Giáo dục mầm non
   'Nặng gánh' với đồ dùng dạy học
 

Với đồng lương ít ỏi, giờ làm việc quá tải, sắp tới giáo viên mầm non sẽ phải "gánh" thêm nhiệm vụ làm đồ dùng dạy học. Nhiều giáo viên lo ngại sẽ lao vào cuộc đua thành tích khi phải tham gia các hội thi đồ dùng dạy học theo quy định của Bộ GD- ĐT.

Bộ GD-ĐT vừa triển khai xây dựng Đề án "Phát triển thiết bị dạy học tự làm cấp học mầm non, phổ thông". Theo đó, trong giai đoạn 2010 - 2011, mỗi trường mầm non tham gia thí điểm sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng.

Dễ nhưng mất nhiều công
Ở bậc học mầm non, cùng với những thiết bị dạy học tối thiểu được trang bị hằng năm, nhiều giáo viên thời gian qua đã tận dụng những vật liệu sẵn có để "chế" đồ dùng dạy học... Gần như 100% các trường tại TP HCM hiện phải "tự nguyện" làm để phục vụ giảng dạy. Có trường phải huy động phụ huynh ủng hộ nguyên liệu hoặc kinh phí để làm đồ dùng dạy học. Nhưng, theo bà Vũ Thị Thanh Vân, Hiệu phó Mầm Non Thành phố, "không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện hỗ trợ và phối hợp cùng giáo viên".

Giáo viên Mầm non quận 11 cùng học trò tự làm đồ dùng dạy học. Ảnh: Nguyễn Thủy

Có mặt tại Mầm Non quận 11, chúng tôi mới có dịp hiểu thêm một ngày làm việc của giáo viên mầm non. Chị Ngọc Thảo, giáo viên dạy lớp chồi đang miệt mài cắt từng hình vẽ, còn các bé đang "giúp việc" bằng cách tô màu cho các con thú. Khi tiếng trống tan trường vang lên, từng phụ huynh vào đón bé ra về, mình cô ngồi lại với những hình vẽ còn dở dang.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án "Phát triển thiết bị dạy học tự làm" là 700 tỷ đồng và triển khai từ 2010-2014, trong đó phần kinh phí hỗ trợ trực tiếp các hoạt động tại trường học chiếm phần lớn.

Trong hai năm 2010 và 2011, mỗi trường mầm non tham gia thí điểm sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng, tiểu học 15 triệu đồng, THCS 20 triệu đồng, THPT 25 triệu đồng. Trong giai đoạn tiếp theo, mức hỗ trợ này sẽ được triển khai đại trà ở 3.950 trường mầm non, 15.000 trường tiểu học, 669 trường phổ thông cơ sở, 9.868 THCS, 1.735 trường THPT.

Một ngày làm việc của giáo viên mầm non Thảo bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc lúc 17h, chưa kể tối "chạy show" đi học liên thông trình độ ĐH; trở về nhà lại loay hoay với đống đồ dùng dạy học tự chế. Tuy được hỗ trợ tiền mua học phẩm, văn phòng phẩm và thiết bị dạy học, nhưng để tiết học sinh động hơn và đúng với dụng ý bài giảng của mình, chị Thảo cho biết mỗi tháng vẫn thường bỏ thêm gần 200.000 đồng để đầu tư làm đồ dùng dạy học.

Cẩn trọng với "bệnh thành tích"
Bà Hoàng Thị Thu Hằng, Hiệu phó Mầm Non Vành Khuyên, quận Thủ Đức cho biết: Kinh phí đầu tư cho khoản mua sắm đồ chơi ở các trường mầm non thường không đủ. Do đó, nhà trường, giáo viên tự gói ghém thu chi để làm thêm đồ dùng dạy học. Các nhà quản lý của bậc học mầm non thường ví von: "Kinh phí đầu tư cho giáo dục giống như cái chăn hẹp, trong đó, mầm non chỉ là phần chân nên phải co lại mới vừa".

