Giáo dục mầm non
   Nên linh hoạt trong việc thực hiện “Bộ chuẩn trẻ 5 tuổi”
 

Với mục đích giúp trẻ mầm non phát triển cả trí tuệ, thể chất và tinh thần, chuẩn bị tâm thế tự tin khi bước vào học lớp 1, Dự thảo Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi được lấy ý kiến đóng góp từ đầu năm 2009 và nay đã chính thức có hiệu lực.

Trẻ 5 tuổi được chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày

Bộ GD&ĐT đã có thông tư ban hành ngày 23/7/2010 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6/9/2010.

Theo các tác giả soạn thảo và lãnh đạo Vụ giáo dục mầm non thì Bộ chuẩn này ra đời sẽ đóng vai trò là "kim chỉ nam" để xây dựng một chương trình giáo dục mầm non phù hợp với sự phát triển kinh tế - khoa học kỹ thuật - công nghệ như ngày nay. Đồng thời, góp phần để xác định đúng nội dung, phương pháp giảng dạy, chăm sóc trẻ tương ứng.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, đã có không ít ý kiến của các bậc phụ huynh và các giáo viên mầm non còn tỏ ra băn khoăn, quan ngại khi cho rằng: nếu Bộ chuẩn được áp dụng một cách máy móc, cứng nhắc trong thực tiễn có thể gây ra những áp lực không đáng có đối với trẻ.

Và, trong khi thời điểm áp dụng đã cận kề, Bộ chuẩn vẫn còn gây khá nhiều khó khăn và lúng túng đối với các cơ sở giáo dục mầm non.

Bộ chuẩn trẻ 5 tuổi tập trung vào 4 lĩnh vực: phát triển thể chất, tình cảm xã hội, ngôn ngữ giao tiếp, nhận thức và sẵn sàng với việc học, gồm 28 chuẩn, 120 chỉ số.

So với dự thảo được Bộ GD&ĐT đưa ra từ đầu năm 2009, Bộ chuẩn chính thức đã giảm bớt 1 chuẩn và 9 chỉ số đánh giá.

Theo đó, về thể chất trẻ có thể nhảy xuống từ độ cao 40 cm và tiếp đất an toàn, chạy 18 m với thời gian nhiều nhất là 5 - 7 giây, trèo lên và xuống được ít nhất 5 bậc thang luân phiên từng chân;

Về phát triển tình cảm và quan hệ xã hội, trẻ phải nói được họ, tên, địa chỉ nhà, số điện thoại, tên bố mẹ, có thói quen chào hỏi, xưng hô lễ phép với người lớn, biết nói cảm ơn, xin lỗi;

Về phát triển nhận thức và sẵn sàng với việc học, bé có thể dự đoán một số hiện tượng tự nhiên đơn giản như: nắng, mưa, gió... sắp xảy ra, có thể nhận ra được khối cầu, khối vuông, khối chữ nhật và khối trụ theo yêu cầu;

Về phát triển ngôn ngữ và giao tiếp, ngoài việc phát âm rõ ràng, không nói tục, chửi bậy, trẻ phải tự viết được đúng tên mình, nhận diện được 29 chữ cái tiếng Việt.

Bộ chuẩn cũng được bổ sung thêm một số chỉ số mới không có trong dự thảo như: trẻ 5 tuổi phải biết được hút thuốc lá là có hại và không lại gần người đang hút thuốc, trẻ tham gia học tập liên tục và không có dấu hiệu mệt mỏi trong khoảng 30 phút.

Theo những người là tác giả của Bộ chuẩn trẻ 5 tuổi thì những chỉ số trong Bộ chuẩn đều dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi để giúp trẻ phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần, chuẩn bị tâm thế tự tin khi bước vào lớp 1.

Bộ chuẩn không chỉ phục vụ cho các cơ sở giáo dục mầm non mà còn là tài liệu hướng dẫn cha mẹ có cách chăm sóc, giáo dục trẻ hợp lý.

Tuy nhiên, đối với không ít nhà quản lý giáo dục, giáo viên ở bậc mầm non và cả những người "trong cuộc" là các phụ huynh có con đang ở tuổi mầm non thì nhiều tiêu chí đưa ra trong Bộ chuẩn còn đòi hỏi quá cao so với trẻ lên 5, thậm chí có một số tiêu chí còn thiếu tính khả thi.

Không nên gây áp lực cho trẻ từ những tiêu chí của Bộ chuẩn trẻ 5 tuổi

Trước hết, nếu lấy những tiêu chí của Bộ chuẩn để đánh giá, thì trẻ học trong các trường mầm non ở các vùng quê sẽ chịu nhiều thiệt thòi hơn so với trẻ ở thành phố. Do còn có sự khác biệt và khoảng cách về điều kiện sinh hoạt, điều kiện chăm sóc, dinh dưỡng, trẻ ở các vùng thành phố, thị xã là con của các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khá giả sẽ có điều kiện phát triển hơn về thể chất.

