Giáo dục mầm non
   Các ý kiến về: Dự thảo bộ chuẩn cho trẻ 5 tuổi
 

Dự thảo bộ chuẩn cho trẻ 5 tuổi mà Bộ GD-ĐT mới đưa ra đã gây phản ứng đa chiều từ phía các nhà giáo dục mầm non và phụ huynh học sinh.

Tạo thêm gánh nặng cho các cô giáo mầm non
Theo cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Hiệu trưởng Mầm non Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội, 125 tiêu chuẩn trong bộ chuẩn không có gì là khó thực hiện với trẻ. "Tiêu chí bật xa 50cm bằng hai chân, chạy 18m với thời gian nhiều nhất 5 giây, chạy 150m liên tục... là hoàn toàn đạt được, nếu trẻ được dạy ngay từ đầu năm học lớp 5 tuổi với một chương trình thích hợp", cô Nguyệt nói.



Trẻ ở các vùng, miền khác nhau không thể được đánh cùng các tiêu chí như nhau. Ảnh: Minh Hương

Điều bất cập ở đây, theo cô Nguyệt, là một số chỉ số không thể "đánh đồng" để đánh giá trẻ ở mọi vùng, miền của đất nước. Ví dụ như, chỉ số "Thể hiện sự thích thú với sách" (tìm kiếm sách để xem, yêu cầu người khác đọc cho nghe, thích đọc theo người lớn, tham gia đọc sách với bạn)", sẽ gần như "không tưởng" ở nông thôn, vùng sâu, xa, vì ở những vùng này, trẻ, thậm chí là cả phụ huynh của trẻ, rất hiếm có cơ hội có sách để đọc.

Mặt khác, theo cô Nguyệt, danh sách các tiêu chí quá dài và một số tiêu chí dùng từ ngữ hơi phức tạp. Nếu nhân một lớp học có 40 học sinh với 125 tiêu chí cho mỗi trẻ, thì cô giáo phải điền tới 6.000 ô điểm. Trong khi công việc hằng ngày đã chiếm quá nhiều thời gian của các cô, thì thêm công việc này, chỉ có các cô giáo đủ tâm huyết và yêu trẻ mới chấm điểm có trách nhiệm được.

"Một số tiêu chí dùng từ ngữ hơi phức tạp, khó hiểu, đối với các cô giáo đã tốt nghiệp ĐH thì có thể hiểu và truyền đạt được cho học sinh, chứ với các cô giáo mới tốt nghiệp trung cấp, các cô giáo ở miền núi, vùng sâu, vùng xa... thì theo tôi sẽ khó nắm được hết nội dung của bộ tiêu chuẩn này để dạy các con", cô Nguyệt nhận xét.

Đồng quan điểm này, cô Dương Liễu, Hiệu trưởng Mầm non Hoa Hướng Dương (phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội), cho rằng, bộ chuẩn này có phần "rối rắm" so với những yêu cầu cơ bản đối với trẻ mầm non. Theo cô Liễu, các bé 5 tuổi chắc chắn đã làm được việc tự cài và mở cúc áo của mình, vì ngay từ lớp mẫu giáo bé hoặc ngay tại gia đình, các bé đã được chỉ bảo và thực hành thuần thục.

Tuy nhiên, nhiều chỉ số "không khả thi". Chẳng hạn ở chuẩn thứ 29, yêu cầu khả năng sáng tạo, thể hiện cái độc đáo trong trò chơi, âm nhạc, kể chuyện... thì sẽ rất nhiều trẻ không đạt được. "Đây là vấn đề năng khiếu nên rất khó đánh giá các em. Nếu có đánh giá thì có bé sẽ bị thiệt nếu chẳng may bé không có năng khiếu", cô Liễu nói.

Tiêu chuẩn 'bóp méo' khả năng của các bé
Không đồng tình với dự thảo, anh Hoàng Cường (khu tập thể Phân viện Báo chí và tuyên truyền), một phụ huynh, cho rằng, mỗi trẻ em có cách phát triển khác nhau. Không thể tạo ra một khuôn mẫu thế rồi nếu không đạt các yêu cầu như thế thì bảo là trẻ không bình thường. "Tất cả trẻ em đều bình thường và cần được phát triển tự do, không bị bắt buộc vào khuôn mẫu nào", anh Cường nói.

