Có một số lý do đằng sau việc trẻ khóc khi nhìn thấy người lạ mà cha mẹ cần suy nghĩ và quan tâm tới con mình hơn.
Bạn có để ý rằng, nhiều em bé khi thấy người già, người đeo kính, người mặc quần áo sặc sỡ... liền khóc lớn hay không? Mọi người thường bối rối không biết lý do tại sao trẻ khóc.
Tại sao trẻ khóc khi nhìn thấy người lạ?
Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy hầu hết những đứa trẻ khóc không rõ nguyên nhân khi nhìn thấy người lạ thường trước 3 tuổi. Khi trẻ lớn dần, tình trạng này giảm đi đáng kể.
- Trẻ trước 6 tháng tuổi
Hầu hết trẻ trước 6 tháng tuổi đều có nhận thức về khuôn mặt của người lạ và người quen.
Các chuyên gia từng tiến hành một thí nghiệm, họ đưa 4 bức ảnh khuôn mặt khác nhau cho 40 trẻ sơ sinh nhìn. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, khuôn mặt mà các em bé này quan tâm đều có chung một đặc điểm là các đường nét trên khuôn mặt hiền hòa. Những người có khuôn mặt đáng sợ sẽ bị hầu hết trẻ từ chối.
Ảnh minh họa.
Để làm rõ điều này, các chuyên gia đã tiến hành một nghiên cứu sâu hơn và phát hiện ra rằng, lý do khiến trẻ có ấn tượng tốt hoặc xấu về khuôn mặt của một người thực chất là do những gì trẻ nhìn thấy bị mờ trước khi chúng được 6 tháng tuổi.
Hình ảnh mờ ảo này khiến trẻ chỉ thấy được một số đặc điểm của khuôn mặt, chẳng hạn như nét mặt xệ xuống của người già và các nếp nhăn sâu. Trong mắt trẻ, những đặc điểm này bị "méo mó" do bị mờ, trẻ sẽ theo bản năng từ chối những người này.
Nếu đúng như vậy, cha mẹ không cần phải lo lắng. Bởi vì phải mất 6 tháng trẻ mới phát triển thị giác từ mờ đến rõ dần, khi thị lực của trẻ cải thiện thì hành vi này sẽ giảm đi rất nhiều.
- Trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi
Nếu trẻ khóc khi nhìn thấy ai đó ở giai đoạn này, rất có thể là do trẻ đã bước vào thời kỳ nhận biết mọi thứ.
Robert Feldman, tác giả cuốn "Tâm lý học phát triển" cho biết: "Trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi coi mẹ là chỗ dựa an toàn. Một khi mẹ rời khỏi tầm mắt, trẻ sẽ phát sinh nỗi lo lắng bị chia cắt".
Ảnh minh họa.
Trẻ trước 6 tháng tuổi hầu như không thể phân biệt được người quen và người lạ. Trẻ không có khả năng ghi nhớ vào thời điểm đó và quên hết những người mình nhìn thấy trong chớp mắt. Vì vậy, trẻ ở giai đoạn này về cơ bản không thể nhận ra ai là người lạ ai là người quen.
Nhưng khi trẻ lớn lên, trí nhớ của chúng bắt đầu phát triển, dần dần sẽ phân biệt được giữa các thành viên trong gia đình và người lạ. Đặc biệt sau 6 tháng, trẻ bắt đầu nhận biết người khác, sau đó hình thành nỗi sợ hãi, bất an trước người lạ.
Những người mẹ có kinh nghiệm biết rằng, trẻ ở giai đoạn này rất dễ khóc và cực kỳ bám mẹ. Đây là quá trình phát triển khả năng tự bảo vệ của trẻ.
Theo thời gian trẻ sẽ dần bớt bám mẹ, nếu tình trạng này không thuyên giảm, người mẹ nên đưa con tới những nơi thú vị hơn, cho con nhiều cơ hội giao tiếp với người lạ, dần dần trẻ sẽ tự nhiên loại bỏ thành kiến với người lạ.
- Trẻ em sau 2 tuổi
Có một số đứa trẻ rất rụt rè, nhút nhát, hay bám mẹ, hay khóc nên không thích môi trường mới và tiếp xúc với người lạ. Đây là những đứa trẻ khó hòa đồng, cực kỳ nhạy cảm, chỉ vài lời nói của người khác cũng khiến chúng bị tổn thương.
Ảnh minh họa.
Theo thống kê, trên thế giới cứ 5 người sẽ có 1 người rất nhạy cảm, vì vậy trẻ em trong nhóm này không phải là thiểu số. Khi nhìn thấy một số người nào đó trẻ đột nhiên khóc, có thể vì chúng quá nhạy cảm.
Một đứa trẻ có độ nhạy cảm cao thường có hệ thần kinh phát triển hơn đứa trẻ bình thường khác, chúng dễ bộc lộ cảm xúc do việc thay đổi môi trường mang lại. Có thể vài biểu hiện vô tình của người lớn như nhăn mặt, nhíu mày, một lời nói lớn tiếng hoặc một mùi mơ hồ có thể khiến trẻ bật khóc.
Vì vậy, cha mẹ có con nhạy cảm nên thường xuyên hướng dẫn con giải tỏa căng thẳng. Ví dụ cho trẻ vận động nhiều hơn, cho chúng tiếp xúc nhiều đứa trẻ khác...
Tóm lại, trẻ khóc khi nhìn thấy người lạ không phải là điều gì quá bất thường, tùy vào mỗi đứa trẻ sẽ có những biểu hiện khác nhau, cha mẹ cần chú ý.
Theo Afamily.vn
Theo Phụ nữ Việt Nam