Bà Trương Thị Việt Liên, Hiệu trưởng Mầm Non quận 11 cho rằng, đề án trên sẽ khuyến khích giáo viên tăng cường tự làm đồ dùng dạy học với sự hỗ trợ từ phía Bộ. Tuy nhiên, cần nhận thức rằng, làm đồ dùng dạy học là để phục vụ tiết học hiệu quả hơn và tiết kiệm phần nào chi phí mua sắm trang thiết bị dạy học, chứ không phải để thi thố trường này, trường kia hay chạy theo thành tích.

"Do đó, đề án của Bộ đề ra các hội thi đồ dùng dạy học tự làm và sử dụng kết quả hội thi để đánh giá giáo viên, tôi e rằng sẽ gây áp lực cho giáo viên và đặt nặng vấn đề thành tích thi đua cho các trường", bà Liên nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, bà Vũ Thị Thanh Vân, Hiệu phó chuyên môn Mầm Non Thành phố cho rằng, cán bộ quản lý của trường mầm non không nên bắt ép giáo viên bỏ thời gian, công sức, tiền bạc để làm những đồ dùng dạy học quá cầu kỳ, phức tạp không cần thiết và gây lãng phí.

Bà Tôn Nữ Kim Anh, Hiệu trưởng Mầm Non Bến Thành cũng cho biết: "Với đề án của Bộ, nhà trường và giáo viên phải hiểu và vận dụng cho khéo, nếu không lại chạy theo thành tích và gây lãng phí".

Theo Báo Đất Việt

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Làm được nhưng không đẹp
Ngày gửi: 12/16/2009 3:37:33 PM

Theo tôi, chúng ta kh6ong nên cho GV làm đồ dùng, tốn kém nhưng không đẹp, hấp dẫn và có giá trị thẩm mỹ. Trường tôi là trường MN có 100& là trẻ dân tộc. Vì vậy tôi mong Bộ, Vụ GD nên có chương trình cấp đồ dùng, đồ chơi cho trẻ em vùng sâu, vùng xa như vậy mới có chất lượng.


guest
Làm đồ dùng tự tạo.
Ngày gửi: 12/16/2009 8:03:27 PM


- Hãy cho cô giáo MN thời gian để tâm tình chơi đùa với con trẻ, lúc nào đưa con đến trường tôi cũng thấy các cô lúi húi làm việc, thấy tôi cô ngại ngùng nói chị thông cảm bây giờ không tranh thủ thì không biết làm lúc nào, tối về chúng tôi phải sọan giáo án, làm học cụ, powerpoint, ....gánh thên một gánh công việc về nhà, sắp tới đây nghe cô nói còn phải tập trung cao độ để làm đồ dùng dồ chơi để đi thi nữa , thảo nào con tôi về nhà thỏ thẻ với mẹ: Mẹ à chiếc cặp tóc của con xinh thế mà cô giáo chẳng khen,....Chúng tôi không có thơi gian trò chuyện vui chơi cùng trẻ, mong đến trường được cô giáo quan tâm trò chuyện , chia sẻ nhưng cô giáo thì không có thời gian dành cho trẻ...Trẻ biết chia sẻ với ai những vui buồn, khúc mắc??????.



guest

Đúng! Làm được nhưng không đẹp. GVMN không có thời gian rảnh thì làm sao mà làm đồ chơi?
Ngày gửi: 12/16/2009 10:20:50 PM

Theo tôi, không nên cho giáo viên làm đồ dùng, nhất là giáo viên mầm non vì GVMN làm quần quật cả ngày, tối về nhà phải soạn bài thì làm gì có thời gian để làm đồ dùng đồ chơi tự tạo. Nếu kinh phí để cấp đồ dùng của vụ giáo dục không đủ để thực hiện thì kêu gọi phụ huynh đóng góp tiền để mua đồ dùng đồ chơi cho trẻ. Nên đảm bảo sức khỏe cho giáo viên. Nếu thấy không tói ưu thì có thể để nhiệm vụ làm đồ dùng đồ chơi tự tạo cho các nhà quản lý, lãnh đạo, ban giám hiệu để họ có thể chia sẻ và thấu hiểu.


