Giáo dục mầm non
   Trả lời loạt bài : Về chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi
 

LOẠT BÀI VỀ CHUẨN PHÁT TRIỂN TRẺ 5 TUỔI
(TS. Nguyễn Thị Hồng Phượng
Giảng viên khoa giáo dục mầm non, trường Đại Học Sài Gòn)

BÀI VIẾT THỨ NHẤT: VỀ NHỮNG ĐÓNG GÓP VỪA QUA CHO DỰ THẢO CHUẨN PHÁT TRIỂN TRẺ 5 TUỔI

TÍN HIỆU ĐÁNG MỪNG
Trong những tuần qua, dư luận về "Dự thảo chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi" rất nhiều và rất nóng. Hầu như tất cả các thành phần đối tượng sẽ sử dụng chuẩn phát triển (CPT) đều đã lên tiếng, từ một công dân, một phụ huynh, bác sĩ, đến cô giáo tiểu học, cô giáo mầm non, cán bộ quản lý giáo dục mầm non, các nhà nghiên cứu giáo dục. Đó là những thể hiện đích thực của tinh thần dân chủ trong giáo dục, người sử dụng chuẩn được góp ý cho CPT trên các diễn đàn tự do, việc giáo dục trẻ em đang được toàn xã hội quan tâm đặc biệt.

NHỮNG VẤN ĐỀ "BỘC LỘ" QUA CÁC Ý KIẾN ĐÓNG GÓP
Hai tuần qua nhiều luồng dư luận đã tự làm rõ nhau về nhiều vấn đề của CPT trẻ 5 tuổi.

Trước tiên là vai trò và mục tiêu của CPT trẻ 5 tuổi là gì, có cần thiết phải có "CPT" trẻ không. Tiếp theo là những vấn đề rối rắm khác, như: bao nhiêu chỉ số là vừa, có cần phải cân đối số lượng chỉ số ở mỗi lĩnh vực không, những gì cần "đo" ở trẻ, tại sao trong bản "Dự thảo CPT trẻ 5 tuổi" chúng ta không tìm thấy sự thuyết minh về các cơ sở khoa học, nhiều con số "phấn đấu đạt" trong dự thảo CPT trẻ 5 tuổi là quá dễ cũng như có những chỉ số khác là quá khó đối với khả năng của trẻ 5 tuổi, một "chuẩn " quá chi tiết như vậy ra đời có làm cho việc giáo dục cả thế hệ trẻ em trở thành một "công nghệ đúc khuôn" không, người lớn sẽ khủng hoảng vì từ nay trẻ em 5 tuổi sẽ bị "lập hồ sơ" và bị cô giáo "dán nhãn", rồi sẽ ra đời các "lò luyện chuẩn" ngay ở bậc học mầm non, tại sao chúng ta không sử dụng test IQ sẵn có, tại sao không làm CPT một cách khoa học và đúng kỹ thuật...Và hơn tất cả là nhiều người góp ý đã thể hiện thái độ "sốt ruột", "không thể chịu đựng" hay "thật đáng thất vọng" đối với bản Dự thảo CPT trẻ 5 tuổi .

Như vậy, có thể thấy sự "bộc lộ" của các vấn đề sau đây:
-Sự đóng góp ý kiến là rất chân thành và đầy tính trách nhiệm vì người đóng góp đọc kỹ cả 125 chỉ số, có đề ra các cảnh báo mà nền giáo dục nước ta từng vấp phải (như nặng về dán nhãn trẻ qua các thông số, "dạy trước", "rèn ráo riết" thay vì chăm bón- vun trồng nhân cách cho trẻ, bệnh thi đua- vì thành tích)
-"Làn sóng phản ứng" là có thật. Nguyên nhân là do đã thiếu bước chuẩn bị cho công chúng có tâm thế và vốn tri thức căn bản để đón nhận sự ra đời của bản Dự thảo CPT trẻ 5 tuổi
-Còn quá nhiều cách hiểu khác nhau về một CPT nói chung, CPT trẻ em nói riêng, ngay cả trong giới chuyên môn, thậm chí ở trình độ chuyên môn cao (các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý giáo dục mầm non ở trình độ Thạc Sỹ hay Tiến Sĩ)
-Chưa đạt được sự "đồng thuận" về CPT trẻ 5 tuổi theo bản Dự thảo này
-Bước góp ý cho Bản Dự thảo CPT trẻ 5 tuổi đang diễn ra, cho đến hôm nay tạm lắng dịu nhưng nhân dân cần có những câu trả lời thuyết phục cho những chỗ cần được bảo vệ của Dự thảo CPT trẻ 5 tuổi, cần có bước điều chỉnh ở những chỗ chưa đúng.
-Sự lắng nghe và tạo điều kiện cho nhân dân phát biểu của các nhóm chức năng xây dựng Dự thảo CPT trẻ 5 tuổi là đáng được ghi nhận và trân trọng, đã đảm bảo được nguyên tắc căn bản của bước "Mời đóng góp cho Bản Dự thảo CPT trẻ 5 tuổi"

