Giáo dục mầm non
   "Nhắc lỗi" GV mầm non khi làm thí nghiệm cho trẻ
 

Tiến hành điều tra tại một số trường mầm non ở Hà Nội, giảng viên Nguyễn Thị Luyến (Trường ĐHSP Hà Nội) thấy rằng, giáo viên mầm non rất hay mắc lỗi khi tổ chức thí nghiệm cho trẻ 5 - 6 tuổi.


Bé tập làm rau câu


Chỉ 1/35 thí nghiệm đúng kỹ thuật

Giảng viên Nguyễn Thị Luyến cho biết, trong tổng số 100 giáo án và giờ dạy về hiện tượng thiên nhiên và thế giới thực vật được khảo sát, chỉ có 35 thí nghiệm và trong số này chỉ có 1 thí nghiệm đúng kỹ thuật, đó là thí nghiệm "gieo hạt" giúp trẻ tìm hiểu về sự phát triển của cây từ hạt.


Các thí nghiệm khác dù đơn giản hay phức tạp đều mắc lỗi như về trình tự thao tác làm thí nghiệm, cách cho trẻ quan sát hay cách đặt câu hỏi của giáo viên.


Về thao tác làm thí nghiệm, giảng viên Nguyễn Thị Luyến cho biết, giáo viên thường lược bớt công đoạn (như thí nghiệm sức cản của không khí) hoạc làm cho thí nghiệm thêm rườm rà (thí nghiệm không khí cần cho sự cháy).


Bên cạnh đó, giáo viên còn nhầm lẫn trong việc lựa chọn thí nghiệm để chứng minh cho một tính chất nào đó của đối tượng. Chẳng hạn, sử dụng thí nghiệm pha màu vào nước để cho trẻ tìm hiểu về chất: Nước không màu, không mùi, không vị, không cầm nắm được.


Lỗi về cách tổ chức quan sát, thường thấy khi giáo viên chọn vị trí cho trẻ quan sát.


Ví dụ, trẻ ngồi khi vật làm thí nghiệm ở trên cao, quá nhiều trẻ cùng quan sát một vật thí nghiệm một lúc;


Cần quan sát không khí nhưng lại có yếu tố nước làm nhiễu; cần quan sát từ phía trên theo phương thẳng đứng để nhìn xuống đáy nước lại cho trẻ quan sát từ phía trước theo phương nằm ngang; cần quan sát lâu, kỹ, lại làm nhanh chóng lấy lệ; cần quan sát trước, trong và sau thí nghiệm thì lại chỉ quan sát một giai đoạn nào đó của thí nghiệm...


Với lỗi về câu hỏi, giáo viên thường hỏi dài dòng, thiếu độ chính xác, nhiều câu hỏi áp đặt để trẻ công nhận kết quả và giải thích hiện tượng.


Đôi khi cô giáo đặt câu hỏi không đúng lúc, thậm chí có những câu không liên quan đến thí nghiệm.


Giáo viên làm tốt với những câu hỏi quan sát, so sánh, phân loại (Trên bàn cô có gì? Con thấy vật này như thế nào? Hai cốc nước có gì khác nhau? Những vật nào nổi trên mặt nước?...).


Tuy nhiên, với câu hỏi về đo lường và giao tiếp chưa xuất hiện nhiều, đôi khi thiếu độ chính xác. Ví dụ: Để đo mức nước con cần mấy li nước? (nhầm lẫn giữa mực nước và lượng nước); Vật nào nặng hơn, nhẹ hơn? (không có đối tượng được so sánh)..


Giáo viên còn yếu trong việc đặt ra những câu hỏi kích thích trẻ đặt giả thiết, suy luận, câu hỏi về cách làm. Đặc biệt, câu hỏi về xác định, kiểm soát điều kiện tác động thì hầu như vắng bóng.


Nguyên nhân, theo giảng viên Nguyễn Thị Luyến, có thể do giáo viên chưa xác định được rõ mục đích của thí nghiệm; chưa tìm hiểu nghiêm túc, thấu đáo về đối tượng thí nghiệm, cách làm thí nghiệm và cách giải thích hiện tượng.


Cũng có nguyên nhân do vật liệu, thiết bị, dụng cụ thí nghiệm còn thiếu hoặc chuẩn bị chưa phù hợp với yêu cầu. Nguồn tài liệu tham khảo về thí nghiệm tuy nhiều nhưng khó chọn lọc vì nó đòi hỏi sự hiểu biết nhất định và khả năng ứng dụng linh hoạt của giáo viên.


Nhiều thí nghiệm giáo viên thực hiện do học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Việc học thông qua truyền miệng đôi khi dẫn đến những sai lầm liên tiếp mà người học không hề nghĩ đến.


Những biện pháp khắc phục

Để có kỹ thuật tốt khi làm bất cứ một thí nghiệm nào cho trẻ, giảng viên Nguyễn Thị Luyến cho rằng, giáo viên cần thực hiện được các yêu cầu:


Một là xác định mục đích của thí nghiệm. Giáo viên cần biết rõ mục đích của thí nghiệm nhằm bộc lộ tính chất nào đó của đối tượng để từ đó lựa chọn thí nghiệm và cách thức thực hiện.


Một tính chất của đối tượng có thể được làm rõ thông qua một thí nghiệm, nhưng cũng có khi cần vài thí nghiệm liên hoàn mới giúp trẻ nhận biết được chính xác.


Do vậy, khi lựa chọn nhiều thí nghiệm chứng minh cho 1 tính chất của đối tượng, cần luôn hướng tới tính chất đó, tránh việc ôn đồm, lạm dụng thí nghiệm, làm rối quá trình nhận thức của trẻ.


