Giáo dục mầm non
   Nhân rộng mô hình nhà trẻ dân nuôi
 

Nhân rộng mô hình nhà trẻ dân nuôi
Giờ cơm của các cháu Trường mầm non Sa Bình.
Cũng như những đứa trẻ khác, cứ mỗi buổi sáng thức dậy cậu bé A Lập (dân tộc Xê Đăng), học sinh lớp mẫu giáo ghép tại làng Bình Loong, xã Sa Bình (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, lại nhắc nhở bố mình (anh A Chích) chuẩn bị cơm để A Lập mang đến lớp. Từ một học sinh thường xuyên nghỉ học, kể từ tháng 10-2008, A Lập không nghỉ buổi nào. Đây là kết quả của một trong những "mô hình mới" của ngành giáo dục huyện Sa Thầy.

Từ mô hình "bán trú dân nuôi"...
Bắt đầu triển khai từ tháng 10-2008, mô hình "bán trú dân nuôi" (BTDN) được thực hiện đầu tiên ở Trường mầm non Sa Bình. Theo cô giáo Lê Thị Mạnh, Hiệu trưởng Trường mầm non Sa Bình, tuy mới triển khai nhưng mô hình này đã mang lại nhiều hiệu quả. Trước khi mô hình đi vào hoạt động, tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số đến lớp chỉ đạt trên dưới 50%. Nhưng, kể từ ngày thực hiện mô hình này đã "kéo" được 95 - 100% số học sinh đến lớp.

Cô Mạnh cho biết thêm: Sa Bình có bốn thôn, trong đó thôn Kà Bầy và Lung Leng có hai lớp mầm non. Có cả thảy 155/252 học sinh các dân tộc Xê Đăng, Hơ Lăng, Gia Rai... học trong 6/11 lớp mầm non của trường. Còn nhiều cháu chưa đến trường vì bố mẹ bận lên nương rẫy cả ngày mà phải đem theo để tiện lo cơm nước. Một số do ngại thời tiết, đường xa, không muốn cho con em mình đến trường... các cô giáo phải đến từng nhà vận động học sinh tới lớp. Mô hình BTDN được triển khai, không những các em học sinh được chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ, mà còn tạo được cho các em thói quen rửa tay, lễ phép mời bạn bè, cô giáo trước khi ăn.

Nhà trường đã trích tiền ra mua ăng-gô, cặp lồng phát cho các gia đình để đem cơm tới lớp cho các cháu và mua một số trang, thiết bị dùng hằng ngày. Khi tan học buổi sáng, giáo viên hướng dẫn các em đi vệ sinh cá nhân, sau đó tập trung lớp lại mở cặp lồng cho các cháu ăn cơm.

Anh A Chăng, bố của học sinh Y Liêng ở làng Bình Loong vui vẻ: "Nhờ có các cô giáo cho con Y Liêng nhà mình ăn và ngủ ở trường, nếu không thì nó phải nghỉ học thôi. Mình sẽ thường xuyên đem con đến lớp để học lấy cái chữ".

... Đến đổi lương thực lấy... "tem phiếu"
Khác với Trường mầm non Sa Bình, các lớp mẫu giáo thuộc Trường mầm non Sơn Ca ở xã Hơ Moong (Sa Thầy) lại áp dụng phương pháp dùng "phiếu ăn" đổi lấy lương thực, thực phẩm khác để chế biến món ăn cho các cháu. Kể từ năm học 2007-2008, mỗi ngày phụ huynh đưa con em đến lớp, họ lại mang theo một loại như quả bí ngô, bí đao, một ít gạo, hoặc con gà, con cá hay quả trứng, mớ hến, mớ cua bắt được dưới sông và một số lương thực khác để đổi lấy phiếu ăn.

Khi nhận lương thực, thực phẩm, các cô giáo tiến hành định giá và cấp số phiếu ăn cho phụ huynh các cháu. Khi hết phiếu, họ lại mang những sản phẩm đến để các cô "định giá" và tiếp tục cấp phiếu cho con em mình. Đối với những gia đình nghèo, nhà trường cấp phiếu cho các cháu, đến ngày gia đình thu hoạch lúa, sắn, ngô trên rẫy họ lại mang đến "trả nợ" cho nhà trường. Nhưng cũng phải yêu cầu các gia đình này viết giấy cam đoan, địa phương chứng thực và nộp lên cho lớp. Nhiều gia đình đến kỳ thu hoạch, họ mang sản phẩm ra chợ bán lấy tiền đem trả nhà trường.

Anh A Ven, bố của học sinh A Viên (3 tuổi) cho biết: Mình rất vui về cách làm này của nhà trường. Như thế thằng Viên nhà mình mới được học, chứ không thì mình phải đưa nó lên rẫy. Còn theo cô Nguyễn Thị Thu Thùy, Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca, "Đổi lương thực, thực phẩm để lấy phiếu ăn" giúp cho rất nhiều hộ gia đình trên địa bàn có điều kiện hơn khi con họ đủ tuổi đến trường. Không những thế, còn giúp giáo viên duy trì được tỷ lệ học sinh đến trường luôn đạt 90%.

Đôi điều kiến nghị
Cô giáo Lê Thị Mạnh, Hiệu trưởng Trường mầm non Sa Bình kiến nghị: Hiện nay, nhà trường chưa có khu nhà vệ sinh cho các cháu, cũng chưa có giếng nước để phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày các cô phải xin nước của nhà dân. Riêng về cơ sở vật chất, hiện đang còn thiếu và xuống cấp, chưa được đầu tư...

Ông Trần Đình Huân, Trưởng phòng Giáo dục huyện Sa Thầy cho biết: Ngành Giáo dục huyện đã hỗ trợ 5 triệu đồng cho mỗi trường thực hiện chương trình bán trú ở bậc mầm non. Tuy vậy, để bảo đảm nhân rộng mô hình BTDN, số tiền ấy chưa thấm vào đâu so với nhu cầu tối thiểu của các trường mầm non. Hiện tại, ngành Giáo dục Sa Thầy đang đề nghị địa phương hỗ trợ và tiến tới vận động nhân dân quyên góp ủng hộ...

Hai mô hình trên đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của toàn xã hội. Mong rằng, mô hình này sẽ được nhân rộng, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở vùng sâu, vùng xa.

Theo Hà Nội Mới

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Chuyện bây giờ tiếp tục kể: Nỗi niềm giáo dục mầm non (phần 1) (19/12)
 Xã hội hóa giáo dục mầm non: Giải bài toán thiếu trường công (19/12)
 Năm 2009: Trẻ mầm non sẽ được học chương trình mới (19/12)
 Không nhận trẻ ốm: Quy định sao cho "thấu tình đạt lí" (18/12)
 Cơ sở vật chất và môi trường thân thiện cho bé! (18/12)
 Trường mầm non thiếu giáo viên (18/12)
 Sẽ xóa bỏ biên chế hàng triệu nhà giáo (17/12)
 Mầm non tư thục khu vực Hà Nội mở rộng đang bị thả nổi (16/12)
 Bảo đảm an toàn sức khỏe cho trẻ mầm non: Cẩn trọng từ những việc nhỏ (15/12)
 Nộp tiền để được lên...bìa lịch? (11/12)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i