Giáo dục mầm non
   TP Hồ Chí Minh: Tất tả tìm giáo viên mầm non
 
Trong năm học 2008-2009, ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp, ngành giáo dục mầm non (GDMN) TPHCM đang rốt ráo tìm nguồn giáo viên (GV) mới bù vào khoảng thiếu gần 1.000 GV cho các trường MN công lập và gần 4.000 GV, bảo mẫu cho khối MN ngoài công lập, nhóm trẻ gia đình…

Giáo viên giỏi ra đi
"Mỗi ngày phải chăm sóc, dạy học, kể chuyện… cho 15 đứa trẻ trong suốt 12 giờ còn cực hơn… công nhân làm tăng ca, vậy mà tiền lương chỉ ngoài 1 triệu đồng, không đủ sống. Thật tình tôi không thể nuôi nổi con ăn học thì không thể yêu trẻ và "bám" nghề dạy trẻ này lâu hơn nữa" - cô Nguyễn Thị Mười, giáo viên Trường MN tư thục An Cư (quận Tân Bình), người có kinh nghiệm nuôi dạy trẻ trên 5 năm, đã nghỉ dạy để đi làm bên ngoài, cho biết.

Đúng như cô Mười tâm sự, nhiều GVMN không thể "sống" với nghề vì điều kiện làm việc vất vả, thu nhập thấp. Theo thống kê mới đây của Sở GD-ĐT TPHCM, năm học vừa qua, TPHCM có 246 GVMN bỏ nghề, chiếm 1/3 số GVMN ra trường hàng năm. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng GDMN Sở GD-ĐT lý giải: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều GVMN ra đi là vì thu nhập và đời sống GV quá thấp, nhất là trong thời điểm trượt giá hiện nay. GV không đủ sống sẽ kéo theo chất lượng nuôi dạy trẻ kém, vô hình chung trẻ và phụ huynh "khổ" lây.

Trong năm học tới, ngành GDMN TP có đảm bảo đủ GV nuôi dạy trẻ?
Trên thực tế, không chỉ GV cũ bỏ nghề, ngành MN không còn sức hút với nguồn nhân lực trẻ. Cụ thể, trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2008, số thí sinh đăng ký vào khoa Mầm non của các trường: ĐH Sư phạm, ĐH Sài Gòn và CĐ Sư phạm Mẫu giáo Trung ương 3 giảm so với các năm trước.

Một giảng viên đào tạo GVMN của một trường ĐH kể: Sau đợt thực tập tại trường mẫu giáo, nhiều giáo sinh than làm GVMN quá vất vả, đòi hỏi phải biết rành tất tật từ chăm sóc trẻ, đến làm học cụ, nhạc lý, vẽ hình và có sức chịu đựng cao. Thực tế, nhiều giáo sinh đã không còn mặn mà với nghề sư phạm MN và quyết định bỏ nghề từ khi còn ngồi trên giảng đường.

Lâu nay, ngành GDMN tồn tại một hiện tượng lãng phí nhưng khá phổ biến là chảy máu chất xám nguồn GV được đào tạo chính quy, giàu kinh nghiệm. Cô Quách Thị Thúy Quỳnh, Hiệu trưởng Trường MN TPHCM cho biết: Lực lượng GVMN bỏ các cơ sở MN công lập đa số lành nghề, nhiều kinh nghiệm. Nguồn thu từ học phí của các trường công lập đã được quy định từ năm 1996 nên không thể đáp ứng được nhu cầu phát triển trường lớp và trả lương cho GV hiện nay, đặc biệt là những GV giỏi, qua đào tạo chuyên môn. Thực tế tại trường MN thành phố, nhiều GV về trường, được đào tạo thực tế 3-9 tháng vững tay nghề sau đó lại tìm đến những trường quốc tế có thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt hơn. Hiện tại, Trường MN TPHCM có nhiều GV sắp về hưu đòi hỏi phải kịp thời có một lực lượng GV mới để thay, nhưng nhà trường bó tay vì không thu hút được nguồn nhân lực trẻ.

