Xã hội
   Nhìn lại hoạt động văn hóa giải trí hè 2009 cho thiếu nhi
 

Chỉ còn vài ngày nữa là các em học sinh bước vào năm học mới, kết thúc một mùa hè dài hơn 2 tháng. Trong khi các bậc phụ huynh lo lắng việc chọn lớp, chọn trường, chuẩn bị đồ dùng học tập, sách vở cho con em thì không ít những cô bé, cậu bé lại bước vào năm học mới với một tâm trạng hẫng hụt khi các em chưa được nghỉ ngơi, vui chơi thực sự trong suốt mấy tháng hè.

Thiếu sân chơi lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi
Theo thống kê của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, cả nước hiện nay có hơn 15 triệu trẻ em độ tuổi 5-15, riêng Hà Nội có 664.000 em, chiếm 28.5% dân số.

Hà Nội, nơi có nhiều điểm vui chơi nhất trong cả nước với hơn 2.000 điểm dành cho trẻ em thì có đến gần một nửa đã trở nên quá cũ kỹ mà vẫn chưa được đầu tư cải tạo. Những khu vực chung cư, đô thị (theo yêu cầu thiết kế đều có khu vui chơi chung), song hầu hết bị người lớn chiếm dụng để bán trà đá, trông giữ xe, đỗ ô tô, thậm chí buổi tối, nhiều khu còn trở thành địa điểm kinh doanh (cho trẻ thuê xe ô tô, xe máy điều khiển, chơi xích đu, chụp ảnh)... như khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính, Mỹ Đình.

Những địa điểm do các doanh nghiệp mở ra như Thiên đường Bảo Sơn, Công viên nước Hồ Tây lại có chi phí khá cao (khoảng 300.000 đồng/trẻ/một buổi vui chơi), hơn nữa mỗi trẻ chỉ đến 1-2 lần là không còn hứng thú. Những địa chỉ có chất lượng như Cung thiếu nhi Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam... thì luôn trong tình trạng quá tải. Các rạp chiếu phim ồ ạt giới thiệu những "siêu phẩm" dành cho thiếu nhi trong mùa hè như: Up, Hai chú mèo siêu quậy, Kỷ băng hà 3, Madagascar 2... nhưng chỉ có một chùm phim ngắn của Việt Nam (Trung tâm chiếu phim Quốc gia) là: Nhiệm vụ tháng 4, Cồ và Chíp, Chim cút, Trên giá sách...

Nếu như các bộ phim của nước ngoài được xử lý tinh tế về âm thanh, ánh sáng, cho thấy kỹ thuật 3D đỉnh cao với nội dung mới mẻ, phong phú, với những tình tiết và nhân vật đáng yêu, lạ lẫm nhưng vẫn có gì thật gần gũi với trẻ thì phim hoạt hình Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở nội dung đơn giản, là những bộ phim ngắn với mức độ xử lý kỹ thuật hoàn toàn lép vế.

Và vì thế, tối tối, vẫn có nhiều gia đình đưa con em mình ra khu vực Lăng Bác, vườn hoa Lê-nin, vườn hoa Lý Thái Tổ... "đổi gió" khiến cho những nơi này cũng trở nên quá tải. Những sân bóng, sân thả diều dưới lòng đường hay trên gác thượng vô cùng nguy hiểm vẫn là "sân chơi" cho nhiều trẻ em thành phố mặc dù không có mùa hè nào, các phương tiện thông tin không cảnh báo về nguy cơ xảy ra tai nạn cho trẻ.

Trong khi trẻ em thành phố thiếu những sân chơi lành mạnh, hợp lý thì trẻ em nông thôn lại thiếu cả số lượng lẫn chất lượng các sân chơi. Các nhà văn hoá thôn, xã thì thường xuyên đóng cửa, trò vui của đa phần trẻ em nông thôn là tắm sông hồ, thả diều. Sách truyện, phim ảnh, các hoạt động vui chơi giải trí có tổ chức đều thiếu trầm trọng. Và bao nhiêu năm nay, dù chúng ta đã nói mãi, tình hình vẫn không có gì thay đổi nhiều, trẻ em nông thôn vẫn khao khát một sân chơi thực sự.

