Giáo dục mầm non
   Ươm mầm non nơi đất núi
 
“Giáo viên ngành học mầm non là khổ nhất!”, cô giáo Lê Thị Duyên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Bình (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) than thở với chúng tôi. Nhưng các cô giáo mầm non vùng cao vẫn cố gắng vượt qua mọi nỗi gian truân để ươm mầm cho thế hệ tương lai của núi rừng Tây Bắc.

Học sinh mẫu giáo tại Trường Mầm non Sơn Bình
Cô giáo cũng khóc!
Đã nhiều lần đi công tác ở Tây Bắc, chúng tôi vốn rất quen với hình ảnh những bà mẹ người dân tộc địu con đi nương, trẻ lớn bế trẻ nhỏ lang thang bên đường hoặc những em nhỏ da đen sạm - em có quần thì không mặc áo, em mặc áo lại không có quần - chạy dọc bờ ruộng giữa trời nắng gắt.

Tuổi thơ của các em cứ thế trôi qua, ít có cơ hội được vui chơi và học tập như trẻ em miền xuôi. Cũng vì thế, khi đến thăm một số trường học ở xã Sơn Bình, chúng tôi lập tức bị thu hút bởi tiếng hát trong trẻo của các em học sinh mẫu giáo - một bài hát quen thuộc mà chúng tôi vẫn thường nghe con trẻ hát ở nhà.

Cô giáo Nguyễn Thị Khánh, 24 tuổi, đã làm giáo viên mầm non được 4 năm. Cô Khánh cho biết, ở đây, những em 5 tuổi có thể nhận biết được từ 23-29 chữ cái và 10 chữ số. Những em nhỏ hơn cũng biết múa, hát, vẽ, đọc thơ, kể chuyện, nhận biết hình khối, con vật… “Đây là thành quả sự cố gắng của chúng em đấy. Anh không hiểu được ban đầu chúng em gặp nhiều khó khăn thế nào đâu!”, cô Khánh nói.

Cô cho biết, ở xã Sơn Bình, các bản của người dân tộc phân bố rải rác trong xã, nên nhà các em thường cách trường học hai ba quả đồi với vài con suối, đi lại rất khó khăn cả mùa mưa lẫn mùa nắng. Có những lớp học tập trung nhiều em thuộc các dân tộc khác nhau như Mông, Dao, Giáy, Hoa…, mỗi dân tộc lại nói một tiếng nói riêng.

Ngày đầu tiên đi học, không biết tiếng Kinh và không biết tiếng dân tộc khác, còn xa lạ nên có em mới đến lớp đã khóc. Một em khóc khiến cả lớp khóc theo, cô giáo chẳng biết làm thế nào chỉ biết vỗ về từng em một và sau một hồi thì… cũng khóc theo các em luôn. Khóc vì thương các em quá! Nhiều em không có quần áo mặc, không đi dép, trông lem luốc, cáu bẩn.

Nhưng các em đến trường là các cô giáo vui lắm rồi. Ban đầu, việc vận động các gia đình đưa con em đến trường rất khó khăn cho dù bố mẹ các cháu không phải đóng tiền học. Họ quen với việc trẻ lớn trông trẻ bé và trẻ nhỏ tự chăm sóc cho bản thân mình rồi. Với lại, họ nghĩ rằng đi mầm non chẳng được gì. Nhưng sau một thời gian đến trường, con cái họ trông sạch sẽ hơn, biết nói tiếng phổ thông, biết hát, múa… nên họ cũng vui lắm và cho con đi học nhiều hơn.

Để núi đồi Tây Bắc nở hoa
Nhìn số đồ chơi của các em học sinh, không nhiều và sinh động lắm nhưng có lẽ cũng đủ để phục vụ cho việc lên lớp. Chúng tôi có phần ngạc nhiên khi được biết phần lớn số đồ chơi này là do các cô giáo tự tạo ra hoặc tự trích từ tiền lương để mua cho các cháu.

Cô Nguyễn Thị Hiền, 24 tuổi, kể rằng nhà trường được trang bị đồ chơi, nhưng không đáng kể. Nhiều cô giáo thất vọng lắm, nhất là những cô đã được học và đi thực tập ở những nơi có nhiều điều kiện vật chất tốt hơn. Nhưng rồi vì các em, vì những buổi học có chất lượng, các cô lại tự mình làm những chiếc vòng, gậy để cho các em tập thể dục; cắt giấy thành hoa, quả, hình khối, cây cối hoặc đi xin vải vụn để khâu thành những con vật cho các em học nhận biết.

