Giáo dục mầm non
   Lúng túng với chương trình Giáo dục mầm non mới
 

Hiện nay, nhiều giáo viên ở các tỉnh thành gặp nhiều khó khăn và lúng túng với Chương trình Giáo dục mầm non mới.

Không chỉ giáo viên (GV) ở nông thôn, GV thành thị cũng lúng túng với nhiều yêu cầu của Chương trình Giáo dục mầm non mới (CTGDMNM).

Nhiều đại biểu ở các tỉnh thành nêu ra thực trạng tại hội thảo khoa học đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục mầm non tổ chức tại Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM ngày 25/12.

Khó chủ động, sáng tạo theo chương trình mới
TS. Đinh Thiện Tứ (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) vừa thực hiện một trưng cầu ý kiến của 120 SV hệ ngoài chính quy đang học tại Khoa Giáo dục mầm non của trường.

Học sinh Trường Mầm non 10A (Q. Tân Bình) trong giờ ra chơi. Ảnh: XĐ

Có 75% ý kiến cho rằng CTGDMNM không được hướng dẫn tỉ mỉ, chi tiết như chương trình cũ.

Do đó, CTGDMNM đòi hỏi GV phải chủ động, sáng tạo, linh hoạt, mềm dẻo tùy theo trình độ của trẻ và thực tiễn của địa phương để xây dựng nội dung và kế hoạch giáo dục trẻ sao cho phù hợp với chủ đề và lứa tuổi . Vì vậy, nhiều GV mầm non lúng túng khi thực hiện chương trình, đặc biệt là GV ở trình độ trung bình và yếu.

Và đến 80% SV cho rằng GV mầm non đa số chưa biết lập kế hoạch giáo dục trẻ cho phù hợp với chủ đề và phù hợp với lứa tuổi. 85% ý kiến cho là đa số GV chưa biết dựa vào trình độ của trẻ để khai thác sự sáng tạo của trẻ, hứng thú của trẻ mà còn áp đặt hoặc làm thay cho trẻ.

70% ý kiến cho là xây dựng các hoạt động giáo dục theo hướng tích hợp, nhiều GV vẫn còn khó khăn. Ở mỗi hoạt động, GV vẫn chưa biết xác định đâu là mặt trọng tâm, chưa biết lồng ghép các kiến thức, kỹ năng và tích hợp các mặt phát triển cho phù hợp với độ tuổi.

Trẻ mệt mỏi với hoạt động tích hợp
Theo TS. Mai Nguyệt Nga, Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM, dạy tích hợp là dạy học nhẹ nhàng, trẻ tích cực nhưng không hình thành ở trẻ các kỹ năng tạo hình, âm nhạc, toán...

Thế nhưng, thực tế, GV khó có thể đem lại điều đó cho trẻ. Bởi lẽ, có một số GV thiếu kỹ năng tổ chức và tích hợp các hoạt động cho trẻ một cách gượng ép, gò bó. Chưa kể GV đưa vào quá nhiều hoạt động trong giờ học làm trẻ mệt mỏi.

Bà Nguyệt Nga cũng đưa ra thực trạng khi GV gặp khó khăn với việc tách nhỏ các chủ đề lớn thành các chủ đề nhỏ khiến nội dung giáo dục còn lan man.

Bà Nguyệt Nga đưa ra lời khuyên: GV mầm non có thể lựa chọn nội dung hoạt động hợp lý, tương ứng với một chủ đề hoặc một sự kiện nào đó nhằm hướng tới đạt những mục tiêu phát triển nhất định cho trẻ.

Đuối với số trẻ đông, thời gian ít
Theo ThS. Nguyễn Thị Kim Ngân, Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM, số lượng trẻ trong lớp quá đông là ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện và hiệu quả của hoạt động giáo dục theo CTGDMNM.

Tình trạng quá tải về số lượng trẻ ở đa số các trường hiện nay khiến GV khó tổ chức các hoạt động để phát huy tính tích cực của tất cả trẻ trong nhóm lớp, và càng khó để đảm bảo cho mỗi trẻ được tham gia hoạt động.

"Từ tình trạng đó, nhiều GV đành "ngậm ngùi" quay về thói quen lối mòn cũ cung cấp kiến thức cho trẻ để đảm bảo trẻ học được và đạt kết quả tốt khi đánh giá sự phát triển của trẻ" - ThS. Kim Ngân nói thêm.

