Giáo dục mầm non
   Giáo viên mầm non: ít người, lắm việc
 

Công việc quá nặng nề cộng với thù lao quá thấp khiến ngày càng ít người đi vào ngành giáo dục mầm non. Tình trạng thiếu giáo viên mầm non ngày càng trở nên trầm trọng.

Giáo viên mầm non kiêm luôn công việc của bảo mẫu. Trong ảnh: giáo viên Trường mầm non Măng non, Q.2 chải tóc cho HS trước khi ra về-Ảnh: H.HG.

Hơn 18g một ngày giữa tháng 11, chúng tôi đến Trường Mầm non quận Tân Bình, TP.HCM. Sân trường chỉ còn chú bảo vệ nhưng tất cả các lớp vẫn sáng đèn. Tò mò, chúng tôi chạy lên xem: các cô giáo (hầu hết tốt nghiệp đại học) đang quét, lau dọn phòng học, chà nhà vệ sinh, lau bụi cửa sổ, kệ cửa, đồ chơi... Thậm chí có cô phải sang lớp khác bưng từng thau nước về lớp mình chùi rửa vì "bữa nay cúp điện, nước ở phòng này yếu quá, sang lớp khác xin cho nhanh".

Giáo viên "3 trong 1"

Tuyển bảo mẫu thay thế
Tình trạng thiếu giáo viên mầm non đã kéo dài nhiều năm nay trên địa bàn TP.HCM nhưng xem ra tình hình vẫn không có gì sáng sủa. Để đối phó, các trường đành phải tuyển bảo mẫu vào làm thay thế. Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh - trưởng phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM, ở những trường công lập, thay vì một lớp yêu cầu phải có hai giáo viên thì nhiều trường chỉ có một giáo viên và một bảo mẫu. Còn ở một số nhóm trẻ tư thục thì nhiều lớp chỉ có bảo mẫu chứ không có giáo viên. Công việc quá vất vả cộng với thù lao quá thấp nên các trường sư phạm khó thu hút thí sinh giỏi vào học ngành giáo dục mầm non.
Cứ tưởng đây là trường hợp đặc biệt. Nhưng không! Hầu hết giáo viên mầm non trên địa bàn TP.HCM đều phải kiêm luôn những nhiệm vụ trên. Cô Đinh Thị Kim Phượng - giáo viên lớp gấu bông, Trường mầm non Măng non, Q.2 - bộc bạch: "Lớp không có bảo mẫu, nhân viên phục vụ chỉ quét dọn hành lang và sân đã hết ngày. Những việc còn lại trong phòng học giáo viên phải tự vệ sinh cho sạch sẽ".

Không những thế, nhiều giáo viên còn phải bắc ghế, leo thang lau từng cánh quạt, ô cửa sổ và tưới cây, cắt lá vàng, tỉa cành... cho cây kiểng phía trước lớp học mình phụ trách.

Một ngày làm việc của giáo viên mầm non thường bắt đầu từ 6g30 và kết thúc lúc 18g hoặc 18g30 tùy từng trường. "Nhưng khi về nhà chưa hẳn đã kết thúc, vẫn phải làm sổ sách và soạn giáo án, làm đồ dùng dạy học. Chương trình mới yêu cầu giáo viên phải soạn giáo án theo chủ đề ngắn, tham khảo khắp nơi mới nghĩ ra một chủ đề, rồi làm đồ dùng, tìm tranh ảnh...

Khâu chuẩn bị mất ba ngày thì sử dụng nó được năm ngày, xong lại phải nghĩ ra chủ đề khác" - một giáo viên lớp chồi ở Q.Bình Thạnh tâm sự.

Nỗi khổ tâm nhất của giáo viên mầm non là công tác quan sát trẻ và tham gia hàng loạt phong trào, nói như một giáo viên: "Nếu một lớp có 30 HS thì hai cô giáo có thể thay phiên nhau quan sát (để nắm bắt đặc điểm tâm sinh lý HS). Đằng này 50 HS một lớp, chưa kể giờ chơi của cháu cô phải tranh thủ giặt khăn, lau dọn phòng... Thế nên cô phải tự nghĩ ra rồi ghi vào sổ quan sát để cấp quản lý kiểm tra. Chưa hết, một năm học có đến hàng chục phong trào lớn nhỏ, cái gì cũng ấn xuống bắt giáo viên tham gia".

