Sức khoẻ
   Bác sĩ khuyến cáo cách xử lý những tai nạn thường xảy ra với trẻ trong dịp Tết
 

Dưới đây là một số lưu ý về các tai nạn dễ xảy ra đối với trẻ em mà phụ huynh cần lưu tâm trong dịp Tết để trẻ an toàn, khỏe mạnh.

 

Ảnh minh họa.

Tết là thời điểm được trẻ em mong chờ nhất trong năm với nhiều hoạt động trong gia đình cũng như ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, việc tham gia nhiều hoạt động vui Tết vẫn tiềm ẩn một số nguy cơ tai nạn hoặc bệnh tật không đáng có cho trẻ.

Sau đây là một số lưu ý về các tai nạn dễ xảy ra đối với trẻ em do BSCK1 Nguyễn Đông Bảo Châu - Phó trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) khuyến cáo các phụ huynh cần lưu tâm trong dịp Tết:

Nguy cơ bị phỏng

Một trong những hoạt động đón Tết truyền thống của dân tộc là nấu bánh Tết, cụ thể là bánh chưng, bánh tét… Hoạt động này thường sử dụng những lò than, lò củi lửa lớn, những nồi nước sôi lớn. Vì vậy, phỏng lửa, phỏng nước sôi, phỏng cồn (bếp cồn)… là những tai nạn rất dễ xảy ra đối với trẻ em.

Phụ huynh không nên cho trẻ chơi hoặc đến gần những khu vực dễ xảy ra nguy cơ phỏng cho trẻ.

 

Phụ huynh không nên cho trẻ chơi hoặc đến gần những khu vực dễ xảy ra nguy cơ phỏng cho trẻ em. Ảnh minh họa.

Trường hợp trẻ bị phỏng, phụ huynh cần sơ cứu ngay cho trẻ bằng cách rửa vết phỏng bằng nước sạch.

Dùng khăn hoặc vải sạch che phủ vết thương và đưa trẻ ngay đến Bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Khi sơ cứu phỏng cho trẻ, phụ huynh không được dùng nước đá lạnh.

Không được dùng những cách truyền miệng như bôi nước mắm, xà phòng, hay kem đánh răng lên vết thương, những việc này sẽ làm vết thương do phỏng của trẻ trở nên nặng hơn.

Khi trẻ bị phỏng, phụ huynh không nên chọc vỡ các bọng nước phỏng để tránh nhiễm khuẩn vết thương cho trẻ.

Tai nạn sinh hoạt, chấn thương

Trẻ em trong dịp Tết thường tham gia rất nhiều hoạt động du lịch, vui chơi ngoài trời. Việc tham gia nhiều hoạt động thể chất cũng tiềm ẩn nguy cơ chấn thương cho trẻ khi té ngã, va chạm. Các chấn thương có thể xảy ra như chấn thương phần mềm, hoặc các tai nạn nặng hơn gây ra các chấn thương xương khớp cho trẻ.

Nếu có tai nạn xảy ra, phụ huynh nên cố định vùng bị chấn thương của trẻ (nếu có thể) và đưa trẻ đến Bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 

Ngạt nước

Du lịch biển, công viên nước hay hồ bơi là những nơi phụ huynh cần để mắt tới trẻ nhiều hơn để phòng tránh những tai nạn ngạt nước đáng tiếc cho trẻ, ngay cả những trẻ đã biết bơi chúng ta cũng không nên chủ quan.

Phụ huynh nên theo dõi liên tục hoặc tham gia cùng trẻ ở các hoạt động này để hạn chế tối đa các tai nạn ngạt nước đáng tiếc.

Nếu xảy ra ngạt nước, phụ huynh cần kêu gọi giúp đỡ tại chỗ để sơ cứu và đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế gần nhất, hà hơi thổi ngạt, xoa bóp tim ngoài lồng ngực trong thời gian chuyển đến cơ sở y tế (nếu cần).

 

Nếu có xảy ra ngạt nước, phụ huynh cần kêu gọi giúp đỡ tại chỗ. Ảnh minh họa.