Không được vui chơi vì phải học, phải làm
Nếu như thiếu các sân chơi là yếu tố ngoại cảnh thì thái độ của các bậc phụ huynh đối với việc học và làm chính là yếu tố bên trong, quyết định đến việc trẻ có được một mùa hè lý thú, bổ ích và thoải mái hay không. Nhiều bậc cha mẹ ở thành phố, lo ngại trước những nguy hiểm rình rập con mình, sau khi cho trẻ đi nghỉ vài ngày cùng gia đình, trong suốt 2 tháng còn lại của mùa hè thực hiện chính sách "đóng cửa" nhốt con trong nhà. Nhiều gia đình lại coi mùa hè là "cơ hội lý tưởng" để nhồi nhét kiến thức cho con bằng cách yêu cầu con học thêm thật nhiều.

Nhiều trẻ em nông thôn, mùa hè không phải là mùa nghỉ ngơi mà lại là cơ hội kiếm tiền để mua sách vở cho năm học sau. Cháu Phạm Văn Dương (Mai Trung, Hiệp Hòa, Bắc Giang) tâm sự: "Cứ nghỉ hè là cháu xin bố mẹ mua cho một đàn vịt con, hàng ngày cháu chăn ra đồng. Chăn 3 tháng thì cháu bán để lấy tiền mua sách vở mới. Chị cháu thì đi bán chè ở chợ. Nếu không tự làm đủ mua sách vở thì phải nghỉ học ạ". Đối với những đứa trẻ làm mọi việc để qua mùa hè được cha mẹ cho tiếp tục theo chúng bạn đến trường, hai từ "vui chơi" mùa hè đã trở nên quá xa xỉ.

Nhiều bậc cha mẹ "sợ" kỳ nghỉ hè của con mình. Vấn đề thiếu sân chơi không chỉ khiến các bậc cha mẹ gặp khó khăn trong quản lý, trông nom con cái mà có ảnh hưởng trực tiếp về thể chất và tinh thần của trẻ. Thậm chí nếu trẻ em bị cô lập trong sách vở và gia đình quá nhiều, thiếu sự hòa nhập với thiên nhiên, với cộng đồng có thể bị bệnh tự kỷ.

Đã đến lúc, toàn xã hội phải vào cuộc, cùng hỗ trợ với gia đình, nhà trường để mỗi đứa trẻ dù ở nông thôn hay thành phố có những ngày hè thực sự. Các nhà trường có thể kết hợp với các bảo tàng, tổ chức đoàn đội ở địa phương tổ chức những chương trình giới thiệu, những cuộc thi tìm hiểu (ví dụ Bảo tàng Mỹ thuật tổ chức các lớp học mỹ thuật, cuối khóa sẽ tổ chức 1 buổi triển lãm nhỏ; Bảo tàng Lịch sử mở cuộc thi tìm hiểu lịch sử...).

Với các bậc phụ huynh ở thành phố, có thể phối hợp với nhà trường và đoàn thanh niên địa phương tổ chức cho trẻ những chuyến đi thực tế về các vùng nông thôn, các trại hè học mà vui để trẻ có cơ hội tìm hiểu cuộc sống, khám phá thiên nhiên, đất nước và mở rộng tình yêu thương của mình với những người bạn thiệt thòi hơn.

Với trẻ em nông thôn, một mô hình kiểu như đội thiếu niên kế hoạch nhỏ, chúng em cùng làm việc tốt; cùng nhau giúp bạn... sẽ trở nên có ích. Các em sẽ vừa được tham gia các hoạt động đoàn thể, vừa được giáo dục về tình yêu thương, về giá trị của lao động và vẫn có thể lao động phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe để đóng góp với cha mẹ chuẩn bị cho năm học mới.

Theo QDND

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 TP.HCM: nhiều nơi tựu trường (13/8)
 Tuyển dụng viên chức các trường trực thuộc Sở GD&ĐT (13/8)
 Năm học 2009 - 2010: Đưa con em lao động nghèo đến trường (13/8)
 Khổ sở vì những câu hỏi của con (13/8)
 Năm học 2009 – 2010: Không tăng học phí (12/8)
 Năm học 2009 - 2010, TPHCM tuyển được 3.400 giáo viên các bậc học (12/8)
 Thị trường SGK, đồ dùng học tập bắt đầu sôi động (12/8)
 Phổ cập một năm cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi (12/8)
 Một số cơ sở giáo dục ở Hà Nội vẫn mở cửa “chui” (12/8)
 Hà Nội, TP HCM không lùi ngày khai giảng (11/8)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i