Thiếu trước, hụt sau
Vì thế, chuyện "hụt" giáo viên là chuyện thường ngày ở... trường. Ngay cả những trường lớn như Mầm non 27, Q.Bình Thạnh cũng không tuyển thêm được giáo viên. "Hiện trường chỉ có đủ giáo viên đứng lớp chứ không có giáo viên dự khuyết.

Bữa nào có cô đi họp, đi học là ban giám hiệu hoặc bảo mẫu, nhân viên phục vụ phải vào làm thế. Mà đặc thù ngành mầm non chỉ có cô giáo mới biết tính khí từng cháu để chăm sóc. Bởi vậy nên các cô có đau ốm cũng chỉ xin nghỉ nửa ngày đi khám bệnh, buổi chiều lại vào dạy tiếp. Đến việc tổ chức lễ cưới các cô cũng chờ đến dịp hè, chứ cưới trong năm học mà nghỉ 5-7 ngày đi tuần trăng mật thì lấy ai chăm sóc cháu" - bà Võ Thị Phượng, hiệu trưởng Trường Mầm non 27, cho biết.

Không những thế, rất nhiều giáo viên mầm non trên địa bàn thành phố đang phải học nâng chuẩn (để đạt trình độ đại học) vào thứ bảy và chủ nhật mỗi tuần. Một hiệu trưởng lo lắng: "Về lâu dài sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng chăm sóc cháu. Cả tuần cô đã mệt rã rời với công việc ở trường suốt từ sáng đến tối. Có hai ngày nghỉ lại phải đi học thì làm sao bảo đảm sức khỏe và hạnh phúc gia đình".

Theo Tuổi Trẻ

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Không sai chút nào
Ngày gửi: 11/26/2009 9:19:43 PM

Với tình hình này, nếu không có sự can thiệp của cấp trên, nhà nước thì không bao lâu sẽ không còn ai trụ nổi lại ngành. Theo tôi được biết có không ít giáo viên đã làm trong nghề gần 10 năm cũng không thể chịu nổi áp lực. Suốt ngày thanh tra, mà còn đột xuất. Và gần đây các chị đồng nghiệp của tôi cũng đang tìm hướng thoát khỏi công việc giáo viên mầm non này và đang tìm công việc mới. Tôi Thực sự mong đợi các cấp lãnh đạo hãy xem xét.


guest
Nhận xét
Ngày gửi: 11/28/2009 8:44:23 PM


Tôi đồng ý với bài viết trên, GVMN sao vất vả quá. Nếu như thế này sẽ không ai dám làm nghề này mất vì không đủ sức khỏe mà làm. Cấp trên suốt ngày kiểm tra đột xuất, nào là thi cử, nào là phong trào... Tôi là một GV trẻ cũng yêu nghề nhưng giờ tôi không trụ nổi nữa mà cảm thấy chán nản quá. Chắc phải đi tìm việc khác. Nhiều khi nghĩ làm công nhân mà sướng vì họ làm xong là về không phải lo lắng gì hết, còn GV về đến nhà rồi vẫn còn phải làm việc tiếp. Với người đã có gia đình thì thời gian đâu mà lo cho chồng, cho con, còn với người trẻ chắc họ ế hết.



guest

Kính mong các cấp lãnh đạo hãy chú ý đến chúng tôi!
Ngày gửi: 11/28/2009 10:15:25 PM

Bản thân cũng là 1 GVMN, tốt nghiệp ĐH , tôi mong muốn về cống hiến sức mình cho tỉnh nhà. Nhưng qua 5 năm làm việc, tôi thực sự bị bị đuối, bởi lượng công việc quá nhiều. Tại trường trong TPHCM cơ sở vật chất còn tốt. Còn chúng tôi, trường vùng sâu, xa lại càng khó khăn . Cứ hết lễ hội này, hội thi kia thì thanh kiểm tra. Chúng tôi thường bảo nhau là sao hằng ngày vẫn làm đấy thôi vậy mà khi có đoàn kiểm tra vẫn thấy chưa đủ. Với đồng lương ít ỏi, giờ giấc quá nhiều, làm mối quan hệ XH của chúng tôi hạn chế, chính vì vậy có nhiều GV đã bỏ lỡ cơ hội lập GĐ. Chúng tôi cũng thường trêu đùa nhau, nghề lương bổng ít, làm nhiều mà còn bị coi thường thì chỉ có ế thôi. Quả thật chúng tôi rất yêu nghề. Nhưng tôi kính mong, Đảng và nhà nước hãy can thiệp giúp đỡ chúng tôi, để chúng tôi có thể tự tin, thoải mái khi làm việc. Xin hãy chú ý đến chúng tôi nhiều hơn nữa!