Chị Hằng, một phụ huynh học sinh ở Mầm non Việt Triều ( Hà Nội), thắc mắc: "Tôi thấy khó hiểu là tại sao nhiều chuyên gia không khuyến khích cho trẻ học chữ trước 6 tuổi mà bộ tiêu chuẩn mới này lại yêu cầu trẻ 5 tuổi phải biết viết được tên mình? Phải chăng đang có sự "vênh" nhau trong các văn bản, chỉ đạo của Bộ GD- ĐT đối với giáo dục mầm non".

Chị Hằng cho rằng, việc soạn dự thảo này chẳng khác nào bộ ngày càng tăng thêm áp lực cho trẻ nhỏ. Hơn nữa, vì Bộ GD-ĐT sẽ dựa vào bộ chuẩn này để đánh giá chất lượng các các cơ sở giáo dục mầm non, nên các trường có thể sẽ đua nhau đạt chuẩn để nâng thành tích. Và như vậy, khả năng của các bé sẽ bị "bóp méo" để đạt đủ điểm mà bộ chuẩn đặt ra.

Trả lời Đất Việt chiều 6/2, bà Đinh Thị Phương Hòa, Vụ phó Vụ sức khỏe bà mẹ, trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế chưa hề nhận được văn bản đề nghị phối hợp nghiên cứu hay góp ý cho dự thảo bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi. Trong khi đó, Bộ này cũng đã ra các chuẩn phát triển cụ thể cho trẻ 5 tuổi và được đăng công khai tại Viện Dinh dưỡng.

"Chuẩn 5 sao" cho trẻ 5 tuổi

Chỉ đúng một ngày sau khi Bộ GD-ĐT đưa ra bản dự thảo bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi, rất nhiều giáo viên, phụ huynh, chuyên gia tâm lý mầm non đã lên tiếng góp ý cho dự thảo này. Người đồng tình không ít, song người phản biện cũng nhiều

Bộ chuẩn bao gồm 29 chuẩn với 125 chỉ số sự phát triển của trẻ 5 tuổi theo bốn lĩnh vực phát triển: nhận thức, tình cảm và quan hệ xã hội, ngôn ngữ và giao tiếp, nhận thức và sẵn sàng với việc học. Mỗi lĩnh vực phát triển bao gồm các chuẩn phản ánh nội dung của lĩnh vực, trong mỗi chuẩn có các chỉ số phản ánh nội dung của chuẩn.

Phải "ngạc nhiên, sung sướng" trước một bức tranh?
Chị Hoàng Yến, cán bộ quận ủy quận Thanh Xuân - Hà Nội, có con 5 tuổi đang học mầm non cho biết, vì con chị sắp vào lớp 1 nên chị rất quan tâm đến bộ chuẩn mà Bộ GD-ĐT đưa ra. Tuy nhiên, theo chị Yến, nếu đối chiếu bộ chuẩn này với con chị cũng như các cháu 5 tuổi khác thì thấy không ít tiêu chí chưa phù hợp.

Rất nhiều chuẩn các cháu đạt được khá dễ dàng như cài và mở được cúc áo, kể được tên một số thực phẩm (hoặc món ăn) cần có trong bữa ăn hằng ngày, biết rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và khi tay bẩn, nói được họ và tên, địa chỉ nhà hoặc số điện thoại, tên bố, mẹ của mình...

Tuy nhiên, với các chuẩn như phải biết được công dụng và chất liệu của các đồ dùng thông thường trong sinh hoạt hằng ngày, dự đoán một số hiện tượng tự nhiên đơn giản (mưa, nắng, gió...) sắp xảy ra, thể hiện cảm xúc (sờ, ngắm nhìn, ngạc nhiên, sung sướng...) trước vẻ đẹp của thiên nhiên và sản phẩm tạo hình; hoặc thể hiện cái mới, độc đáo trong trò chơi, trong tạo hình, âm nhạc... thì không phải cháu nào cũng đạt được.

Rất nhiều chuẩn trong bộ chuẩn này phụ thuộc vào năng khiếu cũng như thói quen, đặc điểm riêng biệt của từng cháu, thậm chí là phụ thuộc vào giới tính của trẻ. Ngay cả người lớn cũng có người yêu hội họa, người không, thì làm sao yêu cầu được trẻ con phải "ngạc nhiên, sung sướng" trước một bức tranh hay tác phẩm điêu khắc được?!