CẦN MỘT "LÀN SÓNG BẢO VỆ TÍNH XÁC THỰC VÀ TÍNH HỢP LÝ" CHO MỘT CÔNG TRÌNH KHOA HỌC
Lịch sử phát triển khoa học đã chứng minh được rằng sự phát triển khoa học là sản phẩm của sự xác minh khoa học nghiêm túc và công khai. Chúng ta, đang đến lúc, cần một "làn sóng bảo vệ tính xác thực và tính hợp lý" cho công trình khoa học này.

Sự mạnh dạn "vào cuộc" sâu hơn nữa của các nhà chuyên môn, đặc biệt là các chuyên gia giáo dục mầm non là vô cùng cần thiết ở thời điểm này, trên tính thần trách nhiệm và cống hiến chất xám phần mình cho tương lai của khoa học nghiên cứu sự phát triển trẻ em Việt Nam.
Riêng phần mình, chúng tôi xin được đóng góp qua những bài viết tiếp theo.

BÀI VIẾT THỨ HAI: VIỆC ĐÁNH GIÁ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ 5 TUỔI LÀ RẤT QUAN TRỌNG VÀ ĐÒI HỎI KỸ THUẬT CAO

Khi tìm hiểu vai trò và mục tiêu căn bản của việc xây dựng Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi, chúng ta hiểu rằng Bộ chuẩn làm một cơ sở khoa học cho việc xây dựng- điều chỉnh- đánh giá chương trình giáo dục mầm non ở tầm quốc gia hay ở mỗi giáo viên mầm non; hay đánh giá hiệu quả giáo dục trẻ 5 tuổi sau một chặng đường, đặc biệt là mức sẵn sàng học đường ở trẻ; ngoài ra còn làm cơ sở khoa học cho việc biên soạn các tài liệu đào tạo- bồi dưỡng giáo viên mầm non.

Tựu trung vẫn là làm công việc đánh giá sự phát triển của trẻ 5 tuổi.

Nhờ sự đánh giá nầy mà các nhà giáo dục có thể có cái nhìn tổng diện tương đối chính xác về các khả năng của trẻ trong quá trình giáo dục, chủ yếu nhìn ra được mặt mạnh lẫn mặt còn yếu của trẻ trong từng lĩnh vực phát triển (ngày nay giáo dục mầm non đặc biệt có xu hướng phân chia thành các lĩnh vực chính như: thể chất, tình cảm/xã hội, ngôn ngữ/giao tiếp và nhận thức/sẵn sàng học đường), phát hiện nhu cầu lĩnh hội hay nhu cầu tập luyện của trẻ trong giai đoạn, thấy được tính cách của trẻ.
Ngoài ra các kết quả đánh giá trẻ còn giúp người xây dựng chương trình giáo dục trẻ tránh được kiểu đưa ra các yêu cầu quá dễ hay quá khó đối với trẻ.