guest
Đúng hoàn toàn, làm nhiều hưởng ít
Ngày gửi: 11/29/2009 7:18:18 PM


Với tình hình thực tế hiện nay, giáo viên mầm non sẽ không bảo đảm và trụ trong ngành lâu vì áp lực công việc ( Kiểm tra đột xuất, Kiểm tra chuyên đề, thanh tra) Rõ mệt ....



guest

Viết nhiều cũng thế
Ngày gửi: 12/2/2009 3:48:06 PM

Qua bài viết này tôi đồng tình với bạn, nhưng bạn ơi viết nhiều cũng thế thôi, không ai hiểu được cô giáo MN cực như thế nào đâu. Họ chỉ nghĩ cô giáo MN vào lớp chỉ kể chuyện hay múa hát cho các cháu nghe, họ không nghĩ cô giáo MN ngoài việc dạy dỗ, chăm sóc trẻ còn làm đủ thứ chuyện
nào là chà nhà vệ sinh, lau nhà... làm việc như một ôsin. Chúng tôi thường nói với nhau GVMN là osin cấp cao, lương thì ít, kiến thức thì nhiều. Các osin trình độ thấp, lương cao, tối được nghỉ thảnh thơi, còn chúng tôi phải ôm việc về nhà làm, không có thời gian chăm sóc chồng con. Tôi mong các cấp lãnh đạo, các hiệu trưởng hãy giảm bớt công việc, nhất là khi áp dụng CTCSDMN mới của nước ngoài, nhất là khi nước ngoài một lớp chỉ có 10 trẻ, GV không làm vệ sinh. Vì vậy râu ông này cắm cằm bà kia chỉ tổ khó cho chúng tôi mà thôi vì chúng tôi là người thực hiện nên chúng tôi hiểu rất rõ. Kính mong Quý lãnh đạo hãy thấu hiểu.



guest
Nói thì dễ còn làm thì...
Ngày gửi: 12/3/2009 9:16:53 PM


Tôi cũng đồng tình với bài viết và những ý kiến trên của tất cả các bạn. Tôi cũng là một GVMN ở một huyện miền núi nhưng trong một năm học, hết hội thi này đến hội thi nọ. Nhưng đó là báo trước, nhưng các đợt thanh tra dự giờ đột xuất. Trường tôi là một trường chuẩn nên suốt nhày cấp trên nói phải như thế này phải như thế kia cho các trường khác noi theo. Đúng như các bạn nói tôi cũng có niềm yêu nghề nhưng với áp lực như thế này không biết tôi có trụ nổi nữa không.



guest

Giáo viên mầm non, ít người lắm việc
Ngày gửi: 12/3/2009 9:22:01 PM

Đã 11 năm công tác trong nghề GVMN nhưng không lúc nào tôi cảm thấy vui vẻ và thoải mái khi đi làm mặc dù rất thương các cháu tôi ước gì mình thật sự 1 lần đến trường vui vẻ thoải mái khi đến trường. Đọc những ý kiến của các bạn tôi thật sự sung sướng vì những bức xúc của mình đã được các bạn nói hộ. Theo tôi vấn đề hiện nay không phải là tiền lương mà là công việc quá tải những công tác thanh tra, kiểm tra và những yêu cầu cấp trên đưa xuống chúng tôi làm nhưng không ai nhận thấy và cũng không theo thực tế ngươc lại không có thời gian chăm sóc cho các cháu vì phải chạy theo phong trào, theo công tác ví dụ như rửa tay phải đúng theo tác...giờ ăn , ngủ, chơi cũng phải bị gò ép vậy mà vào lớp 1 lại bỏ nếp...Kính mong Quý Lãnh đạo hãy thật sự quan tâm đến các cháu theo đúng nghĩa của nó đừng đi 1 đường làm 1 nẻo...