Đồng tình với ThS. Kim Ngân, ThS. Trần Thị Kim Thoa, Trường Mầm non 11 (Q. Tân Bình, TP.HCM) cũng cho rằng GV khó có thể quan sát, nắm bắt tình hình, tâm lý từng trẻ hay thay đổi môi trường hoạt động, kích thích trẻ vì hạn chế thời gian và số lượng trẻ quá đông trong một lớp học...

Nói về thời gian dạy học ở lớp, bà Trần Thị Nhài, đại diện Trường Mẫu giáo Sơn Ca 4, TP. Cà Mau, cho biết áp lực thời gian gây hạn chế sự sáng tạo của GV. Cường độ lao động quá mệt mỏi phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe GV, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.

Ngoài ra, trình độ không đồng đều giữa các GV, thiếu thốn về cơ sở vật chất cũng là khó khăn khi TP. Cà Mau thực hiện chương trình này năm đầu tiên (năm 2008-2009).

Từ những khó khăn của GV đối với CTGDMNM, các đại biểu cũng cho rằng, vấn đề đào tạo GV, SV ngành GDMN cũng nên được xem trọng nhất là khâu thực hành để chương trình được đưa vào lớp học có hiệu quả.

Chương trình giáo dục mầm non mới được xây dựng từ năm 2002. Dự thảo CTGDMNM được tiến hành thực nghiệm từ năm 2005-2009 và được triển khai thực hiện thí điểm ra diện rộng trên 20 tỉnh. Theo TS. Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, dự kiến năm 2012, CTGDMNM sẽ được triển khai đại trà ở các tỉnh trên cả nước.

Theo Vietnamnet

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

CTGDMNM của Việt Nam
Ngày gửi: 12/29/2009 11:05:39 PM

Đây là một chương trình chẳng thể phù hợp với giáo dục mầm non Việt Nam:
- Sỉ số cháu quá đông so với diện tích lớp và giáo viên quản lý trẻ.
- Giáo viên mầm non không đủ sức để ôm đồm tất cả công việc: Nuôi (tổ chức giờ ăn, giờ ngủ, lau nhà, cho trẻ đi vệ sinh, dạy trẻ kỹ năng lau mặt, rửa tay...); Sổ sách (soạn kế hoạch thực hiện chương trình, chương trình dự kiến, mạng hoạt động, giáo án(mỗi ngày 1 giáo án), kế hoạch ngày (mỗi ngày 1 kế hoạch ngày kèm nhận xét ngày), nhận xét cuối chủ đề,sơ yếu lý lịch trẻ, danh bạ điện thoại, cân đo trẻ béo phì, suy dinh dưỡng hàng tháng, trẻ bình thường hàng quý, cắt dán hoa bé ngoan hàng tháng, nhận xét phát sổ hàng quý,quan sát đánh giá sự phát triển của trẻ (mỗi trẻ 1 bộ hồ sơ riêng), ghi ngày tháng nhận xét tập học của trẻ( mỗi trẻ 3-4 loại tập), sổ điểm danh (phải ghi rõ lý do trẻ nghỉ học từng ngày); Dạy (giờ học, giờ chơi trong lớp, giờ chơi ngoài trời, hoạt động phòng thể dục, âm nhạc, thư viện); Thay đổi nội dung trang trí môi trường theo từng chủ đề, thực hiện bảng tuyên truyền theo chủ đề, sưu tầm nguyên vật liệu mở, phế thải chứa vào các thùng; Vệ sinh (lau nhà trong + sân trước + sân sau -> mỗi ngày 3 lần; giữ nhà vệ sinh không hôi khai suốt ngày; Chăm sóc cây xanh trong và ngoài lớp không héo, bụi; lau chùi cửa kiếng hàng tuần, lau quạt hàng tháng (mỗi lớp ít nhất 5 quạt treo tường), lau chùi kệ góc chơi, đồ chơi thường xuyên, rửa muỗng cháu ăn ngày 3 lần, giặt khăn lau mặt mỗi ngày 100 cái, rửa ca cháu uống nước quả mỗi ngày theo sỉ số cháu đi học, xách nước cho cháu uống hàng ngày;Đảm bảo an toàn cho trẻ (phụ huynh phản ánh dù to hay nhỏ dù đúng hay sai đều do giáo viên không khéo léo trong cách ứng xử -> trừ thi đua); Cho trẻ uống thuốc đúng giờ theo yêu cầu của phụ huynh;
- Tự bỏ tiền túi ra để mua sắm những trang bị cần thiết: giấy in, bút viết, nước rửa chén, giấy vệ sinh, xà bông giặt khăn, giặt màn cửa...
- Cháu bị tai nạn giáo viên phải bỏ tiền trả tiền taxi, tiền thuoốc, tiền khâu, mua quà đến nhà hỏi thăm.
- Hội họp thường xuyên (một người đi họp, một người ở lớp phải làm hết công việc).
- Dự giờ chuyên đề, hoạt động sư phạm, thanh tra giáo viên, thi tay nghề, xác minh giáo viên giỏi...
- Đón đoàn y tế học đường, vệ sinh môi trường, công sở văn minh sạch đẹp...
- Lương ít đóng đủ loại tiền.
- Còn đủ thứ nữa ...