guest
Gánh nặng của GVMN
Ngày gửi: 12/17/2009 7:06:12 AM


Làm đồ dùng dạy học tốn nhiều thời gian, tiền của giáo viên nhưng sử dụng lại không bền. Ban thân tôi rất thích tự tay làm cho học trò của mình chơi nhưng tôi thấy không hiệu quả, trẻ chơi vài lần là công sức tôi làm trong thời gian đó tiêu tan. Dạy trẻ là ước mơ của tôi và tôi rất yêu và chăm sóc các bé như con cháu của mình nhưng vì áp lực công việc của GVMN quá nhiều tôi sợ mình không trụ nổi trong nghề, rất mong các cấp lãnh đạo quan tâm nhiều đến cảm nhận và giảm bớt công việc cho chúng tôi để chúng tôi được hết lòng tận tụy với nghề.



guest

Làm được nhưng không bền và giá trị sử dụng thấp
Ngày gửi: 12/17/2009 2:23:51 PM

Đúng như vậy,theo tôi nên để các giáo viên tự mình quyết định đồ dùng nào là phù hợp với hoạt động và trẻ nhất. Trường tôi đã tổ chức thi làm đồ dùng dạy học một vài lần nhưng sau đó đồ dùng không sử dụng được lâu,dễ hỏng hoặc không được sử dụng,chỉ làm đồ trang trí. Cũng với số tiền ấy, chúng tôi nhận thấy làm được nhiều việc khác hiệu quả hơn .


guest
Không lẽ tôi bỏ nghề
Ngày gửi: 12/17/2009 6:45:28 PM


Nếu cứ tình trạng bắt ép GV làm mà không biết đến thời gian làm của GV MN chúng tôi thế nào thì có lẽ chúng tôi không thể tiếp tục nghề này được. Bản thân tôi mới vào nghề chưa được 5 năm nhưng sức khỏe suy kiệt ngày càng nặng cũng vì các phong trào, hội thi, làm đồ dùng mà dẫn đến. Hãy thương chúng tôi, đừng hành hạ chúng tôi như vậy, đồng lương GV như tôi không bằng một ngày tiêu xài của người khác đâu.



Lan

Đồ Dùng Dạy Học
Ngày gửi: 12/17/2009 7:08:23 PM

"Bộ GD-ĐT vừa triển khai xây dựng Đề án "Phát triển thiết bị dạy học tự làm cấp học mầm non, phổ thông". Theo đó, trong giai đoạn 2010 - 2011, mỗi trường mầm non tham gia thí điểm sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng."
Có lẽ căn bịnh thành tích sẽ xảy ra và các cô lại là những người đau khổ nhất. Với số tiền 10 triệu thì trường có thể mua các dụng cụ cho các cháu học và chơi mà không cần phải làm thêm đồ chơi. Thời gian quý báu của các cô nên dành vào việc giảng dạy và chăm sóc các cháu.
Đồ chơi tự tạo là những đồ chơi nào? Các em có được chơi hay là chỉ để triển lãm. Mức độ an toàn và bền của đồ chơi ra sao có xứng với công sức các cô bỏ ra.
Theo tôi thấy đồ chơi cho trẻ mầm non thì nên đầu tư cho các em thật nhiều khối gỗ (blocks) để các em xây dựng, sách vở nói về xây dựng, viết, giấy để vẽ lại các công trình của các em. Các con thú, xe, và người đồ chơi cho các em sáng tạo trong lúc chơi.
Khu vực nhà thì có các dụng cụ nấu bếp, búp bê, thức ăn bằng cao su, v,v,v. Các em nên có các menu với hình ảnh, giá cả để chơi trò chơi, dụng cụ khám bịnh khi làm bác sĩ, điện thoại đồ chơi, bàn ghế, lược chải tóc.
Khu vực toán thì nên có hình khối và các dụng liên quan về toán, game, số, các nút chai khác loại để các em tâp phân loại.
Khu vực khoa học thì nên có cân, kính lúp, và các thiết bị tối thiểu cho các em quan sát: vỏ sò, vỏ cây,
Nói chung thì các cô chỉ thêm vài vật liệu khi thay đổi chủ đề. Trong quá trình giảng dạy nếu cần thì các cô sẽ cho các em làm đồ chơi chứ không nhất thiết phải làm đồ chơi cho các em.
Các cô nên cung cấp vật liệu để các em sáng tạo làm ra nhũng gì liên quan tới bài học.
Quyển sách Preschơol Creative Curriculum có danh sách những thứ cần thiết cho các em học và chơi.