Tăng thu nhập cho GVMN: Bao giờ?
Để giải quyết thực trạng thiếu GVMN cho năm học mới, bà Nguyễn Thị Kim Thanh cho biết: Trước mắt, Sở GD-ĐT sẽ vận động toàn bộ nguồn GV mới ra trường từ 3 cơ sở đào tạo GVMN của TPHCM; thu hút GV có tay nghề từ các tỉnh, thành khác, kể cả nguồn GV có KT3 hoặc chưa có hộ khẩu tại TPHCM để đáp ứng 1.000 chỗ trống cho các trường MN công lập. Với các trường, lớp MN tư thục, nhóm trẻ gia đình, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp cùng các trường ĐH-CĐ đào tạo nghề các khóa ngắn hạn 3-9 tháng để cung ứng bảo mẫu, GV đảm bảo tay nghề, tránh những tai nạn bạo hành trẻ như thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, biện pháp căn cơ để chấm dứt tình trạng GVMN bỏ việc là cải thiện mức thu nhập và nâng cao đời sống GV. Ngành GD TP đề xuất UBND TPHCM cho phép tăng học phí và giảm cường độ làm việc để cải thiện đời sống GV. Hiện tại, ngành GDMN TP có hơn 100 trường MN đạt chuẩn quốc gia, tiên tiến cấp TP có đủ khả năng để hạch toán và đóng góp cùng gánh những trường khó khăn ở vùng ven. Sở GD-ĐT sẽ tham mưu cho TP quy hoạch lại mạng lưới trường lớp MN hợp lý, điều phối học phí theo từng bậc học để cải thiện đời sống GV.

Theo bà Kim Thanh, trước mắt, các trường cần chủ động làm việc với phụ huynh học sinh (PHHS) để cùng nhau giữ chân GV ở lại. Cụ thể, quận Gò Vấp đã chủ động tăng phí học bán trú của trẻ để cải thiện lương cho GV và mang lại kết quả rất khả quan. Thực tế, nhiều PHHS rất muốn đóng góp cùng nhà trường nâng cao mức sống để GV an tâm chăm lo cho trẻ. Một phụ huynh có con đang học lớp Lá tại Trường Mẫu giáo Sơn Ca 7 quận 11 ủng hộ: "Tôi không yên tâm khi thuê người về nhà trông con vừa tốn kém lại không an toàn vì họ không có chuyên môn nuôi dạy trẻ. Tôi sẵn sàng đóng góp để các cô giáo toàn tâm toàn ý chăm lo cho các cháu…".

Trao đổi với một số nhà quản lý của các trường MN, biện pháp các trường tự thân vận động và dựa vào sự đóng góp của phụ huynh để giữ chân GV là không hiệu quả, thiếu căn cơ khoa học. Ban giám hiệu các trường đang mong chờ động thái tích cực từ chính quyền các cấp và ngành GD TP giải quyết rốt ráo, dứt điểm tình trạng thiếu nguồn GVMN đã tồn tại nhiều năm qua

( Theo SGGP )
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Đóng góp ý kiến.
Ngày gửi: 6/23/2008 5:08:56 PM

Tôi đồng ý với giải pháp mà các bạn đưa ra nhưng có điều là phải áp dụng được biện pháp đó. Đã nói là phải làm, mà đã làm phải làm trong thời gian sớm nhất.


guest
Mức lương của giáo viên mầm non hiện nay chưa hợp lý?
Ngày gửi: 6/24/2008 9:35:26 AM