guest
Chương trình GDMN
Ngày gửi: 12/30/2009 2:29:43 PM


Chương trình GDMN là một chương trình rất phù hợp với trẻ mầm non. Tuy nhiên để thực hiện được chương trình này đòi hỏi đội ngũ giáo viên mầm non phải là những người có năng lực trình độ thực sự, đặc biệt là những người quản lý. Thực tế hiện nay đôị ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non trình độ không đồng đều đại đa số bổ túc từ văn hoá cho đến chuyên môn.Nhiều cán bộ quản lý không có đầu óc tư duy trong khi đó số giáo viên mới được đào tạo chính quy học xong không xin được việc. Cán bộ quản lý chỉ biết doạ giáo viên, gây áp lực với giáo viên



guest

Cám ơn!
Ngày gửi: 12/30/2009 8:48:04 PM

Các bạn đã nói lên tâm tình của mình và tất cả các giáo viên mầm non trên toàn quốc. Ôi! ngành này sao mà cực thế mà sao chẳng có ai quan tâm bằng hành động cả chỉ toàn là lời nói thôi.


guest
Mong sự thông cảm của mọi người với cô mẫu giáo
Ngày gửi: 12/30/2009 10:16:25 PM


Những gì viết trên đây đúng là sự thật, GVMN quá khổ, quá nhiều công việc. Hãy giúp đỡ đời sống GVMN.



guest

Giáo viên MN thế kỷ 21
Ngày gửi: 12/31/2009 10:16:45 AM

Đọc xong bài bình luận tôi thấy quá đúng. GVMN VN thế kỷ 21 đúng là một siêu nhân.


guest
Quá chính xác
Ngày gửi: 12/31/2009 11:15:09 AM


Bạn liệt kê khá đầy đủ những công việc của một osin. Vậy đích thị đó là những osin có bằng cấp rùi. Mình cũng đang là osin có bằng cấp nè..Hi..hi..Nhưng mà hễ có một vụ gì đó xảy ra thì y như rằng cô giáo mầm non đều bị đánh đồng hết mà không được thông cảm cho những nỗi khó khăn ấy. Túm lạ mình chỉ nói 1 câu "nếu ai không tin,hãy thử là cô giáo mầm non trong 1 ngày rồi sẽ biết"



guest

????????
Ngày gửi: 12/31/2009 9:40:35 PM

Thật đau lòng cho giáo viên mầm non.
Trăm công nghìn việc đổ lên đầu. Giáo viên mầm non đâu có ngồi chơi không để suy nghĩ ra được đủ thứ để đáp ứng được yêu cầu chương trình này nọ. Chỉ để lên được 1 kế hoạch tạm cho là ổn cho thanh tra thôi cũng làm giáo viên mắt cả tuần trời sửa đi sửa lại. Trong khi công việc thì giờ nào việc đấy. Về đến nhà là chỉ muốn nằm ngay ra ngủ. Vậy thì thử hỏi: Tuần nào cũng suy nghĩ kế họach cho phù hợp với chương trình mới thì sức đâu...thời gian đâu mà đáp ứng được. Chưa kể CTGDMNM không đưa ra 1 chuẩn nào cả. Nếu làm theo ý mình thì các sếp cho là chưa đúng vậy thì còn tự do sáng tạo ở chỗ nào nữa. Cà ng đổi mới trẻ càng chẳng nắm được tí kỹ năng nào.Nhiều lúc tôi tự hỏi không biết bậc học mầm non có phải là bậc học cuối cùng của trẻ không nữa.Đồng lương lại chẳng được bao nhiêu. Tôi chưa có gia đình mà chẳng tháng nào có dư ra được chút nào. Không biết khi lập gia đình rồi sẽ ra sao nữa. Sao cứ phải ép giáo viên mầm non vào đường cùng thế nhỉ??????