guest
Nỗi khổ trăm bề của GVMN
Ngày gửi: 12/17/2009 7:51:28 PM


Tôi thật sự không hiểu vì sao công việc của GVMN lại quá nhiều như thế. Nếu ai không phải là GVMN thì thật sự không thể hiểu nỗi khổ mà chúng tôi đang gánh. Chúng tôi thật sự lo lắng chất lượng dạy trẻ, càng ngày càng không biết ra sao khi mà GV suốt ngày bận túi bụi với sổ sách, đồ dùng, đồ chơi, thi thố đến kiệt sức thì làm gì còn thời gian và sức khỏe để phát triển chuyên môn và chăm sóc cháu tốt? Xin Quý cấp hãy quan tâm và giảm bớt áp lực công việc cho cúng tôi.



guest

Tưởng đâu được lợi hoá ra thiệt thòi
Ngày gửi: 12/17/2009 8:31:42 PM

Những người đề xướng ra cuộc thi này chắc chắn là chưa bao giờ làm một giáo viên mầm non đúng nghĩa. Bước chân vào lớp là 2 giáo viên phải quần quật với đàn con nhỏ, thử hỏi nhìn vào lịch phân công ngày cho giáo viên và chế độ sinh hoạt một ngày của trẻ ở trường mầm non thì giáo viên còn được giờ phút nào ngơi tay. Để tham gia hội thi bắt buộc nhà trường sẽ tuyển những giáo viên khéo tay để làm và làm trong ngày có trẻ đi học, vậy mọi người có hiểu điều gì xảy ra không? Đó là: giáo viên bỏ lớp bỏ cháu cho giáo viên còn lại quán xuyến, hệ quả là: những cháu khó ăn, ăn chậm, không tự đút ăn... sẽ phải đói meo hoặc cùng lắm là được uống hộp sữa nếu phụ huynh có gửi thêm. Là GVMN tôi dám cam đoan rằng không có một giáo viên hay ban giám hiệu trường nào dám công khai nói lên những điều phi thực tế mà các nhà lãnh đạo ở Tổ Mầm Non ban ra. Và như thế chỉ có giáo viên vất vả còn trẻ thì quá bị thiệt thòi mặc dù phụ huynh phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ hàng tháng, hàng năm cho nhà trường. Nếu công khai lấy ý kiến từ dưới lên trên thì chắc chắn sẽ có những biên bản thảo luận đồng tình với những đề xuất của cấp trên nhưng nếu xem những mục viết không có tác giả thì sẽ nhận kết quả ngược lại. Và tơi cũng là kẻ dám viết thế này thôi chứ khi đối diện với hiệu trưởng mà hiệu trưởng bảo phải tham gia hội thi này thì tôi cũng phải vui vẻ đồng tình, thậm chí còn a dua theo: "dạ đúng rồi, hội thi này rất có lợi là giúp cho giáo viên phát huy tính sáng tạo, thể hiện sự cần cù, tỉ mỉ, khéo tay, học với học cụ này trẻ sẽ phát triển toàn diện...". Tôi không biết mình còn theo nghề bao lâu nữa nhưng tôi biết những chỉ đạo,hội thi phi thực tế này sẽ luôn luôn tồn tại và phát triển.


