Giáo dục mầm non
   Bức tranh đời sống giáo viên mầm non
 

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có 17 vạn giáo viên mầm non, trong đó có 9 vạn giáo viên ngoài biên chế.
Giáo viên mầm non quá vất vả, làm việc suốt từ 6h sáng đến tận 6h tối. Đặc biệt, trách nhiệm rất lớn, không dám bỏ lớp vì nếu có sơ sảy gì với học sinh thì giáo viên phải chịu trách nhiệm. Thế nhưng thu nhập của họ lại rất thấp.

Đây là bức tranh chung về đời sống giáo viên mầm non mà ông Nguyễn Hải Thập, Cục phó thông tin, Cục Nhà giáo (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã cho biết khi đoàn khảo sát của Bộ tới nhiều địa phương. Theo kết quả khảo sát, trung bình giờ làm việc của nhiều giáo viên mầm non hiện nay thường từ 8 đến 12 giờ/ngày. Đó là chưa kể đến việc định mức giờ làm việc là 60 phút, còn tiết học ở các bậc học khác chỉ có 45 phút.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có 17 vạn giáo viên mầm non, trong đó có 9 vạn giáo viên ngoài biên chế (chiếm gần 55%); riêng các tỉnh miền Nam, tỷ lệ giáo viên trong biên chế lên tới 95%, trong khi ở phía Bắc, tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều. Đối với khu vực đồng bằng, đô thị, chính sách nhà nước chỉ cho biên chế khung trong trường mầm non gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và một số ít giáo viên nòng cốt; còn lại đều là giáo viên hợp đồng.

Những bất cập trong chế độ lương là vấn đề bức xúc nhất đối với khối giáo viên mầm non ngoài biên chế bởi họ không được hưởng thu nhập theo thang, bảng lương của Nhà nước mà chỉ được hưởng mức lương hợp đồng (ngắn hạn và dài hạn). Thu nhập phổ biến hiện từ 300.000 - 800.000 đồng/tháng.

Mặc dù quy định mức lương hợp đồng không thấp hơn mức lương tối thiểu nhưng do địa phương không có tiền, trong khi giáo viên mầm non thừa khá nhiều nên họ vẫn chấp nhận. Cá biệt có tháng, họ chỉ cầm về 100.000 đồng.

Bà Phạm Thị Bộ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện miền núi Vân Canh - Bình Định phản ánh: "Nhiều cô giáo phải đi bộ gần cả ngày mới tới điểm bản để dạy học. Nhiều khi phải đến từng nhà đưa, đón học sinh. Chưa tính thời gian soạn giáo án, thời gian làm đồ dùng dạy học, mỗi giáo viên cũng đã làm việc đến 11 giờ/ngày. Nhưng phần lớn giáo viên không được hưởng chế độ thêm giờ vì quy định dạy 8 giờ chứ không phải làm việc 8 giờ".

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, quy định giáo viên mầm non dạy 8 giờ/ ngày là không hợp lý. Bởi dạy có nghĩa là đứng lớp trong khi đó các giáo viên mầm non còn rất nhiều chuyên môn khác. Chỉ nên yêu cầu 8 tiếng/1 ngày.

Ghi nhận sự vất vả, thiệt thòi này, ông Trịnh Thăng Mạnh, Trưởng ban Chính sách xã hội công đoàn giáo dục thừa nhận, công đoàn không thể lo được về đời sống của giáo viên toàn ngành. Thu nhập của giáo viên phụ thuộc hoàn toàn ngân sách của địa phương và tình hình quản lý của trường. Công đoàn chỉ tham gia với chính quyền để giải quyết đời sống cho giáo viên, bảo vệ lợi ích chính đáng của giáo viên.

Hiện công đoàn mới chỉ quan tâm và hỗ trợ được một nhóm đối tượng, đó là những giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Trong 10 năm qua, cuộc vận động trong ngành đã thu được trên 130 tỷ đồng, giải quyết được nhà ở cho 3,3 vạn giáo viên. Mới đây, Chính phủ cũng đã đồng ý đưa nội dung xây nhà công vụ vào chương trình kiên cố hóa trường, lớp học với mục tiêu xây dựng 1,6 triệu m2 nhà từ nay đến năm 2012. Tuy nhiên, công đoàn giáo dục đã có ý kiến đề xuất với Tổng liên đoàn để có chỉ đạo đối với công đoàn ở các địa phương.

