Xã hội
   Vẫn ‘bài ca’ chính sách đãi ngộ giáo viên
 

"Bài ca" chính sách đãi ngộ giáo viên, chương trình dạy và học môn tiếng Anh hiện nay, các chính sách ảnh hưởng đến người học là ba vấn đề lớn được nhiều bạn đọc quan tâm tại buổi giao lưu trực tuyến trước thềm năm học mới của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân.

"Bài ca" chính sách
Trong 4 giờ giao lưu tại cổng điện tử Chính phủ, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã nhận được 2500 câu hỏi của độc giả từ khắp nơi gửi về.

Trong số đó có 67 câu hỏi được Phó thủ tướng cùng đại diện các Bộ, ban ngành liên quan giải đáp. Và phần lớn trong số này liên quan đến chính sách đãi ngộ đối với giáo viên.

(Nguồn: VietNamNet)

Liên quan đến quyền lợi "sát sườn" của gia đình, độc giả Phạm Hồng Cường, giáo viên hỏi: Lâu nay ngành GD đã quan tâm nhiều tới bậc học mầm non nhưng mới chỉ đề cập đến vấn đề "dạy" và học", mà không thấy đề cập đến chế độ đãi ngộ và lương bổng cho giáo viên mầm non. Vợ tôi là giáo viên mầm non ở huyện có mức lương 360.000 đồng/tháng. Với mức thu nhập này thì không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Tôi muốn hỏi Bộ GDĐT có hướng giải quyết vấn đề này như thế nào để giáo viên mầm non yên tâm công tác? Trước câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã quan tâm đến cấp học mầm non này. Tuy nhiên, tại một số địa phương thu nhập của giáo viêm mầm non ngoài biên chế chưa được quan tâm, mức thu nhập 360.000 đồng quả thực là rất thấp. Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập hợp điều kiện cũng như mức thu nhập của giáo viên mầm non ở các tỉnh và Bộ đang xây dựng chương trình phổ cập mẫu giáo 5 tuổi để thực hiện QĐ 149 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có chính sách quan tâm giáo viên mầm non. Chương trình này sẽ trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.

Ở khía cạnh khác, độc giả Dương Trung Thành, giáo viên hỏi: Chúng tôi là giáo viên vùng cao đã công tác được trên 5 năm. Xin hỏi Bộ trưởng khi có nhu cầu chuyển công tác về gần địa phương mình sinh sống, đối tượng như chúng tôi có được ưu tiên gì không cho những năm tháng đã tham gia phục vụ giáo dục miền núi? Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Đây cũng là bức xúc hiện nay của chính lãnh đạo ngành GD-ĐT. Vừa qua Bộ đã giao cho Cục Nhà giáo cán bộ quản lý Giáo dục, Vụ Tổ chức Cán bộ khảo sát vấn đề này tại 4 tỉnh thuộc vùng khó khăn để từ đó có đề án giải quyết. "Hiện nay ngành Giáo dục - Đào tạo có đề xuất chính sách: Thông thường sau 15-20 năm công tác có cống hiến tốt thì được tặng Kỷ niệm chương của ngành Giáo dục. Năm vừa rồi có đề xuất, ở vùng khó khăn 1 năm được tính bằng 1,5 hoặc 2 năm, tùy điều kiện để sau này khen thưởng xứng đáng hơn. Những chính sách khác Bộ đang nghiên cứu" - Phó thủ tướng nói. Theo đề án này, những người gốc từ đâu đi, khi muốn trở về thì Sở GD-ĐT ở tỉnh đó phối hợp Sở Nội vụ phải đón về.

Tình trạng "chảy máu chất xám" trong ngành giáo dục cũng được độc giả đề cập tới qua câu hỏi của giảng viên Vương Thanh Tú: Hiện nay trên thực tế tình trạng đội ngũ giảng viên trẻ, có sức khoẻ, đạo đức, năng lực chuyên môn tốt ở các trường ĐH,CĐ trên cả nước, đang có xu hướng chuyển sang các ngành nghề, lĩnh vực khác có thu nhập cao hơn, môi trường làm việc tốt hơn. Vậy theo Bộ trưởng trong năm tới cần phải có những giải pháp gì để thực sự đội ngũ trí thức, đặc biệt giới trẻ gắn bó, yêu nghề, tâm huyết phục vụ cho ngành GDĐT VN?

