Giáo dục mầm non
   Xã hội hóa các trường mầm non quân đội: Vì tương lai của con trẻ
 

Nhà trẻ, trường mầm non trong quân đội luôn là "điểm tựa" cho các gia đình quân nhân trong việc chăm sóc, giáo dục con cái ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Tuy nhiên, những năm gần đây, hệ thống nhà trẻ, trường mẫu giáo do các cơ quan, đơn vị quân đội quản lý liên tục giảm sút về số lượng và bộc lộ không ít hạn chế về mặt chất lượng trong khi yêu cầu giáo dưỡng con em quân nhân đặt ra ngày càng cao. Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề trên?

Yên tâm khi gửi con vào trường mầm non quân đội
Trong toàn quân hiện có hàng vạn sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp (QNCN), công nhân viên chức quốc phòng (CNVCQP) có con đang ở độ tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo. Hệ thống các trường mầm non, nhà trẻ mẫu giáo, nhóm trẻ (sau đây gọi chung là trường mầm non) do các cơ quan, đơn vị quân đội xây dựng và quản lý thực sự có vai trò hết sức quan trọng không chỉ nuôi dạy các cháu, mà còn tạo điều kiện để bố mẹ yên tâm thực hiện các nhiệm vụ trong môi trường hoạt động đặc thù của quân đội. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Đại úy Phan Thị Phương Hoa, Trợ lý Ban Phụ nữ Quân đội (Tổng cục Chính trị) cho biết:

- Từ năm 1994 đến nay, công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo khung chương trình khoa học, thống nhất được các trường mầm non quân đội chú trọng. Tỷ lệ các cháu đến trường, được nuôi dạy bán trú ngày càng tăng. Nếu như năm 1994 là 41%, thì năm 2004 tăng lên 82,3% và đến năm 2009 đạt 85,7%. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng liên tục giảm, bình quân mỗi năm giảm được từ 2,5% đến 3,5%. Hiện có 12 trường mầm non quân đội được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Nhiều trường đã trở thành trường điểm của giáo dục mầm non quốc gia như Trường Mầm non Công ty 20 (Tổng cục Hậu cần), Trường Mầm non Mùa Xuân (Cục Chính trị, Quân chủng Phòng không-Không quân)...

Giờ tập vẽ của các cháu mầm non Trường Mầm non Hoa Mai (Nhà máy Z199, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng).

Đặc điểm của phần lớn sĩ quan, QNCN, CNVCQP có con đang ở độ tuổi mầm non là thu nhập thấp, không đủ khả năng gửi con vào các trường tư thục. Nếu gửi con vào các trường mầm non công lập thì gặp hai khó khăn: Một là, các trường công lập chỉ nhận chăm sóc trẻ trong giờ hành chính, lệch thời gian so với hoạt động quân sự của quân nhân. Chẳng hạn, giờ mùa hè, từ 7 giờ 30 phút các trường công lập mới nhận trẻ, trong khi phần lớn quân nhân ở ngoại trú phải có mặt tại đơn vị từ lúc 5 giờ 30 phút. Hai là, ở vùng sâu, vùng xa, các đơn vị quân đội thường đóng quân biệt lập. Bởi vậy, cự ly từ đơn vị đến trường mầm non công lập của địa phương thường xa hàng chục cây số, gây rất nhiều khó khăn cho gia đình quân nhân khi đưa đón trẻ tới trường.

Những đặc điểm trên chính là yêu cầu khách quan để các đơn vị quân đội phải tìm biện pháp tháo gỡ bằng cách tự xây dựng, quản lý các trường mầm non. Theo thống kê của Ban Phụ nữ Quân đội, từ năm 1994 trở lại đây (năm 1994 là năm Ban Phụ nữ Quân đội quản lý thống nhất hệ thống các trường mầm non trong toàn quân), toàn quân đã xây mới và sửa chữa được 105 trường mầm non với số kinh phí hơn 100 tỷ đồng. Nhiều trường mầm non quân đội không chỉ thu hút con em quân nhân mà trở thành địa chỉ giáo dục có uy tín, được mọi gia đình trên địa bàn tin cậy, gửi gắm con em vào học. Nhà giáo ưu tú Phạm Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Công ty 20 (Tổng cục Hậu cần) cho biết:

- Hiện nay, tỷ lệ học sinh là con em cán bộ, viên chức, người lao động trong công ty chỉ chiếm 25%; 75% còn lại là do nhân dân tín nhiệm nhà trường nên xin cho con vào học.

Chị Y H'Mý, công nhân Công ty 732 (Binh đoàn 15) ở vùng biên giới Ngọc Hồi (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) đánh giá:

- Vợ chồng tôi yên tâm gắn bó với công ty vì các cháu được trường mẫu giáo của đơn vị chăm sóc, nuôi dưỡng cẩn thận. Nếu không có trường mẫu giáo thì chắc một người phải nghỉ việc mà lo nuôi dạy các cháu.