Ông Trịnh Thăng Mạnh cho biết: "Chúng tôi cũng đã "kêu" với ngành để ngành báo cáo Chính phủ và yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo... đấu tranh với địa phương để trả lời câu hỏi bao giờ trả đủ lương, phụ cấp cho giáo viên. Thực ra, chính sách của Nhà nước đối với giáo viên được các địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời đã tốt lắm rồi. Công đoàn cũng thành lập quỹ xã hội từ thiện để trợ giúp những giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị ảnh hưởng của thiên tai".

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ: "Đúng là nhiều giáo viên mầm non thường phải dạy 11-12h /ngày. Mức quy định dạy 8 giờ/ngày hiện nay cũng quá cao. Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trao đổi thêm với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính để chỉnh sửa lại quy định này theo hướng giảm tải và hợp lý hơn nhằm đảm bảo quyền lợi của giáo viên mầm non ở mọi vùng miền".

Theo Cục Nhà giáo, hiện đang đề xuất việc giải quyết chế độ hưu cho giáo viên theo hướng, giáo viên nào có thời gian giảng dạy thực từ năm 1990 trở về trước nghiễm nhiên coi như đã đóng đủ bảo hiểm 20 năm. Việc này nhằm giải quyết một thực tế đang tồn tại là ở nhiều địa phương, giáo viên đã lớn tuổi mà không đủ tiền đóng bù bảo hiểm để được hưởng chế độ.

Theo VnEconomy

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


Graphic

Mọi việc bắt nguồn từ lương thấp
Ngày gửi: 11/18/2009 6:19:21 PM

Tôi nghĩ mọi vấn đề được bắt nguồn từ lương. Ví dụ tôi là giáo viên, tôi có thể làm việc ngày hơn 10 giờ, tôi có thể làm việc thật tốt hơn nữa rất nhiều, cũng có thể hết lòng vì công việc nếu như sự cố gắng của tôi nuôi sống tôi và gia đình không đến nỗi chật vật như thế này.

Nhưng ngành mầm non thu nhập đã rất thấp, xã hội lại không coi trọng, các cô giáo bị ép thực hiện chương trình dạy học, chăm sóc, vệ sinh... v.v... biết bao nhiêu yêu cầu liên tục thay đổi và nâng cao khiến chị em giáo viên cảm thấy mệt mỏi và bức xúc.

Thử hỏi có bao nhiêu cô giáo thực sự yêu và yên tâm với nghề nghiệp nếu tình trạng không có gì thay đổi như hiện nay?



guest
Câu chuyện của tôi
Ngày gửi: 11/18/2009 9:22:53 PM


Đọc bài này tôi như thấ có người đồng cảm vì tôi vừa tốt nghiệp ngành SPMN ra, mang trong mình bao nhiêu nhiệt huyết, muốn đi làm để ứng dụng những kiến thức mình được học vào cuộc sống và để trả món nợ do bố mẹ vay cho tôi ăn học, nhưng thật không may, tôi ra trường không có đợt đóng bảo hiểm mà xã lại không có kinh phí nên họ trả có 200.000/1 tháng, 6 tháng trả lương 1 lân. Tôi ra trường bố mẹ cố gắng lo cho cả 4 anh em tôi ăn học cũng khó khăn vậy mà ra trường tôi không giúp được gì cho gia đình tôi, đi làm cả ngày về chỉ giúp được bữa cơm, việc đồng, việc nhà không giúp được, tiền cũng không có để đưa cho bố mẹ tôi lo cho em tôi ăn học. Nhiều lúc tôi cũng thấy chán nản vô cùng, nhiều lúc chỉ mong nhà nước nhìn xuống hiểu và quan tâm một chút. Càng ngày yêu cầu với giáo viên càng cao, lương thì kh6ong tăng, khi mà miếng cơm manh áo còn không đủ thì làm sao toàn tâm toàn ý với công việc được.