Dựa trên các tiêu chí của mỗi lĩnh vực phát triển người ta đề ra các nội dung đánh giá chi tiết hơn nữa. Rất nhiều trường hợp người "làm Bộ chuẩn" vạch ra được các bước của một lĩnh vực- khi đó người ta xếp thành hệ thống các nội dung chi tiết cần đánh giá. Việc chọn đưa vào Bộ chuẩn những nội dung nào (những chuẩn nào, chỉ số nào) là phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như : nền văn hóa, cấu tạo địa lý, nhu cầu giáo dục của xã hội trong giai đoạn, dựa vào trình độ phát triển của trẻ trong độ tuổi đó cho tới thời điểm "làm Bộ chuẩn", cũng như có dựa vào trào lưu phát triển giáo dục của các nước trong khu vực, khả năng hội nhập với giáo dục thế giới trong tương lai gần...Một điểm khác, mà các nước có vấn đề eo hẹp trong đầu tư tài chính cho giáo dục thì còn phải cân nhắc về số lượng chỉ số trong Bộ chuẩn để dự án "làm bộ chuẩn" được khả thi. Như vậy, số lượng các chỉ số là nhiều hay ít là tùy nhu cầu và tài chính dành cho giáo dục.

Có những Bộ chuẩn được xây dựng theo hướng đo lường- định lượng, cũng có những Bộ chuẩn được xây dựng theo hướng đo kết hợp cả định lượng lẫn định tính. Tức là không bắt buộc phải soạn ra tất cả các chỉ số đo lường được theo con đường định lượng (đặc biệt là trong các Bộ chuẩn phát triển dành cho trẻ trước tuổi học Tiểu Học). Việc chọn nội dung chi tiết nào để đưa vào Bộ chuẩn đều được tiến hành một cách có kỹ thuật, có thể diễn đạt ngắn gọn là: nếu là Bộ chuẩn đòi hỏi có kết hợp đo định lượng lẫn định tính thì có thể chọn những chỉ số đã đo thử nghiệm trên trẻ mà cho kết quả khoảng 50- 60% "trẻ làm được", có độ phân tán rộng- nằm trong khoảng 20 - 80% của "hình chuông". Như vậy, sẽ đương nhiên có trẻ làm được chỉ số A nào đó trong Bộ chuẩn, cũng có những trẻ 5 tuổi chưa thể làm được chỉ số A đó. Nhờ vậy người giáo viên mới tìm ra được nhu cầu giáo dục cho lớp mình, xây dựng hay điều chỉnh chương trình giáo dục của lớp, soạn ra chương trình tác động đặc biệt lên một số trẻ trong lớp (nếu trẻ rất giỏi ở chỉ số A thì cần chuyển sang tập nội dung của chỉ số khác, hoặc được phát triển thử lên mức cao hơn của tiêu chí có liên quan tới chỉ số A; nếu trẻ không đạt chỉ số A thì sẽ được học từng bước để đạt chỉ số A). Chính đây là giá trị khoa học lớn nhất và cụ thể nhất của Bộ chuẩn phát triển. Ngoài ra, chính kỹ thuật dựng "hình chuông" về độ phân tán cho phép nhóm tác giả loại những chỉ số đã đi đo thử trên nhóm trẻ nghiên cứu (một số lượng lớn trẻ em tham gia thử nghiệm, và là đại diện cho các nhóm như: miền núi, thành thị, nông thôn hay theo giới tính, miền Nam- Trung- Bắc...) mà không thuộc khoảng 20- 80% nầy.

Khi "làm Bộ chuẩn", đặc biệt là khi đó là một Dự án có tài trợ bởi yếu tố nước ngoài thì sự giám sát kỹ thuật sẽ rất chặt chẽ, từ khâu "tuyên bố tầm nhìn và tuyên bố sứ mệnh, mục tiêu xây dựng Bộ chuẩn phát triển" cho tới các khâu tổ chức chọn nhóm tác giả từ các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực cần nghiên cứu, nhóm tác giả Bộ chuẩn đều phải qua các đợt tập huấn kỹ thuật xây dựng Bộ chuẩn, được cung cấp tài liệu về các Bộ chuẩn của những quốc gia tiên tiến và trong khu vực để rút ngắn các khoảng cách, tiến hành hoạt động xây dựng Bộ chuẩn theo đúng lộ trình của quốc tế....