Trên thực tế, theo bà Phạm Thị Tâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non thực hành Hoa Sen, Hà Nội, trong một lớp luôn có những trẻ nhanh nhẹn cả về tư duy cũng như phát triển về thể chất, trong khi đó cũng có nhiều trẻ khác không phát triển bằng các bạn. Nếu áp dụng bộ chuẩn này và đánh giá mức độ đạt chuẩn bằng cách cho điểm như yêu cầu của Bộ GD-ĐT có thể sẽ dẫn đến những lo lắng, áp lực cho cả học sinh lẫn phụ huynh. Đó là chưa kể nếu trường quá đông, mỗi lớp có từ 50-60 cháu thì các cô khó có thể đánh giá thực chất, vì không có thời gian để đánh giá cụ thể.

Thêm vào đó, theo một giáo viên mầm non xin được giấu tên, việc lưu giữ kết quả đánh giá trong hồ sơ cá nhân của trẻ còn dẫn đến cả bệnh thành tích trong giáo dục mầm non, làm các em mất đi sự hồn nhiên của mình. Thực tế, chẳng giáo viên nào muốn trong lớp mình có nhiều em "không đạt chuẩn" vì sẽ ảnh hưởng đến thành tích thi đua của cả lớp, cả trường. Một nhà giáo mầm non lâu năm trong nghề cho rằng nếu một trẻ 5 tuổi đạt chuẩn như trong hội thảo của Bộ GD-ĐT thì đó có lẽ là "trẻ 5 sao"!

Rườm rà, không sát thực tế

Theo bộ GD-ĐT, mục đích của bộ chuẩn cho trẻ 5 tuổi này là làm căn cứ cho việc điều chỉnh và phát triển chương trình giáo dục mầm non, chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non, xây dựng các tài liệu có liên quan đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Ngoài ra, căn cứ vào bộ chuẩn này, các giáo viên sẽ điều chỉnh kế hoạch, nội dung giáo dục, lựa chọn biện pháp tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp.

Với mục đích trên, bộ chuẩn phải là một bộ tiêu chí được xây dựng khoa học và Bộ GD-ĐT cần phối hợp với các cơ quan nghiên cứu về sức khỏe, dinh dưỡng và tâm sinh lý trẻ để đưa ra những con số khảo sát thực tế, từ đó đưa ra một số chỉ tiêu mang tính tổng quát. Bà Trần Thị Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen, Hà Nội, cho rằng chuẩn phát triển của trẻ cần phải dựa trên các cơ sở khoa học thì mới có thể có được những đánh giá chính xác.


Phụ huynh thời nay rất chăm sưu tầm cho con các lọai đồ chơi phát triển trí tuệ, nhưng chắc cũng phải "choáng" khi đọc các tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục

Tuy nhiên, theo nhận xét của nhiều giáo viên mầm non, bộ chuẩn mà Bộ GD-ĐT dự kiến ban hành quá rườm rà, không sát với thực tế. Đơn cử, dự thảo đưa ra những tiêu chí đánh giá về thể chất nhưng lại không có các thông số tối thiểu về chiều cao, cân nặng của bé trai, bé gái theo chuẩn quy định.

Thêm vào đó, bộ chuẩn mà Bộ GD-ĐT dự kiến đưa ra lại có những tiêu chí khá khó để đánh giá, như không đi theo và nhận quà của người lạ hay yêu cầu biết địa chỉ hay số điện thoại nhà riêng... Thực ra, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào việc phụ huynh có dạy cho các cháu không, chứ cô giáo khó mà làm được. Bộ chuẩn còn đưa ra tiêu chí trẻ phải giữ đầu tóc gọn gàng, quần áo sạch sẽ, không tự ý sử dụng những đồ vật gây nguy hiểm (dao, đinh, kim tiêm, ổ điện, diêm, bật lửa, phích nước sôi...).

Theo một giáo viên mầm non, vì trẻ rất ưa hoạt động, chạy nhảy nên rất khó có thể giữ đầu tóc gọn gàng, quần áo sạch sẽ. Vả lại, trẻ rất hiếu động, tò mò, đặc biệt là các bé trai, nên để các bé hiểu và không sờ vào bật lửa, dao, đinh hoàn toàn không dễ dàng...

