Giáo dục mầm non
   Tại các trường mầm non: Thiếu đồ chơi, bé xem phim cho... đỡ buồn!
 

Ở bậc học mầm non (MN), việc phát triển thể chất, trí tuệ cho trẻ chủ yếu thông qua các trò chơi, trong đó đồ chơi là phương tiện giáo dục hiệu quả nhất.

Mặc dù Bộ GD-ĐT đã quy định việc mua sắm, sử dụng những đồ chơi tối thiểu, có tính an toàn, thẩm mỹ trong các trường, nhưng nhu cầu thiết thực này của trẻ lại đang bị bỏ qua.

Búp bê bị... "sốt xuất huyết"!
Tại trường MN Sơn Ca 1, Q.12, TP.HCM lúc chúng tôi đến, mấy bé gái đang chuyền tay, ôm ấp một con búp bê cáu bẩn, đã xỉn màu. Một bé nhìn xong, chuyển sang cho bạn rồi nói: búp bê bị sốt xuất huyết, không chơi nữa. Cô giáo phụ trách ngậm ngùi: búp bê làm từ nhựa tái chế nên màu xấu, khiến bé hiểu nhầm. Trường Sơn Ca 1 là nơi học tập, vui chơi của hơn 300 bé, nhưng đồ chơi tối thiểu lại không có. Trong các lớp chỉ có vài tấm tranh dán ở cửa, ngoài sân là hơn chục quả bóng nhựa cũ, méo mó.

Thiếu đồ chơi, cô giáo phải bật truyền hình để các cháu xem cho... đỡ buồn. Đây cũng là cách mà nhiều trường tại Q.Gò Vấp, Q.12, Q.4... đang áp dụng.

Cầu tuột đặt trên nền gạch khiến trẻ dễ gặp nguy hiểm

"Trong chương trình, có bài học bé tập trồng cây và quan sát sự phát triển của cây. Thế nhưng, do không có kinh phí mua cây, cũng chẳng có không gian để các bé thực hành, nên chúng tôi đành "chữa cháy" bằng cách cho các cháu gieo hạt đậu xanh vào lon cát rồi quan sát" - cô Nguyễn Thị Kim Vân - Hiệu trưởng trường MN Hoa Lư cho biết.

Cũng theo cô Vân, chương trình môn vẽ yêu cầu các cháu vẽ lên giấy nhưng thiếu giấy, nên phải cho các cháu vẽ trên nền xi măng ngoài sân và cũng chỉ vẽ bằng phấn trắng, vì dùng phấn màu rất tốn kém. Trường có 400 cháu nhưng chỉ vỏn vẹn 30 cuốn truyện tranh.

Là trường ở trung tâm TP, nhưng lượng đồ chơi chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu của trẻ và phải sử dụng những đồ chơi được sản xuất từ nhựa tái chế, nếu không có sự ủng hộ của phụ huynh. Cô Vân giải thích, số tiền thu 50.000đ/năm đối với hệ nhà trẻ và 100.000/năm với bậc mẫu giáo (quy định mua đồ dùng học tập và đồ chơi) chỉ đủ để mua viết chì, bút sáp, đất nặn, màu nước, còn đồ chơi, hầu như phải xin từ nơi khác. Những đồ chơi giúp phát triển trí tuệ như logo thì trường không thể mua được.

Bước vào trường MN Nguyễn Tất Thành, Q.4, phụ huynh và các bé dễ bị thu hút bởi hồ bơi mini, sân chơi cát, nhà liên hoàn... Nhưng theo cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Hiệu trưởng trường, "chỉ một số ít trò chơi được đặt trên nền an toàn như vậy, số nhiều vẫn để trên nền gạch".

Theo bà Lê Thị Điệp - Phó phòng GD-ĐT Q.4, việc phát triển thể chất cho trẻ đều thông qua hoạt động vui chơi ngoài trời (cầu tuột, xích đu, nhà liên hoàn) và những thứ này phải được đặt trên nền cỏ hoặc nền cát. Thế nhưng, nhiều trường lại bỏ qua yếu tố an toàn này, đặt cầu tuột, xích đu... trên nền xi măng, nền gạch cứng, rất nguy hiểm cho trẻ.

Cái khó... bó cái khôn
Theo tiến sĩ tâm lý Võ Văn Nam - Trường ĐH Sư phạm TPHCM, đồ chơi là vật thiêng liêng với trẻ, trẻ sẽ sống thực sự với nó. Không những chạm vào đồ vật, mà trẻ còn cho lên miệng, đưa vào mắt, nếu đồ chơi độc hại thì rất nguy hiểm. Nếu cháu đóng vai bác sĩ mà không có ống nghe, dụng cụ thì buộc phải dùng tay. Lớn lên, bé sẽ nghĩ, bệnh nào cũng... dùng tay được. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ. Trẻ chơi mãi một món đồ thì chán, không còn say mê, thì sáng tạo là điều không thể. Với trẻ em, cái khó chỉ bó cái khôn chứ không "ló khôn" được.

Theo bà Lê Thị Điệp, cho trẻ xem tivi thay vì chơi đồ chơi là phản khoa học, "đứa trẻ đến trường chỉ biết ngồi một chỗ xem tivi sẽ tạo ra tâm lý thụ động, ù lì".