Tuổi thọ của một bộ chuẩn phát triển đã xây dựng xong sẽ phu thuộc vào hiệu quả của việc biên soạn và thực hiện chương trình giáo dục tiếp theo nó. Khi kết quả nghiên cứu thăm dò cho thấy phần lớn trẻ đạt được phần lớn các chỉ số trong bộ chuẩn phát triển (có con số % cụ thể, theo kỹ thuật tính toán) thì sẽ ra đời một Bộ chuẩn mới.
Theo các thông tin chính thức và đáng tin cậy thì Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi của nước ta đã được "thai nghén" và ra đời như thế!

Hiện nay chúng ta đang ở bước góp ý cho Dự thảo Bộ chuẩn nầy. Đây là một khâu bắt buộc trong qui trình kỹ thuật, như ở mọi nước khác. Sau bước nầy sẽ là các bước tiếp theo: chỉnh sửa hoàn thiện, định hướng cải thiện hoạt động của giáo viên mầm non dạy trẻ 5 tuổi, xây dựng tài liệu hướng dẫn giáo viên mầm non. Từ hoạt động thực tế của giáo viên mầm non sẽ là những hướng dẫn đối với phụ huynh để cùng phối hợp giáo dục trẻ.

Chúng ta sẽ còn nhiều việc để tham gia cùng hoàn thiện đứa con khoa học đáng được cưng yêu nầy.

BÀI VIẾT THỨ BA: SƠ NÉT VỀ ĐÁNH GIÁ TRẺ EM

Bài viết này nhằm hỗ trợ phần nào cho cuộc góp ý kiến cho Dự thảo bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi của nhiều rộng rãi công dân, có thể ngoài giới chuyên môn.

ĐÁNH GIÁ TRẺ- CÓ TỐT KHÔNG?
Từ rất lâu trong lịch sử tâm lý học chúng ta đã có những cuộc bút chiến về hai quan điểm- đánh giá để so giữa trẻ này với trẻ khác, đánh giá để xác định một đứa trẻ có những bước tiến bộ nào so với chính em lúc trước đây. Thực tế cho thấy việc đánh giá để so ngang hay để so dọc đều có giá trị lớn trong nghiên cứu khoa học. Nhiều công trình nghiên cứu tầm cỡ đã kết hợp cả hai kiểu so sánh này.

Hầu như các bậc phụ huynh ở khắp nơi trên thế giới đều không ủng hộ một nền giáo dục chủ yếu đánh giá trẻ chỉ dựa trên các con số, càng phản ứng gay gắt đối với các mục tiêu đánh giá để xếp loại, xếp hạng và "dán nhãn" đứa trẻ.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu thường xếp loại sau khi đánh giá.
Vậy thì giữa nhà nghiên cứu và phụ huynh sẽ phải xung đột nhau chăng?

Không hẳn như thế. "Tội lỗi" không ở chỗ xếp loại mà ở chỗ dùng cách xếp loại đó vào việc gì. Ví như ngày trước Test IQ bị phê phán rất nhiều vì đã từng bị sử dụng để "phân cấp" người theo trình độ trí tuệ của họ, còn ngày nay nhiều nền giáo dục ủng hộ Test IQ để xác định chỉ số thông minh trong giai đoạn nhất định của người và không tạo ra sự phân biệt nào trong đối xử xã hội ngoài những mục tiêu phân loại họ để soạn ra các chương trình hỗ trợ học tốt hơn (như trong lĩnh vực giáo dục trẻ khuyết tật chẳng hạn)

KHÔNG CÓ TRẺ EM NÀO LÀ GIỐNG NHAU. TẠI SAO CẦN ĐÁNH GIÁ?
Ví như bước vào giảng đường, người giảng viên vẫn biết rằng mỗi sinh viên của mình rất khác nhau về mọi mặt, nhưng giảng viên vẫn phải tìm cách thăm dò đánh giá chung cho lớp để chọn ra các cách tác động sư phạm thích hợp chung, một số tác động cá biệt lên người học khi có cơ hội. Khi bước ra khỏi giảng đường mỗi ngày, người giảng viên cũng phải có cái tổng kết về hiệu quả dạy học của mình, dẫu vẫn ý thức rằng mỗi sinh viên tiếp thu khác nhau.

Không chỉ có thể nhưng cũng tương tự thế, nhìn chung thì việc tổ chức giáo dục cần có đánh giá người học là vậy.