Là một giáo sinh mầm non,tuy tôi chỉ học trung học nhung cũng trải qua 3 năm học tập cật lực với rất nhiều bộ môn:nào hát,xướng âm,vẽ,nấu ăn dinh dưỡng, các phương pháp chăm sóc giáo dục...,rồi những giờ làm đồ dùng đồ chơi..., vất vả nhưng vì lòng yêu trẻ nên hầu hết chúng tôi ai cũng cố gắng. Gần đây,một số tin không tốt về ngành GDMN đã gây ảng hưởng không nhỏ đến các giáo sinh,hơn thế nữa,qua đi thực tế và tìm hiểu thông tin về ngành, chúng tôi vô cùng lo lắng trước thực trạng GDMN hiện nay. So với các giáo viên ở các bậc học khác,thì có sự chênh lệch rất lớn về giờ làm việc,về mức độ công viềc,cũng như gánh nặng trách nhiệm...cho giáo viên mầm non. Vậy tại sao mức lương của họ lại không được hưởng tương xứng? Vấn đề này nếu không được nhà nước quan tâm,giải quyết kịp thời thì liệu số giáo viên mầm non sẽ còn giảm đến mức độ nào? Ở đây không phải nói đến một sự đòi hỏi nào đó mà là một nhu cầu thiết yếu nhằm giúp ổn định đời sống vật chất cho các cô thì các cô mới duy trì được lòng yêu nghề,không còn bị cơm áo gạo tiền chi phối,có như vậy các cô mới hết lòng đầu tư vào chất lượng giảng dạy và chăm sóc các cháu tốt hơn. Với thực trạng GDMN hiện nay,đối với việc có tiếp tục hay không ngành nghề mà tôi theo học đang còn là một vấn đề lớn để chúng tôi suy nghĩ,bởi nếu tiếp tục thì chúng tôi phải cần có một sự ủng hộ rất lớn từ gia đình, ngành giáo dục, các tổ chức và cộng đồng. Nếu ngành GDMN đã ra được quyết định về việc thu nhận giữ trẻ 3 tháng tuổi trở lên, thì tại sao không ra được quyết định nào cải thiện đời sống cho các GVMN mà còn làm tăng gánh nặng cho họ.



guest

Để GVMN yêu nghề .
Ngày gửi: 6/24/2008 11:10:48 AM

Bài viết đã nêu được một vấn đề bức xúc của GVMN, nhưng chưa nhận thấy hết những lý do khiến GVMN bỏ nghề. Tôi xin đóng góp một vài ý kiến để chúng ta xem xét vấn đề một cách toàn diện hơn.
Tôi làm việc trong 1 trường MN chuẩn QG.Qua trò chuyện, thăm dò ý kiến cùa GV trong trường tôi và một số trường khác, tôi nhận thấy đa số các GV ở trường công lập có ý nghĩ: "Sẽ bỏ nghề nếu có cơ hội tốt hơn", kề cả những GV giỏi, có kinh nghiệm lâu năm. Không phải là chúng tôi không yêu nghề, yêu trẻ mà một phần do thu nhập quá thấp so với sức lao động bỏ ra, và lý do quan trọng hơn là công việc của chúng tôi phải chịu quá nhiều áp lực. Một lớp có khoảng 40-50HS/2GV. Việc chăm sóc- giáo dục và đảm bảo an toàn cho các cháu trong suốt gần 11g đồng hồ (6h30-17h)thôi cũng đã đủ làm chúng tôi căng thẳng lắm rồi, vậy mà chúng tôi còn phải chịu áp lực từ phía phụ huynh và từ cả cấp trên. Chính cách quản lý, thanh tra, kiểm tra và những yêu cầu đôi khi không phù hợp với thực tế của cấp trên cũng đã và đang tạo áp lực rất lớn cho GVMN. Điều đó gây tâm lý nặng nề, đối phó từ đó sinh ra hiện tượng áp đặt, cấm đoán thậm chi đánh trẻ để rèn nề nếp lớp cho phù hợp với yêu cầu cấp trên và tâm lý chán nản, bất mãn, muốn bỏ nghề. Tuy nhiên, những ý kiến này không bao giờ được nói ra trong các cuộc họp vì ai cũng sợ...Tôi cũng đã nghiên cứu rất nhiều về GDMN ở Mỹ, Úc, Singapo,Canada...và các trường MN quốc tế đang hoạt động ở trong nước. Tôi thấy cách họ quản lý, kiểm tra GV không làm cho GV cảm thấy căng thẳng, không có tâm lý đối phó. Tôi nghĩ rằng, để GVMN tâm huyết với nghề, ngoài việc tăng thu nhập cho GV, các cấp lãnh đạo cũng nên xem xét lại cách quản lý, thanh tra, kiểm tra, của mình làm sao để không tạo tâm lý áp lực, căng thẳng, sợ kiểm tra, và tâm lý đối phó với cấp trên cho GVMN.