Đồng thời, trẻ cũng có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp xúc với thế giới xung quanh, các phương tiện giải trí hiện đại, kích thích trí thông minh cũng như khả năng phát triển về giao tiếp, ngôn ngữ, nhận thức.

Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp ở các vùng nông thôn cũng không thể bằng thành phố, đó là chưa nói đến các trường ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa.

Và vì thế, có giáo viên mầm non kinh nghiệm, từng nhiều năm trong nghề cho rằng: trẻ mầm non ở các vùng nông thôn có thể dễ dàng đáp ứng thậm chí vượt chuẩn về chạy nhảy, leo trèo. Nhưng về khả năng nhận biết, suy đoán, đọc chữ, hát, vẽ thì các em lại khó có thể bằng được so với các bạn cùng trang lứa ở thành phố.

Bên cạnh đó, Bộ chuẩn còn đưa ra những tiêu chí đòi hỏi quá cao so với trẻ lên 5.

Chẳng hạn như chỉ số chạy 18 m với thời gian nhiều nhất từ 5 - 7 giây, với thời gian ngắn như vậy, không nhiều trẻ thực hiện được.

Hay có các chỉ số đòi hỏi khả năng vượt tầm so với đa số trẻ 5 tuổi như: biết được các phần của truyện, biết được ý nghĩa các biển báo giao thông, dự đoán các hiện tượng thiên nhiên sắp xảy ra...

Đây thực sự là những yêu cầu mà ngay đến cả học sinh tiểu học, không phải em nào cũng có thể thực hiện được ngay.

Đó là chưa kể đến những tiêu chí có phần "trái khoáy" và mâu thuẫn như: trẻ phải tự viết đúng được tên mình, trong khi ở nhiều địa phương đã có chủ trương không dạy chữ trước cho học sinh mầm non. Trẻ chưa được học viết và ghép vần thì không thể tự viết tên mình được.

Hay tiêu chí yêu cầu trẻ phải học liên tục, không mệt mỏi trong 30 phút cũng khó thực hiện, bởi trẻ ở tuổi này thường hiếu động, khả năng tập trung chưa cao.

Tiêu chuẩn sẵn sàng với việc học của trẻ cũng là một khái niệm trừu tượng, mơ hồ với trẻ 5 tuổi khi mà yêu cầu "sẵn sàng" ấy gắn liền với các kỹ năng sống cần thiết mà trẻ cần phải có để thích ứng với môi trường lớp 1 như: thông hiểu từ vựng, khả năng giao tiếp, khả năng tập trung, chú ý, tính tò mò, khả năng hợp tác...Với những kỹ năng ấy, rất khó để có thể "đong đếm" được mức độ sẵn sàng của việc học của trẻ.

Trong khi Bộ chuẩn còn đặt ra những tiêu chí có phần "cứng", rườm rà, chi tiết như yêu cầu trẻ phải chạy được liên tục 150 m không tính thời gian hay ném và bắt được bóng đường kính 15 cm bằng hai tay... thì còn có không ít những tiêu chí đưa ra nhưng lại thiếu những chỉ số cần thiết.

Bộ chuẩn đưa ra tiêu chí trẻ phải giữ đầu tóc gọn gàng, quần áo sạch sẽ, không tự ý sử dụng những đồ vật gây nguy hiểm như: dao, đinh, kim tiêm, ổ điện, diêm, bật lửa, phích nước sôi... trong khi ở lứa tuổi lên 5, trẻ rất ưa hoạt động, chạy nhảy, nhất là các bé trai nên rất khó có thể giữ được đầu tóc gọn gàng, quần áo sạch sẽ.

Mặt khác, trẻ ở độ tuổi này vốn hiếu động, tò mò, nên để các bé hiểu và không sờ vào các vật gây "nguy hiểm" nêu trên không phải là việc dễ.

Một số tiêu chí khác lại tỏ ra thiếu tính khả thi như: yêu cầu trẻ phải đặt được lời bài hát theo giai điệu hay kể một câu chuyện sau khi xem một bức tranh.

Một vấn đề khác đặt ra là, cơ sở vật chất và thiết bi dạy học còn thiếu, chưa đáp ứng được với yêu cầu đặt ra thì việc thực hiện Bộ chuẩn này trên thực tế sẽ gặp không ít khó khăn.

Chẳng hạn, để đáp ứng tiêu chí trẻ phải bật xa tối thiểu 50 cm, chạy 18 m với thời gian nhiều nhất 5 - 7 giây cũng kéo theo những quan ngại về vấn đề sân chơi trong các trường mầm non hiện nay.