TÂM LÝ CỦA PHỤ HUYNH VỀ SỰ ĐÁNH GIÁ TRẺ EM
Một số không nhỏ phụ huynh thỉnh thoảng "khoe" với cô giáo rằng họ đã tự đưa con em đi thử test trí tuệ (thường là test- IQ) ở các trung tâm tư vấn tâm lý của thành phố, rất nhiều trong bậc phụ huynh trong số này "không phải đi vì thấy con có vấn đề", mà vì "để cho biết IQ của cháu"...
Một số ít phụ huynh từng ngẫu nhiên bắt gặp "người ta" đánh giá con mình trong một phòng đặc biệt ở trường mầm non. Có một nhóm giảng viên thuộc khoa giáo dục mầm non đang làm đề tài nghiên cứu trẻ chẳng hạn, họ đến lớp xin mời ngẫu nhiên hay theo lựa chọn một số trẻ em và đưa lên phòng riêng để "làm gì đó". Nếu phụ huynh vô tình đến đón con sớm và "bắt gặp" như thế thì tâm trạng của phụ huynh sẽ ra sao? Một số phụ huynh có quan điểm riêng có thể từ chối và muốn dắt con về. Nhưng thường thì ít ai phản đối, phần lớn các phụ huynh sẽ tò mò và rất muốn biết con em mình "có làm bài" được không, "làm được ở mức độ giỏi không?", một số phụ huynh khác lại tự hào: "Cả lớp chỉ có vài bé được đưa đi làm bài như con tôi thôi!". Đó chính là một kiểu "đánh giá" sự phát triển của trẻ, và người nghiên cứu đã lập sẵn một bản nội dung đánh giá. Phụ huynh thường không phản ứng gay gắt trong những trường hợp như vậy, là vì biết rằng "không ai ghi vào hồ sơ con mình cả", tức là "không hại gì!".

Và vừa qua, sau ngày Dự thảo bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi được phổ biến rộng rãi thì nhiều phụ huynh băn khoăn, thậm chí có phản ứng gay gắt, phần lớn vì chưa đồng thuận với nội dung của nhiều chỉ số trong Bộ chuẩn phát triển và e ngại xuất hiện xu hướng "đánh giá để xếp loại trẻ em", "nguy cơ sẽ dán nhãn trẻ em".

CẦN CÓ BỘ CHUẨN PHÁT TRIỂN TRẺ EM CỦA VIỆT NAM!
Một phụ huynh có con em học ở Đức đã đưa lên mạng thông tin về nội dung các yêu cầu (không hoàn toàn bắt buộc) mà phụ huynh có con em 5 tuổi cần biết để hỗ trợ giáo dục trẻ. Thực ra, đó không phải là Bộ chuẩn phát triển trẻ của nước Đức, mà là "con đẻ" của Bộ chuẩn phát triển, do chính trường mầm non hoặc giáo viên tại lớp soạn ra từ kết quả thực tế trong công việc giáo dục trẻ (về phần mình, chương trình giáo dục mầm non dựa vào Bộ chuẩn phát triển trẻ). Đây là một minh chứng rất thuyết phục cho "qui trình lập và sử dụng Bộ chuẩn phát triển".

Năm trước có một phụ nữ gần 30 tuổi, thất nghiệp và ly hôn, đến Khoa Giáo dục mầm non trường Đại Học Sài Gòn xin gặp giảng viên tâm lý (dù không quen biết) và nhờ giải thích "Con tôi 4 tuổi, cháu có bị chậm phát triển trí tuệ như cô giáo mầm non của cháu nói với tôi không? Hay là cháu chỉ nhút nhát, thiếu tự tin?". Theo người mẹ trẻ này thì cô giáo chỉ dẫn ra được cơ sở đánh giá của mình là "Cháu ít nói quá, rất ít khi giơ tay trả lời trong các giờ học, khi nói thì lúng búng mãi chẳng thành câu"...Người mẹ xin được giúp kiểm tra tâm lý miễn phí cho con của mình vì không đủ tiền đi Trung tâm tư vấn tâm lý.