guest
Để giáo viên Mầm Non thật sự yên tâm với nghề.
Ngày gửi: 6/24/2008 5:37:09 PM


Thực tế hiện nay giáo viên Mầm non có rất nhiều yêu cầu cao từ phía phụ huynh và các nhà quản lý, từ thời gian làm việc 1 ngày cũng nhiều giờ hơn các nghề khác, trung bình một cô giáo Mầm Non thời gian làm việc trong trường Mầm Non là 11 tiếng, với từng ấy thời gian các cô phải liên tục thực hiện các hoạt động theo chế độ chăm sóc giáo dục trẻ, mà ngành học ban hành, cô giáo Mầm Non vừa phải là cô nuôi, vừa là giáo viên tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi cho trẻ, làm đúng theo qui định thì các hoạt động liên tục nối tiếp nhau từ 7h sáng đến 17h chiều, yêu cầu tổ chức các hoạt động ngày càng bảo đảm sự linh hoạt, sáng tạo , phù hơp với việc nâng cao , đổi mới chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Chính điều này làm cho nhiều giáo viên cảm thấy rất căng thẳng, mệt mỏi. Trong khi đó thu nhập lương của giáo viên trường công ,1 phần phụ thuộc vào tiền học phí mà mức học phí của các trường công lập tại Hà Nội vẫn thực hiện theo quyết định 73 ra đời đã 10 năm : đó là 50.000 / tháng/ 1 trẻ Mẫu giáo , điều này không phù hợp với giá cả thực tiễn và công sức của giáo viên Mầm Non hàng ngày chăm sóc, giáo dục trẻ. Tính bình quân lương của 1 giáo viên Cao đẳng khi ra trường nếu thi đỗ công chức khoảng 1.400.000 đ /1 tháng , còn giáo viên hợp đồng trường , hoặc hợp đồng quận lương dao động từ 700.000 đ đến 1.000.000đ /1 tháng . Chính những áp lực công việc và mức lương thu nhập ít ỏi này đã làm rất nhiều giáo viên nản lòng, chưa yên tâm với nghề , dù có yêu trẻ thơ đến đâu nhưng các cô cũng có những băn khoăn , nản lòng. Để giáo viên thật sự toàn tâm, toàn ý với công việc và yên tâm với nghề, rất mong các cấp lãnh đạo hãy quan tâm đến chế độ chính sách cho giáo viên Mầm Non.