Ngay khi bản dự thảo bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi được ban hành, phóng viên đã không ít lần liên lạc với lãnh đạo Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT để tìm hiểu về cơ sở khoa học của bộ chuẩn này nhưng đều bị từ chối với lý do bận họp và không hẹn trước. Còn theo ông Văn Đình Ưng, Phó chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT, bộ chuẩn đã được tiến hành xây dựng từ năm 2005. Để đưa ra được dự thảo này, bộ đã tổ chức các hội thảo, tham khảo các dự án, đề án của nước ngoài. Bộ GD-ĐT sẽ sớm có câu trả lời chính thức về cơ sở khoa học, quá trình xây dựng dự thảo bộ chuẩn.

Không nhất thiết phải có một bộ chuẩn
TS Lã Bắc Lý, Khoa Sư phạm mầm non Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng không nhất thiết phải có một bộ chuẩn đánh giá trẻ 5 tuổi với nhiều tiêu chí như thế. Theo TS Lý, mỗi đứa trẻ có một đặc điểm riêng, có thể cháu này phát triển ca múa, cháu kia phát triển về lĩnh vực khác, nên đối chiếu theo bộ chuẩn có thể dẫn đến việc đánh giá khiên cưỡng. Hiện nay, để đánh giá sự thông minh của trẻ, các nhà tâm lý đã đưa ra chỉ số IQ; còn về thể lực thì các chuyên gia dinh dưỡng, y tế đã có những chỉ số về chiều cao, cân nặng, vì thế thêm một bộ chuẩn nữa là không cần thiết.

Theo Người lao động

Không học lớp lá, bé khó đạt "chuẩn 5 sao"

"Nếu phổ cập một năm lớp lá thì không thể áp dụng bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi. Giáo viên chỉ "chấm điểm" được khi sĩ số lớp khoảng 10 - 15 cháu".

Đừng cao quá!
"Có một chuẩn chung, giáo viên sẽ không còn mơ hồ trong công tác, biết cách đánh giá hiệu quả phương pháp mà mình áp dụng đối với trẻ. Cũng qua chuẩn này, giáo viên sẽ dễ dàng đánh giá trẻ đã đạt yêu cầu hay chưa".

Bà Tôn Nữ Thị Kim Anh, Hiệu trưởng trường Mầm non Bến Thành bày tỏ về dự thảo chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi.

Trường Mầm non 25B Bình Thạnh (TP.HCM) là một trong những nơi đang thí điểm việc đánh giá trẻ theo phương pháp mới.
"Tôi thấy có nhiều tiến bộ hơn", bà Ngô Ngọc Tuyền, hiệu trưởng nhà trường khẳng định.

Tuy nhiên, theo bà Tuyền, chuẩn này còn nhiều điều chưa phù hợp, khi áp dụng vào thì không thể rập khuôn được.

"Nếu đòi hỏi phải nhận thức được như người lớn thì rõ ràng chuẩn này quá cao so với trẻ. Vì thế, tôi nghĩ, tùy trong thực tế mà giáo viên sẽ hạ thấp hoặc nâng cao hoặc vận dụng vào những tình huống đơn giản", bà Kim Anh nói.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Lư Lê Thị Kim Vân nhận xét, những trẻ được học từ nhỏ lên thì mới đạt chuẩn này. Còn những trẻ không học đều các lớp mầm, chồi, lá thì khó đạt nhiều chuẩn.

"Tôi nhấn mạnh, chuẩn này chỉ dành cho những trẻ ở thành phố và đi học mầm non đều đặn các lớp mầm, chồi, lá".
Cô giáo Mai Lynh, giáo viên mầm non ở Bình Thạnh cũng cho rằng có quá nhiều chỉ số vượt sức của trẻ như: Sử dụng các loại câu khác nhau trong giao tiếp; Biết điều chỉnh giọng nói phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp; Dự đoán được một số hiện tượng tự nhiên đơn giản sắp xảy ra...

Lớp ít bé mới chấm điểm được
Hiện nay, các trường mầm non vẫn thường xuyên nhận xét trẻ trong hoạt động như giao lưu vui chơi với bạn, giao lưu tiếp xúc với thầy cô... những người xung quanh trẻ.

Những năm gần đây, nhiều trường đều làm hồ sơ của trẻ chuyển từ các lớp mầm lên chồi và lên lá.

"Giáo viên vẫn có thể đánh giá theo mức điểm như dự thảo, với điều kiện sĩ số lớp phải ít, khoảng 10 - 15 cháu. Chứ như hiện nay thì cô giáo làm không xuể, bộ chuẩn sẽ trở thành áp lực cho giáo viên", bà Vân dự báo.

