Giáo dục mầm non
   Dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ mẫu giáo
 

Một giờ vui học của các em Trường Mầm non B (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Linh Tâm
Học kỳ II chưa kết thúc, phương án tuyển sinh vào lớp 1 năm học 2009-2010 đang được Sở GD-ĐT hoàn tất khi một số trường tiểu học ngoài công lập đã tuyển sinh. Mối quan tâm hàng đầu của các phụ huynh lúc này là làm sao để con mình bước vào lớp 1 tốt nhất.

Việc cho trẻ học trước được coi là cách trang bị có hiệu quả với khá nhiều người, bất kể quy định của ngành GD-ĐT là tuyệt đối không dạy trước chương trình (CT) với trẻ 5 tuổi. Có vô vàn lý do để trẻ "được" học trước...

Để trẻ không lạc lõng ?
Đó là tâm lý chung của hầu hết phụ huynh có con đang học mẫu giáo (MG) 5 tuổi thời điểm này. "Kinh nghiệm" được truyền miệng của một số phụ huynh là CT tiểu học hiện nay nặng, yêu cầu cao, lớp lại đông HS nên việc uốn nắn cho từng HS sẽ rất khó... khiến không ít người lo lắng. Chuyện hầu hết trẻ trong lớp đều đi học trước, thậm chí có trẻ đã đọc thông, viết thạo khi đang ở MG càng làm họ hoang mang. Và rồi, dù muốn hay không, cũng chẳng rõ đúng hay sai, nhiều phụ huynh vẫn cho con đi học trước để phòng bị, với tâm lý là giúp con khỏi lạc lõng khi vào lớp 1.

Điều này không phải là không có cơ sở, bởi chính các cô giáo trực tiếp dạy lớp 1 cũng cho biết: Trẻ có thời gian làm quen với việc học sớm hơn thì thường tự tin hơn trong những ngày đầu đến lớp. Tuy nhiên, sau một thời gian, những trẻ này lại thường chủ quan, lơ là, dẫn đến kết quả học tập chưa hẳn đã tốt hơn những trẻ khác. Theo cô giáo Đào Phương Hoa, Trường Tiểu học Sài Đồng (Long Biên), phụ huynh có thể hoàn toàn yên tâm bởi theo cấu trúc và yêu cầu, CT lớp 1 có thể bảo đảm cho mọi trẻ bình thường về nhận thức và sức khỏe có thể đạt được những yêu cầu tối thiểu theo quy định vào cuối mỗi học kỳ. Cho trẻ học trước là bắt trẻ sớm phải chịu áp lực học tập vượt quá tâm sinh lý lứa tuổi, dễ đẫn đến việc sợ học hoặc lơ là, ảnh hưởng tới việc học về sau.

...và để được vào trường ngoài công lập có uy tín ?
Trong khi hệ thống các trường công lập mới rục rịch chuẩn bị cho công tác tuyển sinh thì các trường ngoài công lập có uy tín đã tổ chức tuyển chọn HS vào lớp 1. Đây cũng là lý do khiến nhiều phụ huynh cho con học trước để dự tuyển. Theo ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội), việc tuyển sinh của các trường tiểu học công lập là theo địa bàn, việc thi tuyển được triển khai ở một số trường ngoài công lập có uy tín, thu hút số lượng lớn HS muốn theo học trong khi chỉ tiêu của trường có hạn.

Thực tế, việc lựa chọn một hình thức để lựa chọn ra những HS xuất sắc nhất trong số dự tuyển là cần thiết và hợp lý với các trường ngoài công lập có uy tín bởi tạo ra sự công bằng với mọi HS, bớt đi những chỉ tiêu phụ thuộc vào quan hệ, vào nguồn lực tài chính... Vấn đề còn lại là các trường tổ chức lựa chọn HS như thế nào? Có "phạm luật" không?