guest

Cần giảm nhẹ bớt gánh nặng cho giáo viên Mầm Non
Ngày gửi: 11/21/2009 1:16:05 PM

Tôi đến trường đón trẻ lúc 7h00 hàng ngày vào mùa đông, 6h30 vào mùa hè trong giờ đón nhiệm vụ là phải trò chuyện, chuẩn bị đồ dùng cho bài mới, sau đó là giờ điểm danh, thể dục sáng, quay vào là hoạt động học có chủ đích, hoạt động ngoài trời, hoạt động góc. Tiếp đến là vệ sinh ăn ngủ trưa. Buổi chiều là vệ sinh ăn quà chiều, củng ccó kiến thức...chưa kể là phải làm đồ dùng đồ chơi cho các môn học, đồ dùng đồ chơi chấm điểm hàng tháng, rồi bài viết tuyên truyền, các hội thi của cô và cháu, làm giáo án điện tử... tôi cảm thấy không xoay kịp. Thực sự tôi là một giáo viên rất tâm huyết với nghề mà nhiều lúc tôi nghĩ rằng khéo không theo nổi.Ai cũng nói rằng " Trẻ em hôm nay...Vậy một lớp học quá bán tới tận 50 cháu một lớp , diện tích lớp học quá hẹp,lương giáo viên hợp đồng lại quá thấp,liệu có đáp ứng được công tác giảng dạy hàng ngày và làm những công việc mà tôi nêu ra ở trên không. Tôi rất mong được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo hãy giảm bớt gánh nặng cho giáo viên chúng tôi và có một chế độ ưu đãi để chúng tôi yên tâm công tác.


guest
NÓI VÀ LÀM NÊN ĐI ĐÔI
Ngày gửi: 11/22/2009 8:16:39 PM


Nói thì cũng phải nói lại, thu nhập đã thấp lại thêm áp lực công việc từ nhiều phía rất lớn nên làm cho các GVMN rơi vào tâm trạng chán nản rất nhiều, đó cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng giáo viên bỏ nghề, bỏ trường, bỏ lớp rất nhiều trong tình hình hiện nay .
Là một phụ huynh có con học lớp Chồi tại một trường MN chuẩn ở quận 3,nhân dịp 20-11 tôi được vào dự hoạt động thao giảng tại lớp con mình học và nhận thấy rằng công việc của các cô thật vất vả từ nuôi cho tới dạy cho hơn 40 học trò mà chúng lại rất nghe lời cô tuy đôi lúc cũng hơi ồn, còn mình thì có một đứa ở nhà mà cũng quản không xong. Vậy mới biết các cô vất vả như thế nào khi chăm sóc dạy dỗ cả mấy chục bé hàng ngày như vậy, nếu không yêu trẻ thì các cô sẽ không làm được như vậy đâu.
Cho nên các vị lãnh đạo hãy nhìn nhận và nên có biện pháp phù hợp chứ đừng nói và nới nữa !




guest

Cái khó bó cái khôn
Ngày gửi: 11/23/2009 9:46:38 PM

Khi đọc bài viết trên tôi thấy đúng với hoàn cảnh của GVMN ở địa phương tôi. Tôi là mmột người dân có con gửi tại trường MN và gia đình tôi cũng ở gần trường nên mọi hoạt động của trường hàng ngày diễn ra như thế nào tôi đều nắm bắt được. Tôi thấy hàng ngày GVMN đi đến lớp rất sớm trước giờ quy định ít nhất 15-30 phút để dọn vệ sinh phòng và đón trẻ. Tối thì nhiều hôm nên đèn lâu rồi tôi vẫn còn thấy mấy cháu cùng cô ngồi chơi đồ chơi trong phòng hỏi ra thì mới biết phụ huynh mải làm việc đồng nên quên cả con. Nhiều hôm quá muộn cô giáo phải đưa về nhà cho ăn cơm cùng gia đình. Còn về lương thì ngoài tiền thu từ học phí của học sinh ra địa phương cũng không có nguồn hỗ trợ nào khác nên lương của các cô không đảm bảo mức sống. Nhiều gv đã bị gia đình gằn hắt vì thời gian lo cho con người quá nhiều, thời gian lo cho gia đình thì không có nhiều chị em con nhỏ còn đang ở độ tuổi đi học tiểu học mà trưa đến cứ phải lang thang hết nhà bà nội, bà ngoại nghĩ cũng toọi nghiệp. Vậy mà đồng lương chưa được 1 triệu đồng/tháng thì hỏi rằng sao họ có thể yêu nghề mến trẻ mang hết tâm huyết của mình lo cho sự nghiệp giáo dục được. Thiết nghĩ các ban ngành cấp trên hãy quan tâm một cách thiết thực hơn đến đời sống của GV để họ có thêm nghị lực mang hết khả năng của mình phục vụ nhân dân.