"Xã hội hóa" để lo cho con em quân nhân
Vai trò của các trường mầm non quân đội rất quan trọng, rất cần thiết nhưng bất cập lớn nhất hiện nay là phần lớn các trường đều không có biểu biên chế. Thống kê của ban Phụ nữ Quân đội cho thấy, hiện chỉ khoảng 10% số trường do các cơ quan, đơn vị trong quân đội quản lý là có biên chế. Điều này gây khó khăn rất lớn trong hoạt động của các trường. Mặc dù được lãnh đạo, chỉ huy các cấp, các đơn vị rất quan tâm tạo điều kiện đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp, xây mới trường mầm non, nhà trẻ, nhưng năm học 2008-2009, số trường mầm non, nhà trẻ trong quân đội vẫn giảm 17 trường so với năm học trước. Năm học 2009-2010, tình trạng giải thể, chấm dứt hoạt động tiếp tục diễn ra. Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, số trường mầm non quân đội từ gần 350 trường hiện chỉ còn khoảng 250 trường.

Số trường giảm nhưng nhu cầu đi học của con em sĩ quan, QNCN, CNVCQP không hề giảm. Theo đó, vấn đề đặt ra cho lãnh đạo, chỉ huy nhiều cơ quan, đơn vị phải tìm được lời giải cho bài toán này. Tổng cục Kỹ thuật và Quân chủng Phòng không-Không quân, hai đơn vị có nhiều vị trí đóng quân ở vùng sâu, vùng xa đã linh hoạt, sáng tạo áp dụng các biện pháp phối hợp với chính quyền địa phương để duy trì được số lượng trường mầm non, đồng thời nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, đáp ứng nhu cầu của các gia đình quân nhân. Các mô hình gồm: Mô hình thứ nhất, "Giáo viên và cơ sở vật chất trường, lớp do đơn vị đảm nhiệm; nội dung chuyên môn do Phòng Giáo dục địa phương đảm nhiệm". Với mô hình này, đảng ủy, chỉ huy các đơn vị: Đoàn B71, Đoàn B70, Đơn vị C16, Đơn vị C37, Nhà máy A31 thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân... đã sắp xếp lại biên chế dôi dư, bố trí cho đi đào tạo giáo viên mầm non. Mô hình thứ hai, "Giáo viên của địa phương; cơ sở vật chất trường, lớp do đơn vị đảm nhiệm; lương trả cho giáo viên do đơn vị hỗ trợ cùng phụ huynh đóng góp" (như ở Trường Sĩ quan Không quân, Đơn vị C40...). Mô hình thứ ba, "Giáo viên thuộc biên chế của địa phương; đơn vị đảm nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng trường, lớp và trang, thiết bị dạy học" (như ở Nhà máy X78).

Một mô hình khác là xã hội hóa toàn diện. Nghĩa là chỉ từ cơ sở vật chất ban đầu do đơn vị hỗ trợ, nhà trường tự túc toàn bộ từ nguồn đóng góp của phụ huynh thông qua việc cuốn hút trẻ em từ mọi thành phần đến học, trong đó, con em quân nhân được ưu tiên và miễn giảm học phí. Mô hình này có hạn chế là nhà trường phải tự lo kinh phí nên chất lượng, đặc biệt là sĩ số lớp học quá cao. Cá biệt có lớp lên đến 70 cháu/lớp. Lớp học đông chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nuôi dưỡng, giáo dục.

Thiếu tướng Nguyễn Kim Cách, Phó chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân khẳng định với chúng tôi: "Mặc dù còn phải giải quyết không ít khó khăn để duy trì được các mô hình này; nhất là vấn đề kinh phí để trả lương, kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, kinh phí tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên... nhưng Quân chủng luôn cố gắng tìm cách từng bước tháo gỡ, khắc phục để tiếp tục phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục con quân nhân ở các trường mầm non, nhà trẻ, nhất là tại các đơn vị đóng quân trên địa bàn vùng sâu, vùng xa".

Một vài kinh nghiệm trong xây dựng các mô hình trường mầm non và cả những quyết tâm của lãnh đạo, chỉ huy nhiều đơn vị hẳn sẽ là giải pháp cơ bản để các đơn vị trong toàn quân nghiên cứu, vận dụng nhằm tiếp tục củng cố, xây dựng, phát triển hệ thống trường mầm non quân đội hiện nay ngày càng đáp ứng nhu cầu nuôi dạy con em sĩ quan, QNCN, CNVCQP để mỗi người yên tâm, gắn bó, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ với yêu cầu ngày càng cao. Và hơn thế, cũng là điều kiện để con em sĩ quan, QNCN, CNVCQP không phải chịu những thiệt thòi trong khi xã hội ngày càng phát triển...

Theo QDND

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Tác giả những công trình tiêu biểu (2/6)
 Giáo viên mầm non chưa hết khó (1/6)
 Giáo viên mầm non người nước ngoài: Có phép không dạy được, dạy được không có phép (31/5)
 Giúp trẻ làm quen trường học (28/5)
 Bài học quý từ những người đứng mũi chịu sào (27/5)
 Hội nghị triển khai đề án GD mầm non 5 tuổi tại 64 điểm cầu (25/5)
 Dự thảo: Gv trường mầm non dân lập sẽ được trả lương theo ngạch bậc (24/5)
 Thế nào là một môi trường kích thích khả năng học tập? (21/5)
 Trồng cây nhớ Bác! (20/5)
 Nhật ký cô giáo Loan (19/5)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i