Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em xuất hiện vài tuần sau khi nhiễm nCoV, gây các vấn đề tiêu hóa, tim mạch, khiến bệnh tình chuyển nặng.
Braden Wilson, 15 tuổi, được chẩn đoán mắc Covid-19 đầu tháng 1 sau nhiều lần nôn mửa, sốt cao. Sau hai ngày điều trị bằng thuốc kháng thể đơn dòng, Braden vẫn sốt, bị tiêu chảy, môi và các ngón tay chuyển xanh, phải dùng máy trợ thở.
"Braden là một trong những bệnh nhân Covid-19 nặng nhất tại bệnh viện", bác sĩ tim mạch Jacqueline Szmuszkovicz nói. "Cậu bé bị suy đa tạng nghiêm trọng, từ phổi, tim đến thận".
Tình trạng sức khỏe Braden ngày càng yếu. Chỉ sau một vài ngày, cậu chảy máu miệng, mắt, mũi, chết não. Các bác sĩ chưa rõ vì sao bệnh tình Braden chuyển nặng đến vậy. Trước đó, Braden không có bệnh lý nền nào nghiêm trọng, dù thừa cân nhưng cậu năng động, bơi lội ba lần một tuần, tập yoga, tập nhảy đều đặn. Cậu thường xuyên đeo khẩu trang, hạn chế ra khỏi nhà.
"Bác sĩ nói con tôi không còn cơ hội hồi phục", mẹ của Braden nghẹn ngào. "Con trai tôi đã rời xa tôi mãi mãi".
Số trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) như Braden đang tăng đáng kể trên khắp nước Mỹ. Dữ liệu tính đến giữa tháng 12/2020 từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch Mỹ (CDC) cho thấy có 2.060 bệnh nhân Covid-19 mắc hội chứng MIS-C ở 48 bang, 30 người tử vong. Số ca liên tục tăng từ tháng 10. Độ tuổi trung bình là 9, nhỏ nhất là trẻ sơ sinh 20 tuần tuổi.
Braden Wilson bị viêm đa hệ sau mắc Covid-19 và đã qua đời. Ảnh: Amanda Wilson
Đáng lo ngại, tỷ lệ trẻ nguy kịch cao hơn làn sóng lây nhiễm đầu tiên vào mùa xuân 2020. Tiến sĩ Roberta DeBiasi, trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Nhi đồng Quốc gia, Washington, cho biết năm ngoái, chỉ 50% bệnh nhân cần hồi sức tích cực, tới nay con số đã tăng lên 80-90%.
Triệu chứng gồm sốt, phát ban, đỏ mắt, các vấn đề tiêu hóa. Nghiêm trọng hơn, chúng tiến triển thành rối loạn chức năng tim, gồm sốc tim - tim co bóp kém hiệu quả, không bơm đủ máu phục vụ tuần hoàn. Một bệnh nhân 15 tuổi phải đặt máy tạo nhịp tim tạm thời, tiến sĩ Jean Ballweg, giám đốc y tế, Bệnh viện Nhi đồng và Trung tâm Y tế ở Omaha, Neb, cho biết.
Phần lớn trẻ đều khỏi bệnh và trở về nhà trong tình trạng sức khỏe tốt. Song các bác sĩ bày tỏ lo lắng trước nguy cơ trẻ gặp vấn đề tim mạch và các vấn đề sức khỏe khác. "Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai", Jean chia sẻ. "Rõ ràng, tình trạng của các cháu nghiêm trọng hơn trước".
Nguyên nhân khiến trẻ mắc Covid-19 xuất hiện hội chứng MIS-C hiện chưa được làm rõ. Họ cho rằng còn quá sớm để nghi ngờ tác động của các biến thể nCoV mới lên nhóm bệnh nhân Covid-19 nhỏ tuổi, cũng chưa có bằng chứng chứng minh điều này.
Giới nghiên cứu cũng đang tìm hiểu rõ yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh nhân Covid-19 mắc hội chứng MIS-C. Tiến sĩ Jane Newburger, làm việc tại khoa tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng Boston, cho biết tình trạng ở trẻ lớn tuổi, hoặc béo phì thường nghiêm trọng hơn bình thường. Một vài phương pháp điều trị bệnh nhân Covid-19 mắc hội chứng MIS-C các bác sĩ đang áp dụng gồm dùng steroid, globulin miễn dịch, thuốc chống đông máu, thuốc huyết áp.
Mayson Barillas, 11 tuổi, điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Nhi Quốc gia. Ảnh: NY Times
Các chuyên gia y tế bày tỏ lo lắng bác sĩ nhi khoa có thể bỏ qua những triệu chứng ban đầu của hội chứng vì chúng rất giống các bệnh lý thông thường.
Hôm 1/1, Mayson Barillas, 11 tuổi, bắt đầu mệt mỏi, đau bụng, sốt. Mẹ cậu, Sandy Barillas, y tá tại phòng khám sức khỏe phụ nữ, cho cậu dùng thuốc hạ sốt, giảm đau. Một vài ngày sau, Mayson khó thở, được đưa đi khám. Các xét nghiệm Covid-19, liên cầu khuẩn, cúm, viêm ruột thừa đều âm tính. "Giống như con tôi chỉ bị cúm dạ dày", Sandy kể.
Ngay hôm sau, Mayson bị sưng mắt, môi nổi mụn đỏ, đau người, không thể đi lại bình thường, bác sĩ cho biết cậu bị sốc tim. Mayson nằm viện 8 ngày, điều trị 4 ngày tại khu hồi sức tích cực. Các bác sĩ vẫn tiếp tục theo dõi sau khi Mayson xuất viện, kê thuốc chống đông máu.
"Mọi thứ rất đáng sợ. Tất cả mọi người đều bất ngờ", Sandy nói. "Tại sao một đứa trẻ rất khỏe mạnh lại mắc hội chứng này. Tôi chưa từng nghe về MIS-C trước đây"
Nguồn VNE