guest

Để trẻ ngũ hóa giáo viên Mầm Non.
Ngày gửi: 6/26/2008 7:45:41 AM

Là một giáo viên thuộc vùng nông thôn hiện nay tôi nhận thấy nhà nước kêu gọi cần phải trẻ ngũ hóa đội ngũ giáo viên Mầm Non vì thực trạng hiện nay những giáo viên lớn tuổi ở vùng nông thôn cũng khá nhiều cô chuẩn bị về hưu. Vậy lấy đâu ra đội ngũ kế cận thực hiện tiếp tục cuông cuộc đổi mới CSGD Mầm Non với đồng lương quá ít ỏi, công việc thì quá nhiều, áp lực cũng khá nặng nề, hơn thế nữa không có sự thu hút các lớp trẻ tham gia học sư phạm Mầm Non là vì chưa có chế độ chính sách phù hợp đối với giáo viên MN khi ra trường thì phải dạy hợp đồng không đuợc xét tuyển vào biên chế chỉ dành ưu tiên cho những giáo viên thuộc vùng sâu vùng xa mới được xét tuyển đó cũng là lý do mà đa số các em không tham gia học sư phạm Mầm Non. Có chăng một số em theo vào ngành nhưng cũng chỉ chờ có cơ hội là đi ra làm ngoài, đây cũng là một trong những bức xúc của các trường Mầm Non nông thôn nên chăng nhà nước cũng cần xem xét chính sách chế độ sao cho phù hợp với giáo viên Mầm Non để thu hút các lớp trẻ theo vào ngành sư phạm Mầm Non ngày càng đông vì nhu cầu hiện nay là rất thiếu giáo viên Mầm Non vì "MG tốt sẽ mở đầu cho một nền giáo dục tốt".


guest
Cho đến bao giờ mới giảm áp lực công việc cho GVMN ?
Ngày gửi: 6/26/2008 9:47:54 PM


Cũng chỉ vì áp lực công việc quá lớn cho GVMN mà Tôi, là một GV giỏi đã làm việc được 7 năm mà bây giờ phải quyết định nghỉ việc. Đã nhiều lần Tôi được nghe là sẽ giảm tải công việc cho giáo viên, nhưng cuối cùng công việc càng ngày càng trở nên nặng nề hơn, nào là: Giáo án, nào là kế hoạch ngày, kế hoạch tuần, kế hoạch tháng, sổ chăm sóc giáo dục...bây giờ còn lại thêm sổ quan sát trẻ, sổ nhật ký...Quả thật Tôi không hiểu nổi là các cấp lãnh đạo có phải rảnh rổi mà ngồi nghĩ ra nhiều việc bắt chúng tôi phải làm. Dù có ba đầu sáu tay thì GVMN chúng Tôi cũng không thể nào làm nổi những việc đó, vừa chăm sóc trẻ cho tốt vừa phải cầm sổ ghi chép thì quả là một chuyện buồn cười. Vậy mà vì cơm áo gạo tiền mà chúng tôi đành phải cố gắng làm, thử hỏi làm sao không áp lực, không bỏ nghề, mặc dù là rất yêu trẻ. Đó là tôi chưa kể đến những bất công mà nhiều GV có năng, có tay nghề cao lại bị trù dập, hăm dọa cho thôi việc chỉ vì quá thẳng thẳng đóng góp ý kiến với hiệu trưởng, với phòng...Tôi rất mong SGD, PGD xem xét và chấn chỉnh kịp thời để các GVMN chúng tôi có thể yên tâm thanh thản làm việc mà không phải chịu một áp lực nào, để chăm sóc và nuôi dạy các cháu tốt hơn.



