Giáo dục mầm non
   'Bộ chuẩn 5 tuổi không phải để gắn mác cho trẻ'
 

Trước thềm năm học mới, khi bộ chuẩn giáo dục dành cho trẻ 5 tuổi sẽ áp dụng vào các trường mầm non như tiêu chí đánh giá sự phát triển của bé, nhiều giáo viên mẫu giáo lo ngại nếu hiểu sai sẽ làm nặng bệnh thành tích.

"Có bộ chuẩn là tốt, bởi dựa vào đó giáo viên sẽ xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp hơn. Tuy nhiên, việc chuẩn hóa có thực sự mang lại tiến bộ nơi trẻ hay không chính là ở cái tâm của người dạy", Phó hiệu trưởng Trường Mầm non bán công 20/10 ở quận 1, TP HCM, Dương Thị Bạch Liên nói.

Nhà giáo này cho biết, lâu nay nhiều trường mầm non vẫn có những tiêu chuẩn cụ thể đối với giáo dục trẻ ở từng giai đoạn khác nhau, nên khi Bộ Giáo dục nâng lên thành chuẩn và thực hiện đồng loạt thì gần như không có khó khăn gì. Tuy nhiên suy cho cùng, việc áp dụng chuẩn vào thực tế có thực sự nâng cao chất lượng học sinh còn phụ thuộc rất nhiều vào cái tâm của giáo viên.

"Nếu cô giáo nhiệt tình và có tâm huyết thì sẽ coi bộ chuẩn kia như một cái đích hướng đến để giáo dục trẻ vì sự tiến bộ. Trường hợp Bộ dựa trên những chỉ số này làm tiêu chí đánh giá chất lượng giáo viên cũng như nhà trường, thì tôi e sẽ làm nảy sinh căn bệnh thành tích vốn đang là vấn đề nhức nhối hiện nay", cô Liên nói.

Hiệu quả của việc chuẩn hóa trong giáo dục trẻ còn tùy vào tâm của giáo viên. Ảnh: Ngoan Ngoan.

Theo cô Liên, bộ chuẩn này còn một số điểm chưa phù hợp với thực tế nhiều trường. Chẳng hạn với tiêu chí trẻ phải bật xa tối thiểu 50 cm, chạy 18m với thời gian nhiều nhất 5-7 giây... là đòi hỏi "cắc cớ" với các trường mẫu giáo không có sân bãi.

"Trường có sân bãi rộng thì sắp xếp những giờ giáo dục để kiểm tra thể lực của trẻ là dễ dàng. Song trường có diện tích hẹp, hay như trường Mẫu giáo Hoa Lan là một tòa nhà cao tầng chẳng lẽ các cô giáo phải thường xuyên dẫn trẻ ra công viên để tập chạy nhảy?", cô Liên lo ngại.

Chuẩn yêu cầu trẻ 5 tuổi phải tập trung học liên tục 30 phút, không có gì mới so với thời lượng một tiết học mẫu giáo từ 25 đến 30 phút. Song vấn đề quyết định không phải chỉ là khả năng của học sinh mà ở cách dạy của giáo viên có tạo được hứng thú nơi trẻ hay không. Chẳng hạn khi học về con hươu cao cổ, cô dùng máy tính trình chiếu hình ảnh về con hươu sẽ thu hút sự chú ý của trẻ lâu hơn nhiều so với dạy suông.

"Chính vì thế, việc đầu tư cơ sở vật chất và tư liệu dạy học cần được chú trọng đúng mức thì mới mong đạt được những tiêu chuẩn trên. Điều này đòi hỏi sự chung tay của phụ huynh, nhà trường, cộng đồng trong việc xã hội hóa giáo dục. Song các trường mẫu giáo miền quê thường thiệt thòi hơn về khoản này", nhà giáo cho biết.

Ngoài ra, để việc chuẩn hóa phát huy hiệu quả cần thực hiện liên tục, thống nhất trong toàn bộ quá trình phát triển của các em. Song theo cô Liên, hiện nay chỉ có chuẩn trẻ 5 tuổi mà không có chuẩn ở các độ tuổi cao hơn thì rõ ràng không đảm bảo được chất lượng phát triển đi lên. Chính vì không có chuẩn nên một số giáo viên phổ thông đã yêu cầu học sinh chạy nhảy quá sức dẫn đến ngất xỉu ngay trong giờ thể dục.

Với 13 năm kinh nghiệm nuôi dạy trẻ, cô Thu Hương, giáo viên dạy mầm non tại Đồng Nai nhận thấy, học sinh miền quê dễ dàng đáp ứng hoặc thậm chí vượt chuẩn về leo trèo, chạy nhảy. Tuy nhiên về khả năng tư duy, suy đoán, đọc chữ, hát, họa thì các em lại không thể bằng trẻ ở phố. Thêm vào đó, sĩ số lớp học quá đông thì việc giáo viên theo sát từng em là rất khó.