guest
Bệnh trầm kha của Giáo Dục Việc Nam
Ngày gửi: 12/17/2009 8:40:25 PM


Đây là căn bệnh rất đặc biệt của nước Việt Nam. Từ MN cho đến Đại Học Cái gì cũng muốn làm, không muốn bỏ bất cứ thứ gì. Bởi vậy, nhìn chung trẻ em VN luôn có cái gì đó thua xa với các trẻ em nước ngoài. Ở nước ngoài người ta luôn làm đúng chuyên trách của mình: "dạy ra dạy" nên các cô có thể nắm bắt tâm lý của trẻ và điều chỉnh cách dạy cho phù hợp. Còn ở VN các cô giáo MN luôn bận bịu, nói đúng từ là "quần quật" với hàng đống công việc đáng ra người được gọi là "cô" không cần phải làm.
Đồ chơi thì người ta cũng có cả một công ty chuyên phục trách sản xuất cho trẻ MN. Cứ muốn cô ôm luôn, chắc muốn các công ty sản xuất đồ chơi VN khỏi phải làm ăn quá.




guest

Không phải ai cũng làm được
Ngày gửi: 12/17/2009 8:49:49 PM

Tôi chăm sóc trẻ tốt, dạy tốt nhưng tôi không khéo tay để làm được những học cụ bắt mắt hấp dẫn trẻ. Cũng may là BGH hiểu và thông cảm nên thường xếp chung lớp với cô khéo tay hơn để hổ trợ lẫn nhau. Nay nếu trường tôi phải tham gia thi làm học cụ giang dạy thì tôi "ao" chắc luôn và coi như mất trắng điểm thi đua trong mảng phong trào. Và tôi biết chắc không chỉ một mình tôi "dở" như thế trong ngành mầm non.


guest
Ý kiến
Ngày gửi: 12/18/2009 11:28:19 AM


Hội thi làm DDDC thật vất vả với GVMN, những sản phẩm đạt giải cũng chỉ thầy thi với thầy thôi. GVMN làm đồ dùng sao bằng các nhà SX làm bằng máy. GV làm vừa tốn thời gian, tốn công sức, đồng lương không đủ sống.



guest

ý kiến
Ngày gửi: 12/19/2009 4:14:29 PM

Phòng giáo dục tại đại bàn chúng tôi pháp động làm đồ dùng đồ chơi như khi đem chấm điểm dù trường nào có đạt giải chỉ nêu lên tại cuộc họp rồi thôi không giấy khen khích lệ ,trường nào tham ga thì tham gia, trường nào không tham gia thì thôi, như khi đưa ra văn bản thì bắt buộc các trường phải tham gia như khi không tham gia cũng chẳng sao vậy tôi thấy tốt nhất đừng tham gia tốn công sức mà chẳng có lợi ích gì tốn công giáo viên hì hục làm mất thời gian cần cho trẻ có đồ chơi hiện đại hơn.


guest
Lương và đồ dùng tự làm
Ngày gửi: 12/20/2009 7:32:18 AM


Cứ đến cuối năm trường tôi lại quyết toán tiền đồ dùng, thì ôi trời cô nào cô nấy đều âm tiền đồ dùng của trường mua. Cô ít thì 200-300 ngìn cô nhiều thì 500-700 nghìn. Chưa kể đến tiền chúng tôi bỏ ra để mua nguyên vật liệu tự làm để tham gia các cuộc thi trong năm học. Trong khi đó lương cháng tôi chỉ được 900nghìn đến 1 triệu một tháng. Thế mà bà phó phòng GD của chúng tôi còn phát biểu "lương các đồng chí cũng coi là tạm ổn rồi, tôi mong các đồng chí làm việc cho xứng với đồng lương" . Các chị thử xem, chị em chúng mình làm từ sáng tới tối mà nhận về 1triệu một tháng mà vẫn chưa xứng với đồng lương đâu các chị ạ. Chưa kể số tiền đồ dùng hàng năm mà bị âm đó ở trường tôi các cô đều phải bỏ tiền túi ra đấy các chị ạ. Bởi vậy tôi nghĩ PGD nên bỏ các cuộc thi làm đồ dùng tự tạo đi để cho chị em chúng tôi có thời gian chăm sóc con cái và chăm sóc bản thân mình. Vì thời gian lên lớp với trẻ đã đủ làm chúng tôi mệt mỏi rồi về nhà còn con cái nữa chứ, chúng tôi không có lúc nào rảnh rỗi cho bản thân đâu.



