Giáo dục mầm non
   Tuyển sinh mầm non chưa bớt "nóng"
 

Những ngày đầu tháng 7, các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Hà Nội bắt đầu nhận hồ sơ nhập học. Dù không còn thấy cảnh các vị phụ huynh thức trắng đêm trước cổng trường để xếp hàng nhận đơn xin học cho con, nhưng những lo lắng để kiếm cho con một chỗ học trong trường công lập vẫn âm ỉ chưa dứt.

Giờ học nhạc của cô và cháu Trường mầm non Thanh Xuân Bắc. Ảnh: KHÁNH AN

 


Bốc thăm - giải pháp tình thế
Tuyển sinh vào các trường mầm non công lập luôn là vấn đề "nóng" ở Hà Nội trong những năm gần đây, khi số lượng học sinh tăng nhanh, còn số lượng trường và chỉ tiêu tuyển sinh lại hạn hẹp. Năm nay, phương án bốc thăm để tuyển sinh được nhiều trường mầm non lựa chọn. Mặc dù đây chỉ là giải pháp tình thế, để hài hòa giữa nhu cầu gửi trẻ của người dân và khả năng tiếp nhận của trường, tránh tình trạng chen lấn xô đẩy khi lấy đơn xin học, nhưng cũng góp phần xóa đi hình ảnh phản cảm trong dư luận. Tuy nhiên, như Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống khẳng định, để làm tốt việc này, các trường cần phối hợp tốt với chính quyền, đoàn thể ở địa phương để tổ chức sao cho công bằng, minh bạch, tránh gây thắc mắc trong dư luận.


Rút kinh nghiệm mùa tuyển sinh năm trước, hàng trăm phụ huynh chầu chực ngoài cổng trường từ nửa đêm đến sáng tại Trường mầm non Thành Công A, năm nay quận Ba Ðình đưa ra giải pháp tuyển sinh theo hình thức gắp thăm và thực hiện ở hầu hết các trường mầm non công lập như: Thành Công A, Tuổi Thơ, Hoa Hướng Dương... Tại quận Hoàng Mai, Phó phòng Giáo dục và Ðào tạo Ðinh Thanh Hằng cho biết, các trường đều muốn đáp ứng nhu cầu gửi con em của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay, do năng lực tiếp nhận có hạn, các trường (cả công lập và dân lập) của quận mới chỉ đáp ứng được nhu cầu đi học của khoảng 60% số trẻ. Trong đó, riêng số trường công lập chỉ tiếp nhận được khoảng 40% số cháu. Vì thế, từ ba năm qua, quận Hoàng Mai đã phải áp dụng hình thức tuyển sinh bằng bốc thăm. Năm học 2012-2013, Hoàng Mai áp dụng bốc thăm ở cả 14/18 trường trên địa bàn. Sau khi nộp đơn, phụ huynh học sinh là những người trực tiếp kiểm tra hòm phiếu, làm phiếu... rồi bốc thăm công khai trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương, lực lượng an ninh trật tự... Việc bốc thăm sẽ chọn ngẫu nhiên những trẻ đáp ứng điều kiện tuyển sinh, có đơn xin nhập học vào trường.


Cũng là một trong những địa bàn "nóng" về tuyển sinh mầm non, năm nay quận Tây Hồ cũng tổ chức bốc thăm tuyển sinh mầm non tại 100% số trường công lập. Ðể bảo đảm minh bạch, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ cho biết, các trường phải thành lập ban giám sát quá trình bốc thăm với sự có mặt của hội đồng tuyển sinh nhà trường, đại diện công an phường, UBND phường và phụ huynh học sinh. Những người tham gia giám sát không có quyền lợi ưu tiên gì so với những trường hợp tham dự bốc thăm khác.


Trong kỳ tuyển sinh năm nay, việc tổ chức bốc thăm tỏ ra là giải pháp tạm ổn, nhưng mới chỉ áp dụng trong trường hợp số lượng đơn xin học vượt số lượng tuyển sinh ở mức độ vừa phải. Còn đối với những phường mà mức độ chênh lệch nhau đến cả chục lần thì hoàn toàn không đơn giản. "Chúng tôi từng tiến hành tổ chức bốc thăm và thấy hiệu quả. Phụ huynh hài lòng và không quá căng thẳng. Tuy nhiên với những trường mà nhu cầu lớn hơn rất nhiều so với chỉ tiêu, tôi cũng chưa biết là sẽ xử lý như thế nào" - Hiệu trưởng Trường mầm non Cát Linh thừa nhận.