Hai là chuẩn bị thí nghiệm, bao gồm các dụng cụ, vật liệu, nơi thí nghiệm, cách bố trí thí nghiệm. Việc chuẩn bị thí nghiệm căn cứ trên mục đích cả thí nghiệm.


Trên cơ sở đó, giáo viên lên kế hoạch cho việc chuẩn bị (danh sách đối tượng, vật liệu, đồ dùng, dụng cụ) và ghi chú những thông tin yêu cầu cần thiết về đối tượng, dụng cụ nhằm đảm bảo thí nghiệm thành công.


Ví dụ, để làm thí nghiệm hoa đổi màu, cần có: Hoa cúc tươi, màu trắng; màu thực phẩm đảm bảo chất lượng - ít nhất 2 màu khác nhau; nước ấm; kéo; bình trong suốt. Cùng với đó là những vật dụng đó cần số lượng bao nhiêu, đảm bảo đủ cho số trẻ hoặc số nhóm trẻ.


Ba là nắm vững trình tự các bước làm thí nghiệm. Trình tự này đòi hỏi sự tuân thủ chặt chẽ của giáo viên hoặc trẻ khi thực hiện thí nghiệm cần đúng thứ tự thao tác nào làm trước, thao tác nào làm sau.


Mỗi thao tác lại có những yêu cầu về kỹ thuật riêng và nếu không đảm bảo các yêu cầu đó thì thí nghiệm sẽ không thành công.


Ví dụ, thí nghiệm về lực cản của không khí, thao tác úp cốc xuống mặt nước phải vuông góc và ấn xuống đáy chậu một cách từ từ, nếu hơi nghiêng sẽ thấy bong bóng xuất hiện, như vật nước sẽ vẫn lọt vào bên trong cốc.


Bốn là lưu ý lựa chọn cách thức cho trẻ quan sát. Việc cho trẻ quan sát thực sự quan trọng bởi nếu đúng thời điểm, đúng góc nhìn thì trẻ mới thấy rõ kết quả thí nghiệm.


Để thực hiện tốt yêu cầu này, giáo viên nên làm thử thí nghiệm để chọn được những điểm nhấn của thí nghiệm. Bên cạnh đó, cần hiểu rõ tính chất của đối tượng thì mới chọn được thời điểm hay góc nhìn để quan sát.


Ví dụ, với thí nghiệm sự bốc hơi và ngưng tụ của nước, cần dành thời gian cho trẻ thấy nước bốc hơi lên như thế nào trước khi đậy nắp ca lại và có thể liên tưởng xem con đã nhìn thấy hơi nước bốc lên như vậy ở đâu.


Lưu ý là cần dành thời gian cho trẻ tập trung quan sát, không làm phiền khi trẻ đang quan sát.


Cuối cùng là thiết kế câu hỏi theo tiến trình thí nghiệm. Hệ thống câu hỏi sử dụng trong thí nghiệm đòi hỏi phải ngắn gọn, đúng lúc, đúng cách, trúng mục tiêu.


Để tránh các lỗi về câu hỏi, giáo viên nên liệt kê và sắp xếp câu hỏi theo các giai đoạn: Trước tác động, trong quá trình tác động, sau tác động.


Trước tác động thường là câu hỏi yêu cầu trẻ quan sát các vật liệu làm thí nghiệm, trạng thái của đối tượng khi chưa có tác động và câu hỏi đặt giả thiết, dạng: "Nếu tác động như thế này thì chuyện gì sẽ xảy ra với đối tượng?"...


Trong quá trình tác động thường là câu hỏi định hướng trẻ đến sự thay đổi trạng thái của đối tượng, đồng thời kích thích trẻ đặt ra những câu hỏi về thí nghiệm.


Sau tác động chủ yếu là câu hỏi quan sát, so sánh 2 trạng thái, giải thích tại sao và câu hỏi cách làm nhằm củng cố lại kiến thức cho trẻ về thí nghiệm.


Giảng viên Nguyễn Thị Luyến cho rằng, kỹ thuật làm thí nghiệm là yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công của thí nghiệm. Giáo viên chưa ý thức được tầm quan trọng của kỹ thuật làm thí nghiệm nên hiệu quả làm thí nghiệm cho trẻ chưa cao.


Biết được những lỗi kỹ thuật thường gặp cũng như các yêu cầu về kỹ thuật làm thí nghiệm, theo giảng viên Nguyễn Thị Luyến, giáo viên sẽ có cách thay đổi trong cách nhìn nhận và tiến hành thí nghiệm ở trường mầm non với sự nghiêm túc và cẩn trọng hơn nữa.


Từ đó, thí nghiệm sẽ thực sự là môi trường cho trẻ được trải nghiệm thực tế, tạo cơ hội cho trẻ không những khám phá thế giới xung quanh mà còn trau dồi những phẩm chất của nhà khoa học tương lai.


Theo GD&TĐ

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Các tôn giáo chung tay phát triển giáo dục mầm non (10/11)
 Sẽ sửa đổi điều lệ trường mầm non (7/11)
 Cần có một bộ thực đơn chuẩn thống nhất cho bữa ăn bán trú (6/11)
 “Ngôi trường 5 sao” cho con em công nhân (5/11)
 Trường chuẩn phá chuẩn (4/11)
 Hội nghị toàn quốc các tôn giáo tham gia phát triển giáo dục mầm non (3/11)
 Thiếu giáo viên mầm non ở TP Hồ Chí Minh: Áp lực cung - cầu (31/10)
 Giáo viên mầm non - nghề "đáng sợ" tại Mỹ (30/10)
 Trẻ mầm non “chóng mặt” vì ngoại khóa: nhiều bên có lợi (29/10)
 Trẻ mầm non “chóng mặt” vì ngoại khóa (28/10)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i