guest

Không muốn nói thêm gì nữa
Ngày gửi: 12/20/2009 10:07:17 PM

Tại sao các vị lãnh đạo không nghĩ đến việc làm thế nào để giảm bớt công việc cho các cô giáo mầm non mà lại cứ tạo thêm nhiều áp lực như vậy nhỉ. Các vị nên xâm nhập thực tế, thử làm giáo viên mầm non 1 ngày xem sao? Chỉ cần 1 ngày thôi.


guest
Ý KIẾN CỦA TÔI
Ngày gửi: 12/21/2009 11:59:40 PM


Tôi đồng tình với tất cả các ý kiến nêu trên. Kính thưa các vị lãnh đạo đáng kính đã bao giờ các vị tự hỏi mình ngồi trên chỉ đạo xuống cho các giáo viên thực hiện theo ý của mình có bao nhiêu phần trăm người làm tốt, còn lại bao nhiêu phần trăm người không làm hoặc không thể làm được. Chúng tôi vẫn nói vui với nhau giáo viên mầm non là giỏi nhất cái gì cũng biết làm, nhưng cười mà ra nước mắt đấy vì thấy sao mình khổ quá, chúng tôi cũng chưa dám bao giờ so sánh công việc của mình với ai bởi vì mọi sự so sánh đều khập khiễng. Bản thân tôi mỗi lần ở trường có phong trào hay là chị em nào cần giúp cho một số đồ dùng để hội giảng tôi đều làm giúp nhưng đồ dùng đó cũng không bền và đẹp như đồ dùng mua đâu, chắc các vị cũng đã biết để làm ra được một đồ dùng được coi là đẹp chúng ta phải mất rất nhiều thời gian mà chúng ta cũng chỉ có hai tay thôi. Tôi rất yêu nghề và yêu mến các đồng nghiệp của mình nhưng tôi sắp phải bỏ trường mà ra làm riêng vì không chịu nổi áp lực công việc ở trường công nữa, tôi biết đó là một sự lựa chọn khó khăn và bất đắc dĩ. Khi tôi mở trường riêng chắc chắn tôi sẽ không làm đồ dùng tôi sẽ mua ở các công ty làm đồ chơi ở đó họ sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của giáo dục. Tôi nói điều này để hy vọng bộ giáo dục sẽ xem lại tại sao lại có nhiều ý kiến không đồng tình đến vậy và có thể chúng ta nên đầu tư mua đồ dùng có tốt hơn không?



guest

Tại sao không " chuyên môn hoá"
Ngày gửi: 12/22/2009 8:18:49 PM

Tôi đồng ý với tất cả các ý kiến trên vì tôi là " người trong cuộc". Để chăm sóc trẻ cùng chơi với trẻ quan tâm theo dõi trẻ, dành thời gian để tìm hiểu và giúp trẻ phát triển tốt thì gv phải có 1 sức khoẻ tốt, một tinh thần thoải mái, một đời sống vật chất đầy đủ,... Thế tại sao các cấp lãnh đạo không bố trí thêm nhân viên chuyên "làm đồ dùng, đồ chơi" theo hướng dẫn và ý tưởng của gv hoặc thay vào đó là đầu tư tiền để trang bị đồ dung cho các trường.