Bao giờ cung đủ cầu?
Phương án bốc thăm quả thật đã làm cho tình hình tuyển sinh đầu cấp tại nhiều khu vực trở nên bớt căng thẳng hơn trước, không còn cảnh người dân chen chúc, khổ sở xếp hàng tại các trường. Tuy nhiên, xếp hàng xin học hay tuyển sinh bằng bốc thăm... thật ra chỉ là sự thay đổi về hình thức tuyển sinh. Hình thức bốc thăm tạo ra sự bình lặng bề ngoài, chứ chưa phải là phương án giải quyết tận gốc vấn đề. Việc này cũng khiến không ít người bức xúc cho rằng, ngay cả việc đi học - quyền lợi chính đáng của trẻ em đã bị buộc phải phân định bằng "trò may rủi".


Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga cho biết, nguyên nhân tình trạng này do số trường mầm non xây mới không theo kịp đà tăng dân số cơ học. Trong năm qua, thành phố có thêm 38 nghìn trẻ trong độ tuổi mầm non, trong khi mới xây dựng 29 trường mầm non mới. Các địa bàn như quận Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàng Mai, huyện Từ Liêm có số dân tăng cơ học nhanh nhất, việc tuyển sinh rất căng thẳng. Có địa bàn như phường Nhân Chính, dân số tăng nhanh đến mức, mặc dù trên địa bàn phường đã có hai trường mầm non công lập, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu đi học của trẻ.


Theo thống kê của Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội, thành phố hiện có hơn 840 trường mầm non với gần 12 nghìn nhóm lớp, trong đó có gần 200 trường dân lập, tư thục và hiệp quản với gần 2.500 nhóm lớp. Tuy nhiên phần lớn các gia đình đều có nhu cầu gửi trẻ vào các trường công lập, vì có điều kiện học tập, chăm sóc tốt hơn, trong khi mức thu thấp hơn so các trường ngoài công lập, vì thế công tác tuyển sinh của bậc học này vẫn bị áp lực lớn với cả phụ huynh lẫn nhà trường. Ðây cũng là nguyên nhân khiến cho không khí mỗi mùa tuyển sinh vào các trường mầm non năm nào cũng "nóng".


Thời gian qua, TP Hà Nội đã rất quyết liệt trong việc xây dựng các trường mầm non ở sáu phường còn thiếu trường mầm non nằm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng và quận Ðống Ða. Ðến nay đã có ba trường trên địa bàn các phường: Nguyễn Du, Lê Ðại Hành (quận Hai Bà Trưng) và Láng Thượng (quận Ðống Ða) được khởi công xây dựng. Các trường còn lại cũng đã có quỹ đất để xây dựng. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội cho biết: Qua kiểm tra mười khu đô thị mới trên địa bàn thành phố, hiện có năm khu đô thị đã có đủ trường mầm non công lập, năm khu còn lại chưa có trường công lập. Ðoàn kiểm tra ra văn bản đề nghị thành phố chỉ đạo chủ đầu tư phải dành đất trong khu đô thị để xây dựng trường học...


Theo Quy hoạch phát triển hệ thống trường học trên địa bàn TP Hà Nội, trong giai đoạn 2015-2020, thành phố phấn đấu mỗi xã, phường có từ hai đến ba trường mầm non công lập, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn... Hy vọng rằng, công tác quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch được thực hiện nghiêm túc, để việc đi học của các cháu trong độ tuổi mầm non ở Hà Nội có đủ chỗ học trong các trường mầm non công lập, không phụ thuộc vào việc bốc thăm đầy may, rủi như mùa tuyển sinh năm nay.


Theo Nhân Dân

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Áp lực mầm non (9/7)
 Mẹo chọn trường mầm non tốt nhất cho con (6/7)
 Phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi: Nguy cơ không có chỗ học vì bệnh thành tích? (5/7)
 Hà Nội: Mỗi phường sẽ có ít nhất 2 – 3 trường mầm non công lập (4/7)
 Vui khi lần đầu đến trường (3/7)
 Năm 2020, trẻ ở độ tuổi tiểu học đến trường là 99% (2/7)
 Về chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi (29/6)
 Chạy giấy chứng nhận “tốt nghiệp” mầm non Nóng vội và nặng thành tích (28/6)
 Đôn đáo tìm… giáo viên (27/6)
 Phập phồng xin học mầm non (26/6)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i