guest
Chương trình GDMN mới
Ngày gửi: 1/2/2010 10:08:19 AM


Đồng ý với những gì bạn nêu ở trên. Riêng trường tôi không có bỏ tiền túi ra để mua sắm những trang bị cần thiết: giấy in, bút viết, nước rửa chén, giấy vệ sinh, xà bông giặt khăn, giặt màn cửa. Nhưng họp chuyên môn cụm phải đi nhiều người như tổ khối trưởng các khối , hiệu trưởng..người ở nhà phải gồng gánh công việc, trẻ "sứt đầu chảy máu" không biết ai chịu đây.
Chương trình mới mà người già, cũ đã ăn sâu chương trình cũ vào máu máu rồi làm sao làm mới được.
Vừa qua mình thấy Hiệu trưởng có ý kiến cho các cô cô soạn kế hoạch mà tôi muốn điên. Chương trình mới mà đâu thấy phụ trách chuyên môn huyện đi dự để góp ý đâu. Tôi là giáo viên trong trường tôi nhận thấy Ỷ y vào chuyên môn của trường lớn là sai lầm (Không phải mình vạch áo tìm sâu đâu mà thực tế là vậy - mình ở tỉnh Tiền Giang ).




guest

Làm dâu trăm họ cũng không bằng
Ngày gửi: 1/2/2010 1:32:53 PM

Sao bạn này nói đúng quá, vô cùng đồng cảm!


guest
Quá sức đối với các cô Mầm Non
Ngày gửi: 1/3/2010 10:40:06 PM


Tôi nhất trí với bài trên. Đây là một thực tế "đau lòng" bởi những công việc không tên mà hàng ngày các cô phải đảm nhiệm. Bản thân tôi cũng thấy chương trình mầm non mới có hay nhưng cũng "dở" bởi giáo viên được quyền lựa chọn chương trình giảng dạy, đôi lúc không đầy đủ bằng chương trình cải cách.



guest

Nỗi lòng cô giáo Mầm Non
Ngày gửi: 1/4/2010 2:45:32 PM

Thực ra bài viết trên đã nêu lên những bất cập đối với GVMN. Mặc dù Đảng và nhà nước rất quan tâm, cụ thể đã được cấp phụ trội cho GVMN thế nhưng thấp vẫn hoàn thấp. Bởi vì: Một số BGH vùng sâu ép GV không cho hưởng với lý do GV đi trể vì có việc riêng ( con ốm) ...
Tiền đóng góp quá nhiều ( từ tháng 9/2009 đến 04/01/2010 ) đã nhiều C/V thu ủng hộ nào là bão lụt, vì người nghèo, vùng sâu .... tất cả 06 đợt, ít nhất là 50.0000đ. thật khó khăn cho GVNM chúng tôi.



guest
Hãy lên tiếng và giúp chúng tôi
Ngày gửi: 1/5/2010 5:09:12 PM


Tôi thực sự thấy mệt mỏi với nghề mình đang đi, GVMN. Lương thấp, làm như một ôsin có học vấn, đã vậy còn bị nhiều phụ huynh và mọi người xem thường. Khi nào chúng tôi mới bớt khổ với biết bao nhiêu công việc không tên đây? Khi nào chúng tôi mới có thể nhẹ nhàng hơn khi nghĩ đến công việc ngày mai của mình. Xin hãy lắng nghe chúng tôi, Xin hãy giúp chúng tôi, và lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho chúng tôi.



guest

Tôi không biết phải làm thế nào nữa
Ngày gửi: 1/6/2010 10:35:31 PM

Để thực hiện CTGDMNM quả thực rất khó khăn, tôi đã có rất nhiều ý tưởng mà mình tự cho là hay ho nhưng đúng là chẳng biết làm sao mà thực hiện nổi khi công việc ngập đầu và áp lực nặng nề từ mọi phía.


guest
Dạy một buổi sáng trong ngày
Ngày gửi: 1/8/2010 10:57:31 PM


Mình có một ý tưởng như vầy: gvmn nước ta phải chịu cảnh "sáng sớm đi tối mịt về... lương mình chẳng đủ mình ăn" trong khi tất cả hoạt động chung giờ học đã tập trung hết vào buổi sáng, buổi chiều chỉ làm công việc của bảo mẫu. Vậy tại sao gvmn lại phải đi dạy cả ngày mà không giảm liều lượng lại thành một buổi sáng và có thể là dạy cả thứ 7.