guest
Chưa ra trường đã nản!
Ngày gửi: 12/1/2009 7:14:41 AM


Tôi là sinh viên năm 2 của một trường đại học chuyên ngành gd mầm non. Tôi rất yêu những đôi mắt ngây thơ của các bé nhưng khi vào học mới thấy hết được những vất vả của nghề. Ai cũng bảo: "ngành này mà cũng học đại học làm gì?". Những lần đi kiến tập chúng tôi đã cảm nhận được hết những nỗi cực khổ của gvmn, không còn thời gian để chăm lo gia đình ngày nào cũng phải loay hoay với công việc từ 6h sáng đến 6h tối chưa về, đa số sinh viên chúng tôi đều cảm thấy ngán ngẩm cho công việc sau này của mình, nhiều lúc chúng tôi đùa với nhau rằng: "tụi mình là oshin có bằng cấp!". Chúng tôi luôn hi vọng sẽ có những sự thay đổi đối với nghề mầm non này để khi ra trường sẽ có thể làm việc đúng với trình độ của mình và cũng không có những trường hợp bỏ nghề.!!!



guest

Lời tâm sự
Ngày gửi: 12/4/2009 9:29:32 AM

Tôi thật sự rất chán và buồn, nhiều khi tôi nói không lẽ tôi sẽ bỏ nghề. Tại sao cùng là Gv mà chúng tôi không được xem trọng như mọi Gv ở các bậc khác. Phải chăng chúng tôi không phải là GV. Chúng thật sự quá mệt mỏi cả về tinh thần lẫn thể xác. Xin hãy đồng cảm với chúng tôi!


guest
Nỗi niềm của tôi
Ngày gửi: 12/10/2009 5:08:00 AM


Tôi vào nghề đã gần 10 năm nay nhưng lúc nào tôi cũng cảm thấy chán nản khi đến tháng lương. Ở trường các cô biên chế nhận lương từ 2,5triệu có cô gần 4triệu. Trong khi đó cũng thời gian làm việc như nhau tôi chỉ nhận được 800.000 đồng từ ngân sách và 300.000từ học phí với số tiền này tôi không biết phải xoay sở cuộc sống của mình ra sao, trong khi đó tôi còn 2 đứa con nhỏ. Có lúc tôi muốn bỏ nghề để đi chợ bán rau cho song nhưng nghĩ công bố mẹ cho ăn học 14 năm cùng 3 năm chồng nuôi ăn học ĐH tại chức tôi lại thôi và cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ. Tôi vô cùng chán nản khi phải đến lớp với đồng lương không đủ cho bản thân tôi chứ chưa nói đến nuôi con.



guest

Lời đồng cảm
Ngày gửi: 12/10/2009 4:40:23 PM

Tôi là SVMN năm 3, hiện tôi đang theo học tại trường ĐHSP Huế. Khi nghe những lời tâm sự của cô giáo MN đi trước nói về công việc của mình tôi cảm thấy rất xúc động và đồng cảm. Khi tôi thi vào ngành này tôi không nghĩ nó vất vả như vậy. Tôi mới đi kiến tập về tôi mới hiểu được hết những điều đó. Mầm Non là bậc phát triển đầu tiên của cuộc đời, nó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và tinh thần của trẻ sau này. "Trẻ em hôm nay, thế giớ ngày mai". Hơn thế nữa tiền lương lại rất thấp. Tại sao nhà nước vá chính quyền lại ít có chế độ ưu đãi đến những người GVMN vậy. Thử hỏi nếu một ngày không có GVMN chăm sóc và giữ trẻ thì những ông bố bà mẹ làm sao yên tâm, làm sao có thời gian đi làm. Khi đó xã hội sẽ như thế nào?


guest
Chuyện của tôi
Ngày gửi: 12/11/2009 10:12:24 PM


Tôi mới vào ngành chưa được bao lâu nhưng mọi người trong gia đình tôi luôn phiền phức và tỏ vẻ không hài lòng với công việc của tôi. Lúc đó tôi chỉ nói: "giữ con thuê người ta mà". Các bạn biết không? Tôi dạy ở một huyện của tỉnh Quảng Trị, ở đây hầu hết tiền lương đều phụ thuộc vào phụ huynh rất khó khăn và vất vả. Tiền thì 2 - 3 ngày phụ huynh mới nộp, lúc thì 50.000, lúc thì 100.000 thì cũng không làm được việc gì cả. Nhà trường cũng đã có giải pháp để giáo viên thu vào một ngày nhất định nhưng quê tôi còn nghèo quá, phụ huynh không đủ tiền. GVMN thì 10 - 12 tiếng một ngày, lại còn làm đồ dùng, đồ chơi. Kinh phí đó chúng tôi đều phải tự bỏ tiền túi ra làm, vất vả thì không nói hết. Tôi viết lên đây mong các cấp ngành quan tâm tới GVMN chúng tôi, nhất là những tỉnh nghèo như Quảng Trị, xin cám ơn!