Cô giáo Mai Lynh cho biết, hiện nay giáo viên vẫn đánh giá trẻ hàng tháng qua sổ bé ngoan. Trong quá trình tiếp xúc với trẻ, giáo viên biết được những điểm mạnh, yếu của trẻ để hướng dẫn thêm. "Chứ lớp chỉ có 2 cô với hơn 40 trẻ thì không thể... chấm điểm từng em được. Không ai đủ sức làm việc đó".

Cũng theo bà Vân, hồ sơ nhận xét đánh giá trẻ là cần thiết, nhưng hiện nay không phải trẻ nào cũng đi từ lớp lá qua lớp 1, có nhiều trẻ đi từ nhà qua lớp 1.

Đối với những trẻ này, ai sẽ là người đánh giá, cha mẹ hay thầy cô?
Một vài ý kiến cho rằng, nếu áp dụng hình thức đánh giá trẻ như yêu cầu của Bộ thì buộc trẻ phải qua lớp lá. Nhưng nếu trẻ chỉ vào học lớp lá không thì sẽ có khoảng cách giữa trẻ đi học đều từ các lớp nhỏ hơn. Và với những cháu chỉ được học lớp lá thì cô giáo sẽ phải đánh giá như thế nào?

Đã từng nghiên cứu cách làm của nhiều nước trên thế giới, bà Kim Anh cho hay, trước khi đưa ra chương trình đào tạo, các nước đã xây dựng trước tiêu chuẩn.

Theo ông Nguyễn Hữu Châu, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ GD-ĐT đang tổ chức thẩm định chương trình GD mầm non mới để năm học tới (2009-2010) có thể triển khai toàn quốc.

"Tôi còn một điều nữa băn khoăn, nếu theo chiến lược phát triển giáo dục 2009 - 2020 về việc phổ cập một năm lớp lá của Bộ thì không thể áp dụng chuẩn này. Có lẽ, Bộ phải có bổ sung chương trình làm sao để giáo viên vừa ôn lớp nhỏ vừa dạy lớp lớn thì mới đáp ứng được" - bà Vân đề xuất.

Theo Vietnamnet

Bắt trẻ 5 tuổi phải thích động vật?

Trong chuẩn 9 có chỉ số "quan tâm, thích thú đối với các hiện tượng trong thiên nhiên như đời sống của động vật, thực vật và sự thay đổi của chúng". Điều này liên quan đến tính cách, sở thích của mỗi bé, có bé thích, có bé đặc biệt sợ. Làm sao có thể bắt 1 em bé 5 tuổi phải thích thú?
Phụ huynh Phạm Mỹ Lan (Hà Nội) góp ý với "dự thao bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi" mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra để lấy ý kiến.

Làm đại trà: Không ổn!
Con gái tôi sinh năm 2003. Nghĩa là cháu thuộc đối tượng sẽ được đánh giá theo 29 chuẩn mà Bộ GD-ĐT dự kiến đưa ra. Với cá nhân con gái tôi thì cũng không có gì là khó để đạt được các chuẩn nêu trên. Nhưng sau khi đọc tất cả các chỉ số, tôi thấy nếu áp dụng trên cả nước và với mọi đối tượng thì quả là không ổn.

Theo chuẩn hiện hành (ban hành từ năm 1990), cái khó nhất có lẽ là thể trạng của bé vì nhiều khi nó nằm ngoài sự mong muốn của gia đình dù đã được chăm sóc kỹ càng, dinh dưỡng đầy đủ (áp dụng với trẻ thành phố) thì ngay từ lúc sinh ra, cháu đã luôn ở trên cả kênh A (3,7kg), hiện giờ cháu đã cao 120cm, nặng 26kg và theo nhận xét của cháu thì "con mới chỉ mũm mĩm chứ chưa béo đâu".

Tôi đã kiểm tra tất cả các chỉ số và cảm thấy cũng không có gì là quá tải vì cháu có thể đáp ứng được tất cả các yêu cầu.

Không những thế, ở nhà, cháu đã có thể giúp bố mẹ các việc đơn giản như dọn dẹp phòng, tự rửa cốc sau khi uống sữa, đi đổ rác khi có kẻng báo, dọn cơm, xới cơm, dọn bàn và gập bàn ghế sau khi ăn và đặc biệt, cháu đã tự vệ sinh, thay quần áo hàng ngày không cần có sự trợ giúp của bố mẹ từ khi lên 4.

