Giáo dục mầm non
   Cần triển khai tốt Chương trình GD mầm non mới
 

TS. Lê Minh Hà
Sau 3 năm thí điểm ở 48 trường mầm non thuộc 20 tỉnh thành trong cả nước, đến nay, Chương trình giáo dục mầm non mới (CTGDMN mới) chính thức được ban hành theo Thông tư số 17 của Bộ GD-ĐT ra ngày 29-7-2009 và đưa vào thực hiện, trước hết ở những trường, những địa phương có đủ điều kiện, hi vọng 3 năm sau sẽ được triển khai đại trà ở 100% trường MN. Luôn là bậc học "em út" trong hệ thống GD quốc dân với nhiều thiệt thòi, nay đến CTGDMN cũng lại ra đời tương đối muộn mằn, so với GD phổ thông, và nó đã đáp ứng lòng mong mỏi quá lâu rồi của các trường MN, cho dù nó không phải quá mới mẻ.

Trò chuyện cùng chúng tôi, TS Lê Minh Hà - Vụ trưởng Vụ GDMN khẳng định tinh thần đó.

Được hỏi: -Vì sao phải ban hành CTGDMN mới?
TS Lê Minh Hà nói: Các chương trình chăm sóc GD trẻ MN (3-36 tháng, 3-4 tuổi, 4-5 tuổi, 5-6 tuổi) được Bộ GD-ĐT ban hành trước đây (năm 1994-1995) đã có những hạn chế, bất cập về nội dung cũng như phương pháp. Nội dung và hoạt động học tập còn nặng về cung cấp kiến thức một cách riêng rẽ và chưa coi trọng việc hình thành và phát triển các năng lực và kỹ năng sống cho trẻ. Sự đổi mới của chương trình GD các cấp học, đặc biệt ở tiểu học đòi hỏi GDMN -bậc học đầu tiên trong hệ thống GD quốc dân - phải đổi mới, tạo ra sự tiếp nối có hiệu quả, chuẩn bị tốt cho trẻ vào học lớp 1 phổ thông. HƠn nữa, trong xu thế phát triển chung của xã hội, nhu cầu và sự phát triển của trẻ em cũng đã có những thay đổi, cần có CTGD cho phù hợp.

PV: CTGDMN mới đã được xây dựng như thế nào, thưa bà?
TS Lê Minh Hà: CTGDMN mới thay thế cho CTGDMN thí điểm thực hiện từ tháng 9-2006, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD phổ thông mà trước hết và quan trọng nhất là bậc tiểu học. CTGDMN mới không phải là một sự đột phá mà nó dựa trên CT thí điểm có kế thừa các chương trình đã có như đã nói ở trên Quá trình xây dựng CTGDMN mới có thẻ tóm tắt như sau: Năm 1998-2002 triển khai nghiên cứu một số đề tài đổi mới, sau đó bắt tay vào biên soạn dự thảo chương trình và tổ chức thẩm định chương trình trước khi triển khai thí điểm; tổ chức thực hiện thí điểm; Tổ chức thẩm định lần cuối chuẩn bị ban hành chính thức.

CTGDMN mới được nghiên cứu rất công phu, khoa học, có sự kết hợp đồng bộ giữa cơ quan nghiên cứu, cơ quan chỉ đạo và cơ sở đào tạo GV cũng như các trường MN, thông qua việc xây dựng bản dự thảo và tổ chức 17 hội thảo quốc gia, tập hợp gần 2000 lượt ý kiến của các nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý và các chuyên gia GD, xây dựng bộ sách triển khai thực hiện thí điểm.

PV: Trong quá trình thu thập ý kiến, CTGDMN đã được đánh giá như thế nào, thưa bà Lê Minh Hà?
TS Lê Minh Hà: Có thể nói, CTGDMN mới đã kế thừa được những thành quả của GDMN qua các giai đoạn, những giá trị tốt đẹp của các CTGDMN đã có trong và ngoài nước, đồng thời đã thể hiện được những định hướng đổi mới của GDMN, hướng tới sự phát triển của GDMN trong tương lai.