guest

Khổ qúa
Ngày gửi: 12/13/2009 10:44:59 PM

- Chuẩn bị một tiết Hội giảng mất bao nhiêu công phu, tâm huyết, đầu tư vậy mà khi lên tiết vẫn bị sai sót, bắt bẻ như là lưỡi không sương thì thử hỏi làm sao chúng tôi không run sợ khi bị dự giờ đột xuất, làm sao không sợ Ban Giám Hiệu. Làm sao đây để cho ngành mầm non bớt khổ, bớt sợ? Bớt phải lo lót cho BGH để được yên thân, lương đã thấp, mà còn phải cúng BGH thì khổ quá, không cúng thì càng khổ thêm, lãnh lương ra thiếu trước hụt sau nhưng nghỉ việc thì thành người vô nghề, đâu phải như dạy cấp I,II ;2+2= 4. Sao bắt bẻ được, mẫu giáo thì muốn nói cho trẻ biết 2+2 = mấy là cả một vấn đề.


guest
Buồn thật
Ngày gửi: 12/23/2009 7:59:10 PM


Chưa bao giờ tôi cảm thấy buồn như thời gian này. Mặc dù bên ngoài vẫn phải tươi cười và động viên các đồng nghiệp vừa ra trường, nhưng trong lòng tôi dâng lên một nỗi thất vọng kinh khủng. Thật sự là bất công (không công bằng)khi chúng tôi - những giáo viên ngoài biên chế lại có mức lương có lẽ chỉ bằng 1/3; hoặc cùng lắm 1/2 mà cũng có khi là 1/4 so với giáo viên biên chế. Công viêc thì như nhau thậm chí chúng tôi áp lực công việc có thể là hơn, trình độ tay nghề hơn hẳn .... thế mà....... "Người ta nói có thực mới vực được đạo" mà...



guest

Nổi khổ kêu trời không thấu ...
Ngày gửi: 3/24/2010 9:37:30 PM

Tôi là một GVMN, khi tôi đọc được những tâm sự của các chị sao mà giống tâm sự của chính mình quá. Công việc ở trường thì vô số kể: ở trường thì chăm sóc , giáo dục các cháu, về đến nhà thì phải soạn GÁ, làm đồ dùng dạy học... Vậy mà bây giờ yêu cầu của "các cấp cao" đòi hỏi phải "Xây dựng trường học thân thiện...", đặt ra thêm vô số những yêu cầu khác, làm chị em chúng tôi đêm nào cũng thức quá 12 giờ đêm thật sự bây giờ chị em chúng tôi quá mệt mỏi... Chưa kể đến những chị đã lập gia đình, làm dâu người ta đi suốt ngày mẹ chồng chẳng hiểu, chồng cũng chẳng vui, con thì cứ bỏ mặc suốt ngày... thử hỏi chúng tôi đang sống vì cái gì? Vậy bảo chúng tôi đăng ký giỏi việc nước đảm việc nhà sao đây? Thật sự bây giờ chúng tôi không tìm ra cách giải quyết nữa mong rằng các vị lãnh đạo xem xét dùm để chị em tôi được công tác một cách thoải mái và tự nguyện.


guest
Giáo dục bây giờ...
Ngày gửi: 3/24/2010 9:53:13 PM


Các thầy cô giáo ơi! Bây giờ không biết giáo dục trẻ ntn mới có hiệu quả đây? Câu hỏi đơn giản mà chẳng ai có thể trả lời được, họ đáp lại bằng 1 nụ cười khổ tâm. Áp lực qúa nhiều với họ: Bây giờ dạy không được phạt trẻ (cả những hình phạt đơn giản nhất: đứng ôm tay hầu trong vài phút), không được nói trẻ làm sai khi trẻ làm bài tập sai, không được la rầy khi trẻ vi phạm, không được....đủ thứ khi bây giờ con em chỉ toàn cô cậu ấm, toàn con cưng, vậy trẻ không bao giờ biết lắng nghe những lời dạy của người lớn. Vậy bây giờ mới có tình trạng "bạo lực học đường" cứ xảy ra hằng ngày ở các trường học. Thấy vậy, GD ngày xưa của ông cha chúng ta mà có hiệu quả về chất lượng kiến thức lẫn đạo đức. Chỉ lo lắng cho một thế hệ mai sau khi những thanh thiếu niên không có một khuôn khổ lễ giáo nào thì lúc đó đã quá trễ rồi... Nói bao nhiêu cũng vậy một khi những nhà GD cấp cao chỉ đi "thâm nhập thực tế vài ngày có hẹn trước" rồi lại về lại đưa ra hàng đống sửa đổi về cách GD để các GV thi hành thì thật ... không biết nói gì hơn...