guest
Ý kiến
Ngày gửi: 12/29/2009 10:36:37 PM


Một ngày giáo viên mầm non làm việc quá thời gian quy định của luật lao động mà tiền lương cũng không được tính thêm tiền thêm giờ hoặc có tính thêm cũng không đáng là bao nhiêu. Nếu so với mức thu nhập mặt bằng của xã hội còn lâu mới theo kịp. Vậy mà áp lực công việc của chúng tôi quá lớn, trường tôi lắp đặt máy quay camera trực tuyến nếu không thực hiện đúng chế độ sinh hoạt của trẻ thì BGH nhắc nhở ghi sổ và cuối tháng trừ lương và đánh vào các tiêu chí thi đua. Còn nếu thực hiện thì việc làm đồ dùng đồ chơi của chúng tôi phải làm ngoài giờ đó là mang về làm ở nhà, huy động người thân trong gia đình đẻ hỗ trợ, ngoài vấn đề đó còn kinh phí chúng tôi cũng phải bỏ ra. PGD Quận tôi còn ra quyết định giáo viên làm đồ dùng hiện đại( Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy) và tổ chức hội thi GV sử dụng đồ dùng dạy học giỏi nếu giáo viên nào đạt loại khá thì mới được tham gia vào vòng 2 để tham dự giáo viên dạy giỏi cấp quận. Vì vậy chúng tôi phải hết sức cố gắng vì không phải giáo viên nào cũng thiết kế bài giảng và làm đồ dùng dạy học trên công nghệ thông tin do đó phải đi thuê người làm mà kinh phí rất cao nhà trường không hỗ trợ do vậy chúng tôi phải bỏ tiền để làm. Tôi nói điều này rất mong bộ Giáo Dục sớm điều chỉnh lại.



guest

Tôi cũng là người trong cuộc
Ngày gửi: 1/4/2010 3:25:29 PM

Khi đọc những dòng ý kiến trên của các anh, chị, Tôi rất hiểu và thông cảm. Tôi cũng là một giáo viên mầm non, Tôi công tác ở một xã biên giới vùng sâu. Tuy tôi được hưởng chính sách vùng sâu từ chương trình 135 của Nhà nước nhưng do xa nhà nên các khoảng chi têu cũng tăng theo. Vì thế lương tháng cũng đủ trang trải. Nơi tôi công tác, tất cả các chị em đều cố gắng hết sức để hoàn thanh công việc của mình. Nhưng nếu ai thật sự là GVMN thì mới có thể hiểu được. Mỗi tháng, kiểm tra đến 2-3 lần nào là dự giờ, thao giảng, kiểm tra đột xuất, kiểm tra sổ sách (9 quyển sổ), chưa kể đi vận động học sinh ra lớp, đến nhà các cháu từ 0-6 tuổi ngoài cộng động tuyên truyền các bài giáo dục ngoài cộng đồng, sau đó nhờ phụ huynh ký tên xác nhận rằng giáo viên có đến tuyên truyền. Nếu trong lớp có học sinh bị béo phì hay suy dinh dưỡng thì chính giáo Viên sẽ bọ trừ điểm thi đua. Làm DDDC thi không cần phải nói dúng k các chị, vì trường không có kinh phì đề mua nên giáo viên tự làm và tự bỏ tiền túi ra mua vật liệu. Và điều quan trọng là lúc nào sau khi dự giờ, kiiểm tra luôn nhận được câu nói " đồ chơi, đồ dùng quá ít" trang trí lớp chưa đủ. Nhiều người hỏi chúng tôi sao lớp học mà trang trí như cái hội chợ....chẳng lẽ chúng tôi bảo rằng" lãnh đạo muốn thế"........tôi cũng thật không thể tự tin nói rằng mình sẽ bám trụ với nghề lâu dài........ Chính gia đình tôi cũng phàn nàn rằng tôi suốt ngày chỉ làm đồ chơi, soạn giáo án, ở trường, lớp trang trí...tôi còn thời gian cho gia đình và cá nhân mình sao.


guest
Mong sao đừng thực hiện!
Ngày gửi: 1/5/2010 5:46:43 PM


Tôi đồng tình với các ý kiến trên. Hiện nay tại Quận 1 đã bỏ phong trào thi làm đồ dùng dạy học. Không biết đề án "Phát triển thiết bị dạy học tự làm" của Bộ thực hiện năm 2010-2014 đưa về có thực hiện theo không???? Nếu có hỗ trợ kinh phí cho nhà trường mua đồ chơi thì sẽ tốt hơn.