guest

Quá nhiều áp lực cho gv MN và cho các cháu
Ngày gửi: 6/27/2008 11:36:10 AM

Tôi hiện đang là 1 GVMN, qua những bài viết trên tôi rất đồng tình với những ý kiến trên thế nhưng tôi xin góp thêm vài ý kiến của mình đó là cách kiểm tra của BGH đặt ra :
Đầu năm đòi hỏi lớp học phải có nề nếp thử hỏi trẻ nhỏ cần hồn nhiên sao bắt trẻ thế này thế kia mà nếu muốn có nề nếp thì gv phai la trẻ thậm chí có gv nóng tính đã đánh trẻ. Sau đó lại kiểm tra cách rửa tay , lau mặt của trẻ. Trẻ còn nhỏ mới có 4 tuổi đôi khi cũng có chút sai sót thế mà hiệu phó Bán trú bảo " cô dạy học trò gì mà trẻ không biết cách lau mặt rửa tay chắc là cô không dạy nên học trò mới thế" nhưng đâu phải thế ngày nào cô chẳng nói 50 em thì nói 50 lần nói đến chiều là khàn cả cổ đến bệnh ung thư thanh quản. Vậy thì để có nề nếp trong lau mặt rửa tay thì gv phải làm gì đây? có người bực mình la lại học trò có người dạy hoài mà học trò vẫn chưa làm được nên đã đánh học trò.
Tôi rất mong ban lãnh đạo hãy xem xét lại cách kiểm tra để những chuyện đó không ảnh hưởng đến trẻ thơ để trẻ thơ luôn có những nét ngộ nghĩnh trong cách làm sai của trẻ.
Để là 1 GVMN thì chắc hẳn phải học từ trung cấp( 2 năm) hay cao đẳng (3 năm) hay đại học (4năm) thế mà ngày nào giáo viên MN cũng phải mệt mỏi với hiệu phó bán trú trong việc vệ sinh, GV cứ phài cầm cái ghẻ lau lau chùi chùi liên tục các kệ trong lớp thế mà vẫn bị nói là lau chưa sạch bị trừ điểm thi đua. Liệu đấy có phải là chuyên môn của gvMN tôi nghĩ cẩn phải có bảo mẫu hay một bộ phận làm vệ sinh để gánh đỡ công việc cho giáo viên mầm non. Sổ sách đã nhiều chuyên môn đã đòi hỏi thêm thế mà vệ sinh lớp GV cũng phải ôm luôn liệu ai co đủ sức khỏe để còn yêu nghề nữa đây?
Còn về lương thì các chị đã nói quá kỹ ở phần trên.
Tôi mong SGD, PGD xem xét và chấn chỉnh kịp thời để giáo viên MN có thễ thanh thản trong công việc cũng như chăm sóc trẻ.



guest
Tiền học phí Sở Giáo Dục có trả lương cho giáo viên không???????
Ngày gửi: 6/27/2008 9:29:16 PM


Tôi là một giáo viên ra trường đã được 3 năm. Tôi xin hỏi Trưởng phòng GDMN Sở GD-ĐT là hiện nay tôi đang dạy ở một trường trong Thành Phố. Năm học vừa qua ngoài lãnh lương phòng theo hệ số lương,k hen thưởng thi đua tháng, phụ cấp ưu đãi 35% và lương phục vụ tại trường thì tôi không được lãnh tiền nào hết. Cách đây 2 năm học tôi vẫn lãnh tiền HỌC PHÍ mồi tháng là 60000đ. Nhưng năm học vừa qua theo chỉ đạo của cấp trên các trường trong quận không được phép sử dụng hỗ trợ thêm lương cho giáo viên theo tỉ lệ phần trăm được sử dụng như các năm trước. Số tiền đó chỉ được sử dụng trong việc giảng dạy. Nếu nói như vậy giáo viên dạy nhưng không có lương học phí. Theo tôi được biết các quận khác vẫn được hưởng lương học phí bình thường. Vậy thì tăng tiền học phí làm gì trong khi giáo viên không được hỗ trợ một phần. Tôi thiết nghĩ lãnh đạo nên xem xét để giáo viên an tâm làm việc hơn.



love_lovely

Quá nhiều áp lực cho ngành nghề Giáo Dục.
Ngày gửi: 6/29/2008 2:31:06 PM

Hiện nay em đang la 1 sinh viên đang học tại trường Cao Đẳng Sư Phạm mẫu giáo TW3, ở đường Nguyễn Chí Thanh em chưa ra trường nhưng em nghe rất nhiều các bạn sinh viên khác than cực về ngành sư phạm mầm non,ko biết hiện nay Sở Giáo Dục đã ban hành việc nâng trợ cấp cho giáo viên Mầm Non chưa? Nhưng em rất hy vọng sắp tới sẽ ở 1 mức lương cao hon cho ngành mầm non!!!


