Giáo dục mầm non
   Mẫu giáo 5 tuổi: Phải biết chữ mới học được?
 

"Không được dạy chữ trước ở mẫu giáo" là quy định của ngành Giáo dục. Nhưng, theo nhiều giáo viên mầm non (GVMN), tài liệu dạy học lớp mẫu giáo năm tuổi buộc các cháu phải biết chữ trước!

Giáo viên viết thay trẻ để được điểm tốt!
GV minh chứng việc phải biết chữ trước qua hai quyển Cùng khám phá chữ viết và Quan sát và hoạt động dành cho trẻ mẫu giáo năm - sáu tuổi (lớp lá) (NXB Đồng Nai) được Sở GD-ĐT TP.HCM chọn áp dụng tại các trường MN.

Trong sách Cùng khám phá chữ viết, bài "Ở sân chơi" gồm năm phần. Phần một trẻ đồ các chữ "đá", "bò", "bật"; phần hai trẻ nhìn hình vẽ đoán bé sẽ làm gì. Hình quả bóng: trẻ phải viết chữ "đá" bên cạnh; hình ba chiếc lốp xe nằm: chữ "bật" (vô lý, không ai nhún trên lốp xe thì làm sao có thể bật lên?); hình ống hình trụ: chữ "bò" (cũng vô lý nốt). Phần thứ ba, trẻ phải viết chữ "leo" sau chữ "thang", chữ "dây" sau chữ "nhảy", chữ "bóng" sau chữ "đá".

Ảnh chỉ mang tính minh họa

Ở bài "Cảm xúc", trẻ phải quan sát hình gương mặt, rồi viết các chữ "buồn", "vui" theo từng nét mặt. Ở các bài sau, trẻ phải viết nhiều chữ khó như "giường", "bồn tắm", "tủ lạnh", "ánh sáng"... Để đáp ứng những yêu cầu đó, GV phải dạy chữ cho trẻ, hoặc viết thay cho trẻ.

Một GV nói: "Với yêu cầu trẻ học hết lớp lá phải nhận biết 29 chữ cái, chúng tôi có rất nhiều cách mà không cần phải cho trẻ viết, vẽ chữ. GV không dạy được và trẻ cũng chưa đủ khả năng làm theo yêu cầu như trong sách, trừ khi trẻ biết chữ trước. Nhưng đây là tài liệu, là căn cứ để kiểm tra, muốn được điểm tốt, GV phải... làm thay trẻ".

Hiệu trưởng một trường MN ở Q.10 nói: "Nếu GV làm thay cho HS là dạy trẻ gian dối. Vì thế, tôi để sách này vào góc... đồ chơi". Và hậu quả, khi chấm điểm thi đua, trường này đã bị trừ điểm!

Mỗi người hiểu một cách

Bà Kim Thanh khẳng định: bộ sách trên là một trong hàng trăm tài liệu do các công ty biên soạn giới thiệu, Phòng GD MN chỉ xem xét, lựa chọn vì thấy nội dung bao quát, giá cả phù hợp (40 trang, 10.700đ). Nếu các trường thấy không phù hợp, có thể không dùng, hoặc chọn sách khác tốt hơn. Nhưng, các quận huyện cho rằng: bộ sách MN mà các trường đang sử dụng hiện nay là do Phòng GDMN- Sở GD-ĐT biên soạn và "ấn" xuống nên các trường làm sao dám... không dùng!
Trưởng phòng Giáo dục của một quận kể, có một phụ huynh chất vấn: "Sách yêu cầu như vậy là có phải bắt con tôi học chữ trước không?". Sau khi coi kỹ nội dung, bà trưởng phòng đã gọi phó phòng chuyên môn và chuyên viên GDMN tham khảo, cả ba người mới biết "nội dung sách không phù hợp".

Trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Trưởng phòng GDMN, Sở GD-ĐT TP.HCM, chúng tôi được biết, GV không hiểu đúng yêu cầu của sách. Sách cho trẻ "vẽ" lại chữ, chứ không phải viết chữ. Hoạt động này giúp trẻ làm quen với 29 chữ cái. Sách không bắt buộc trẻ phải thực hiện tất cả các yêu cầu mà chỉ làm theo khả năng.

Trong khi đó, các trường MN cho biết: GV chưa từng được hướng dẫn về cách nghĩ, cách hiểu như bà Thanh. Hơn nữa, nếu để các cháu "vẽ" chữ, thì sẽ dễ cầm bút sai. Nhiều GV dạy lớp 1 cho biết, "dễ dạy nhất" là những trẻ chỉ biết mặt chữ cái, và "sợ nhất" với trẻ biết viết chữ nhưng cầm bút sai, tư thế ngồi không đúng.