Công văn của Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam gửi Viện KHGD Việt Nam tháng 12-2008 cũng đã khẳng định: CTGDMN mới đã xác định được hoạt động chủ đạo của trẻ em ở các lứa tuổi khác nhau phù hợp với lý thuyết hoạt động của tâm lý học, trên cơ sở đó nêu được nội dung, hình thức và phương pháp GD thích hợp.. Ngoài ra, chương trình cũng đã chú ý đến nhièu mặt, đến những yêu cầu đa dạng như bảo vệ, nuôi dưỡng, chăm sóc và GD trẻ từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi, nội dung chăm sóc giáo dục giữa các giai đoạn phát triển của trẻ lại thể hiện được tính đồng tâm, liên thông, kết hợp hình thành, củng cố và nâng cao năng lực, phẩm chất tích hợp.

Quan trọng nhất là ý kiến phản hồi từ chính các GV và CBQL ở các đơn vị thí điểm, họ đều đánh giá CTGDMN mới cho phép họ thực hiện những ý tưởng sáng tạo của mình, GD được kỹ năng sống cho HS, và các em được học trong một tâm thế tích cực hơn trước nhiều. Thông qua việc tổ chức các hoạt động "chơi mà học, học bằng chơi", các em được tự tìm tòi khám phá trong những điều kiện khác nhau, để tạo cho các em có được kỹ năng phản ứng trước các tình huống khác nhau xảy ra trong cuộc sống.

Với chương trình GDMN mới, trẻ có khả năng phát triển những năng lực tiềm ẩn của mình

PV: Tôi lưu tâm đến một ý kiến mà Bà vừa nhắc đến, đó là CTGDMN mới đã cho phép các GV sáng tạo, HS được học trong tâm thế tích cực. Đó phải chăng là tính mở của chương trình?
TS Lê Minh Hà: Vâng, CTGDMN mới là một chương trình khung, mang tính mở rất cao bởi như chúng ta biết, GD phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện phát triển KT-XH nên cũng rất khác nhau giữa các vùng miền. Không thể áp dụng một chương trình GD cứng nhắc cho tất cả các vùng miền, các đối tượng, các điều kiện. Mỗi GV qua đào tạo đều đã biết được các giai đoạn phát triển khác nhau của một đứa trẻ, họ sẽ biết cách vận dụng CTGDMN cho phù hợp với từng giai đoạn, thậm chí với từng đứa trẻ khác nhau. Mục tiêu, nội dung kiến thức thì nhất quán nhưng cách truyền tải thì khác nhau, đa dạng và không thể áp đặt, tùy điều kiện mà GV áp dụng cho phù hợp. Nếu biết hướng dẫn tốt, chúng ta có thể giúp các em phát triển tất cả những năng lực tiềm ẩn của mình. Vai trò hướng lái, chủ động, sáng tạo của GV là rất quan trọng. Muốn có được điều đó, họ không chỉ cần có kiến thức, kỹ năng mà với GV mầm non thì nhất thiết phải có tâm huyết, trái tim nhân hậu.

PV: Tôi đồng ý là vai trò của GV luôn luôn rất quan trọng. Nhưng liệu họ đã được đào tạo để đảm đương được vai trò quan trọng của mình trong quá trình triển khai CTGDMN mới?
TS Lê Minh Hà: Như tôi đã nói, quá trình xây dựng CTGDMN mới có sự phối hợp của cơ quan nghiên cứu, cơ quan chỉ đạo, cơ sở đào tạo và các trường MN. Các trường sư phạm MN đều vào cuộc để song song điều chỉnh việc đào tạo của mình đáp ứng yêu cầu GV thực hiện CTGDMN mới. Ngoài ra là chúng ta vẫn tiếp tục tích cực bồi dưỡng GV về đổi mới phương pháp, trong đó có các GV mầm non, cho dù không được như các bậc học phổ thông đàn anh, mầm non không có một dự án nào phối hợp thực hiện bồi dưỡng GV mà chủ yếu là trông tựa vào các chương trình mục tiêu của Nhà nước. Chúng tôi đã nhiều lần kêu gọi và vẫn mong mỏi các dự án quốc tế quan tâm đầu tư cho GD mầm non nhưng thật là khó khăn, cho đến bây giờ bậc học em út này dù được Luật GD qui định là nằm trong hệ thống GD quốc dân nhưng vẫn "nằm ngoài" sự đầu tư của các dự án, trong khi đó có bậc học phổ thông thu hút đến 19 dự án đầu tư.

