Xã hội
   Lắm chuẩn thật… “hoang đường”!
 

Không phải gia đình nào cũng có điều kiện để mua cho con một nhạc cụ như thế này.
Mặc dù, Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi - dự thảo theo kế hoạch sẽ trở thành kim chỉ nam để xây dựng một chương trình giáo dục mầm non phù hợp với sự phát triển kinh tế - khoa học kỹ thuật... chưa thể ra đời vì gặp phải làn sóng phản ứng của dư luận xã hội, thế nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vẫn "sinh con trước sinh mẹ" khi ban hành một Chương trình Giáo dục mầm non mới áp dụng bắt đầu từ năm học 2009 - 2010 trên cả nước.

Chương trình này, tưởng rằng ra đời sau cũng như rút kinh nghiệm từ những "chuẩn" bị phản ứng dữ dội của lần trước sẽ đưa ra các nội dung giáo dục phù hợp, chuẩn mực. Vậy mà, vẫn có những điều phải bàn đến trong chương trình Giáo dục mầm non được triển khai năm học tới đây.

Dành cho 2 lứa tuổi: nhà trẻ (từ 3 tháng đến 3 tuổi) và mẫu giáo (từ 3 đến 6 tuổi), Chương trình Giáo dục mầm non đặt ra mục tiêu phát triển thể chất, phát triển nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, kỹ năng xã hội và phát triển thẩm mỹ đối với trẻ. Theo đó, nội dung chương trình giáo dục cũng được phân chia từng phần như vậy. Ở phần Giáo dục dành cho mẫu giáo, chương trình yêu cầu học sinh: "Phải thể hiện thái độ, tình cảm khi nghe âm thanh gợi cảm, bản nhạc, vẻ đẹp của sự vật hiện tượng...".

Đặc biệt ở phần này còn có một nội dung không biết có "lãng mạn" quá không khi đòi hỏi học sinh: "Nghe và nhận biết các thể loại âm nhạc khác nhau (nhạc thiếu nhi, dân ca, nhạc cổ điển), biết sắc thái của bản nhạc, biết đặt lời theo giai điệu bài hát...".

Với âm nhạc nói chung, nghe và "cảm" đối với trẻ 5 tuổi đã là chuyện không hoàn toàn dễ dàng vì tâm lý lứa tuổi, các em chỉ thích nghe giai điệu vui nhộn, sôi động. Nhưng để phân biệt được từng thể loại âm nhạc, lại là nhạc cổ điển nữa thì đối với trẻ 5 tuổi, nhất là những trẻ kiến thức âm nhạc trong đầu chỉ là con số 0 thì quả là khó khăn.

Theo định nghĩa của NSƯT Châu Sơn, Trưởng khoa Dây của Học viện Âm nhạc quốc gia thì nhạc cổ điển là thể loại tập trung ở đó nhiều dòng nhạc khác nhau. Nó mang tính căn bản, nền tảng kiến thức của mọi lĩnh vực trong âm nhạc như hòa thanh, phối khí...

Đặc biệt, âm nhạc cổ điển mang lại trí tưởng tượng và sự nhạy cảm cho con người rất cao. Chính vì vậy, nhạc cổ điển có sức sống bền lâu và bất diệt. Đây cũng là lý do vì sao người ta gọi nhạc cổ điển là âm nhạc bác học, kinh điển. Để nghe và nhận biết được nhạc cổ điển, theo NSƯT Châu Sơn cần có nhiều yếu tố.

Yếu tố quan trọng nhất và coi như là điều kiện tiên quyết ấy là giáo viên phải biết và hiểu về nhạc cổ điển. Bởi có những điều kiện này, giáo viên mới dạy và truyền được cảm hứng cho học sinh. Nếu không, học sinh sẽ thất bại ngay từ đầu vì đây là âm nhạc rất khó nghe, thậm chí có lúc "ngang" tai do thể hiện nhiều cung bậc tình cảm quá phức tạp của con người và muốn nghe, muốn nhận biết được đòi hỏi phải kiên trì, nhẫn nại.

Điều kiện thứ hai không kém phần quan trọng ấy là kinh tế. Nói một cách thẳng thắn, phải có tiền mới được thưởng thức nhạc cổ điển. Vì so với tất cả những chương trình nghệ thuật khác, giá vé của một buổi biểu diễn nhạc cổ điển đắt hơn nhiều lần.