Nhiều lần các Cán bộ quản lý giáo dục mầm non cấp quận (thuộc Tp HCM) gọi điện hỏi chúng tôi: "Cô có tài liệu nào liệt kê Các kỹ năng sống cụ thể cần dạy cho trẻ không? Trong chương trình chăm sóc- giáo dục trẻ có liệt kê nhưng chưa cụ thể"...

NỘI DUNG ĐÁNH GIÁ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ EM
Để hỗ trợ cho việc góp ý Dự thảo bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi vừa được phổ biến rộng rãi ở nước ta, chúng tôi xin được góp phần giới thiệu một số nét về nội dung đánh giá sự phát triển của trẻ em.

• Nội dung đánh giá gồm mấy lĩnh vực?
Ở mỗi nền giáo dục có thể khác nhau, vì số lĩnh vực không bắt buộc phải là mấy, nó phụ thuộc vào nhiềuu yếu tố- đặc biệt là phụ thuộc vào chiến lược giáo dục nói chung của nước đó. Thí dụ nước ta đề ra 4 lĩnh vực đánh giá trong Dự thảo bộ chuẩn phát trine trẻ 5 tuổ; còn của Singapore lại là 6 lĩnh vực (Biểu lộ thẩm mỹ và sáng tạo; Nhận thức về môi trường; Ngôn ngữ và chữ viết; Phát triển kỹ năng vận động; Số học; Nhận thức về bản thân và xã hội)
Ở đây, có thể thấy ra các vấn đề như: "nhận thức thế giới xung quanh" được tách ra khỏi mảng "nhận thức về bản thân và xã hội". Phân tích chương trình giáo dục mầm non này sẽ dễ thấy thực chất thì "nhận thức về bản thân và xã hội" bao hàm cả "nhận thức ở trình độ sơ đẳng về bản thân và xã hội" cùng với "có tiền đề cho tình cảm cá nhân/ xã hội". Tại sao lại thế? Vì có một đặc thù của tâm lý trẻ là "biết và hiểu rồi mới rung động, rung động rồi mới gắn bó". Do vậy, không phải là lỗi ở nhà nghiên cứu bị nhầm lẫn về mặt lý thuyết !.Và chúng ta sẽ không băn khoăn nhiều khi phát hiện "hình như chưa rạch ròi giữa nhận thức và thái độ/ tình cảm" .

• Có bắt buộc phải cân đối số lượng các chỉ số giữa các lĩnh vực phát triển trong Bộ chuẩn không?
Tìm thấy rắng không bắt buộc sự cân đối số lượng các chỉ số giữa các lĩnh vực phát triển trong nhiều Bộ chuẩn phát triển trẻ. Một nguyên nhân là vì trong đánh giá trẻ mầm non thì thường sử dụng Bộ chuẩn đòi hỏi kết hợp giữa kỹ thuật đánh giá bằng định lượng lẫn bắng định tính.

ĐÚC KẾT
- Dù tâm lý của phụ huynh là rất khác nhau về việc đánh giá trẻ, nhưng nhu cầu về một Bộ chuẩn phát triển trẻ ở các độ tuổi vẫn là khách quan. Không có mục tiêu dùng Bộ chuẩn phát triển để xếp hạng trẻ, trẻ không bị mang đi so sánh với nhau.

-Trước khi Bản Dự thảo bộ chuẩn ra đời ở nước ta vẫn thường có sự đánh giá trẻ, nhưng với các chuẩn và chỉ số của nước ngoài, chưa thích hợp với trẻ em nước tạp.

- Không phải phụ huynh sẽ được sử dụng Bộ chuẩn phát triển, mà chính là các nhà chuyên môn. Rồi chính các nhà chuyên môn có trình độ cao sẽ hướng dẫn cán bộ quản lý giáo dục cấp trường và giáo viên mầm non cách sử dụng Bộ chuẩn theo đúng các mục tiêu của Bộ chuẩn này.

Chính cán bộ quản lý giáo dục mầm non và các giáo viên mầm non sẽ đề ra những yêu cầu cụ thể với phụ huynh để có thể phối hợp giáo dục trẻ hiệu quả; những yêu cầu này có được định hướng bởi các nhà chuyên môn có trình độ cao, cũng như phải thích hợp với kế hoạch giáo dục trẻ tại lớp.