Ngoài ra, theo các trường MN, quyển Quan sát và hoạt động có hình thức trình bày rối rắm. Như, bài "Quan sát và khám phá", yêu cầu HS tìm cửa sổ và hiên của một biệt thự, nhưng ảnh chụp không rõ các chi tiết nên đến GV cũng... không tìm được. Bản thân chúng tôi cũng bối rối khi xác định những đồ vật ở phía trên, dưới, trái, phải của chiếc ô tô (bài "Cái gì, vị trí nào?"). Nhiều GV cho biết, không thể dạy được bài này nếu không vẽ lại ôtô.

Cũng có nhiều bài học nặng về kiến thức. Chẳng hạn như hình vẽ đưa ra 18 bộ phận cơ thể người, rồi yêu cầu trẻ nối chữ vào ô tương ứng; hoặc nhìn vào ảnh gian bếp để chỉ ra 12 đồ vật khác nhau. Đã vậy, mỗi năm sách lại được chỉnh sửa một số chỗ, khiến sách in năm trước không tái sử dụng được, rất lãng phí.

Theo PN

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


tieuquyen2001

Quá chính xác..!!!!!!
Ngày gửi: 9/17/2009 11:43:40 AM

Tôi cũng là giáo viên mầm non phụ trách lớp Lá đã 5 năm nay.Thật sự là tôi rất bối rối khi cho trẻ thực hiện các bài tập cho trẻ trong 2 quyển "Quan sát và hoạt động" hay "Bé tìm hiểu MTXQ" và quyển học chữ (tập 1,2).Những nội dung trong bài tập quá cao so với trẻ lớp Lá bởi vì nếu dạy đúng theo yêu cầu của Sở,Phòng thì trẻ không được học chữ trước,nhưng yêu cầu bài tập thì trẻ phải biết viết theo,đọc và có những từ, những hình ảnh giáo viên còn không thể nhận ra nữa huống chi là trẻ....
Nói ra thì giáo viên không dám, không làm thì cuối năm Phòng xuống kiểm tra không có thì ..., còn làm thì giáo viên đành phải làm thay, đôi khi còn nổi quạu với trẻ vì những bài tập không đâu như vậy.



guest
Dạy chữ
Ngày gửi: 9/17/2009 8:39:46 PM


Tôi cũng không đồng ý với cách dạy chữ thời ay vào lớp 1, chưa học xong chữ cái thì đã tự ghép vần, học xong đến đâu ghép vần đến đó. Bé còn nhỏ làm sao đã học như vậy được? Mà nếu tôi không dạy chữ trước thì vào lớp 1 chắc cháu mù tịt vì toàn bộ phụ huynh cũng như các giáo viên đã dạy trước rồi. Tôi chưa biết làm cách nào đây.



guest

Rối như tơ vò
Ngày gửi: 9/17/2009 8:53:08 PM

Thật sự tôi cảm thấy ngành mầm non hết chương trình mới này tới chương trình mới nọ, và chương trình mới nhất bây giờ chính là Tránh xa nơi nguy hiểm, Sách, người bạn thân thiết của bé, Nước...
Quanh đi quẩn lại thì nó giống như chương trình khung ngày xưa, những trường lớn, chuẩn quốc gia chưa chắc đã dạy được theo hướng tích hợp.
Là giáo viên mầm non thì quá cực, lương lại thấp, áp lực lại cao,chương trình thì đổi mới liên tục, liệu trong tương lai sẽ còn những giáo viên mầm non yêu nghề, yêu trẻ, thay đổi chương trình chóng mặt chẳng giúp được gì, càng làm rối rắm thêm.
Còn các giáo viên lớp lá thì bắt buộc phải dạy trẻ tiếng việt, nhưng quy định của ngành thì không được dạy chữ cho trẻ lớp lá.
Tôi cũng đành bó tay...



guest
Những áp lực của GVMN trước sự "đổi mới "liên tục !!!
Ngày gửi: 9/18/2009 8:25:34 PM