Và không chỉ xem một lần mà phải xem nhiều lần, xem từ tác phẩm đơn giản đến phức tạp theo phương châm "mưa dầm thấm lâu", khán giả trẻ em (đối với người lớn cũng vậy) mới hiểu rồi dần dần yêu thích và dẫn đến nhận biết được thế nào là nhạc cổ điển. Như vậy, chắc chắn cần không ít tiền.

Đó là chưa nói đến chuyện như nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, trong chương trình giáo dục để nhận biết, cảm thụ tốt âm nhạc cổ điển trẻ em được chọn một nhạc cụ để học và tất nhiên nhạc cụ ấy chơi được nhạc cổ điển. Nếu trẻ em Việt Nam được như vậy, tình cảm cũng như sự hiểu biết đối với nhạc cổ điển sẽ đến nhanh hơn và hiệu quả hơn. Nhưng cũng phải có tiền và không ít mới thực hiện được điều đó.

Quy chiếu tất cả những điều kiện trên đây với hoàn cảnh xã hội, kinh tế và đặc biệt là thực tế giáo dục hiện nay thì rõ ràng nghe và nhận biết được các thể loại nhạc, thiếu nhi, dân ca, cổ điển, biết sắc thái của bản nhạc... là một yêu cầu vượt quá khả năng không chỉ với trẻ 5 tuổi mà với cả người lớn.

Bởi ngay như ở điều kiện đầu tiên đồng thời là điều kiện tiên quyết như NSƯT Châu Sơn nhận định là giáo viên tại các trường mầm non phải biết và hiểu nhạc cổ điển thì mới dạy được học sinh. Thế nhưng, chắc chắn rằng phần nhiều giáo viên mầm non (và cả rất nhiều giáo viên ở các bậc cao) hiện nay không biết và hiểu nhạc cổ điển.

Và khi không biết và hiểu được nhạc cổ điển thì làm sao họ có thể dạy và truyền được những cảm nhận tinh tế, sâu sắc về thể loại âm nhạc đầy bác học này. Tất nhiên ở đây, không phải trách nhiệm của giáo viên mà đơn giản trong chương trình đào tạo dành cho họ trước khi trở thành cô nuôi dạy trẻ tại trường sư phạm không có nội dung này. Họ chỉ được học một cách sơ đẳng về âm nhạc nói chung để có thể xướng âm, đọc bản nhạc đơn giản...

Một số giáo viên mầm non sau khi nhận được nội dung Chương trình Giáo dục mầm non mới đã hốt hoảng thốt lên làm sao họ có thể dạy được học sinh nghe và nhận biết được nhạc dân ca, cổ điển trong khi kiến thức về 2 thể loại nhạc này họ hoàn toàn "i, tờ" và nhạc cụ duy nhất họ có thể chơi là đàn organ.

Mà đàn organ khác nào cái máy, chỉ cắm điện, nhấn nút là phát ra giai điệu rồi. Ở nhiều quốc gia phát triển còn nghiêm cấm dạy nhạc bằng đàn organ cho trẻ vì tính "máy móc" của nó.

Một giáo viên tốt nghiệp Khoa Nhạc họa của Trường đại học Sư phạm hẳn hoi còn nói: "Giả sử, trong trường hợp có được học về nhạc cổ điển chăng nữa, thì khi về dạy tại các trường mầm non với điều kiện khó khăn về giáo cụ trực quan, thiết bị máy móc (như đầu đĩa CD, VCD, âm thanh...) giáo viên cũng không thể dạy học sinh về âm nhạc cổ điển, dù chỉ ở trình độ nghe và nhận biết".

Có ý kiến cho rằng, có thể hướng dẫn cho học sinh nhận biết âm nhạc cổ điển thông qua hình thức nghe băng, đĩa thay vì phải đi xem trực tiếp những buổi biểu diễn hoặc học một nhạc cụ cụ thể. Tuy nhiên, nghệ sĩ trẻ violon danh tiếng Bùi Công Duy, từ những kinh nghiệm bản thân cũng như dựa trên những nguyên tắc cơ bản của đào tạo âm nhạc, dẫu không chuyên, đã đưa ra nhận định riêng: "Chỉ nghe qua băng đĩa không thôi, học sinh sẽ rất khó nhận biết, cảm thụ được âm nhạc, nhất là với thể loại cổ điển. Vì thể loại này như ý kiến của nhiều khán giả không dễ dàng "lọt" vào tai người nghe. Với thiếu nhi lại càng khó vì tâm lý lứa tuổi hiếu động, thích âm nhạc sôi động, mang tính giải trí cao...".