guest
Mong được thông cảm
Ngày gửi: 12/4/2009 9:01:43 AM


Một lần nữa chúng tôi mong Quý lãnh đạo hãy quan tâm, thông cảm và thấu hiệu cho GVMN.



guest

!!!!
Ngày gửi: 12/4/2009 10:10:47 AM

Tôi cũng là GVMN trong tương lai. Dù học ĐH chính quy tôi cũng thấy hoảng sau một thời gian thực tập. Thực sự tôi đang tìm một hướng đi mới.


guest
Sao mà khó
Ngày gửi: 12/4/2009 9:57:07 PM


Chúng tôi còn quá nhiều việc chứ đâu phải chỉ riêng gì giáo án, mà sao cứ làm khó cho giáo viên mầm non chúng tôi. Nếu như vậy hoài thì chác càng về sau này giáo viên chúng tôi ở giá hết quá, hoặc gia đình tan vỡ mất thôi.



guest

Nhận xét
Ngày gửi: 12/5/2009 2:05:52 PM

Làm giáo viên mầm non khổ thật, cực thân cực xác đã đành, còn nỗi khổ khi gặp phải những phụ huynh quá cưng con, họ không thông cảm cho giáo viên một chút nào hết. Ở nhà có 2 ngày thì than khổ, con thì chỉ có 1-2 đứa, trong khi cô giáo bao nhiêu là học sinh, làm sao có thể chu toàn hết tất cả công việc mà không xảy ra sơ suất. Giáo viên mầm non chỉ là "người ở" mà thôi, họ sẵn sàng quát tháo và nặng nhẹ khi không vừa ý. Không gì khổ bằng làm giáo viên mầm non.


thanhthuthuy2003
Đồng cảm
Ngày gửi: 12/6/2009 9:08:04 PM


Em cũng là một giáo viên trong nghề. Đọc xong những dòng chữ này em mới thấy: Sao giống mình thế, thực sự em đã được đọc những dòng chia sẻ tương tự như thế này cách đây 4 năm rồi. Nhưng không thấy công việc, áp lực giảm nhẹ đi mà ngày càng tăng thêm. Em đồng cảm với tất cả những ý kiến của các chị, vì thực sự mà nói giáo viên mầm non ai cũng từng trải qua hết rồi. Chỉ có người trong nghề, người đứng lớp, chăm sóc các cháu mới hiểu được nhau thôi.



guest

Nỗi khổ không ai biết
Ngày gửi: 12/7/2009 9:05:35 AM

Tôi cũng là 1 GVMN nên rất đồng tình với các bạn. Thật sự không biết nói thế nào với nỗi khổ của GVMN. Gần 10 năm theo nghề giờ tôi thấy mệt mỏi muốn bỏ đi làm công nhân. Đi làm công nhân còn có thời gian nghỉ ngơi, còn đằng này cả ngày ở trường tối về lo đù thứ sổ sách rồi phải lo làm đồ dùng để dạy. Đi dạy về cơm nước xong là tôi ngồi ngay vào bàn lo giáo án, sổ sách. Vậy mà còn không kịp nữa, thứ 7, CN được nghỉ cũng không dám đi đâu vì sợ không kịp nộp sổ sách. Tới những lần thanh tra thì ôi thôi gần như thức trắng, nào là dọn lớp, lên tiết... Tôi k hề lo gì được cho GĐ, thấy cái bàn bụi mà còn không lau được nữa nói chi cơm nước. Đồng lương với vật giá hiện nay thì sao đủ? Người chồng,g ia đình chồng có đồng ý khi vợ, con dâu mình không hề lo lắng cho GĐ không? Đi chơi với bạn một chút cũng k dám nữa nói chi lấy chồng. Vì thế mà hiện nay có rất nhiều GVMN k tìm được cho mình một người bạn đời k phải vì họ xấu mà do áp lực công việc khiến họ trở nên như thế. Tôi nghĩ nếu tôi lấy chồng phải bỏ nghề thôi nếu k GĐ tôi sẽ k HP. Nếu như được giảm bớt những sổ sách mà tôi thấy không cần thiết thì đâu đến nỗi này. Làm nhiều nhưng k có kết quả chỉ toàn là đối phó với thanh tra. Làm sao để các cấp trên hiểu đây?


