Xã hội
   66 triệu trẻ gái toàn cầu bị thất học
 

Một trong những nội dung trong báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) mới công bố nhân dịp Ngày Quốc tế cho trẻ em gái 11/10 cho thấy: Một bộ phận trẻ em gái trên thế giới đang phải chịu quá nhiều thiệt thòi. Theo đó mỗi ngày, nhiều trẻ em gái từ 5 - 14 tuổi vẫn phải làm các công việc nhà không được trả lương, đi lấy nước và kiếm củi nhiều hơn các em trai cùng trang lứa khoảng 40% (tương đương160 triệu giờ/ngày).


Đầu tư cho trẻ em gái là đầu tư cho tương lai. Ảnh: H.Quang


Gánh nặng tăng gấp đôi

Bản báo cáo "Sử dụng sức mạnh của số liệu cho trẻ em gái: Đánh giá và triển vọng đến năm 2030" lần đầu tiên đã đưa ra những con số ước tính về thời gian mà trẻ em gái dùng để làm việc nhà như nấu nướng, giặt giũ, lau dọn, chăm sóc cho các thành viên trong gia đinh, gánh nước và kiếm củi.


Các số liệu cho thấy, gánh nặng việc nhà không cân xứng bắt đầu từ sớm, khi các em gái ở độ tuổi từ 5 - 9 và thời gian các em dành cho việc nhà nhiều hơn các bạn trai cùng trang lứa là 30%. Con số này càng tăng khi các em gái lớn lên, với em gái từ 10 - 14 tuổi thì thời gian cho việc nhà nhiều hơn các em trai tăng lên đến 50%.


Bà Anju Malhotra, Cố vấn trưởng về Giới của UNICEF phát biểu: "Gánh nặng quá sức của các việc nhà không được trả công bắt đầu từ khi còn nhỏ và càng trở nên nặng nề hơn khi em gái đến độ tuổi vị thành niên. Kết quả là nhiều trẻ em gái đã phải hy sinh các cơ hội quan trọng như học hành, phát triển hoặc đơn giản hơn là cơ hội có được tuổi thơ của mình. Sự phân công lao động không công bằng trong trẻ em đã làm tăng định kiến giới và tăng gấp đôi gánh gặng cho phụ nữ và trẻ em gái qua nhiều thế hệ".


Báo cáo cho thấy công việc của trẻ em gái thường không được nhận biết và thường bị đánh giá thấp. Thường thì trẻ em gái được giao làm các công việc thuộc trách nhiệm của người lớn như chăm sóc các thành viên trong gia đình, chăm sóc trẻ em khác. Thời gian để làm việc nhà đã hạn chế thời gian vui chơi, giao lưu với bạn bè, học hành hay đơn giản hơn - được là một đứa trẻ. Ở một số nước, kiếm củi và lấy nước đã đặt trẻ em gái trước nguy cơ bị bạo lực tình dục.


Báo cáo cũng chỉ ra rằng: Trẻ em gái từ 10 - 14 tuổi ở Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi phải làm việc nhà gần gấp đôi thời gian so với em trai. Các nước mà trẻ em gái từ 10-14 tuổi phải chịu gánh nặng việc nhà không công bằng nhất so với trẻ em trai là Burkina Faso, Yemen và Somalia. Các em gái từ 10 - 14 tuổi ở Somalia dành tổng số 26 giờ mỗi tuần để làm việc nhà.


Một ngày quốc tế dành cho trẻ em gái là chưa đủ

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới: Cứ 1 trong 4 bé gái trên thế giới là sinh ra trong cảnh nghèo khó, 66 triệu trẻ em gái toàn cầu bị thất học (báo cáo của UNESCO) và tỉ lệ trẻ gái tốt nghiệp tiểu học thấp hơn trẻ trai đến 33%.


Ngoài ra, có một trên 7 trẻ gái phải lấy chồng khi chưa đủ 15 tuổi, thậm chí nhiều em phải lấy chồng khi mới 8 tuổi. Tệ tảo hôn này đã gây tác hại lớn cho các bé gái, khiến các em bị tâm thần, ảnh hưởng sức khỏe, hứng chịu bạo lực trong gia đình lẫn lạm dụng tình dục.


Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đưa ra con số nhức nhối: Hơn 17 triệu trẻ em phải làm "ô sin", chiếm 30% nhân lực làm việc nhà toàn cầu. Và 83% nhân công làm việc nhà là phụ nữ và trẻ em gái. "Định lượng những thách thức mà trẻ em gái phải đối mặt là bước đầu tiên quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) về công bằng giới và phá vỡ rào cản mà 1,1 tỉ trẻ em gái trên thế giới đang phải đối mặt", Attila Hancioglu, Trưởng ban Số liệu và Phân tích của UNICEF phát biểu.


Báo cáo của UNICEF về thực trạng trẻ em gái lần này cho thấy sự hạn chế và nghèo nàn trong số liệu của 2/3 trên 44 chỉ số liên quan đến trẻ em gái của SDG, một lộ trình toàn cầu tiến tới chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo thịnh vượng cho tất cả mọi người. Bên cạnh các số liệu về làm việc nhà, báo cáo còn cung cấp các số liệu về các vấn đề liên quan đến trẻ em gái trong SDG như bạo lực, tảo hôn, cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ, giáo dục.


Tại Việt Nam, trẻ em gái luôn được quan tâm trong các lĩnh vực học tập, y tế, bình đẳng giới... Tuy nhiên, vẫn còn có những bất cập cần được quan tâm hơn nữa, nhất là trong việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Hiện số trẻ em gái ở nước ta là rất lớn: Năm 2015, số trẻ em gái từ 0 - 9 tuổi là 7,25 triệu người, nếu tính số trẻ em gái từ 0 -14 tuổi sẽ là 10,64 triệu. Còn tính thêm số vị thành niên, thanh niên trẻ, tức từ 0 đến 19 tuổi, bắt đầu tuổi kết hôn thì tổng số trẻ em gái đến tuổi vị thành niên sẽ là 14,22 triệu người; đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa của cả xã hội và cộng đồng trên mọi lĩnh vực liên quan đến các em.


11/10 là Ngày Quốc tế trẻ em gái, song một ngày quốc tế dành cho trẻ em gái là chưa đủ, mà còn có rất nhiều việc phải làm để bảo đảm tất cả các trẻ em gái đều nhận được cơ hội như nhau về giáo dục. Và mỗi em đều phải có quyền tin rằng mình là một phần của thế hệ những người làm thay đổi thế giới. Để đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững về công bằng giới, trẻ em gái cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng và nguồn lực cần có để phát triển tối đa tiềm năng của mình. Khi chúng ta làm được điều này, nó không chỉ tốt cho bản thân các trẻ em gái mà còn có thể giúp tăng trưởng kinh tế, tăng cường hòa bình và giảm đói nghèo trên toàn thế giới.


Từ lời kêu gọi phải bảo đảm trẻ em gái toàn cầu được thụ hưởng sự tiến bộ và công bằng xã hội của Tổ chức Lao động Quốc tế, Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 11/10 hàng năm là "Ngày Quốc tế trẻ em gái" (International Day of the Girl).


Trong thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế, có khoảng 88 triệu lao động trẻ em trên thế giới là các bé gái. Các em phải làm việc trong môi trường kém an toàn, nhận đồng lương rẻ mạt và bị đối xử bất bình đẳng giới. Hiện có tới 30% thiếu nữ tại các nước đang phát triển lập gia đình khi chưa tròn 18 tuổi, 14% các cô bé lấy chồng dưới tuổi 15.


Theo GiadinhNet

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Mẹ cằn nhằn càng nhiều, con gái càng thành công (11/10)
 TP.HCM: Giảm tải kiến thức, tăng rèn luyện kỹ năng cho học sinh tiểu học (10/10)
 TP.HCM: Xuất hiện nhiều chùm ca bệnh tay chân miệng tại các trường mầm non (7/10)
 100% trẻ có hoàn cảnh đặc biệt sẽ được quản lý, theo dõi (5/10)
 Thay vì "nhốt" con ở nhà, bố mẹ Mỹ cho con chơi ở... bãi phế liệu (4/10)
 Xem tivi 15 phút mỗi ngày làm giảm khả năng sáng tạo ở trẻ (3/10)
 Hiểm họa từ phim hoạt hình (30/9)
 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp hòa nhập cộng đồng (29/9)
 Hà Nội thiếu trầm trọng trường công lập cấp mầm non, tiểu học? (26/9)
 Theo dõi 5.000 thần đồng suốt 45 năm, các nhà khoa học tin rằng thiên tài thì vẫn cần giáo dục tử tế (23/9)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i