Ông Nguyễn Trọng Vĩnh, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân lập Nguyễn Siêu cho biết, từ 3-4 năm nay, trường chuyển sang mô hình dịch vụ giáo dục trình độ cao, chất lượng cao, số lượng HS đăng ký theo học ngày càng lớn. Năm học 2009-2010, số hồ sơ dự tuyển của trường lên tới hơn 500 bộ, gấp hơn 3 lần so với chỉ tiêu. Để chọn được HS, nhà trường tổ chức các buổi giao lưu với HS để tìm hiểu kiến thức, kỹ năng theo CT MG của Bộ GD-ĐT, qua đó mã hóa thành điểm số cho khả năng nhận thức, trí nhớ, tư duy... Ngoài ra, nhà trường còn kiểm tra sức khỏe, năng khiếu học ngoại ngữ của HS.

Còn ở Trường dân lập Đoàn Thị Điểm, chọn lọc HS dựa vào việc kiểm tra chỉ số IQ. Các bài kiểm tra không yêu cầu HS phải biết đọc, biết viết mà dựa theo CT MG 5 tuổi. Ví dụ như trong đề có vẽ 4 hình, yêu cầu HS tìm ra một hình giống với hình thứ 5; tìm ra các hình có cùng màu sắc; hoặc nối các hình vẽ giống nhau; phát âm không ngọng... Ban Giám hiệu nhà trường cho biết, nếu HS hoàn thành tốt CT MG 5 tuổi có thể vượt qua được bài kiểm tra dễ dàng. Còn Hiệu trưởng Trường Nguyễn Siêu khẳng định, việc chọn lọc HS không ưu tiên cho những HS đã biết đọc, biết viết, biết tính toán, thậm chí, với những HS này, nhà trường thường kiểm tra kỹ, bởi không ít em đã khiến các cô giáo vất vả rất nhiều so với các bạn khác khi phải rèn lại, từ tư thế ngồi sao cho đúng, cách cầm bút, điểm đặt bút đến cách viết các nét cơ bản...

Những lo lắng của phụ huynh là điều dễ hiểu, song rõ ràng, sự quan tâm thái quá ấy không đem lại hiệu quả, mà trái lại, còn ảnh hưởng tới trẻ. Vấn đề còn lại là sự lựa chọn của phụ huynh.

Theo Hà Nội Mới

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Lý thuyết vẫn là lý thuyết
Ngày gửi: 4/30/2009 11:06:03 PM

Tôi thấy bài viết này rất nhiều mâu thuẫn và thiếu thực tế. Tôi cũng có con trong độ tuổi này, và việc dạy cho trẻ những điều trẻ có thể tiếp thu mà ko vượt quá sức của trẻ hoàn toàn tốt. Từ một đứa trẻ nhút nhát, sợ học mà nhờ có cô giáo kèm thêm cho con tôi trước khi vào lớp 1 mà con tôi trở nên rất tự tin, cháu học lớp 1 luôn được cô giáo khen và đứng đầu lớp, lên lớp 1 ngay từ đầu cháu đã được chọn để đi thi viết chữ đẹp. Tôi thấy việc dạy thêm cho trẻ là hữu ích đấy chứ.


guest
Có thực tế mới sinh ra những lý thuyết
Ngày gửi: 5/10/2009 2:12:02 PM


Những gì bài báo nói trên đều có cơ sở thực tế mà ra, tôi là một giáo viên dạy lớp lá đã 10 năm nay, những lứa học trò cũ của tôi nay đã là học sinh lớp 10,11. Tôi vẫn theo dõi những bước đi của các em trên con đường học vấn, và điều làm tôi đau lòng rằng những bé mà ngày xưa tôi khen là giỏi, là cái gì cũng biết thì bây giờ lại là những cô cậu học sinh "lười" nhất so với các bạn đồng trang lứa, ỷ y là mình được học thêm, biết trước các bài giải nên các em không tỏ ra thích thú tò mò hay suy nghĩ ra những bài giải hay, sáng tạo hơn, và cũng vì quá tự tin mà nhiều em đã trựơt dài trên con đường học vì không biết vận động trí óc để suy nghĩ, tìm tòi cái mới, cái hay...mà chỉ biết rập khuôn những điều đã biết đã học. Những bài giảng để đi vào đầu bé nếu không được khắc sâu bằng chính suy nghĩ sự thích thú vì những điều mới lạ thì những bài học đó dễ quên đi theo năm tháng. Hãy suy nghĩ xem ngày xưa chúng ta đâu có học trước, học thêm như bây giờ vậy mà chúng ta lại nhớ dai những bài thơ, bài toán mà ta được học ngày nhỏ. Bạn biết đó, những gì mà bé nên biết so với đúng lứa tuổi của bé bao giờ cũng tốt và hay hơn là nhồi nhét bé quá sớm, chính vì điều đó cho nên chúng ta mới phân ra lứa tuổi theo từng bậc học như hiện nay. Nếu có con bạn hãy suy nghĩ thử về điều này nhé!