guest
Ngán ngẩm
Ngày gửi: 12/8/2009 2:07:41 PM


Mình là GVMN dạy được 7 năm rồi, nói thật ko 1 ngày nào lên lớp mà mình cảm thấy thoải mái dù rằng mình rất yêu trẻ. Áp lực từ mọi phía.(BGH,phụ huynh,phongfGD...). Các bạn dạy trường công còn được nghỉ thứ 7, trẻ ít. Mình làm trường tư lớp thì đông gấp 2,3lan, làm thứ 7 nữa. Ngày làm từ 6h30 đến 6h mới được về. Đã vậy hồ sơ, sổ sách, giáo án mỗi năm đều thay đổi. Mà không thấy giảm tải gì cho GV cả. Ngán ngẩm mình đang tính bỏ nghề đây.



guest

Nhìn lại mình
Ngày gửi: 12/12/2009 10:13:35 AM

Nếu như ai đó về vùng quê ở miền trung đất Quảng, nơi vùng biển nghèo thì sẽ thấy mình còn ưu ái hơn chúng tôi. Một cô giáo đứng 1 lớp với 30 đến 40 học sinh ghép 3 độ tuổi, công việc thì tất tần tật lúc 6 giờ 30 dến 18 giờ từ quét dọn, vệ sinh, ăn ngủ...tối về nhà thì soạn giáo án và làm đồ dùng đồ chơi cho các hoạt động lên lớp. Thế đó lương thì 1 triệu/tháng, có thể nghĩ theo 2 nghĩa: Vì yêu nghề - số phận. Có lẽ theo đó không cấp nào quan tâm đến số phận của những con người ươm mầm xanh cho đất nước và cũng có thể họ không hề biết. Đành chịu chờ ở những tấm lòng hảo tâm.
K.Chi



thudung
Giáo viên mầm non: ít người, lắm việc
Ngày gửi: 12/28/2009 10:26:26 PM


Đọc bài báo xong sao tôi thấy nỗi khổ lại tăng thêm gấp bội, trường tôi gần tháng nay lúc nào cũng khuyên các GV có thanh tra đột xuất, thế là GV lúc nào cũng trong tình trạng lo ngay ngáy. Chiều về muộn lo chuẩn bị bài vì dù sao cả ngày lo chăm sóc các cháu, sáng lại phải đến sớm để chuẩn bị một ngày mới. Phải đến 9h mới hết lo Phòng không về. Thế là lại lo ngày hôm sau, sao mà khổ quá trời.



guest

Bức xúc biết tỏ cùng ai?
Ngày gửi: 4/4/2010 1:42:50 PM

Tất cả những gì chúng ta nêu lên ở đây ai sẽ đọc? Ai sẽ thay đổi nó? Hay chỉ để chúng ta bức xúc và càng ngày càng bế tắc rồi bỏ nghề? thật ra các chị có để ý những gì chúng ta chịu, từ phụ huynh thì ít mà từ phía chính cấp trên của chúng ta, những người cũng cùng ngành nghề đó thôi? Thiết nghĩ, cứ đà này chắc sẽ có 1 ngày nước ta lại 1 lần nữa sốc vì giáo viên MN không còn mà toàn người tay ngang vào nghề!


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Tôi đi làm cô nuôi dạy trẻ (23/11)
 Giáo viên khốn khổ vì bị giữ bằng gốc (20/11)
 Bức tranh đời sống giáo viên mầm non (18/11)
 Mẫu giáo lớn của Mỹ cũng dạy học trước ( phần 2 ) (17/11)
 Quan sát người Mỹ dạy 'mẫu giáo lớn' ( phần 1 ) (16/11)
 Hải Phòng: Nhiều trường mầm non “nợ chuẩn” (14/11)
 Giáo viên bậc mầm non quá tải giờ làm (12/11)
 Trường mầm non đang bị “xà xẻo” (11/11)
 Coi trọng chất lượng giáo dục mầm non (10/11)
 Giáo dục mầm non tại ĐBSCL: Trăm bề thiếu thốn (9/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i