Nói đến mầm non, có lẽ mọi người đều nghĩ rằng giáo viên mầm non không vất vả và chịu nhiều áp lực nhưng có trong nghề mới thấy được bao nhiêu khó nhọc! Có mặt từ 6h30 sáng giờ về thì 17h,18h là chuyện bình thường khi thì phụ huynh đón cháu trễ, lúc thì hội họp, khi tổng vệ sinh đón phòng đónSở kiêm tra! Giáo viên chúng tôi lại phải kiêm luôn công việc Bảo mẫu làm luôn vệ sinh trong lớp ngoài sảnh nữa chứ và thường xuyên được BGH kiểm tra, dự giờ để trừ điểm thi đua (dù tiền thi đua ABC chẳng là bao so với sức lao động của chúng tôi đã đổ ra!). Thật bất hợp lý quá phải không các bạn nhưng đó lại là thực tế!? Tôi còn nhớ có lúc nào đó trước đây có nhiều GVMN lên tiếng kêu về sự quá tải của công việc nhưng đến giờ sự quá tải lại còn tăng thêm cho chúng tôi! Có phải tăng tải để không còn ai kêu nữa chăng ?Ngẫm lại thấy thật buồn khi những quyển sách dành cho trẻ Mầm non tập làm bài tập yêu cầu lại quá cao và còn không rõ nữa có lẽ những người làm sách nghĩ trẻ MN là thần đồng hay vĩ nhân chăng? Bao nhiêu thứ lạ lẫm, đổi mới liên tục dành cho ngành mầm non chúng tôi ... Không hiểu những người lãnh đạo ngành học MN nghĩ như thế nào khi dành quá nhiều thứ áp lực cho giáo viên chúng tôinhư vậy! Có thể họ nghĩ suốt một ngày ở trường của chúng tôi nhàn rỗi lắm nên tạo thêm việc làm cho chúng tôi giải khuây? Các bạn thấy còn muốn vào ngành làm GVMN -lấy bằng Cao đẳng. Đại học để được làm "Osin cao cấp" như chúng tôi không???



guest

Tâm tình
Ngày gửi: 9/20/2009 12:49:34 AM

Chào các bạn, tôi cảm thấy ngành học Mầm non thật sự vất vả, phải nói là rất rất nhiều việc, ngoài giờ trên lớp tối về nhà còn phải suy nghĩ để đầu tư cho giáo án học cụ vào hôm sau. Chương trình mầm non mới xem nhẹ mà chẳng nhẹ chút nào, rồi áp lực công việc làm các cô MN thêm chóng chán. Đã vậy tôi thấy có điều rất vô lý là GV nào trước đây đã thi tay nghề được công nhận rồi thì giờ không phải thi nữa trông khi đó kiến thức thì đổi mới liên tục. Theo tôi PGD cần xem lại vấn đề này để tạo sự công bằng trong đánh giá GV hàng năm.


guest
Chương trình không phù hợp ở 3 khối tuổi!
Ngày gửi: 9/20/2009 1:23:58 PM


Tôi cũng dạy mầm non 20 năm nay và cũng dạy 3 khối tuổi mầm, chồi, lá, vì vậy tất cả sách bài tập của cháu quá sức trẻ, cả lớp chỉ có vài ba trẻ đặc biệt sáng dạ và lanh lợi thì mới làm nổi, vì vậy khi bị dự giờ giáo viên rất là khổ sở phải vắt giò lên cổ mà dạy trước cho cháu cả tuần liền mới may ra làm được, nhưng cũng chưa hẳn là được và cô phải làm thay là chuyện đương nhiên, được 1 tiết dự giờ hoàn chỉnh phải bỏ cả tuần những tiết khác, đó là điều mà tất cả GV khg ai dám lên tiếng, nhiều lúc cầm vở bài tập của học trò mà cô còn thấy rối mắt và phải nhìn hoài để nghĩ làm sao cho học trò của mình làm được, có nhiều khi áp lực chương trình quá tải, cô bị áp lưc quá thì cháu cũng không thoát được áp lực bị nhồi nhét quá đáng, cô cũng không muốn nhưng chương trình đưa ra là thế, cô đành bó tay. vì vậy mong rằng có biện pháp điều chỉnh lại sách vở mẫu giáo, vì người nào đưa ra chương trình này thì quả là người đó không có chuyên môn về tâm sinh lý trẻ mầm non, cứ tưởng trẻ là thần đồng buộc phải làm nhiều thứ quá tuổi, ép uổng trẻ thơ, vã lại ở trường mẫu giáo không có cô bảo mẫu, 2 cô giáo phải làm đủ vai trò vừa lo về vệ sinh , chăm sóc, vệ sinh lớp, nhà vệ sinh lớp, rồi thì giờ ăn sáng, ăn yaourt, uống sữa, rữa ca ly, ấm đựng sữa, đến giờ ăn trưa chuẩn bị bàn ăn, bưng cơm, canh, đồ mặn, chén sau khi ăn xong xuống bếp và trưa không được ngũ , thức để canh cháu, rồi chiều lo cho cháu ăn xế, uống nước, rữa ca ly, thay quần áo, chải tóc, rồi dọn lớp, lau sàn, bao nhiêu là việc ngập đầu và khổ sở của cô giáo mầm non, từ sáng đến chiều vừa dọn dẹp, vừa lo tiết dạy rồi thì giờ vui chơi cũng phải làm theo chủ điểm, đồ chơi học cụ phai thay theo tiết và tháng, PH thì yêu cầu cô vừa chăm sóc cháu tốt, vừa phải dạy tốt, có sức lực nào để mà dành cho bản thân mình hay gia đình một khi đã làm cô mầm non, nếu được mặt chăm sóc toàn vẹn thì về giảng dạy đành phải bớt lại, còn được giáo dục thì chăm sóc phải kém, PHHS phàn nàn cô cũng không bao giờ muốn thế, nhưng phải chịu thôi, bởi vì rõ ràng vai trò của cô giáo thật là khổ sở, ai ở cương vị này sẽ biết, bưng bê và quét dọn không thua gì lau công, rửa đít học trò như con sen, dọn lau những lần cháu ói, ỉa, mà còn phải đảm bảo việc lên tiết đều đều, sức người có hạn, ai tưởng nghề này vô đây chỉ hát múa vui đùa, xin mời vào làm thử 1 tháng cho biết, cho nên đừng bắt giáo viên phải chạy theo chương trình vô lý khi mà các cháu mầm non được Ph gởi con, họ cần nhất là chăm sóc thật tốt, còn học, họ không muốn con em mình phải bị nhồi nhét quá đáng như đào tạo những thần đồng, họ chỉ muốn con em họ phát triển bình thường với tự nhiên, không cần cô giáo phải ép con họ vẽ cho được cái này cái kia, làm được những điều mà họ cho là bất ngờ so với tuổi cháu, rất nhiều Ph tâm sự khi cháu bị GV cùng lớp khẽ tay vì vẽ bậy hay làm sai yêu cầu cô, họ nói cháu không làm được thì thôi cô nhé, cháu không muốn vẽ, hay không muốn học, cô đừng ép cháu, sợ cháu không thích đến trường, đến lớn sẽ bị sang chấn tâm lý khi đi học, sau cùng tôi xin đề nghị những người có chức năng xem lại toàn bộ sách vở của ba khối tuổi MN, có vô số điều không hợp lý. Xin chân thành cảm ơn.