guest

Lời nói thật lòng
Ngày gửi: 1/11/2010 9:43:01 PM

Trong XH, ngành MN của chúng ta không được xem trọng mặc dù đã cống hiến rất nhiều. Sự quá tải của công việc như hiện nay cũng như áp lực từ nhiều phía đã khiến rất nhiều GV nhiệt tâm như chúng tôi bất mãn. Không một lời động viên, cảm thông với chúng tôi mà thêm vào đó là những lời đe doạ nếu không cố gắng đạt được những thành tích trong nhà trường sẽ bị cắt hợp đồng, bị hạ thi đua. GVMN chúng tôi khổ lắm, quần quật suốt ngày ở trường, đồng lương như hiện nay không đủ lo cho cuộc sống của bản thân mà lại còn phải tự chi mua sắm đồ dùng phục vụ cho các tiết dạy của lớp mình nữa.Cứ đà này, 1-2 năm nữa chúng tôi tự bỏ nghề không đợi đến lúc bị BGH cắt hợp đồng đâu.


guest
Tưởng dễ hoá mệt
Ngày gửi: 1/11/2010 9:54:38 PM


CTGDMNmới. Đây là năm đầu tiên chúng tôi thực hiện chương trình này. Mệt quá các chị ơi! Từ đầu năm học tới giờ tôi đã phải sửa KH năm học 3 lần rồi các chị ạ, lý do là kế hoạch của tôi và các đồng nghiệp + PHT phụ trách CM không đồng nhất, chúng tôi mỗi người tự xây dựng cho mình một KH năm học riêng mà không ai giống ai cả. PHT phụ trách CM đến khi có đoàn KT thì lấy KH của chúng tôi để ghi tên các chủ đề vào sổ của mình, còn mặc nhiên chúng tôi chưa hề được PHT đưa kế hoạch chung của mình lên cho các tổ xây dựng. Mà tự tôi phải mày mò, hỏi các trường đã thực hiện rồi và làm theo thôi. Rồi khi dự giờ thì tha hồ xếp nhận xét đánh giá chúng tôi mà có lẽ có những điều sếp không hiểu gì cả . Tha hồ xếp chửi mắng " chúng mày ăn gì mà ngu thế ?". Mỗi lần như vậy tôi lại cảm thấy bị xúc phạm và tự ái dâng trào, tôi muốn bỏ quách nghề này cho xong. Về nhà làm một "con bán hàng "có lẽ lại hoá hay ...



guest

GVMN rất vất vả
Ngày gửi: 1/15/2010 7:33:43 PM

Nghề mầm non lương thấp nhất trong tất cả các nghề,thời gian làm việc nhiều nhất 11 tiếng/1 ngày. Chăm trẻ, lên tiết..................như các bài viết trên đã nói, buổi trưa phải ngồi trực cho trẻ ngủ, có những phụ huynh đón muộn, các cô vẫn phải làm thêm giờ mà có ai triả lương chứ????? có phụ huynh còn tỏ thái độ với giáo viên như ôsin trong nhà vậy. Về đến nhà thì tối mịt muốn nằm ngủ nhưng không sao ngủ được vì còn phải lo giáo án, đồ dùng dạy học......cho ngày hôm sau, không kể việc chăm sóc chồng con. Cứ thế này thì tất cả các giáo viên mầm non sẽ phải bỏ nghề, liệu các mẹ có ngồi nhà trông con mãi được không???


guest
Nỗi lòng không ai hay
Ngày gửi: 1/18/2010 7:31:42 PM


Tôi cũng là một GVMN vừa mới ra trường. Ngay mới vào nghề tôi yêu biết bao nhiêu công việc mình lựa chọn, nhưng giờ càng làm tôi càng thấy chán. Lương thấp là một chuyện lại còn bao nhiêu vấn đề, ai cũng bảo MN là sướng nhất, tôi nghĩ mà tủi thân quá. Là thanh niên mà tôi thấy như bà già vậy. Vậy mà phụ huynh nào có hiểu, khó trăm bề các chị ah, chắc em bỏ nghề thôi.



