Giáo dục mầm non
   Cô giáo mầm non ở Chư Pah
 
Ước mơ về một ngôi trường mầm non ở xã Hà Tây huyện Chư Pah tỉnh Gia Lai giờ đã thành hiện thực. Ðịa phương đã xây dựng cho bậc mầm non một trường chính khang trang gồm ba phòng học ở trung tâm xã và hai phòng học ở cụm ba làng Kon Sơ Lăl, Kon Kơ Mõ, Kon Sơ Bai và làng Kon Sơ Lăng.

Trường được bổ sung thêm ba giáo viên, đủ định biên cho bốn lớp học với tổng số 92 cháu mẫu giáo là con em dân tộc của chín làng.

Năm 1997, cô giáo Bùi Tố Như là người duy nhất tình nguyện vào xã Hà Tây dạy học, chuyện học thật không gian khổ nào bằng. Nằm cách thành phố Pleiku chừng 80 cây số, xã Hà Tây lúc đó chỉ có một ngôi trường tiểu học do bốn thầy giáo phụ trách.

Cô Như là giáo viên mầm non đầu tiên ở đây, nên nhiều khi cũng phải đứng lớp dạy cả mấy môn xã hội của bậc tiểu học. Trường chính lúc đó mới có đến lớp 5. Gần chục học sinh lớp 4 và 5 lớn tồng ngồng phải ngồi đấu lưng lại nhau trong lớp ghép có hai bảng dựng hai đầu phòng học.

Thi thoảng cô giáo đang giảng bài cho lớp học này lại phải dừng để quay sang dàn hòa nhóm học sinh đang chọc ghẹo nhau ở đầu kia lớp. Còn lớp học ở làng thì chỉ lèo tèo gian nhà tranh xiêu vẹo thông thống gió lùa, hơn chục học sinh ngồi chung đủ lứa tuổi.

Riêng bậc mầm non của chị có hai lớp dạy sáng, chiều. Mỗi buổi học giáo viên phải chắt chiu đồng lương để mua sẵn một gói kẹo mang theo rồi vào từng nhà dụ dỗ từng học sinh gom chở đến lớp. Nhất là vào mùa rẫy, dân làng ăn ngủ tại rẫy cả tuần mới về, mang cả con cái theo, những lúc đó giáo viên chỉ còn biết nhìn lớp học trống không mà bưng mặt khóc.

Leo vào tận rẫy cách hơn chục cây số đường rừng vận động thì đồng bào giải thích đầy hồn nhiên: "Ðưa vào rẫy bọn trẻ còn có cái ăn chứ để ở nhà đi học không ai nấu cho ăn thì chết đói à?!" Có lần trong giờ học, một học sinh bỗng nhiên nhợt nhạt rồi ngất xỉu, hỏi ra mới biết là vì đói.

Các cô phải chạy vội về khu tập thể vét ít bột sắn dây cất dành mang đến cho ăn đỡ. Cho đến bây giờ, thi thoảng cũng có trường hợp vì nhà nghèo quá nên học sinh phải nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ. Chị Như lại tìm đến tận nhà vận động, sẻ chia. Ðồng lương giáo viên của chị lại chia đôi, xẻ bảy để mua gạo, mua giấy bút, áo quần và đóng tiền học phí cho các em...

Cứ vậy, suốt gần 10 năm kể từ ngày rời quê hương ở huyện Ngọc Lạc, tỉnh Thanh Hóa lên Tây Nguyên theo đuổi nghề giáo, bám làng dạy học, giờ cô giáo Như đã là một thành viên của các làng. Căn nhà chị là địa chỉ tin cậy của đồng bào Ba Na trong làng mỗi khi nhà họ có chuyện.

Từ chuyện nhà Ma Piêng ở làng Kon Sơ Lăng hết gạo mấy ngày, chị mang tới giúp, đến chuyện con gái út nhà Ðinh Tháo bị sốt li bì, không có tiền mua thuốc cũng nhờ chị. Những bữa cơm chiều phải bỏ dở để chạy đi vì có người cậy nhờ, lắm lúc nửa đêm con người ta bị sốt mê man đến gõ cửa, chị phải gói ghém chăn màn cho chồng con để lại vào làng. Rồi chuyện con heo nái nhà bà Neng trong làng đẻ khó, nửa đêm cũng có bàn tay chị...

Thôi thì đủ thứ chuyện trong làng, ngoài xóm, hễ ai cần là có chị sẵn sàng giúp đỡ. Già làng Kon Sơ Lăl, H'Yưnh khi nghe tôi hỏi về cô, trìu mến nói: "Cái chữ không phải là cơm gạo mà ăn ngay được. Nhưng biết nhiều chữ thì cái bụng dân làng mình sáng ra để phân biệt được chuyện đúng - sai, biết cách trồng bắp nhiều hạt, trồng mì xanh tốt, nuôi heo mau lớn. Cô giáo Như tốt lắm! Nó là con của làng mình mà". Giỏi tiếng Ba Na, hiểu biết tập tục, hết lòng với đồng bào dân tộc thiểu số, giờ đây cô giáo Như đã là một thành viên thân thuộc của các gia đình dân tộc Ba Na ở vùng sâu này.

Bằng sự nhẫn nại, tận tâm của các cô giáo, thầy giáo mà người Ba Na ở đây dần ý thức được sự cần thiết của việc học chữ. Cũng nhờ sự tin cậy đó mà suốt gần 10 năm dạy học hiếm khi có học sinh của chị phải bỏ học giữa chừng.

Những bài giảng có lồng ghép giải thích bằng tiếng Ba Na của cô giáo Như trở nên dễ hiểu hơn với các học sinh làng, giúp các em mẫu giáo nhận biết được chữ cái, tiếng Việt dễ dàng hơn, cuốn hút các em yêu trường, mến lớp. Chị nói: "Mình sống với dân làng thật lòng thì họ thương và quý mình là cái được lớn nhất rồi. Ðôi khi ở miết trường chính, mình thấy nhớ các gương mặt ngây thơ của học sinh ở điểm trường làng nên lại tìm xuống".

Cũng nhờ đó mà gần 10 năm qua, hiếm khi có học sinh của chị bỏ học giữa chừng. Nhiều học trò đã trưởng thành, đi học lên cao ở xa, nhưng mỗi khi về thăm gia đình, lúc nào cũng đến thăm trường, thăm cô Như, người mẹ thứ hai của mình.
 
Theo Nhân dân.
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 TPHCM: Hội nghị “Y tế học đường” (21/3)
 Giáo dục giới tính cho trẻ - việc cần thiết (21/3)
 Những vị khách đặc biệt của Trường Mẫu giáo Bình Minh (20/3)
 'Níu' lại ánh sáng cho những trẻ nhìn kém (19/3)
 TPHCM: Lớp bồi dưỡng giáo dục can thiệp sớm trẻ tự kỷ học hòa nhập tại trường MN. (15/3)
 Hà Nội: Tiếp tục đổi mới phương thức thi giáo viên dạy giỏi (15/3)
 Xã hội hóa giáo dục mầm non - Nan giải vùng ven (14/3)
 TP.HCM: Đổi mới phương pháp thực hiện chuyên đề (13/3)
 Mầm non TPHCM giao lưu trực tuyến với Giám Đốc Sở GD&ĐT TP (9/3)
 Trường mẫu giáo Hữu nghị Việt - Triều đón Huân chương Lao động hạng Nhất (9/3)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i