guest

Chào cô
Ngày gửi: 5/16/2009 5:42:24 PM

Cho phép tôi hỏi, cô cũng là người đã dạy trước chương trình lớp một cho bé lớp lá từ lâu lắm phải không ? Cám ơn những chia sẻ chân tình của cô


guest
Chuẩn bị cho bé vào lớp 1 thế nào là tốt?
Ngày gửi: 5/16/2009 6:53:15 PM


Tất cả Phụ huynh có con sắp vào lớp một luôn quan tâm lo lắng cho con em của mình. Ai cũng muốn điều tốt cho con mình.
Theo tôi được biết, nếu đứng về khía cạnh những người làm công tác giáo dục là chuẩn bị vào lớp một, các nhà giáo dục khuyên nên chuẩn bị về tâm lý, vốn hiểu biết, các kỹ năng nghe hiểu, làm theo hướng dẫn, tập trung chú ý,... các việc này rất tốt cho bé khi đi học lớp một. Song một thực tế là không phải bé nào ở mẫu giáo thì cũng được chuẩn bị chu đáo việc này nên cả bé và Phụ huynh gặp trở ngại khi con trẻ thích nghi thời gian đầu. Các bé học trước thì đã trải qua một giai đoạn "gian khổ " nên khi vào lớp một thì thường không gặp trở ngại thời gian đầu nên tâm lý Phụ huynh cảm thấy như vậy tốt hơn chăng? Những bé học trước có thể rất tự tin, còn các bé kia cảm thấy mình bị thua sút. Nhưng điều gì xảy ra tiếp theo, các bé gặp khó khăn lấy lại được cân bằng thì" thẳng tiến" trong khi các bé đã học trước cảm thấy nhàm chán. Có bấy nhiêu đó mà học hoài, việc lơ đãng là đương nhiên. Bài học càng lúc càng yêu cầu cao, bé sẽ bị tụt dần, ... Thật sự phụ huynh không biết phải giúp con mình chuẩn bị cụ thể là gì (bởi khi cho con vào lớp một, chưa chắc là được gặp giáo viên để được cô yêu cầu Phụ huynh rèn kỹ năng gì mà chuẩn bị dần, hay có thể cô có trao đổi Phụ huynh nhưng thời điểm này là các việc áp đặt trẻ phải thực hiện để có kỹ năng đó nên trẻ chẳng hứng thú gì, Cũng có các trường hợp phụ huynh chẳng cần quan tâm, giao con cho cô là hết, cho nên thiệt thòi vẫn thuộc về trẻ. Chuyện gì xảy ra? Phụ huynh không có thời gian, giải pháp cho con đi học trước có lẽ xem được ưu tiên.