nhobo
Đi vào cụ thể hóa chi tiết
Ngày gửi: 6/30/2008 2:49:41 PM


Như vậy đề nghị với Bộ GD, Vụ GD mầm non, UBND các tỉnh thành,.. đề ra cách giải quyết cụ thể là lương một giáo viên MN một tháng phải thu nhập từ 2 triệu trở lên (không kể BHXH và YT), trong đó nhà nước là 60%, xã hội là 40%, giảm những chi phí không cần thiết để đóng góp của phụ huynh là phụ thêm vào lương cho giáo viên. Định lại những công việc và trách nhiệm của một Giáo viên MN là gì: không thể là vừa dạy vừa chăm trẻ vừa là nhân viên vệ sinh phục vụ cho ba bốn chục em trong một lớp học được.



guest

Sở Gíao Dục nên đặt dấu chấm hỏi tại sao GVMN bỏ nghề
Ngày gửi: 7/7/2008 9:47:01 PM

Tôi là GVMN cũng nhiều năm cũng thấy bất mãn với nghề này. 1 ngày làm việc rất căng thẳng từ 6h30 đến 17h vậy mà lương chẳng được bao nhiêu mà phải bị áp lực từ BGH nhà trường từ sổ sách đến việc CSGD trẻ rồi cho đến kiêm luôn công việc vệ sinh trẻ, lớp. Thử hỏi từ đào tạo thành 1 GVMN mà bây giờ giống như là 1 bảo mẫu thì đào tạo GV để làm gì. Mà chưa kể quy định đưa ra là 40-50 cháu/2GV . Cho nên năm nào cũng có GV nghỉ việc vì đon giản họ không chịu nổi cho nên phải đi kiếm 1 công việc khác lương phù hợp với công sức của họ bỏ ra. SGD nên xem xét lại cách quản lý GVMN và nhưng quy chế đưa ra nên nhẹ hơn cho GVMN nếu không hàng năm sẽ lại tuyển thêm nhiều GVMN nữa


guest
Quyền lợi của GVMN không dược thỏa đáng và không có sự tôn trọng...???
Ngày gửi: 8/3/2008 10:46:28 AM


Khi còn là 1 giáo sinh thực tập ở MN27 tôi cảm thấy rất phấn khởi và yêu nghề lắm. Nhưng khi ra trường về công tác tại trường MN24A tôi như chới với,làm việc trong cảm giác lo lắng, bất an và cảm thấy mình không còn là chính mình nữa???tôi không nhận được sự tôn trọng của cấp trên (Hiệu Trưởng). Là GV mới ra trường nên tôi chưa có nhiều kinh nghiệm, tôi luôn cố gắng học hỏi và chấp hành nội qui, tham gia các phong trào...nhưng tôi và các đồng nghiệp luôn nhận dược thái độ lạnh lùng từ HT. Tôi xin đi khám bệnh theo chế độ BHYT nhưng HT lại dụ tôi khám vào ngày T7, khi tôi khám về BS bảo tôi phải đi Tiểu Phẩu (TP)nên tôi xin phép được đi BV, HT nói"để qua đợt Thanh Tra đi rồi mới đi được...???". Gia đình tôi lo sợ cái U đó sẽ càng lớn, nên tôi quyết định đi (TP). Vậy mà qua ngày hôm sau HT lên bắt bớ, hạch sách tôi đủ diều, chưởi bới, sĩ vả như 1 kẻ có tội (thuận vua thì sống,nghịch vua thì chết)...mà không hề nghe 1 lời hỏi thăm SK???? Công đoàn cũng không thấy??? Cực khổ đến đâu tôi cũng chịu, vì những lúc mệt mỏi tôi còn có học trò quan tâm,hỏi thăm, trẻ nhỏ còn biết xót thương, quan tâm đến người khác ấy vậy mà HT của tôi đối xử với nhân viên như thế thì thử hỏi có ai dám đâm đầu vào nơi không hề có "Tình Người" đó không? Mọi ý tưởng trong tôi tan biến??? Bây giờ tôi rất sợ,rất sợ...bởi vì họ không cư xư như nhà Giáo??? sự Tôn Trọng và Quyền Lợi của GVMN ở đâu???