Do quỹ đất hạn hẹp, sân chơi ở các truờng mầm non ngay cả ở các thành phố, thị xã vẫn còn thiếu chứ chưa nói đến các vùng nông thôn. Còn đối với vùng núi, vùng sâu, vùng xa, quỹ đất có nhưng lại thiếu vốn đầu tư cơ sở vật chất trường lớp.

Như vậy, nếu áp dụng Bộ chuẩn trẻ 5 tuổi vào thực tế một cách máy móc mà không căn cứ vào tình hình thực tế của từng cơ sở giáo dục mầm non, sẽ gây ra những trở ngại trong quá trình thực hiện.

Trên thực tế, thời gian trước khi Bộ GD&ĐT ban hành Bộ chuẩn này, nhiều trường mầm non vẫn đặt ra những tiêu chuẩn cụ thể đối với trẻ ở từng giai đoạn khác nhau, nhằm đánh giá chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ.

Việc đưa ra một Bộ chuẩn thống nhất để giúp phổ cập giáo dục trẻ 5 tuổi, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non trong giai đoạn hiện nay là cần thiết.

Song, Bộ chuẩn cần được áp dụng linh hoạt, có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, bổ sung, sửa chữa cho phù hợp với thực tế.

Đặc biệt, cần tránh áp đặt cực đoan, dựa hoàn toàn trên những tiêu chí của Bộ chuẩn để đánh giá, xếp loại chất lượng của giáo viên cũng như nhà trường bởi có thể làm phát sinh việc chạy theo thành tích.

Bùi Minh Tuấn (Giáo viên trường THPT Kim Liên - Nam Đàn - Nghệ An)
Theo Dân Trí

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Chuẩn GDMN phải để mọi người hiểu và sử dụng đúng mực
Ngày gửi: 10/30/2010 6:57:10 PM

Là một trong những giáo viên được làm quen và bồi dưỡng về nội dung chuẩn khá nhiều lần, theo tôi Chuẩn không khó như mọi người hiểu đâu. Vì chuẩn là một điều mong mỏi, ước muốn trẻ đạt được dựa trên 4 mặt phát triển. Do đó, điều mong muôn thì nếu trẻ đạt được thì thì quá tốt còn nếu không thì dưa vào chuẩn ngừơi lớn sẽ tiếp tục định hướng, cùng khắc phục những hạn chế mà trẻ chưa đạt được thông qua các giờ học, giờ chơi...
Tuy nhiên, để Chuẩn dễ sử dụng và phổ biến với mọi giới thì Nhóm nghiê cứu về Chuẩn cần đưa ra cách sử dụng chuẩn tới từng đối tượng như : Điối với cấp quản lý thì việc chọn lọc nội dung và thiết kế chương trình chung cho toàn trường sao cho phù hợp, vừa đảm bảo mục tiêu giáo dục, vừa ứng dụng chuẩn trong chương trình, đồng thời là nền tảng vững chắc để giúp giáo viên chon loc, thiêt kế các hoạt động sao cho phù hợp vối nhóm lớp mình phụ trách, GIÁO VIÊN không phải rườm rà mất thời gian xây dựng lại kế` hoạch, lựa chọn nội dung cho lớp mình. Đối với các bậc phụ huynh thì phải tuyên truyền cho trẻ tiếp cận Chuẩn bằng cách nào để các bậc phụ huynh hiểu đúng ý nghĩacủa chuân và sử dụng chuẩn một cách hợp lý.
Còn hiện nay, thì từ Chuẩn cho trẻ 5 tuổi thì ai cũng biết đên nhưng hiểu như thế nào, và nội dung chuẩn ra sao thì mấy ai được biết.



Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Học viện Lục Quân: Xây dựng Trường Mầm non 7 tháng 7 (5/10)
 Thiếu nhi Hà Nội hào hứng với trò chơi dân gian (4/10)
 Nhóc tì dạy ngược người lớn (1/10)
 Khắc phục tình trạng thiếu chỗ học cho GDMN Hà Nội: Những mục tiêu, nhiều kỳ vọng (30/9)
 Xây trường tiền tỷ để... bỏ hoang!? (29/9)
 Hà Nội: Mầm non vẫn thiếu lớp (28/9)
 Trước 15/10, quy hoạch đất xây đủ chỗ học cho cả trẻ 5 tuổi và 3-4 tuổi (27/9)
 226 tỷ đồng hỗ trợ thiết bị dạy học tự làm (24/9)
 Hỗ trợ đóng BHXH cho GV chờ hưu (24/9)
 Một cách giáo dục văn hóa truyền thống (22/9)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i