- Cung cách "giáo dục trẻ và đánh giá giáo dục theo Bộ chuẩn phát triển" còn là mới lạ ở nước ta, ngay cả đối với nhà chuyên môn, nên rất cần lắng nghe các ý kiến cảnh báo của các giới

- (Vì vậy) chúng ta cần đưa ra những cảnh báo với việc đánh giá trẻ, đưa ra những góp ý nhằm hoàn thiện nội dung Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi vừa mới ra đời, nhưng đừng từ chối sự ra đời của một Bộ chuẩn phát triển trẻ

(TS. Nguyễn Thị Hồng Phượng
Giảng viên khoa giáo dục mầm non, trường Đại Học Sài Gòn)

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi
Ngày gửi: 2/28/2009 6:00:40 PM

Với bản thân tôi nếu nói bộ chuẩn chỉ mang tính chất để tham khảo, để tuyên truyền chăm sóc nuôi dạy trẻ đến tất cả phụ huynh, giáo viên tiểu học và mầm non, thì có thể chấp nhận được, còn đem áp dụng vào môi trường giáo dục tại các lớp mầm non, thì cũng nên xem xét lại. Vì hiện giáo viên mầm non chúng tôi còn phải làm hồ sơ khảo sát trẻ, chụp hình trẻ hoạt động, ghi lại những hoạt trong ngày, dán lại thành mộ album, rồi chấm biểu đồ tăng trưởng cho trẻ hàng tháng. Bây giờ nếu có thêm cái chuẩn mà áp dụng vào đối với trẻ, thì giáo viên chúng tôi cảm thấy cực cho cô mà khổ cho cháu, nếu hỏi tôi vào lớp điều tôi quan tâm đầu tiên là gì? Tôi xin trả lời, đó là đảm bảo an toàn tánh mạng cho trẻ, chăm sóc trẻ thiết thực.


Graphic
Lo ngại
Ngày gửi: 3/1/2009 1:10:58 PM


Tôi không phản đối dự thảo "chuẩn 5 tuổi" nhưng rất lo ngại về việc cấp trên sẽ căn cứ vào số lượng học sinh đạt chuẩn và trên chuẩn trong lớp để đánh giá kết quả chăm sóc dạy dỗ của giáo viên.
Xã hội, nhà trường, con người...đã đạt chuẩn hay chưa để giáo viên chúng tôi có thể có học sinh đạt chuẩn?




guest

Nỗi lòng của một giáo viên mầm non.
Ngày gửi: 3/3/2009 11:48:45 AM

Đúng thế thưa quý vị, như bài viết trên đã phản hồi, các nhà lãnh đạo có biết được chúng tôi phải cực khổ như thế nào không, các vị bây giờ đừng có ở không mà ban hanh ra đủ thứ mọi vấn đề rồi bắt cô trò chúng tôi áp dụng chúng. Các vị hãy thử xuống lớp và đứng lớp giảng dạy các bạn nhỏ khoảng 1 tháng thôi là các bạn sẽ biết được công việc của chúng tôi là như thế nào, hàng ngày biết bao nhiêu sổ sách phải làm, phiếu quan sát đánh giá, hồ sơ cá nhân trẻ, phiếu bé ngoan, sổ chủ nhiệm, bài tập trong vở, rồi chăm sóc trẻ giờ ăn giờ ngủ....có bao nhiêu đó thôi mà vẫn chưa đủ thời gian. Thậm chí tối về còn không được nghỉ ngơi cùng gia đình mà còn phải làm việc, đón đoàn, đón sở ....ui chà bao nhiêu là việc. Thế mà giờ lại còn ban hành ra chuẩn này chuẩn nọ, rồi chương trình mầm non mới, các vị lãnh đạo bây giờ ở không quá. Biết là các vị muốn tạo dựng một nền tảng vững chắc từ thế hệ mầm non, nhưng các vị ơi các vị hãy thương cho chúng tôi với, lương thì ít vậy mà hở một chút là lên án giáo viên mầm non chúng tôi .