thuvansonca

Lại thêm một tích hợp nữa
Ngày gửi: 1/23/2010 10:03:14 AM

Vừa rồi tôi được dự lớp tập huấn về SDNLTK- HQ cho lứa tuổi mầm non. Khi học thì thấy nhẹ nhàng, việc tích hợp cũng nhẹ nhàng, nhưng không biết khi thực hiện tại địa phương có nặng nề không. Lại một kiểu lo mới cho giáo viên. Như một chị đã nêu trên tích hợp là phải rỏ ràng, phải cho người dự giờ thấy cụ thể, nếu trong tiết học không thấy thì xếp loại khá. Loại khá đối với địa phương tôi nặng nề lắm. Là CBQL tôi mong các bạn nhẹ nhàng và có những ý kiến xây dựng cho giáo viên khi đi kiểm tra thật hay, thật bổ ích đừng chung chung (như CTMN mới đã nêu) đừng áp đặt sự suy nghĩ của mình vào người khác mà hãy dụa trên nội dung của họ xây dựng góp ý, như vậy sau mỗi lần bị thanh tra TD cấp phòng thì giáo viên vẫn còn tinh thần làm việc với đồng lương thật khiêm tốn như hiện nay.


guest
Cảm nhận được nỗi lòng GVMN
Ngày gửi: 1/25/2010 3:02:25 PM


Tôi cảm nhận được nỗi lòng của tất cả các bạn với chương trình GDMN mới này nhưng tôi thiết nghĩ cần có chỉ đạo chung cho chị em thực hiện và tất cả CB. GV cần được học chương trình này chứ một người hiểu một kiểu thì người chết là giáo viên.



guest

Đồng cảm và sẻ chia
Ngày gửi: 9/2/2010 9:28:15 PM

Thật không ngờ, bài viết của bạn lại quá đầy đủ như vậy. Tôi cung x là giáo viên Mầm non, cũng đã từng yêu biết bao cái nghề "Ươm mầm xanh" mà mình đã lựa chon. Nhưng sau khi tốt nghiệp ra trường, đi làm tôi càng ngày càng nản, càng chán cái nghề mà mình đang từng ngày từng giờ theo nó! Tôi chán đến tận đâu tận đâu nhỉ?... nếu cho tôi chọn lại không bao giờ, thật lòng, không bao giờ tôi theo cái nghề này "Cô giáo mầm non". giờ tôi đang thấy sợ quá, vì quá nhiều áp lực, quá nhiều công việc với một con người bình thường. có lẽ tôi bỏ nghề quá! Mệt mỏi, ngày nào trôi qua cũng là mệt mỏi. Đấy là tôi đã có 1 gia đình hạnh phúc, mọi người từ bó mẹ đến chồng đều tạo điều kiện cho tôi. Tôi đi làm về chỉ mỗi việc ăn cơm thôi, mà sao vẫn thấy nản quá trời! Lương thấp, việc lắm, thời gian trên lớp nhiều, trách nhiệm lớn, lại thêm suốt ngày thay đổi chương trình; nào là Đổi mới hình thức, đổi mới nội dung, chương trình thực nghiệm, rồi CT MNM... Mệt quá!


guest
Thật khó
Ngày gửi: 5/13/2012 8:57:48 PM


Tôi thấy các bạn nhận xét đúng quá.GVMN quả thật rất vất vả vậy mà ngoài giờ lên lớp ra tối đến về nhà lại phải lo soạn bài,chuẩn bị đồ dùng cho ngày hôm sau đã vậy lại còn thêm rất nhièu sổ sách nữa,tôi không biết chương trình GDMN mới này lại lắm sổ đến thế


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Chuyển đổi loại hình cho trường mầm non nông thôn: Đời sống người “xây nền” vẫn khó khăn (25/12)
 Đào tạo GVMN theo chương trình giáo dục mới: “Cung” còn chạy sau “cầu” (28/12)
 Trường mầm non chất lượng cao: Có thực sự như quảng cáo? (23/12)
 Rộ dịch vụ trẻ mầm non học tiếng Anh (21/12)
 Phổ cập giáo dục mầm non từ 5 tuổi (18/12)
 Hà Nội: Giải quyết chế độ chính sách giáo viên mầm non trước Tết Nguyên đán 2010 (17/12)
 'Nặng gánh' với đồ dùng dạy học (16/12)
 Phổ cập trẻ 5 tuổi: TP.HCM đã làm từ nhiều năm nay (15/12)
 Nhóm, lớp mầm non tư thục khu vực ngoại thành đang bị thả nổi (14/12)
 Cấp dưỡng ở trường mầm non: Thiếu nhưng khó tuyển (11/12)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i