sống trung bình và thấp rất lo ngại khi gửi con vào các trường dân lập và NTGĐ...

- Chúng tôi hoàn toàn có thể thông cảm với nỗi lo này của quý phụ huynh. Hiện mức học phí ở các trường tư thục và nhóm trẻ dao động ở khoảng 150.000 đồng đến gần 10 triệu đồng/tháng. Nhưng chỉ có 10% phụ huynh tại thành phố đủ khả năng gửi con vào các trường có học phí khoảng 1 triệu đồng trở lên. Phần đông còn lại thì gửi ở mức dưới 1 triệu đồng, mức này là chưa thể đảm bảo các điều kiện vui chơi, học tập và dinh dưỡng. Thậm chí các phụ huynh là công nhân thì thường gửi con ở các NTGĐ với mức vài ba trăm nghìn 1 tháng/cháu.

Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Chánh, Hóc Môn... là những nơi có rất nhiều NTGĐ tự phát. Có những nơi như Tân Phú, Thủ Đức, 2/3 số trẻ phải học ở trường ngoài công lập. Phần đông NTGĐ thường không đạt yêu cầu diện tích, ánh sáng, sân chơi...

Từ năm 2005 đến nay, chúng tôi đã kiểm tra và đóng cửa hàng trăm cơ sở như thế. Tuy nhiên, với những cơ sở tương đối, chúng tôi cũng đề nghị các trường dân lập trên địa bàn và phòng GD các địa phương hướng dẫn thêm để họ tự hoàn thiện chứ nếu đóng cửa hết không có chỗ cho phụ huynh gửi con. Mà nếu đóng cửa, họ gửi con vào các cơ sở mở chui, mở lậu thì đúng là "lợi bất cập hại".

Vẫn là chuyện chất lượng đời sống

- Những giải pháp cho vấn đề này, thưa bà?

- Trước mắt, cần tiếp tục đẩy mạnh các khoá đào tạo cấp tốc 3-6 tháng để đáp ứng đủ lượng GV cần thiết. Về cơ sở vật chất, cần xây dựng thêm trường, lớp.

Một số địa phương không đủ quỹ đất, chúng tôi khuyến khích hình thức thành lập trường bằng cách sử dụng một tầng hoặc 1 phần trong chung cư. Như vây, vừa đỡ lo về đất, vừa thuận tiện cho phụ huynh khi gửi con em. Hình thức này đã được nhiều nước áp dụng thành công. Tại Thành phố cũng có vài trường ở quận 4 và Phú Nhuận tiến hành có hiệu quả.

Về lâu dài, đó phải là việc giải quyết rốt ráo các vấn đề đời sống. Tăng lương giáo viên mầm non là cần thiết. Chúng tôi từng đề nghị điều này nhưng chưa được chấp nhận. Quả thật, lương GVMN như hiện nay là rất khó sống, nhất là ở thời điểm trượt giá liên tục như thế này.

Bên cạnh đó là việc nâng cao dân trí. Hiện nay tôi thấy phần đông người lao động có thu nhập thấp dường như chưa tính tới việc tích luỹ một khoản tiền cần thiết để lo cho con trong những năm đầu đời tương đối đảm bảo. Thực tế ở các trường mầm non tư thục, dân lập vẫn còn trống chỗ nhưng vì phụ huynh không có điều kiện gửi con vào. Nếu phụ huynh có điều kiện hơn một chút, hệ thống trường MN tư thục sẽ phát triển vì chủ trương XHH GD mầm non hiện nay rất cao. Để các cháu có môi trường vui chơi, học tập tốt hơn, chúng tôi mong phụ huynh nên lưu ý đến vấn đề này.

- Vâng, xin cảm ơn bà!

( Theo Vietnamnet )

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Ngành Giáo dục mầm non thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chấn chỉnh các hoạt động giáo dục (17/3)
 Tập Huấn về khám sàng lọc và đánh giá trẻ khuyết tật qua bộ công cụ ASQ & AEPS (17/3)
 Trường Bán công Mầm non Cầu Diễn: Điển hình trong công tác xã hội hoá, nuôi dạy trẻ (13/3)
 TP Hồ Chí Minh thiếu trường mầm non cho con em công nhân (11/3)
 8/3 Ngày của yêu thương (10/3)
 Hà Nội sẽ tuyển 2.291 giáo viên mầm non, tiểu học, THCS (6/3)
 Bộ GD-ĐT đề nghị TPHCM: Xây trường mầm non cho 14 phường, xã chưa có trường công lập (3/3)
 Những nghịch lý trong giáo dục (22/2)
 Chuyện kể của một cô giáo: Bỏ nghề sau đúng một năm đi dạy mầm non (20/2)
 Cơ sở mầm non ngoài công lập: Còn lắm khó khăn (19/2)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i