guest

Vừa hồng vừa chuyên
Ngày gửi: 1/8/2010 11:44:14 PM

tôi là sv năm 3. Hè vừa rồi tôi có xin vô làm ở một trường mn Quận 6, tôi học được từ gvmn phụ trách lớp mình việc học "cách tiếp nhận - hoàn thành tốt công việc" và "cách từ chối công việc" (những việc không phải của gvmn mà những người trong trường nhờ thì gvmn có quyền TỪ CHỐI). Tôi muốn mình được SỐNG. Tuy vậy, tôi vẫn luôn là người sống có trách nhiệm với GIA ĐÌNH, BẢN THÂN và XÃ HỘI. Mong Bộ GD-ĐT có cách cải thiện cuộc sống của GVMN chúng tôi.


guest
Nói ai nghe
Ngày gửi: 1/9/2010 9:10:37 AM


Em đã đọc những bức xúc của các chị, của ông xã các chị đánh và tải lên mạng rất nhiều nhưng em không biết có ai lắng nghe hay chỉ đọc một vài mẩu tin rồi đi xuống. Vì em nghĩ nếu đọc hết thì những chuyện như lương, công việc quá nhiều đã giải quyết lâu rồi. Cứ năm nào em cũng đọc và nghe nói nhiều nhưng công việc thì kh6ong thực hiện được bao nhiêu.



guest

Tâm sự của GVMN
Ngày gửi: 1/27/2010 7:25:54 PM

GVMN thật sự đau đầu vì những hội thi mà Bộ GD vừa ban hành thật là không công bằng một chút nào khi GVMN chúng em quần quật từ 6h30 sáng đến 16h30 tối về cơm nuớc, tắm gội, soạn giáo án làm đồ dùng cho ngày mai đã đến 22h hoặc hơn thế nữa. Vậy mà còn phải gánh thêm những nhiệm vu bất khả thi trong khi luơng thì không bằng một nguời công nhân trong nhà máy xí nghiệp. Nói hoài nói mãi cũng vậy, chỉ mong các cấp lãnh đạo cố gắng tạo điều kiện cho GVMN được bước vững vàng trong công việc mà không hề than trách.


guest
Ý kiến của giáo viên mầm non dạy ở vùng dân tộc thiểu số
Ngày gửi: 8/4/2010 4:37:36 AM


Tôi rất tâm đắc với những bài viết của các bạn ở trên đây. Nơi tôi dạy còn thảm hại hơn trẻ không đi học trừ thi đua mà trừ thi đua thì không được nâng lương, trẻ không nộp tiền mua sách vở trừ tiền từ lương giáo viên, tổ chức các cuộc đại hội đóng tiền, chăm sóc các gia đình liệt sĩ hàng tháng gv đóng tiền, không biết bao nhiêu khoản phải đóng góp. Mỗi tháng ít nhất là 100.000 đống nếu không đóng thì bị đưa ra hội đồng cho là không có tinh thần tập thể... là người hủ bại... buồn lắm các bạn ơi! Nhưng cấp trên có chịu hiểu đâu vì họ còn mắc bệnh thành tích cao lắm. Sắp tới đây thi ĐDĐC các cấp thì thôi ôi khỏi phải bàn.


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Phổ cập trẻ 5 tuổi: TP.HCM đã làm từ nhiều năm nay (15/12)
 Nhóm, lớp mầm non tư thục khu vực ngoại thành đang bị thả nổi (14/12)
 Cấp dưỡng ở trường mầm non: Thiếu nhưng khó tuyển (11/12)
 Giáo viên mầm non phải bỏ tiền làm thiết bị dạy học (11/12)
 Trường mầm non “đau đầu” vì… thiếu cấp dưỡng (10/12)
 Trẻ có cơ hội phát triển toàn diện (9/12)
 Tại các trường mầm non: Thiếu đồ chơi, bé xem phim cho... đỡ buồn! (8/12)
 Phổ cập giáo dục cho trẻ năm tuổi: Bài toán khó (8/12)
 Chuyện lạ ở Ngàn Ván (3/12)
 Dạy học toán qua chuyện kể (26/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i