Nhưng sau khi đọc tất cả các chỉ số thì tôi thấy nếu dự thảo này áp dụng trên cả nước và với mọi đối tượng thì quả là không ổn và ngay lập tức áp dụng thì quả là quá khó.
Giáo viên là người tiếp xúc với các con ở lớp thì chính họ sẽ là người đánh giá các con chính xác và dễ dàng nhất, nhất là khi có sự so sánh cụ thể với các cháu cùng lứa tuổi.

Theo tôi, giáo viên sẽ đánh giá chính xác hơn cả phụ huynh vì với mỗi phụ huynh, con họ mãi là một đứa bé vì thiếu sự so sánh với các trẻ khác.

Không lạ khi 1 trẻ 5 tuổi mà khi đi học hoặc khi đón về, bố mẹ, ông bà vẫn xách cặp, mặc áo khoác và đi giầy cho bé, chưa để bé tự làm. Ở nhà, gia đình cũng không để các bé tham gia vào các việc để bé có thể phát triển toàn diện như các chuẩn nêu trên.

Theo chuẩn 4, 5, 6 thì trẻ phái đáp ứng được các yêu cầu khá cụ thể như:
a) Biết một số hoạt động của bản thân trẻ trong sinh hoạt hàng ngày có lợi cho sức khỏe, sự lớn lên và phát triển của cơ thể (VD: đánh răng, tắm rửa, ăn uống, ngủ nghỉ, thể dục...); e) Biết che miệng khi ho, hắt hơi, ngáp. (chuẩn 4)
d) Biết chọn quần áo phù hợp với thời tiết
e) Giữ đầu tóc gọn gàng, quần áo sạch sẽ. (chuẩn 5)
b) Nhận biết và không tự ý sử dụng những đồ vật gây nguy hiểm (dao, đinh, kim tiêm, ổ điện, diêm, bật lửa, phích nước sôi...) ; (chuẩn 6)

Chiếu theo các yêu cầu này thì nhiều vị phụ huynh sẽ... phát hoảng vì thấy con mình chắc chắn chưa đạt chuẩn (kể cả trẻ em ở thành phố) vì có lẽ các bé cũng chưa phải tự làm những điều ấy bao giờ hoặc cũng chưa được dạy kỹ càng, cụ thể.

Một em bé không bao giờ có thể giữ đầu tóc gọn gàng, quần áo sạch sẽ vì trẻ rất ưa hoạt động, lúc nào chẳng thấy mồ hôi nhễ nhại, đầu tóc ướt đẫm vì mải nghịch. Có khó không nếu một bé trai 5 tuổi đã biết ý thức không tự ý sử dụng các đồ vật nguy hiểm?

Bắt trẻ phải thích động vật?
Lĩnh vực phát triển tình cảm và quan hệ xã hội là khó đánh giá nhất.
Trong chuẩn 9, thể hiện và biểu hiện cảm xúc như mục d (Quan tâm, thích thú đối với các hiện tượng trong thiên nhiên như đời sống của động vật, thực vật và sự thay đổi của chúng); mục đ (Thích chăm sóc cây cối, con vật thân thuộc) thì hoàn toàn liên quan đến tính cách, sở thích của mỗi bé, có bé thích con vật, có bé đặc biệt sợ.

Làm sao có thể bắt 1 em bé 5 tuổi thích thú với đời sống của động vật, thực vật và sự thay đổi của chúng, có là sự quá bắt buộc đối với 1 em bé không?

Để gia đình tham khảo hay nhà trường "chấm điểm"?
Theo tôi, dự thảo này chỉ nên đưa ra để gia đình tự đánh giá con em mình và dựa vào các tiêu chí đó để dạy bảo, hướng dẫn các con để trẻ có thể phát triển một cách toàn diện nhất chứ không nên để giáo viên đánh giá.

Vì, với căn bệnh thành tích ngày nay, giáo viên sẽ làm việc thiếu khách quan trong đánh giá vì chẳng cô giáo nào muốn trong lớp mình có nhiều em "không đạt chuẩn" - nó sẽ ảnh hưởng đến thành tích thi đua của cả lớp, cả trường.