guest

Hái quả còn xanh
Ngày gửi: 9/20/2009 4:48:09 PM

Tôi là một giáo viên dạy ở vùng sâu vùng xa rất thiếu thốn, khó khăn, dạy 100% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Để dạy cho các em hiểu hết các bài theo nội dung chương trình đã khó mà còn phải dạy chữ cho các em để cuối năm trường tiểu học đi kiểm tra chất lượng, các em phải nghe viết được 29 chữ cái và 10 chữ số mới được lên lớp 1 và dựa vào kết quả kiểm tra đó dể đánh giá chất lượng giáo viên. Thiết nghĩ cứ đánh giá kiểu như vậy thì chúng tôi chuyển sang dạy tiểu học cho rồi, không muốn lấn sân sang tiểu học mà cứ phải làm nhiệm vụ của tiểu học, còn quy định của ngành không được dạy chữ trước cho trẻ mầm non...thì để cho ai thực hiện?


guest
Khổ cho GVMN
Ngày gửi: 9/20/2009 8:34:50 PM


Tôi cũng là GVMN, cần điều chỉnh mức lương, nội dung dạy cũng như tâm tư nguyện vọng, vì lương GVMN thấp, áp lực rất cao.



guest

Ý kiến của tôi
Ngày gửi: 9/21/2009 6:22:23 PM

Tôi cũng là một giáo viên MN, bản thân tôi cũng biết là trẻ không được phép học chữ. Mình tôi phụ trách 34 cháu, ngày ngày cho cháu đọc các bài trong quyển "Tiếng Việt 1" tập 1, rồi bắt chúng viết theo mẫu chữ của cô. Tôi không đồng ý với cách dạy đó nhưng tôi phải làm theo ý kiến của phụ huynh và tôi cũng chỉ là một người làm công ăn lương.


guest
Mầm non ơi
Ngày gửi: 3/13/2011 10:32:46 AM


Thật khổ cho cô giáo mầm non chịu áp lực từ mọi phía mà lương thì thấp hỏi làm sao mà yêu nghề đựoc chứ. Mong sao các cấp lãnh đạo nhìn xuống các cô mầm non, để họ có thêm động lực làm việc.


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Hà Nội: Cần tách lớp nếu có 35 trẻ/ 2 giáo viên (15/9)
 Hà Nội:Trường công lập không được thu tiền xây dựng trường (14/9)
 Giáo dục vệ sinh và sự hình thành nhân cách trẻ (11/9)
 Giáo dục mầm non ở TP Cần Thơ: Cô trò ngược xuôi tìm chỗ học (10/9)
 Giáo viên mầm non: Nỗi niềm "dâu trăm họ" (9/9)
 Người Mỹ dạy trẻ mẫu giáo (7/9)
 Lễ khai giảng độc đáo tại trường Mầm non Dịch Vọng (8/9)
 Áp dụng đại trà chương trình GDMN mới vào năm 2011-2013 (4/9)
 Giáo viên 2 năm liền không đạt yêu cầu sẽ bị loại khỏi ngành (3/9)
 TP.Hồ Chí Minh: Nỗi lo thiếu trường lớp (1/9)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i