Nghệ sĩ Bùi Công Duy nói tiếp: "Vả lại đâu chỉ đơn giản là nghe, phải cảm nhận nữa chứ. Cảm nhận được thì mới nghe được. Nghe được mới nhận ra sự khác nhau giữa các thể loại để phân biệt một cách rành rọt. Cho nên để âm nhạc cổ điển có thể đi vào tâm hồn trẻ thơ và không còn khoảng cách, nhất thiết phải có những buổi xem biểu diễn trực tiếp cũng như tham quan, làm quen với các nhạc cụ hoặc giao lưu với những nghệ sĩ biểu diễn nhạc cổ điển nhằm tạo hứng thú, cuốn hút trẻ em. Khi đã hấp dẫn, cuốn hút trẻ em, việc nhận ra nhạc cổ điển hay bất kỳ một thể loại gì khác cũng sẽ dễ dàng hơn".

Còn yếu tố thứ hai mà NSƯT Châu Sơn đã đúc kết sau hàng chục năm đứng trên bục giảng và lưu diễn của mình là kinh tế trong việc giáo dục âm nhạc cổ điển cho trẻ em, thì ngay cả điều kiện này chúng ta cũng chưa sẵn sàng. Chỉ làm một phép tính đơn giản, mỗi tháng, học sinh mẫu giáo phải đóng khoảng 400 nghìn đồng. Vậy mà với khoản tiền này nhiều gia đình phải gom góp, tiết kiệm trong tổng số "ngân sách" của họ mới có được để dành cho con đi học.

Bây giờ, nếu phải nộp thêm phụ phí để phục vụ cho việc giáo dục âm nhạc cổ điển, chắc chắn nhiều bậc cha mẹ sẽ cho rằng xa xỉ và rút khỏi danh sách tên con mình trong việc học nhạc cổ điển, kể cả khi họ biết âm nhạc này có thể mang lại sự bay bổng, nhạy cảm đến mức tinh tế trong tâm hồn con của họ.

Nhưng với cái lý: "Có thực mới vực được đạo", hành động ấy, không phải vô lý. Còn trường hợp trẻ em được miễn phí và ngành giáo dục hoặc nghệ thuật phải chi trả những khoản phí phục vụ cho việc giáo dục âm nhạc thì với hoàn cảnh khó khăn chung hiện nay cũng như về lâu dài hai ngành có chi trả được không và đã bao giờ hai ngành này bắt tay phối hợp để tạo dựng một chương trình giáo dục cho trẻ thơ về âm nhạc nói chung, nhạc cổ điển nói riêng?

Vẫn biết chủ trương của ngành giáo dục là cố gắng hoàn thiện, phát triển toàn diện khả năng của trẻ thơ. Tuy nhiên, chủ trương ấy với những nội dung phải phù hợp với hoàn cảnh xã hội, kinh tế, con người... hiện tại nếu không vô tình sẽ trở thành những "phép thử" mang hiệu ứng ngược.

Mà nghiêm trọng ở chỗ đối tượng của những những phép thử mang hiệu ứng ngược ấy lại là trẻ thơ, chủ nhân tương lai của đất nước trong khi đây là điều tối kỵ đối với lĩnh vực nhạy cảm như giáo dục. Bởi vậy, để giáo dục âm nhạc nói chung cho trẻ thơ, phải có một sự chuẩn bị đồng bộ, kỹ lưỡng chứ không thể nhất thời nói là làm trong khi các điều kiện cần thiết lại chưa hình thành, hoàn thiện.

Trường hợp như vậy, chắc chắn dẫn đến hệ lụy âm nhạc trong sự cảm nhận của trẻ 5 tuổi là xa vời , lạ lẫm thậm chí bị ghét bỏ như một sự phức tạp, đòi hỏi thái quá...

Theo CAND

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Thị trưởng Trung Quốc lên tiếng vụ trẻ em nhiễm độc chì (19/8)
 Các địa phương sẵn sàng cho năm học mới (19/8)
 Không thu gộp các khoản vào đầu năm học (18/8)
 Quần áo cotton trẻ em bán chạy (18/8)
 TP HCM tựu trường trong hồ hởi và lo âu (18/8)
 Đồ chơi Lego trúng lớn nhờ khủng hoảng (18/8)
 Khuyến khích các trường mua sắm các thiết bị tiên tiến (18/8)
 Học tại trường mầm non song ngữ có gây áp lực cho trẻ? (17/8)
 Không đánh giá bằng điểm một số môn học ở tiểu học (17/8)
 Lao đao vì 'dê vàng' vào lớp 1 (17/8)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i