Giáo dục mầm non
   Đóng cửa gần 100 nhóm trẻ gia đình ở TP.HCM: Hơn 1.000 học sinh sẽ đi đâu?
 

 

 HS ở một nhóm trẻ gia đình không phép trên địa bàn Q.Gò Vấp. Hiện nhóm này đang tự hoàn thiện để xin cấp phép  

Sở GD-ĐT TP.HCM vừa tuyên bố sẽ đóng cửa gần 100 nhóm trẻ gia đình (NTGĐ) không phép. Số HS hiện đang học ở các nhóm trẻ trên sẽ đi đâu?

Nhu cầu gửi con em của phụ huynh ngày càng tăng trong khi hệ thống trường lớp mầm non ở TP hiện đang thiếu thốn, không đủ đáp ứng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Th.S NGUYỄN THỊ KIM THANH, trưởng Phòng giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết:

- Từ đầu năm 2005, sở đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 445 NTGĐ hoạt động chui - tức không đạt được những tiêu chí tối thiểu để được cấp phép. Lúc ấy, chúng tôi đã thực hiện hàng loạt biện pháp giúp đỡ để họ chỉnh sửa, hoàn thiện. Nơi nào đạt yêu cầu thì được cấp phép ngay để tiếp tục hoạt động.

Bên cạnh đó, sở cũng đã phối hợp với các cơ quan ban, ngành đóng cửa hơn 200 nhóm do cơ sở vật chất quá tệ, gây nguy hiểm đến tính mạng HS.

* Như vậy, tại sao đến thời điểm này gần 100 nhóm trẻ còn lại mới bị đóng cửa?

- NTGĐ ở TP.HCM phát triển rất mạnh và liên tục, hằng tháng đều có nhóm mới ra đời. Gần 100 nhóm bị đóng cửa đợt này xuất hiện sau đợt kiểm tra đầu năm 2005 của sở. Tính đến nay TP đã có 765 NTGĐ  được cấp phép, còn gần 100 nhóm vẫn hoạt động chui như trên đã nói. Đây là những nhóm tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn cho trẻ.

Diện tích thì chật chội (có nơi chỉ hơn 10m2 nhưng nuôi đến 25 cháu); cơ sở vật chất quá thô sơ, không đạt yêu cầu (cầu thang không có chấn song trong khi HS phải một mình leo lên leo xuống, có nơi HS phải sinh hoạt và ăn uống ngay trong bếp - phía dưới bếp gas - hiểm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào; phòng ốc thì thiếu cửa sổ, thiếu đèn, mọi thứ cứ mờ mờ ảo ảo...).

Không chỉ thiếu giáo viên mà giáo viên ở các nhóm này cũng không có chuyên môn, nghiệp vụ, thậm chí lớp cấp tốc nuôi dạy trẻ cũng chưa trải qua (có nơi hơn 20 HS nhưng chỉ một giáo viên vừa trông coi, vừa đi chợ, nấu nướng, làm vệ sinh...).

Phòng GD-ĐT quận, huyện đã nhiều lần góp ý nhưng chủ các nhóm trẻ trên vẫn không có thiện chí sửa đổi và nâng cấp cơ sở của mình. Bài học của năm 2005 vẫn còn đó: 5-6 HS ở NTGĐ không phép bị tử vong vì giáo viên thiếu nghiệp vụ, cơ sở vật chất không đảm bảo an toàn... Chúng tôi không thể để các nhóm kém chất lượng tiếp tục hoạt động.

* Nhưng trong bối cảnh nhu cầu gửi con của phụ huynh hết sức bức thiết, trường lớp mầm non ở TP lại đang thiếu thốn, hàng ngàn HS hiện đang học ở các nhóm trẻ trên sẽ chuyển đi đâu, thưa bà?

- Tính ra số trẻ ở các nhóm không phép  chỉ khoảng 1.000. Sở GD-ĐT đã yêu cầu các trường trên địa bàn (nhất là các trường, nhóm, lớp dân lập, tư thục) tiếp nhận số HS này. Nếu phụ huynh không tìm được chỗ gửi con có thể đến phòng GD-ĐT để yêu cầu giúp đỡ.

* Trên thực tế có cầu ắt có cung, phụ huynh cứ gửi con, dẹp nhóm trẻ không phép  nơi này lại bùng phát nhóm trẻ không phép nơi khác?

- Ngành giáo dục đã và đang phối hợp với các cơ quan, Đoàn, Hội (như hội phụ nữ, tổ dân phố...) tuyên truyền cho phụ huynh biết về những NTGĐ kém chất lượng. HS ở NTGĐ không phép thường thấp bé nhẹ cân, còi xương, chậm phát triển chiều cao do dinh dưỡng kém. Các em không được hoạt động, vui chơi, suốt ngày ngồi trong căn phòng thiếu ánh sáng, thiếu không khí nên chậm chạp, thụ động, có nguy cơ bị cận thị...

Phụ huynh nên lưu ý rằng tế bào não của con người phát triển chủ yếu trong sáu năm  đầu tiên. Nếu trẻ được nuôi dạy trong một môi trường thiếu thốn trầm trọng như trên sẽ gặp khó khăn về học hành sau này.

Sắp tới sở cũng sẽ đi kiểm tra và  thực hiện xử phạt theo nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Tôi nghĩ nếu xử phạt nghiêm sẽ giảm bớt các nhóm trẻ không phép  bởi khoản tiền phạt khá cao.

Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục mầm non bằng nhiều biện pháp. Từ đơn giản hóa thủ tục cấp phép cho trường, nhóm, lớp dân lập, tư thục... đến việc tập trung giúp đỡ các cơ sở nâng cao chất lượng, tạo uy tín đối với phụ huynh (chuyên viên phòng giáo dục và ban giám hiệu trường công lập sẽ làm nhiệm vụ này bằng cách tổ chức những chuyên đề về quản lý, về chuyên môn nuôi dạy, phát tài liệu miễn phí cho các cơ sở...).

Sở cũng khuyến khích cán bộ, giáo viên ngành giáo dục đã về hưu tham gia công tác giáo dục mầm non ngoài công lập. Xã hội hóa nhưng phải lành mạnh, phải bảo đảm an toàn cho trẻ. Người làm công tác giáo dục phải có tấm lòng, phải thật sự yêu thương HS chứ không thể vì đồng tiền mà bất chấp tất cả để trục lợi.

Tuổi Trẻ

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Đẩy mạnh hoạt động thử nghiệm - khám phá cho HS (6/2)
 Trẻ sẽ học được nhiều kỹ năng qua hoạt động lễ hội (24/1)
 Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật: Không thể chỉ đạo suông bằng văn bản. (20/1)
 Chấm dứt hoàn toàn các cơ sở mầm non không phép trước tết. (18/1)
 Phải học lớp 1 từ... 4 tuổi! (18/1)
 Phát triển giáo dục mầm non vùng sâu, vùng xa (17/1)
 Mầm non Họa Mi 2, quận 5: Cùng bé “Trẩy hội mùa xuân” (16/1)
 Tự chủ không chỉ ở khía cạnh tài chính! (13/1)
 TP.HCM: giáo viên mầm non phải biết chương trình tiểu học (13/1)
 Phòng GD Quận Bình Thạnh: Sơ kết học kỳ I năm học 2005-2006 bậc mầm non. (12/1)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i