PV: Trong Hướng dẫn nhiệm vụ năm học của bậc học mầm non, có nói: "Triển khai thực hiện CTGDMN mới ở các trường có đủ điều kiện về CSVC và đội ngũ GV. Các sở GD-ĐT chủ động xây dựng lộ trình thực hiện, đảm bảo trong vòng 3 năm CTGDMN mới được thực hiện đại trà ở tất cả các cơ sở GDMN". Tại sao lại như vậy, thưa đ/c Vụ trưởng?
TS Lê Minh Hà: Bởi vì CTGDMN mới có những đòi hỏi cao hơn CT cũ cả về phương pháp dạy học và kèm theo đó là phương tiện dạy học, phù hợp với đặc điểm phát triển ngày càng cao cả về thể chất và trí tuệ, tâm hồn, tình cảm của trẻ em trong điều kiện ngày nay. CTGDMN mới cũng là một định hướng để các nhà trường, địa phương từng bước tăng cường đầu tư trang thiết bị GD, tài liệu, học liệu, phương tiện cho việc chăm sóc và GD các cháu lứa tuổi mầm non. Hiện nay, GDMN còn rất nhiều bất cập về CSVC, trang thiết bị cũng như đội ngũ GV. Trường chuẩn quốc gia mới chỉ đạt 13,2%, phòng học kiên cố mới đạt 37%, vẫn còn 21,6% phòng học tạm, học nhờ; chất lượng chăm sóc GD trẻ không đồng đều, còn nhiều nơi khó khăn vẫn học chương trình 26 tuần và 36 buổi, tỉ lệ trẻ được ăn bán trú cũng chỉ đạt 65,5%, tỉ lệ suy dinh dưỡng vẫn còn 7,5% ở nhà trẻ và 6,9% ở mẫu giáo; còn thiếu đến hơn 3000 CBQL và hơn 20.000 GV trong cả nước; cơ chế chính sách với GV mầm non tuy đã có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều bất cập (trường công mới chỉ chiếm 55,5%)...Ở các vùng khó khăn, miền núi thì các điều kiện để thực hiện CTGDMN mới càng thiếu thốn, nghèo nàn.

Chính vì những lý do đó nên trong năm học này, Bộ chỉ đạo các địa phương, các trường có đủ điều kiện thì triển khai thực hiện CTGDMN mới, quan trọng là địa phương phải chủ động xây dựng lộ trình để trong vòng 3 năm là triển khai đại trà 100%. Song song với quá trình chuẩn bị này, các nhà trường vẫn tiếp tục phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" để dần từng bước tạo ra môi trường chăm sóc và GD tốt nhất cho trẻ, cũng là điều kiện để triển khai CTGDMN mới.

Bên cạnh đó, chúng ta vẫn tích cực khuyến khích xây dựng các trường mầm non chất lượng cao. Đầu năm 2010, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ sẽ tổ chức hội thảo quốc gia về xây dựng trường mầm non chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu khác nhau của người dân về chăm sóc GD trẻ mầm non. Vào cuói năm học 2009-2010 sẽ có "Giao lưu cán bộ quản lý mầm non giỏi toàn quốc, góp phần thực hiện chủ đề năm học "Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục".