guest
Ban hành chuẩn trẻ Mầm Non
Ngày gửi: 3/3/2009 11:53:59 AM


Chính vì các vị cứ ban hành ra chuẩn này, chuẩn nọ nên số lượng giáo viên Mầm Non cảm thấy chán ngán với công việc của mình ngày càng tăng lên và tình trạng thiếu giáo viên cũng một phần nguyên nhân là vì thế.



guest

Chuẩn cho trẻ 5 tuổi
Ngày gửi: 3/5/2009 5:03:53 PM

Tôi thấy ra chuẩn thì giáo viên vẫn cứ phải thực hiện, phải theo dõi và đánh giá trẻ. Nhưng trong hoàn cảnh giáo viên Mầm Non đã quá nhiều công việc, quá nhiều sổ sách giấy tờ rồi nay lại thêm việc nữa thì thử hỏi giáo viên có làm tốt được hay không hay cũng chỉ là nhận xét qua loa cho xong.


guest
Chuẩn có thế áp dụng linh hoạt cho từng vùng, miền khác nhau.
Ngày gửi: 3/5/2009 5:06:01 PM


Theo tôi, mỗi vùng, miền trẻ có thể đạt đến các mức độ chuẩn khác nhau, chúng ta không nên áp dụng một cách cứng nhắc mà phải linh hoạt theo từng nơi. Chuẩn chỉ có tính chất tham khảo chứ không nên lấy đây là tiêu chí để đánh giá và buộc trẻ phải đạt được.



guest

Bao giờ mới hết nỗi lo
Ngày gửi: 3/13/2009 10:03:06 PM

Các vị lãnh đạo ơi sao cứ nay lại nghĩ ra cách này, mai lại nghĩ ra cách khác vậy, nay thì đổi mới mai thì chương trình mới đên bây giờ lại chuẩn, các vị lãnh đạo đã nghiên cứu và có giáo trình để dậy chương trình chuẩn chưa mà đòi giáo viên chúng tôi dậy chuẩn. Xin các vị lãnh đạo hãy suy xét cho kỹ.


guest
Hãy cùng chung tay để xây dựng đội ngũ giáo viên năng động
Ngày gửi: 3/18/2009 8:59:23 PM


Tôi hiện vẫn đang là sinh viên năm thứ I của trường ĐH Sài Gòn khoa Mầm Non, tôi rất thông cảm với nỗi vất vả, lo toan của các cô đứng lớp phải thường xuyên chạy sô và thích ứng với nhiều sự thay đổi hẳn sẽ không còn thời gian để dành cho chính mình và gia đình. Mặc dù vậy, những người đã, đang và sẽ chọn nghề này thì nên ở trong tâm thế đón nhận sẵng sàng vì không phải tôi và các bạn đều muốn giáo dục các em trở nên tốt hơn sao, nhất là ở lứa tuổi sắp bước vào lớp 1 – 5 như các em đang cần đến vai trò của một GVMN phải thường xuyên thay đổi để tìm ra phương pháp học tốt nhất cho các em đó sao? Vậy, thiết nghĩ mỗi chúng ta hãy cùng nhìn lại bảng dự thảo về phát triển này xem để cùng nhau xây dựng và ngày càng hoàn thiện tay nghề vững vàng hơn và hãy tạm thời lắng lại những nỗi nhọc nhằn trên đôi vai của mọi người nhé!


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Trao đổi về Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi (27/2)
 'Khát' giáo viên mầm non (27/2)
 Hơn 4.000 nhóm lớp trẻ mầm non không phép (26/2)
 Giáo dục mầm non Hà Nội: Quá tải học sinh, thiếu giáo viên và trường lớp (25/2)
 Vụ GDMN về thẩm định trường MN của Bộ GD&ĐT. (24/2)
 Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi: Định hướng sự phát triển của trẻ (23/2)
 Trường mầm non nhận trẻ từ 8 giờ: Không khả thi (20/2)
 Hà Nội: Trẻ mầm non phải biết lịch sử địa phương (19/2)
 Dạy trẻ mầm non học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (18/2)
 Dự thảo giáo dục trẻ 5-6 tuổi: 'Chuẩn' có hợp chương trình? (16/2)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i