Nếu bắt buộc áp dụng các chuẩn này cho trẻ 5 tuổi thì chắc chắn sẽ có hiện tượng "ngồi nhầm chỗ" xảy ra ở lứa tuổi mầm non. Hãy để trẻ phát triển tự nhiên (có định hướng, có tiêu chí), bước vào trường tiểu học, rồi trẻ cũng sẽ lớn, sẽ hoà nhịp dần dần với môi trường học tập khắt khe ở lứa tuổi lớn hơn. Một em bé rất nhút nhát, rất còi cọc bây giờ nhưng sau này, biết đâu đó lại là một thiên tài...

Theo Vietnamnet

New layer...
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

GVMN đã qúa cực, thêm bộ chuẩn 5 tuổi các cô giáo không còn thời gian để thở.giáo dục VN quá bất cập
Ngày gửi: 9/21/2014 9:58:33 PM

Chương trình giáo dục mầm non những năm 2010 trở lại đây đã gây rất nhiều phiền toái cho giáo viên, thay đổi liên tục.


guest
Còn thay đổi nhiều!
Ngày gửi: 9/25/2014 1:04:02 PM


Cả ngày làm la liệt công việc, nào dạy học, nào cho ăn cho ngủ, nào cọ toa lét quét nhà lau nhà,... giờ thì thêm việc kiểm tra xem trong lớp ai đạt tiêu chí theo chuẩn với 120 cái chỉ số lắt nhắt, ai chưa rồi ghi chép lên kế hoạch "giáo dục đến từng trẻ". Các vị lãnh đạo nghĩ Giáo viên mầm non là con mực có một mớ chân tay, mỗi tay làm một việc chắc?

Việc của cấp trên là ăn lương và ngồi trong buồng nghĩ ra một số thứ mới để bổ đầu giáo viên thực hiện. Không khớp hay khó thực hiện thì... không biết, làm đi! Ví dụ như:
Bộ giáo dục nói: Giáo viên mầm non (có bán trú) làm 6h/ ngày + 2 giờ soạn giảng, làm đồ dùng dạy học v.v.... Nhưng chương trình và chế độ sinh hoạt quy định lại dài lê thê.

Bộ Lao động nói: Mỗi người làm 8h/ ngày. Các giáo viên cũng không có ngoại lệ.
Bộ Giao thông quyết định: TRường mầm non đi làm lúc 7h30 sáng, về lúc 17h30 chiều. Về thật muộn để... tránh ách tắc giao thông.

Cuối cùng chính sách đến giáo viên: làm 10h/ ngày.
Làm không hết đem về nhà làm tiếp.

Các vị cứ ngồi đấy mà ra chỉ thị đi. Thật chán chẳng muốn nói!




guest

Tiếp theo bạn " Còn thay đổi nhiều "
Ngày gửi: 9/25/2014 10:49:41 PM

Tôi thích những câu nói thẳng của bạn và tôi thấy bạn nói đúng . Tôi rất đồng ý với bạn


guest
Đồng sức đồng lòng
Ngày gửi: 11/13/2014 12:11:14 AM


Mình tán thành với ý kiến "Còn thay đổi nhiều"
điều bạn nói ra chính là những lời mà bất cứ ai trực tiếp đứng lớp đều cảm nhận được mà... chưa dám phát ngôn ra.
các nghề khác là căng lắm là 8h/ ngày. về nhà chỉ lo ăn no, ngủ kĩ, đi chơi thoải mái.
còn làm gv trực tiếp giảng dạy thì cực khỏi nói. ai hên gặp được chồng tâm lý, ông bà gia dễ tính còn tạm được. chứ mà ....... tống cổ ra khỏi nhà ngay. VÌ: thứ nhất: đi sớm mà về thì muộn. thứ 2.con mình không chăm được mà toàn đi chăm con thiên hạ...



Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Giáo viên mầm non được trả tiền phụ trội 200 giờ/năm (6/2)
 Chuẩn trẻ 5 tuổi: Nhiều chỉ số “có vấn đề” (6/2)
 Trẻ 5 tuổi phải biết đi lùi, bật xa, dự đoán thời tiết (5/2)
 Giáo dục TP HCM quyết liệt đổi mới (4/2)
 Hà Nội ban hành mức thu học phí mới (3/2)
 Cần bắt đầu từ lứa tuổi mầm non (2/2)
 Thưởng tết giáo viên: Xã hội hóa… niềm vui (20/1)
 Từ bức thư của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Nên đề xuất lương tháng 13 cho giáo viên (19/1)
 Trả lương giáo viên bằng... ổ chó con (16/1)
 Thời trang mùa xuân (15/1)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i