Bà Điệp chia sẻ, mặc dù Bộ GD-ĐT khuyến khích giáo viên tự làm đồ chơi cho trẻ, nhưng những loại đồ chơi tự tạo này thường được làm từ vật liệu đơn giản (như bìa cứng, thùng xốp, hộp giấy...) nên thường mau hư. Vả lại, số lượng các cháu trong mỗi lớp quá đông, khiến các cô không còn thời gian để "sáng tạo" đồ chơi.

Đồ chơi cho trẻ MN nếu được làm bằng gỗ là tốt nhất. Nhưng đồ chơi bằng gỗ hay bằng nhựa cao cấp thì đều đắt tiền. Cho nên, nhiều trường MN vẫn phải dùng đồ chơi làm từ nhựa tái chế, rất độc.

Bà Lê Thị Liên Hoan -Phó phòng Mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM tổng kết: Sở đã có hướng dẫn cụ thể việc sử dụng các loại đồ chơi trong trường nhưng không phải trường nào cũng thực hiện được. Vẫn còn tình trạng thiếu đồ chơi, đồ chơi tiếp đất không an toàn... Sắp tới, Sở sẽ yêu cầu các trường bám sát chương trình GDMN mới và phải thiết kế đồ chơi phù hợp với từng lứa tuổi. Ví dụ, với nhóm nhỏ tuổi, cần phát triển thế giới quan, thì đồ vật phải phát ra tiếng kêu. Với yêu cầu vận động thì đồ chơi phải tiếp đất an toàn, làm bằng chất liệu thân thiện, không độc hại...

Theo PNO

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Trẻ ít vui chơi
Ngày gửi: 12/22/2009 3:38:11 PM

Theo xu thế phát triển của toàn xã hội, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào bậc học Mầm Non tôi thấy cũng đỡ một phần cho giáo viên, trẻ thích thú học, nhiều cái sáng tạo. Nhưng tôi không yên tâm với các hoạt động khác như buổi chiều các cô giáo chỉ mở hoạt dình hay băng đĩa cho trẻ xem, Như vậy trẻ không được hoạt động nhiều và sự PT của trẻ cũng bị ảnh hưởng, trẻ không nhanh nhẹn, cục mịch hơn so với trước đây vào buổi chiều trẻ thường được chơi các trò chơi dân gian tạo cho trẻ nhanh nhẹn, hoạt bát hơn.


guest
Đồ chơi tự tạo , và mức độ an toàn?
Ngày gửi: 2/5/2010 12:26:15 AM


Tôi là giáo viên Mầm Non, vì sinh kế tôi phải làm thuê cho một công ty đồ chơi của Pháp .
Họ đặt hàng, có mẫu và tôi phải làm đồ chơi theo mẫu để họ đưa vào bán cho trẻ Mầm Non chơi.
Yêu cầu về an toàn cho trẻ như sau :
An toàn cơ khí: Vật không được sắc , nhọn , dễ vỡ .
An toàn hoá chất: Không gây độc hại cho trẻ.
Tưởng dễ ăn nhưng không phải vậy. Họ bắt tôi phải đi kiểm nghiệm hoá chất để xem chắc đồ hơi đó có độc hại không? Sau đó tôi mới tá hoả vì hàng không xuất đi được vì những lý do sau :
( Những vật liệu cũ như nắp hộp , vỏ chai , lon , túi ni lông đã bỏ đi rửa sạch rồi làm đồ chơi cho trẻ chơi ) . Vỏ chai những thứ người ta dùng rồi bỏ là những thứ vô cùng độc hại. Nếu trẻ cho lên miệng ngậm thì sao ? Có bao nhiêu con vi trùng sẽ dính vào tay trẻ khi trẻ cầm lên chơi ?

Cuối cùng tôi phải xoay qua làm đồ chơi bằng gỗ, làm bằng vải, nhưng phải là vải do chính tay tôi nhuộm bằng các vỏ, rễ cây mà tôi học được từ các bà mẹ miền núi. Cuối cùng tôi mới hiểu được vì sao đất nước người ta đi trước mình cả trăm năm. Giáo viên nước người ta không bao giờ làm đồ chơi cho học sinh chơi theo kiểu mất vệ sinh như thế !
Hãy để các cô có thời gian suy nghĩ xem dạy gì cho trẻ.



Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Phổ cập giáo dục cho trẻ năm tuổi: Bài toán khó (8/12)
 Chuyện lạ ở Ngàn Ván (3/12)
 Dạy học toán qua chuyện kể (26/11)
 Giáo viên mầm non: ít người, lắm việc (24/11)
 Tôi đi làm cô nuôi dạy trẻ (23/11)
 Giáo viên khốn khổ vì bị giữ bằng gốc (20/11)
 Bức tranh đời sống giáo viên mầm non (18/11)
 Mẫu giáo lớn của Mỹ cũng dạy học trước ( phần 2 ) (17/11)
 Quan sát người Mỹ dạy 'mẫu giáo lớn' ( phần 1 ) (16/11)
 Hải Phòng: Nhiều trường mầm non “nợ chuẩn” (14/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i