guest

"Tiền thưởng tết cho GVMN" xin Sở GD xem xét lại
Ngày gửi: 8/10/2008 10:10:30 PM

Tôi cảm thấy thật sự bất công, trong khi các ngành khác thì nhận được tahn1g lương 13.Còn các giáo viên mầm non thì trông ngóng, hồi hộp xem Sở giáo dục thưởng được bao nhiêu cho GVMN? Thú thật, số tiền thưởng đó không bằng tháng lương 13 của công nhân.Tôi nhớ lần đầu tiên tôi cầm tiền thưởng tết cuả GV, tôi thật sưị bị sốc với số tiền đấy.Khi tôi có ý kiến hỏi phòng GD nơi tôi công tác thì tôi nhận được câu trả lời thế này " Công nhân làm ra sản phẩm bán và co thu nhập nên thu lợi nhuận, còn ngành giáo dục không bán ra được sản phẩm nên không có lợi nhuận, thì làm gì có mà thưởng nhiều!" Tôi rất trằn trọc với câu nói đó.Chúng tôi là người đào tạo ra thế hệ tương lai của đất nướcvà thế hệ đó ới tạo ra được sản phẩm.Như vậy thì sao?Nếu không có con ngươì làm sao có sản phẩm.Nếu nói vậy th2i chắc GVMN bỏ đi làm công nhân để tạo ra sản phẩm để có lương cao hết rồi.Mong Sở GD xem xét lại


guest
Xin Sở Giáo Dục xem xét lại.
Ngày gửi: 9/6/2008 1:23:12 PM


Tôi đồng ý với ý kiến của các chị ở trên. Tôi mong rằng quy chế của ngành đưa ra phải phù hợp. Chúng tôi đi làm lương đã thấp còn tốn tiền học nâng cao Cao Đẳng và Đại Học một năm hơn 3 triệu đồng. Đã tốn tiền còn phải tốn công. Chúng tôi phải đi học cả thứ 7 và chủ nhật, gia đình, con cái bỏ bê. Sức khỏe cạn kiệt vì ngày thường phải đi dạy, ngày nghỉ phải đi học tối về soạn giáo án, làm học cụ...



guest

Làm BGH phải công bằng không trù dập giáo viên.
Ngày gửi: 9/6/2008 1:31:25 PM

Chúng tôi mong khi đi học nâng cao sẽ được SỞ Giáo Dục hỗ trợ kinh phí. lương thấp mà chúng tôi fải đóng 1 năm hơn 3 triệu. Chúng tôi fải đi học luôn thứ 7 và nhật không được nghỉ ngơi. Đến trường luôn bị áp lực nặng nề của BGH, luôn phải dự giờ góp ý xây dựng mà kiếm chuyện để trừ điểm thi đua.


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Trường Mầm Non Bán Công Hương Sen (25/6)
 Vui chơi đối với trẻ mầm non. (24/6)
 Trường Mầm non Rạng Đông 9 quận 6: tổ chức lễ đón nhận danh hiệu “Trường mầm non đạt chuẩn quốc gia " (23/6)
 Hướng dẫn tuyển sinh Mầm non (16/6)
 Phương pháp 'chơi mà học' (13/6)
 Kế hoạch bồi dưỡng giáo viên. (11/6)
 Năm học 2008-2009: TP.HCM sẽ tuyển thêm 3.000 giáo viên. (12/6)
 Bán công hay Tư thục ? (11/6)
 Chạy đua tìm trường. (10/6)
 Nhọc nhằn luyện thi lớp 1 (9/6)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i