guest

Tại sao thế
Ngày gửi: 3/25/2010 5:15:20 PM

Tôi là sinh viên năm 2 trường CDMN và cũng rất yêu nghề nghiệp của mình. Nhưng khi nghe dư luận về những nỗi vất vả của GVMN tôi cũng thấy hơn nản chí vì dù cho những người như chúng tôi có cần cù chịu khó, có yêu nghề nhưng chúng tôi vẫn là những con người cũng có điều kiện sức khỏe và điều kiện gia đình. Chúng tôi cũng cần được quan tâm và giảm tải trong công việc cho nhẹ nhàng với bản thân cũng như có điều kiện để chăm lo gia đình. Nên theo ý kiến của tôi thì cũng nên có một sự thay đổi nào đó trong tổ chức công việc của người GVMN.


guest
Nói có ai nghe thấy không các bạn đồng nghiệp ?
Ngày gửi: 4/23/2010 4:55:33 PM


Chúng ta là những giáo viên mầm non và trong nghề thi ai cũng có thể thấu hiểu được công việc vất vả và những thiệt thòi của chế độ dành cho GVMN. Nhưng các bạn ơi dã nói rất nhiều, bình luận rất nhiều nhưng những người có thể thay đổi giúp GVMN có một chế độ tương súc với tâm huyết và sức lao động của GVMN có bao giờ tìm đến những chia sẻ này của chúng ta không!



guest

Cần sớm có giải pháp cho các trường mầm non
Ngày gửi: 9/8/2011 8:59:13 PM

Tại các nước tiên tiến, người ta đặc biệt coi trọng giáo dục trẻ lứa tuổi mầm non, đúng theo nghĩa của từ "mầm non" ở lứa tuổi đi mẫu giáo, các cháu nhỏ được ví như những chồi non, là tương lai của đất nước. Việc giáo dục trẻ trong những năm đầu đời là rất quan trọng, làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, tạo nền móng cho tương lai phát triển của trẻ sau này. Quan điểm trên chỉ những người không bình thường mới không nhận thức được.
Đối với nước ta, tình trạng thực tế thật đáng buồn, trường thiếu, các bậc phụ huynh chạy ngược xuôi chen lấn vượt qua các cửa ải để được đến trường. Điều
kiện cơ sở vật chất lớp học thiếu thốn, các cháu bị nhồi nhét đến 60 cháu một lớp. Bên cạnh đó các giáo viên dạy hợp đồng, không được biên chế, với áp lực công việc rất cao nhưng chế độ lương bổng đãi ngộ rất thấp, thật là bất công khi trong cùng một môi trường làm việc (trong cùng một lớp; cùng một ngôi trường) với tính chất công việc, sức lao động bỏ ra như nhau nhưng lương của giáo viên trong biên chế gấp 2-3 lần lương của các giáo viên hợp đồng.
Thiết nghĩ các cơ quan chức năng phải sớm tìm giải pháp giải quyết những bức xúc đang tồn tại trong hệ thống giáo dục mầm non, phù hợp với đạo lý của người Việt Nam ta.



Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Mẫu giáo lớn của Mỹ cũng dạy học trước ( phần 2 ) (17/11)
 Quan sát người Mỹ dạy 'mẫu giáo lớn' ( phần 1 ) (16/11)
 Hải Phòng: Nhiều trường mầm non “nợ chuẩn” (14/11)
 Giáo viên bậc mầm non quá tải giờ làm (12/11)
 Trường mầm non đang bị “xà xẻo” (11/11)
 Coi trọng chất lượng giáo dục mầm non (10/11)
 Giáo dục mầm non tại ĐBSCL: Trăm bề thiếu thốn (9/11)
 Bảo hiểm xã hội cho giáo viên mầm non bị… quên (4/11)
 Cho trẻ mầm non chào cờ: Không khả thi! (3/11)
 Đồ chơi ở trường phải an toàn cho trẻ (2/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i