Với câu hỏi này, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng hiện nay, GD&ĐT đã có chương trình đào tạo tiến sĩ trong nước và nước ngoài, đặc biệt đào tạo nước ngoài Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn kinh phí. Như vậy Nhà nước đã có chính sách cụ thể để phát triển năng lực nghề nghiệp của nghề giáo. Về mặt thu nhập, Nhà nước quan tâm điều chỉnh chính sách, bên cạnh việc tăng lương nói chung, sắp tới sẽ thực hiện phụ cấp thâm niên nhà giáo, ở những đơn vị trường cao đẳng, đại học có những nghiên cứu khoa học, thông qua hoạt động này, các Nhà giáo sẽ có thêm thu nhập khi có những giải pháp kỹ thuật, sáng chế. Và cuối cùng là việc tôn vinh về mặt xã hội, khi chúng ta công hiến tốt, có sự trân trọng của học trò, của phụ huynh, danh hiệu của Nhà giáo các bậc, đây cũng là sự động viên của nghề giáo.

2020: sinh viên Việt Nam không còn "sợ" giao tiếp bằng tiếng Anh
Một du học sinh Việt Nam tại Mexico đã đưa ra câu hỏi: Phó Thủ tướng có kế hoạch gì cho việc dạy và học ngoại ngữ vì đa số học sinh đều được học tiếng Anh từ cấp I đến hết cấp III mà nhiều bạn còn không nói chuẩn được 1 câu?.

Đối với môn tiếng Anh, theo ông Nguyễn Ngọc Hùng, phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT, ở Việt Nam, khoảng 96% học sinh được học tiếng Anh từ THCS đến THPT nhưng đại đa số học sinh, sinh viên hiện vẫn không sử dụng được tiếng Anh để giao tiếp cũng như học tập.

Ông Hùng chỉ ra 3 nguyên nhân của hệ quả trên như chương trình đạo tạo đứt đoạn, thiếu tính kế thừa; Nội dung, phương pháp dạy, thi, kiểm tra lạc hậu, sĩ số lớp học thì quá đông và dạy tiếng Anh như một môn học chứ không phải một công cụ giao tiếp đã hạn chế nâng cao khả năng giao tiếp và sử dụng tiếng Anh; Đội ngũ giáo viên tiếng Anh nhìn chung chưa bảo đảm về số lượng cũng như chất lượng. "Đến thời điểm này, khi chúng tôi kiểm tra ở một số địa phương, nhiều giáo viên trong số này không còn nói tiếng Anh được nữa" - ông Hùng cho biết.

Cũng theo ông Hùng, Bộ GD-ĐT đã trình và được Thủ tướng phê duyệt Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân 2008-2020. Theo đề án này, đến năm 2020, đại đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp Trung cấp, cao đẳng, đại học và PTTH có đủ năng lực tiếng Anh sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập và làm việc trong môi trường hội nhập đa văn hóa, biến tiếng Anh thành một thế mạnh của nguồn nhân lực Việt Nam,

Đề đạt được mục tiêu này, chương trình, giáo trình, giảng dạy, vấn đề thi, kiểm tra, đánh giá sẽ chuyển hẳn việc dạy tiếng Anh như một môn học thành dạy một công cụ giao tiếp và phục vụ việc học tập của học sinh. Trong thời gian tới, môn Tóan và một số môn học sẽ được dạy bằng tiếng Anh. Đến năm 2013, nhiều trường Đại học sẽ dạy một phần hoặc toàn bộ các chương trình chuyên ngành (quản trị kinh doanh, du lịch, công nghệ thông tin, kế toán, kiểm toán...) sang giảng dạy bằng tiếng Anh.

Qua buổi giao lưu trực tuyến, có thể nói, đây là lần đầu tiên, những độc giả với tư cách là giáo viên, giảng viên được trực tiếp, thẳng thắn "chất vấn" người đứng đầu ngành giáo dục những câu hỏi rất "thật". Trước những câu hỏi này, có thể nói, chính sách đãi ngộ giáo viên, giảng viên của chúng ta vẫn còn "chưa ổn" dù đã có nhiều thay đổi. Có thể nói, khi những người thầy, người cô vẫn chưa "hài lòng" với cuộc sống thực tại của mình thì chất lượng giáo dục vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Theo Toquoc

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 TP HÀ NỘI 3.000 tỉ đồng phát triển giáo dục mầm non (1/9)
 Thừa Thiên Huế: Thiếu giáo viên mầm non, tiểu học (31/8)
 Hiệu trưởng 'ăn bớt' tiền lương của giáo viên (31/8)
 Pháp luật về lao động nữ: Ai xây dựng nhà trẻ? (31/8)
 TP.HCM: tuyển giáo viên đợt 2 (31/8)
 Xây mới và nâng cấp 30 trường mầm non trong quân đội (29/8)
 Babysitter: part-time hấp dẫn cho nữ sinh viên (29/8)
 Phụ huynh 'rối' với nhiều khoản thu và quy định lạ (29/8)
 Thanh tra các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ (29/8)
 Dự án Giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật mầm non (27/8)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i