Nếu Phụ huynh giúp cho trẻ thích được đi học. Dạy trẻ tôn trọng cô giáo. Khi cần phát biểu biết xin phép. Biết chú ý và làm những gì thầy cô dặn. (ý thức kỷ luật, trật tự trong sinh hoạt, hành vi văn minh, giữ gìn vệ sinh, tình thương, quan hệ bạn: không bắt nạt bạn, cũng không để bạn bắt nạt được mình, thông qua giao tiếp, biết yêu mến và tôn trọng người lớn, biết chăm sóc và giữ gìn đồ vật bất kể của mình hay người khác, quan tâm với mọi người xung quanh, có tinh thần hợp tác,...)
Có một sức khoẻ tốt. Tự tin ,..là đã giúp bé chuẩn bị tốt vào lớp một rồi. Tuy nhiên chắc không ai vô tư đến mặt số 1-10, mặt chữ cái mà con mình không biết? Các bài tập của bé 4-5 tuổi theo tôi thấy là cháu phải điền số vào đó hoặc phải sao chép lại chữ ở 5-6 tuổi - lứa tuổi mẫu giáo. Cũng chẳng hiểu sao cô giáo mầm non lại giúp bọn trẻ làm được các bài tập này cũng nể thật. Tuy nhiên tôi cũng rất mong muốn các cô lưu ý về dạy và nhắc nhở thường xuyên và phối hợp phụ huynh để giúp trẻ cách "đối xử với mọi người " - người lớn, bằng tuổi, nhỏ hơn , cách "đối xử đồ vật" - sử dụng cất lấy đồ dùng trân trọng nhẹ nhàng,.. Tôi không có dịp tiếp xúc nhiều nhưng tình cờ có việc, tôi vào một vài trường mẫu giáo có tiếng, cũng thấy vấn đề này trẻ thiếu kỹ năng. Không phải cô không dạy, nhưng có lẽ những chỉ bảo của cô trẻ không có ấn tượng. Tôi băn khoăn. Lớp người này lớn sẽ thế nào đây. Giỏi mà không có đức thì làm gì? Tôi thấy một vài chương trình ở Tivi VN chương trình nước ngoài do Việt Nam lồng tiếng - tôi rất tâm đắc, là cách người ta dạy cho trẻ con đối xử với nhau rất tôn trọng ngay cả bạn làm lỗi lớn tự nhận, nhưng bạn ngoài việc tha thứ còn biết nói an ủi,... Có lẽ tôi hơi lan man, nhưng nếu trẻ được cô dạy ở mẫu giáo chuẩn bị cho trẻ các kỹ năng như thế tôi nghĩ đó cũng là bước chuẩn bị cho trẻ tốt khi vào lớp một. Chứ một nơi dạy tốt một nơi không chú ý gì, bọn trẻ gặp nhau học cái xấu thì nhanh hơn thì tội cho những bé bị ảnh hưởng. Muốn tốt mà không thống nhất thì mọi thứ chỉ nằm trong mong ước .




guest

Chào cô giáo
Ngày gửi: 5/22/2009 8:56:23 PM

Tôi rất tâm đắc với ý kiến của cô giáo ở trên. Tôi thấy rất buồn khi ở quê tôi cũng có những hiện tượng cho trẻ học thêm trước tuổi đi học. Điều đáng buồn hơn nữa là phụ huynh các em lại là những người có hiểu biết(giáo viên). Không biết trên lớp học sẽ dậy học sinh thế nào nhỉ? Thật là đáng buồn khi giáo dục Việt Nam có những thầy cô giáo kém hiểu biết đến thế. Hơn thế nữa hiện tượng cho con đi học trước lại không chỉ có ở mầm non mà còn có ở các cấp học phổ thông.


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Đồ chơi sáng tạo! (23/4)
 Lớp Bồi dưỡng chuyên môn ở Thành phố Hồ Chí Minh (21/4)
 Chuẩn bị tâm thế cho trẻ 5 - 6 tuổi vào lớp 1 ở Tỉnh Long An (20/4)
 Khoa Giáo Dục Mầm Non: 10 năm hình thành và phát triển. (16/4)
 Đồ chơi, bàn ghế từ rác (15/4)
 Thiếu giáo viên mầm non có trình độ (14/4)
 Đồng dao - Những trò chơi trẻ nhỏ. (14/4)
 Đề khảo sát lớp 1 nằm trong chương trình lớp lá (13/4)
 “Đề thi” tiếng Anh tăng cường lớp 1 (10/4)
 Nâng “cốt” cho giáo dục mầm non (9/4)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i