Tâm lý
   Vãn hồi hòa bình cho trẻ
 

Vì sao "gà cùng một mẹ" hay xung đột? Làm cách nào để chúng chung sống hòa thuận đây?


Hãy tham khảo câu chuyện của một bà mẹ có ít nhiều kinh nghiệm "vãn hồi hòa bình" trong đám lau nhau nhà mình để rút ra bài học cho riêng bạn nhé.


Nhìn mặt cu Bi, đứa con trai chưa đầy hai tuổi, tôi hiểu rằng nó đang băn khoăn: "Sao cả nhà lại hồ hởi, rùm beng đến vậy khi mẹ sinh em bé?". Những gì mà cu cậu nhìn thấy là bố, ông bà, cậu mợ đang vây quanh mẹ và mẹ thì nâng niu trong tay một cái bọc đỏ hỏn đang than khóc ầm ỹ. Và, trong lúc bố lăng xăng chụp ảnh thì cu cậu hết nhìn cái bọc rồi lại ngước nhìn mẹ như muốn nói: "Mình sẽ không mang cái này về phải không ạ?"


Là con đầu cháu sớm, cu Bi lâu nay vẫn được cả nhà dồn hết cho mọi sự quan tâm, chiều chuộng. Nhưng từ khi Bi có em, mọi thứ bị đảo lộn - đang là "cái rốn" của vũ trụ, cu cậu bỗng dưng như bị lãng quên, bị "ra rìa". Hồi đó tôi bận bù đầu. Tôi còn đãng trí đến độ có lần vừa thay tã cho đứa nhỏ, vài phút sau lại lôi ra thay tiếp, trong khi đáng ra là phải thay quần cho cu Bi. Đến khi thấy cu Bi đang lang thang quanh phòng với cái quần chưa kéo khóa và lem nhem nước tiểu tôi mới biết là mình... nhầm!


Cha mẹ dành nhiều thời gian chăm sóc em, thiếu quan tâm đến trẻ là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ ghen tỵ với em. (Ảnh minh họa).


Chuyện một nách hai con - một đang ẵm ngửa và một chập chững - thực ra vẫn chưa nhằm nhò gì. Bởi vài năm sau, khi chúng lớn hơn, bạn sẽ phải đương đầu với hai "thế lực" đáng gờm hơn - một chập chững và một đã biết quậy tưng bừng. Sau đây là vài kinh nghiệm mà tôi rút ra qua từng thời kỳ làm "hòa giải viên" cho hai nhóc tì nhà mình.


Một chập chững + một đang ẵm ngửa = Đố kỵ và gây hấn
Đứa lớn của bạn sẽ cảm thấy như vừa bị loại khỏi vòng chung kết cuộc thi 'Thần Tượng Âm Nhạc' bởi một ca sỹ mới nổi không mấy tài cán chả hiểu chui ở đâu ra. Hãy giúp con kiềm chế sự đố kỵ đó bằng cách:


- Trước khi lên chức anh(chị), hãy để con tiếp xúc nhiều với các em nhỏ xung quanh và cho con thấy rằng được làm anh (chị) thật là tuyệt. Sau đó hãy hào hứng thông báo rằng con cũng sắp được là anh (chị) rồi vì em bé nhà mình sắp ra đời. Nếu hiểu rằng việc có em sẽ mang lại cho mình nhiều điều hay ho thì trẻ sẽ bớt căng thẳng hơn.


- Trong không khí tưng bừng đón đứa bé về nhà, bạn hãy sắm nhiều nhiều đồ chơi mới để làm quà cho đứa con lớn. Điều này sẽ khiến con cảm thấy vui vì được quan tâm đặc biệt. Hơn nữa, do mải mê với đồ chơi mới nó sẽ không chú ý tới sự rùm beng quanh em bé nữa.


- Đừng bao giờ nói với đứa lớn rằng bạn không dành thời gian cho nó được vì còn bận lo cho em bé. Việc bạn lý giải rằng bạn không thể đưa con xuống sân chơi vì mắc trông đứa em ngủ chỉ đổ thêm dầu vào ngọn lửa ghen tị của con mà thôi. Thay vào đó, hãy nói với con rằng mẹ sẽ đưa con đi chơi sau, rồi hướng con sang trò gì đó yên tĩnh ngay trong phòng. Trẻ thường cả thèm chóng chán, nó sẽ quên ngay vụ muốn xuống sân.


- Hãy xoa dịu nỗi sợ bị "tiếm ngôi" bằng cách luôn khẳng định với con lớn rằng nó vẫn được yêu thương. Chồng tôi đã phải dành nhiều thời gian hơn cho đứa lớn khi tôi bận bịu với đứa bé. Nhưng bất cứ lúc nào có thể (khi đứa nhỏ ngủ chẳng hạn), tôi vẫn cố gắng ở riêng bên đứa lớn. Ngoài ra, cu Bi nhà tôi còn có bà ngoại rất "hợp cạ". Có khi chính tôi mới phải ghen tỵ mỗi khi nhìn hai bà cháu quấn quýt với nhau.