PV: CTGDMN mới chỉ là chương trình khung, vậy các địa phương sẽ có căn cứ nào để triển khai chương trình này phù hợp với điều kiện của địa phương mình?
TS Lê Minh Hà: Bộ luôn khuyến khích các địa phương chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện CTGDMN mới phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, bảo đảm chất lượng chăm sóc GD trẻ; đồng thời tăng cường trao đổi, học tập, rút kinh nghiệm và hỗ trợ việc thực hiện CTGDMN mới cho các đơn vị quản lý, chỉ đạo và các trường mầm non thực hiện CTGDMN mới.

Sau khi ban hành chương trình khung, Bộ sẽ có thông tư hướng dẫn thực hiện chương trình ngay trong tháng 8 này, tổ chức tập huấn việc thực hiện CTGDMN mới cho CBQL và GV mầm non cốt cán của địa phương để họ tập huấn lại cho các GV khác của địa phương mình.

Bộ cũng chỉ đạo các trường sư phạm, khoa sư phạm tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, đảm bảo giáo sinh mầm non khi ra trường có khả năng thực hiện ngay CTGDMN mới.

Mọi sự chủ động, sáng tạo của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện CTGDMN mới đều phải đảm bảo đạt được mục tiêu chất lượng chăm sóc GD trẻ của CTGDMN.

PV: Cuối cùng, xin bà cho biết CTGDMN mới có phải chỉ dung riêng cho GV và CBQLGD mầm non không, hay các bậc cha mẹ cũng có thể tham khảo để phối hợp chăm sóc giáo dục con em mình?
TS Lê Minh Hà: CTGD nói chung và CTGDMN nói riêng trước hết là dành cho các nhà trường, để CBQL và GV có định hướng thực hiện các nội dung về chăm sóc GD trẻ. Tuy nhiên, quá trình phát triển toàn diện của mỗi đứa trẻ đều phụ thuộc vào cả 3 môi trường GD, trong đó sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường là vô cùng quan trọng. Mỗi nhà trường phải có trách nhiệm phổ biến các nội dung trong CTGDMN tới các bậc cha mẹ , tùy theo từng giai đoạn phát triển của trẻ. Mỗi lần GV đón tiến cháu là một cơ hội để cô và mẹ trao đổi với nhau về tất cả những vấn đề liên quan đến việc chăm sóc GD trẻ. Việc nắm bắt CTGDMN mới cũng là điều kiện để các bậc phụ huynh không chỉ phối hợp, cùng tham gia mà còn giám sát nhà trường trong việc chăm sóc GD con em mình. Tất nhiên, để làm được điều này, đòi hỏi các bậc phụ huynh cũng phải có kiến thức nhất định trong việc chăm sóc GD trẻ. Như vậy thì triển khai thực hiện CTGDMN mới cũng là một cơ hội để các ông bố, bà mẹ tự nâng cao kiến thức nuội dạy con, để có thể phối hợp tốt hơn với nhà trường và cộng đồng cùng vì tương lai của chính con em mình.

PV: Trân trọng cảm ơn đ/c Vụ trưởng.

Theo GD&TĐ

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 “Heo vàng” đến tuổi, phụ huynh cuống cuồng (6/8)
 Bước chuyển tổng thể bậc học mầm non Hà Nội (5/8)
 Trường mầm non vất vả chống dịch (3/8)
 Nhà trẻ thời @ (28/7)
 Các tiểu học, mầm non TP HCM rối vì cúm (31/7)
 Cúm A/H1N1: Không đóng cửa trường mầm non và tiểu học (27/7)
 Trường Mầm non Tân Xuân: Vì thế hệ măng non của đất nước (25/7)
 Tập huấn hè cho Cán bộ Quản lý và Giáo viên Mầm non cốt cán năm 2009 (22/7)
 Sở Giáo dục TP HCM cảnh báo cúm H1N1 tất cả trường học (22/7)
 Chuẩn bị cho trẻ khi lần đầu tiên đi học (20/7)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i