Các cô cũng vận động gia đình phụ huynh trợ giúp, nhưng họ nghèo lắm nên không thể đóng góp hoặc góp không được bao nhiêu. Vì thế, những bảng biểu, giấy vẽ, bút màu, đất nặn… cũng lại do các cô giáo trích từ tiền lương ra để mua cho các cháu.

Cô Lê Thị Duyên cho biết Trường Mầm non Sơn Bình được tách ra từ Trường Bình Lư từ ngày 15-7-2007. Lúc mới tách ra, cả trường chỉ có 5 lớp và 3 phòng nhà tạm. Nhờ nỗ lực của ban giám hiệu, giáo viên và sự hỗ trợ của phòng giáo dục huyện (giúp mái ngói và nền xi măng), trường mới mở thêm được 5 lớp và 6 phòng nhà tạm.

Một nhà tạm là do nhân dân giúp làm, kèo cột toàn cây gỗ non, chỉ một hai năm là sẽ mối mọt, xuống cấp. “Nhưng thế là tốt lắm rồi, chứ năm ngoái, suốt một năm ban giám hiệu trường mầm non phải làm việc ngoài đầu hè vì không có phòng. Ngày nắng còn mượn tạm bàn của các cháu ngồi làm việc được - mặc dù gió thổi bay giấy tứ tung, ngày mưa thì chỉ có nước chui vào trong phòng của các cháu mà tránh”, cô Duyên tâm sự.

Thương nhất là các cô giáo, lương chỉ hơn 1 triệu đồng nhưng phải chi tiêu biết bao nhiêu thứ, nào tiền xăng xe, sinh hoạt gia đình, có cô còn phải thuê nhà vì không có nhà riêng. Hầu hết các cô đều phải dậy sớm nấu cơm cho vào cặp lồng để ăn trưa vì phải đi làm từ sáng đến tối. Hôm nào phải soạn bài khuya, không dậy sớm để nấu cơm được, các cô đành phải ăn lương khô. Tiền lương ít như vậy nhưng các cô vẫn trích ra để mua giấy vẽ, đồ chơi cho các em học; xin quần áo, mua dép cho các em đi.

Cô Duyên băn khoăn xã Sơn Bình là một xã nghèo, không hiểu sao không được hưởng chế độ của Chương trình 135 (đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng xa). Nếu có, có thể nhà trường sẽ được đầu tư nhiều hơn để vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay, và có lẽ các cô giáo mầm non sẽ gắn bó nhiều hơn với công tác trồng người ở nơi miền núi còn nhiều khốn khó này .

Theo SGGP
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Để mầm xanh nảy lộc đâm chồi
Ngày gửi: 9/28/2008 9:51:46 PM

Tôi thật sự muốn chia sẻ với các cô giáo vùng cao. Với đồng lương ít ỏi nhưng cái tâm gắn bó với nghề của cô giáo MN thì không thẻ nào so sánh được. Cho nên, cần phải có sự hỗ trợ không chỉ cho gv mà đó chính là hổ trợ cho con em mình có cơ hội để được đến trường, cũng như được phát triển "hài hòa cân đối"


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 "Bèo" như... lương giáo viên mầm non! (3/9)
 Giảm áp lực cho giáo viên mầm non trong năm học mới. (28/8)
 Hội nghị Tổng kết năm học tại Sở Giáo Dục Thành Phố Hồ Chí Minh (27/8)
 Năm học 2008-2009: Đầu tư xây mới, thay thế 17 trường mầm non (27/8)
 Năm học 2008-2009: “Siết chặt” các trường mầm non ngoài công lập (26/8)
 2.772 người trúng tuyển công chức ngành GD-ĐT (25/8)
 Tập huấn hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp quy về GDMN (19/8)
 Ngày khai giảng gần kề. (19/8)
 Năm học mới vẫn thiếu giáo viên mầm non (18/8)
 Hướng dẫn chuẩn bị khai giảng (16/8)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i