Bọn trẻ vẫn thường chành chọe rồi lại tự hòa giải. Nhưng nếu một trong hai đứa còn đang ẵm ngửa thì phải cẩn thận. Hãy tránh rắc rối bằng cách:


- Không bao giờ để mặc hai nhóc với nhau. Ngay cả khi đứa lớn không định trêu chọc đứa bé thì những thiện ý của nó (như cho em bé ăn bim bim, kẹo cao su...) rất có thể vô tình gây nguy hiểm cho đứa bé.


- Đừng thổi phồng trách nhiệm của đứa lớn với đứa nhỏ. Những câu nói kiểu như: "Bi vừa tắm cho em bé đấy!" sẽ khiến Bi tin rằng mình có thể làm việc đó thật và mày mò làm thử. Ông anh cả chỉ cần lấy hộ em bé chiếc khăn, cái áo là quá đủ rồi.


- Bạn đừng cười khoái chí khi thấy con giơ nắm đấm bé xíu lên cố thụi vào cái bụng bự của bố. Cần cho con hiểu rằng nó không được phép đánh ai cả để nó cũng không hồn nhiên thụi đứa em nhỏ của mình.


Một chập chững + Một học mẫu giáo = tranh chấp và xung đột
Khi đứa con nhỏ của bạn đã chập chững bước đi, thì đứa con lớn dù ở tuổi nào cũng không muốn đứa em đụng vào đồ đạc của nó đâu. Và xung đột rất dễ bùng phát chỉ vì chuyện đồ đạc. Hãy giảm thiểu bằng cách:


- Để những đồ đạc nguy hiểm, dễ làm hỏng (chiếc kéo thủ công, lọ mực, cuốn tập tô...) của đứa lớn xa khỏi tầm tay đứa bé.


- Để đồ chơi của mỗi đứa vào hộp, ngăn tủ riêng hoặc trên giá cao.


- Không để đứa bé tự vào phòng của đứa lớn. Thể nào nó chẳng khám rồi...phá đấy!


- Nên quy ước: đứa nào cầm đồ chơi trước sẽ được chơi một khoảng thời gian nào đó mà đứa kia không được đòi. Có thể dùng đồng hồ bấm giờ để luyện cho các con thói quen khi chưa đến lượt chơi thì không được mè nheo hay đứng cạnh làm phiền.


"Nó gây sự trước!" Bạn sẽ phải nghe câu này dài dài. Bạn thấy đứa lớn cốc đầu đứa nhỏ nên đã phạt nó, nhưng đứa lớn lại hét lên rằng thật không công bằng vì chính đứa bé đã gây sự trước. Hãy ngăn chặn sớm điều này bằng cách:


- Không cần đánh đòn hay phạt khi đứa này gây gổ với đứa kia. Hãy nghiêm nghị, nhưng bình tĩnh, nói với kẻ gây sự rằng không được phép như vậy và yêu cầu nó ra khỏi phòng trong vài phút.


- Đừng vào vai quan tòa mà cứ đứng ngoài để chúng tự giải quyết xung đột. Thường là chúng sẽ thỏa hiệp được với nhau thôi. Chỉ khi cuộc cãi vã nghiêm trọng đến mức có thể dẫn đến ẩu đả bạn mới cần can thiệp. Nhưng bạn cũng chẳng cần cố tìm hiểu xem đứa nào đã làm gì (trừ khi có thương tích thì cần biết rõ để chữa trị) mà chỉ đơn giản là ngăn chúng lại, tách chúng ra và tuyên bố: "Không đoàn kết thì không được chơi chung nữa!"


Hy vọng rồi huynh đệ nhà bạn sẽ sớm dừng mối "tương tàn"!


Theo GĐT

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 'Chinh phục' tính xấu ở bé 1-2 tuổi (23/11)
 Tuyệt chiêu nuôi dạy con "đỉnh" nhất cho bố mẹ (22/11)
 Dạy trẻ biết lắng nghe: Chơi mà học (22/11)
 Đừng chui vào vỏ ốc con nhé (22/11)
 Trẻ mẫu giáo: 4 bí mật chưa ai nói với bạn (21/11)
 Khi cha mẹ khẩu chiến trước mặt con trẻ (21/11)
 Những điều nên, không nên nói với 'trống choai' (21/11)
 10 điều tuyệt đối không nên làm trước mặt con (18/11)
 Kỳ công dạy con trai (18/11)
 Có nên cho con tiền khi đến lớp?! (18/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i