Ngộ độc thực phẩm

Tết là dịp trẻ có thể ăn nhiều loại thức ăn khác ngày thường, phụ huynh cần lưu ý đến việc bảo quản thức ăn trong ngày Tết để tránh cho trẻ ăn phải thức ăn bị ôi thiu hay nhiễm khuẩn gây ra ngộ độc thực phẩm.

Tùy theo tác nhân gây ngộ độc, triệu chứng của trẻ có thể xuất hiện sau vài phút, vài giờ hoặc trong vòng 1-2 ngày sau khi ăn thực phẩm.

Các triệu chứng ngộ độc phổ biến ở trẻ có thể là nôn ói, sốt, tiêu chảy, đừ, mắt trũng do mất nước,…

 

Nếu các triệu chứng ngộ độc từ mức độ trung bình đến nặng, trẻ cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để khám và điều trị. Ảnh minh họa.

Nếu trẻ có triệu chứng ngộ độc nhẹ, trẻ vẫn chơi và uống được, phụ huynh cần quan tâm đến việc bù nước cho trẻ bằng dung dịch Oresol kết hợp chia nhỏ cữ ăn, và ăn nhiều lần hơn trong ngày để hạn chế việc nôn ói và hạ đường huyết cho trẻ.

Nếu các triệu chứng ngộ độc từ mức độ trung bình đến nặng, trẻ cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để khám và điều trị.

Uống nhầm thuốc hoặc hóa chất

Uống nhầm thuốc hoặc hóa chất là một tai nạn hay xảy ra ở trẻ em.

Cha mẹ không nên để hóa chất, xăng dầu, hoặc những chất không uống được vào những chai nước ngọt, nước tinh khiết đã sử dụng hết, vì điều này rất dễ làm cho trẻ nhầm lẫn và tự ý uống nhầm các hóa chất này.

Thuốc, hóa chất nên để ở nơi tránh xa tầm với của trẻ và trẻ không thể tự ý lấy sử dụng được.

 

Thuốc, hóa chất nên để ở nơi tránh xa tầm với của trẻ và trẻ không thể tự ý lấy sử dụng được. Ảnh minh họa.

Khi trẻ có uống nhầm thuốc hoặc hóa chất, cha mẹ tuyệt đối không được tự ý gây phản xạ nôn ói cho trẻ mà cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế kèm với loại thuốc và hóa chất trẻ vừa uống nhầm để được điều trị kịp thời.

Sốc nhiệt và mất nước

 

Cha mẹ cần lưu ý việc bổ sung nước và điện giải cho trẻ để tránh trẻ bị mệt lả do sốc nhiệt. Ảnh minh họa.

Khi cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời trong dịp Tết, cha mẹ cần lưu ý việc bổ sung nước và điện giải cho trẻ để tránh trẻ bị mệt lả do sốc nhiệt.

Cha mẹ hạn chế đưa trẻ đến nơi có quá nhiều người, chen chúc lẫn nhau là nguy cơ làm cho trẻ bị ngất do thiếu không khí và mất nước.

Phạm Hiền

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/bac-si-khuyen-cao-cach-xu-ly-nhung-tai-nan-thuong-xay-ra-voi-tre-trong-dip-tet-post623711.html

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Vì sao không nên cho trẻ bị viêm tai giữa uống aspirin? (19/1)
 Dấu hiệu nhận biết và biến chứng của bệnh viêm tai giữa ở trẻ (18/1)
 Dấu hiệu khác lạ ở móng tay cảnh báo vấn đề sức khỏe (16/1)
 5 thói quen vệ sinh cá nhân trẻ cần học để khỏe mạnh (14/1)
 Bộ Y tế khuyến cáo 5 cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm dịp Tết (13/1)
 Mới: Phát hiện trẻ bị tự kỷ chỉ qua một sợi tóc (10/1)
 Trẻ em Việt Nam thiếu 50% nhu cầu vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn mỗi ngày (9/1)
 'Xua tan' nỗi lo dị ứng thực phẩm ngày lễ Tết (28/12)
 Tưa miệng ở trẻ em, chăm sóc và điều trị thế nào? (26/12)
 Có nên đóng cửa, 'nhốt' trẻ trong nhà để tránh rét? (22/12)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i