"Vì thế nếu lấy chuẩn này để đánh giá đồng bộ chất lượng trường thì rõ ràng miền quê sẽ thiệt thòi hơn. Theo tôi ở giáo dục mầm non, tiêu chí quan trọng nhất cần nhắm đến là sự tiến bộ của trẻ dựa trên sự so sánh giữa chất lượng đầu vào và đầu ra. Chỉ cần các em hát hay hơn, mạnh dạn, lễ phép, mạnh khỏe hơn lúc đầu mới là giáo dục có hiệu quả", cô Hương nói.

Trao đổi với VnExpress.net, bà Phan Thị Lan Anh, Phó vụ trưởng Giáo dục mầm non, Bộ giáo dục và Đào tạo, lý giải, Bộ chuẩn ra đời không phải để xếp loại hay tạo áp lực nào lên trẻ. Thực chất nó được sử dụng để giúp giáo viên có thể quan sát, đánh giá đúng từng trẻ, từ đó điều chỉnh kịp thời những hoạt động phù hợp, giúp tất cả bé đều phát triển tốt. Đây cũng được coi là căn cứ để xây dựng chương trình, tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn cha mẹ có cách chăm sóc, giáo dục trẻ hợp lý.

Theo bà Lan Anh, những chỉ số trong Bộ chuẩn đều dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi để giúp trẻ phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần, chuẩn bị tâm thế tự tin khi vào lớp một.

"Phụ huynh không nên coi các chuẩn này là cái gì đó nặng nề, mà chỉ cụ thể hóa những mong đợi đối với trẻ, là cái đích để giáo viên và bố mẹ hướng con đến, từ đó biết cách đầu tư để trẻ phát triển đúng hướng. Nếu soi vào chuẩn này mà thấy trẻ không đạt, bố mẹ cũng không nên lo lắng, bởi đây là cơ hội để người lớn phát hiện những vấn đề trẻ mắc phải, giúp bé khắc phục sớm", bà Lan Anh nói.

Bà cũng khẳng định, Bộ chuẩn được xây dựng không phải để gắn mác cho mỗi trẻ, mà chỉ phục vụ cho việc phổ cập giáo dục trẻ 5 tuổi, nâng cao chất lượng giáo dục hơn thôi.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể giáo viên về việc thực hiện bộ chuẩn này trong các trường mầm non.

Theo VnExpress

Chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi
Để hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, chuẩn bị tâm thế cho trẻ em năm tuổi vào lớp 1, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư quy định về Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi.

Theo đó, Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi gồm 4 lĩnh vực: phát triển thể chất; phát triển tình cảm và quan hệ xã hội; phát triển ngôn ngữ và giao tiếp; phát triển nhận thức.

Về phát triển thể chất, trẻ em 5 tuổi có thể ném và bắt bóng bằng hai tay từ khoảng cách xa 4 m; tự mặc và cởi được áo; cắt theo đường viền thẳng và cong của các hình đơn giản; nhảy lò cò được ít nhất 5 bước liên tục, đổi chân theo yêu cầu; đập và bắt được bóng bằng 2 tay; biết rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và khi tay bẩn; tự rửa mặt, chải răng hàng ngày; nhận ra và không chơi 1 số đồ vật có thể nguy hiểm; biết kêu cứu và chạy khỏi nơi nguy hiểm;...

Về phát triển tình cảm và quan hệ xã hội, trẻ 5 tuổi phải nói được một số thông tin quan trọng về bản thân và gia đình; nói được khả năng và sở thích riêng của bản thân; bộc lộ cảm xúc của bản thân bằng lời nói, cử chỉ và nét mặt; thích chăm sóc cây cối, con vật quen thuộc; có thói quen chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi và xưng hô lễ phép với người lớn...

Đối với phát triển ngôn ngữ và giao tiếp, chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi yêu cầu bé biết kể về một sự việc, hiện tượng nào đó để người khác hiểu được; kể lại được nội dung chuyện đã nghe theo trình tự nhất định; Không nói leo, không ngắt lời người khác khi trò chuyện; nghe hiểu nội dung câu chuyện, thơ, đồng dao, ca dao dành cho lứa tuổi của trẻ; biết kể chuyện theo tranh; nhận dạng được chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt...

Về phát triển nhận thức, trẻ 5 tuổi có thể gọi tên nhóm cây cối, con vật theo đặc điểm chung; nói được một số đặc điểm nổi bật của các mùa trong năm nơi trẻ sống; Kể được một số địa điểm công cộng gần gũi nơi trẻ sống; Kể được một số nghề phổ biến nơi trẻ sống; hát đúng giai điệu bài hát trẻ em; nhận biết con số phù hợp với số lượng trong phạm vi 10; gọi tên các ngày trong tuần theo thứ tự; nói được ngày trên lốc lịch và giờ trên đồng hồ...

Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi là căn cứ để xây dựng chương trình, tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn các bậc cha mẹ và cộng đồng trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em ở tuổi này. Đây cũng là cơ sở tạo sự thống nhất trong chăm sóc, giáo dục trẻ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

(Nguồn: Thông tư 23/2010/TT-BGDĐT)
(Theo Chinhphu.vn)

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Bàn về chuẩn cho trẻ 5 tuổi.
Ngày gửi: 8/13/2010 10:15:12 AM

Là một GV trong ngành, tôi nhận thấy phần phát triển nhận thức mà yêu cầu trẻ 5 tuổi phải biết xem ngày trên lịch và xme giờ trên đồng hồ thì kh6ng phù hợp với trẻ. Không biết đọc thì làm sao biết thứ mấy? Còn về việc xem đồng hồ thì học sinh tiểu học, đến cuối lớp 1 đầu lớp 2 mới được học. Đôi khi tôi thấy rằng ngành Mầm Non đòi hỏi ở trẻ quá cao, mà một số nội dung đưa ra không phù hợp với tình hình cơ sở vật chất của từng trường nên trong thực tế, tiêu chí đưa ra chỉ là hình thức, là kết quả đánh giá không thực tế, như vậy có nên không?


guest
Ý kiến
Ngày gửi: 10/23/2011 8:08:54 PM


Tôi là một giáo viên dạy 10 năm, tôi nhận thấy bộ chuẩn một số chỉ số đưa ra chưa phù hợp với tình hình địa phương như trường tôi không bán trú khó đánh giá trẻ là trẻ tự đánh răng rửa mặt và yêu cầu trẻ đặt tên mới cho đồ vật, câu chuyện, đặt lời mới cho bài hát đòi hỏi quá cao và không phù hợp với trẻ 5 tuổi.



guest

Bộ giáo dục lắng tai nghe và hiểu được sự vất vả của giáo viên mầm non.
Ngày gửi: 11/16/2012 8:35:17 PM

Tui là người xem báo và tình cờ đọc được bộ chuẩn 5 tuổi mà bộ vừa đưa ra tui có một số ý kiến thế này. Phần phát triển nhận thức trong chương trình dạy của mầm non trẻ chỉ được học đếm tới số 10 thì làm sao trẻ xem được đồng hồ mấy giờ, cho tui hỏi mấy ông (bà) ở bộ giáo dục có biết việt nam mình trong một ngày có bao nhiêu giờ không? 24 giờ đúng không? như thế thì làm sao trẻ biết xem giờ trên đồng hồ, hoặc kim đồng hồ chỉ 12 giờ 55 thì trẻ làm sao biết. Do đó tui đề nghị mấy ông(bà) ở bộ thì có ban hành chính sách hay nghi định gì đó ra rồi lại không thực hiện được, làm cho ngân sách nhà nước thiếu thụt cũng do đó. Do đó trước khi làm chuyện gì cũng cần phải suy nghĩ thật kỹ để làm cho bao giáo viên phải khổ. Xin cảm ơn.


guest
Hoan nghênh chuẩn
Ngày gửi: 11/22/2012 12:45:48 PM


Khi có "chuẩn" mọi yêu cầu đặt ra với trẻ được cụ thể hóa. Điều đó giúp giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp.
Các bạn đồng nghiệp lưu ý, đây là chuẩn để hướng tới chứ không phải chuẩn bắt buộc phải đạt. Với từng địa phương, từng trẻ, khả năng đạt hay chưa đạt các chuẩn là khác nhau. Chưa có cấp nào kiểm tra trẻ theo chuẩn để tăng lương hay trừ lương của các cô giáo cả, các bạn cứ từng bước thực hiện theo hướng dẫn, mọi việc sẽ không quá khó khăn như lúc ban đầu.
Tôi có ý kiến về việc thực hiện như sau: Cần có một "phụ lục" chuẩn cho trẻ 3 tuổi, 4 tuổi để giảm tải áp lực cho các giáo viên lớp mẫu giáo lớn (lá).



Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Ứng dụng CNTT tăng hiệu quả quản lý, chất lượng GDMN (4/8)
 Quyết tâm không còn lớp mẫu giáo thực hiện chương trình 36 buổi (2/8)
 Tăng cường chăm sóc, giáo dục mầm non (29/7)
 TUYỂN SINH MẦM NON: Quá tải vì “heo vàng” (28/7)
 Bao giờ hết cảnh xếp hàng mua hồ sơ học mầm non? (27/7)
 Dùng Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi sau 5/9 (26/7)
 Hà Nội: Phấn đấu 100% trẻ em 5 tuổi được phổ cập giáo dục (23/7)
 Tuyển sinh vào trường mầm non: Khổ hơn cả thi đại học (21/7)
 Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình Giáo dục Mầm non mới: Chương trình giáo dục Mầm Non: Nhiều tín hiệu khả quan (19/7)
 Những điều trường Mầm non ngoài công lập mong muốn các bậc cha mẹ hiểu. (16/7)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i